Thường xuyên theo dõi, kiểm tra sức khỏe tôm để có biện pháp xử lý kịp thời. Ảnh: ST
Theo báo cáo của Cục Thú y, 11 tháng đầu năm 2023, diện tích nuôi tôm nước lợ bị thiệt hại là gần 21.250 ha tại 22 tỉnh, thành phố, giảm 5% so cùng kỳ năm trước; chủ yếu thiệt hại ở loại hình nuôi tôm quảng canh, quảng canh cải tiến và tôm lúa (15.155 ha, tương đương 71,32%), còn lại là thiệt hại ở loại hình nuôi thâm canh, bán thâm canh (6.095 ha), cụ thể: Thiệt hại do dịch bệnh là 5.870 ha (chiếm 27,7 % trong diện tích tôm bị thiệt hại), giảm 13,8% so cùng kỳ năm trước; chủ yếu là bệnh đốm trắng (31,3%), hoại tử gan tụy cấp tính (20,6%), hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan biểu mô (gần 2%), đỏ thân (31,3%), còn lại là do các bệnh thông thường khác. Thiệt hại nhưng không xác định được nguyên nhân là 915 ha (chiếm 4,3% trong diện tích tôm bị thiệt hại).
Thiệt hại do biến đổi môi trường, thời tiết là 14.465 ha (chiếm 68% trong diện tích tôm bị thiệt hại, chủ yếu là tôm nuôi quảng canh tại Cà Mau).
Các bệnh nguy hiểm trên tôm theo quy định của WOAH/NACA, bao gồm: Taura, Đầu vàng, DIV1, Hoại tử gan tụy – NHP, Teo gan tụy – HPD, Hoại tử cơ – IMN tiếp tục được cơ quan thú y kiểm soát tốt, không để xâm nhiễm vào trong nước. Bệnh nguy hiểm trên tôm chủ yếu vẫn là bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp tính với trên 3.053 ha (chiếm hơn 52% diện tích tôm mắc bệnh), tuy nhiên 2 bệnh này đều giảm nhiều so cùng kỳ năm trước. Bệnh Hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan biểu mô xuất hiện ở phạm vi hẹp với diện tích nhỏ khoảng gần 117 ha. Vi bào tử trùng EHP xuất hiện rải rác tại nhiều vùng nuôi tôm của cả và có nguy cơ lây lan rộng. Một số bệnh thông thường khác trên tôm vẫn xảy ra, đặc biệt là hội chứng phân trắng, đỏ thân, bệnh đường ruột…
Theo nhận định, Nguy cơ dịch bệnh tiếp tục xảy ra và lây lan trong thời gian tới là rất cao. Nguyên nhân là do thời tiết diễn biến phức tạp gây bất lợi cho tôm (chênh lệch nhiệt độ, pH, độ mặn cao…). Cùng đó, các tác nhân gây bệnh vẫn tồn tại, lưu hành tại các vùng nuôi… Do đó, để hạn chế dịch bệnh, Cục Thú y khuyến cáo các địa phương cần đẩy mạnh công tác giám sát dịch bệnh chủ động đối với các bệnh nguy hiểm trên tôm, một số bệnh thông thường nhưng gây thiệt hại lớn cho người nuôi; kết hợp với việc tổ chức xây dựng cơ sở, chuỗi sản xuất an toàn dịch bệnh; Tổ chức quan trắc và cảnh báo môi trường trước khi thả nuôi và trong toàn bộ mùa vụ, tập trung vào các vùng nuôi trọng điểm để chủ động xử lý khi dịch bệnh xảy ra hoặc khi thời tiết có diễn biến bất thường làm giảm sức đề kháng của tôm nuôi; Cần tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn người nuôi các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Đối với người nuôi, cần sử dụng con giống sạch bệnh hoặc đã được xét nghiệm âm tính với các bệnh nguy hiểm; kết hợp với áp dụng các biện pháp an toàn sinh học tại cơ sở, các tiến bộ kỹ thuật trong nuôi trồng thủy sản để kiểm soát tốt các nguy cơ làm mầm bệnh xâm nhập vào cơ sở. Thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết để có biện pháp ứng phó, tạo môi trường thuận lợi cho tôm sinh trưởng và phát triển, nâng cao sức đề kháng cho tôm đặc biệt đối với các mô hình nuôi quảng canh. Thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật trong công tác thú y thủy sản, các văn bản chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, hướng dẫn chuyên môn của Cục Thú y trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên tôm, quy định về kiểm dịch con giống, sử dụng kháng sinh có trách nhiệm, không dùng kháng sinh y tế, kháng sinh cấm, nguyên liệu kháng sinh trong quá trình nuôi. Tuân thủ mùa vụ thả nuôi và quy trình kỹ thuật theo hướng dẫn của Cục Thủy sản để phát triển ngành nuôi tôm bền vững.
Các cơ sở sản xuất tôm giống cần xây dựng kế hoạch giám sát dịch bệnh chủ động, gắn với xây dựng cơ sở, chuỗi sản xuất an toàn dịch bệnh để phục vụ trong nước và xuất khẩu.
Lê Loan
Tính đến nay, cả nước đã có 33 cơ sở an toàn dịch bệnh, trong đó có 32 cơ sở sản xuất tôm (27 cơ sở sản xuất tôm giống với số lượng đạt 38 tỷ tôm post/năm, 5 cơ sở nuôi tôm thương phẩm).
Nguồn tin: thuysanvietnam.com.vn
Ý kiến bạn đọc