Quy trình sản xuất giống tôm sú theo công nghệ Biofloc

Thứ năm - 20/07/2023 22:18 355 0
Quy trình sản xuất giống tôm sú theo công nghệ Biofloc

Áp dụng công nghệ Biofloc vào sản xuất giống tôm sú được xem là giải pháp để phát triển bền vững giúp tôm giống sinh trưởng tốt, khỏe mạnh và hạn chế xuất hiện các loại bệnh nguy hiểm. Tuy nhiên, quá trình thực hiện đòi hỏi người nuôi phải nắm vững kỹ thuật, áp dụng các biện pháp đồng bộ vào sản xuất để mang lại hiệu quả tốt nhất.

Chuẩn bị bể ương

Sử dụng bể xi măng hoặc composite hình tròn hoặc hình vuông màu xám, có thể tích 4 – 8 m3/bể. Trước và sau mỗi đợt sản xuất, cần phải vệ sinh trại, các dụng cụ và bể ương tôm thật cẩn thận. Các hóa chất thường dùng để rửa bể và dụng cụ như xà phòng, Iodine hay Chlorine 200 ppm. Sau khi xử lý bằng hóa chất xong nên rửa lại bằng nước ngọt thật cẩn thận trước khi sử dụng.

Các chỉ tiêu môi trường nước thích hợp cho ương ấu trùng tôm sú nhiệt độ 28 – 320C; độ mặn từ 28 – 32‰, pH 7,7 – 8,5; DO >5 ppm; độ kiềm 120 – 160 mg CaCO3/lít, TAN <0,1 ppm, NO2- <0,1 ppm.

Xử lý nước bằng Chlorine với nồng độ 50 g/m3, sục khí thật mạnh từ 2 – 3 ngày ở nơi có ánh sáng để loại bỏ Chlorine. Cấp nước đã được xử lý kỹ vào bể, bơm đầy 2/3 bể. Nên đậy bể bằng tấm bạt đen, sục khí nhẹ, đều trong bể.

Trước khi sử dụng, kiểm tra nồng độ Chlorine còn lại trong nước bằng test Chlorine. Nếu nước hết Chlorine thì bơm nước qua thiết bị lọc cơ học 0,1 µm trước khi sử dụng.

Thả ấu trùng   

Ấu trùng Naupllii của tôm sú có chất lượng tốt, khỏe mạnh được thuần với nguồn nước ở trại khoảng 3 – 5 giờ để ấu trùng tôm thích nghi với nguồn nước mới. Sau đó, tắm ấu trùng bằng formol 200 ppm trong 30 giây, rồi định lượng ấu trùng tôm bố trí vào bể ương. Mật độ ương từ 150 – 200 Nauplius/l.

Chăm sóc, cho ăn

Hằng ngày theo dõi tình trạng hoạt động của ấu trùng và cho ấu trùng và hậu ấu trùng tôm ăn, ở giai đoạn Zoea 1 tảo tươi Thalasiosira sp hoặc Chaetoceros sp được bổ sung vào bể ương, mỗi ngày cho ăn 8 lần, cách 3 giờ cho ăn một lần. Ở giai đoạn Zoea 2 và Zoea 3, ấu trùng tôm được cho ăn tảo tươi 4 lần/ngày và thức ăn nhân tạo 4 lần/ngày. Giai đoạn ấu trùng Mysis được cho ăn thức ăn nhân tạo 4 lần/ngày và Artemia bung dù 4 lần/ngày. Từ giai đoạn PL1 – PL15 được cho ăn thức ăn nhân tạo 4 lần/ngày và ấu trùng Artemia mới nở 4 lần/ngày. Lượng thức ăn cho tôm ở mỗi giai đoạn dựa theo quan sát hàng ngày để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp. Trong quá trình ương, chỉ xiphong ở giai đoạn cuối Zoea 3, từ giai đoạn Mysis đến cuối thí nghiệm không xiphong và chỉ cấp thêm nước do hao hụt.

Cách tạo Biofloc

Biofloc có hai vai trò quan trọng là xử lý chất thải hữu cơ và là nguồn dinh dưỡng tốt cho tôm sử dụng.

+ Trao đổi nước ít giúp cho sự phát triển và hoạt động của Biofloc tốt hơn để tăng cường xử lý chất thải hữu cơ và các chất dinh dưỡng nhờ vào hoạt động của các vi sinh vật dị dưỡng.

+ Chất lượng dinh dưỡng trong các hạt floc rất tốt cho tôm do trong các hạt floc có thành phần protein cao nhờ khả năng chuyển hóa chất dinh dưỡng từ nguồn chất thải của tôm.

Cách tạo biofloc: Sử dụng nguồn cacbohydrate từ đường cát hoặc mật đường được pha trong nước ấm 600C, với tỷ lệ 1:3 (1 đường cát: 3 nước theo khối lượng), khuấy đều + vi sinh, và ủ từ 24 – 48 giờ trước khi cho vào bể ương tôm. Lượng cacbohydrate được bổ sung dựa theo lượng thức ăn nhân tạo cho tôm ăn hằng ngày để bổ sung lượng đường cát hoặc mật đường với tỷ lệ C/N = 20/1, bắt đầu bổ sung đường cát hoặc mật đường từ giai đoạn Mysis-3, chu kỳ bổ sung đường cát hoặc mật đường 1 ngày/lần.

Trong suốt quá trình ương sục khí liên tục để đảm bảo hạt biofloc lơ lửng trong nước. Kiểm soát thể tích biofloc <3 ml/l nước ương. Thể tích biofloc (FV) được đo bằng cách đong 1 lít nước bể ương cho vào bình nón imhoff và để lắng khoảng 30 phút, ghi nhận thể tích lắng theo đơn vị ml/l, nếu thể tích biofloc vượt 3 ml/L nước ương thì tắt sục khí để biofloc lắng xuống đáy bể rồi siphon ra, sau đó cấp nước mới vào để bù lại lượng nước xi phông ra.

Quản lý môi trường nước ương

  Trong suốt quá trình ương tôm các chỉ tiêu môi trường nước được kiểm soát nằm trong khoảng thích hợp như:

+ Nhiệt độ nước là yếu tố quan trọng cần được quản lý tốt nhất từ 28 – 320C. Vào ban đêm, mùa lạnh hay mùa mưa nhiều, trại nên được đóng kín cửa. Bố trí các dụng cụ nâng nhiệt cho bể ương. Cần theo dõi nhiệt độ hàng ngày lúc sáng và chiều. Khi ương tôm trong mùa lạnh cần làm trại kín để giữ nhiệt, có thể dùng dụng cụ tăng nhiệt trong bể ương;

+ Độ mặn nước ương nên được duy trì 28 – 32 ‰;

+ pH trong khoảng 7,5 – 8,5;

+ Oxy nên được duy trì > 6 mg/l;

+ Thường xuyên theo dõi các yếu tố đạm 3 ngày/lần và đảm bảo NO2- <2 mg/l, NO3- <20 mg/l, NH4/NH3<1,5 mg/l;

+ Trong suốt quá trình ương không thay nước, chỉ xiphong và cấp bù nước khi thể tích floc vượt 3 ml/l.

Thu hoạch tôm giống

Sau 20 – 23 ngày ương ta có thể thu hoạch tôm giống giai đoạn PL12 – PL15, tỷ lệ sống > 60%.

Phạm Hải

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Bạn muốn biết thông tin về sản phẩm tôm giống của trung tâm?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập29
  • Hôm nay8,270
  • Tháng hiện tại151,777
  • Tổng lượt truy cập8,005,042
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây