Theo Cục Thống kê Đồng Nai, tình hình sản xuất thủy sản trong tháng 10/2023 tương đối thuận lợi, hoạt động nuôi trồng thủy sản từng bước được cải thiện về phương thức, công tác phòng chống dịch bệnh tốt, nhất là kiểm soát được nguồn thức ăn, con giống. Cùng đó, giá tiêu thụ sản phẩm thủy sản trên thị trường ổn định và tăng nhẹ. Tháng 10/2023, các hộ nuôi chủ động cải thiện đầu tư ao, hồ, lựa chọn những con giống phù hợp với điều kiện khí hậu vùng miền. Đồng thời, người dân đã chủ động chuyển động hình thức nuôi nhằm giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh tế đặc biệt là các loại thủy sản có giá bán ổn định và thị trường tiêu thụ tốt như tôm sú, cá chép, cá mè…
Toàn tỉnh có 14 vùng nuôi được chứng nhận VietGAP tương ứng với sản lượng gần 15,3 nghìn tấn. Ảnh: ST
Ước tính tổng sản lượng thủy sản tháng 10/2023 đạt 6.706 tấn, tăng 5,73% so cùng kỳ năm trước; lũy kế 10 tháng đầu năm 2023, sản lượng ước đạt 61.223,74 tấn, tăng 4,82% so cùng kỳ. Trong đó: Sản lượng cá ước đạt 49.877,7 tấn, tăng 4,72%; Sản lượng tôm đạt 8.625,87 tấn, tăng 5,95%; Sản lượng thủy sản khác đạt 2.720,17 tấn, tăng 3,01%. Sản lượng thủy sản tăng khá là do nhu cầu thị trường ngày một tăng, sản phẩm thủy sản được ưu chuộng, giá bán tăng cao, vì vậy, mà nhiều hộ gia đình chủ động mở rộng diện tích nuôi trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật, chăm sóc hiệu quả, từ đó hạn chế dịch bệnh phát sinh.
Hiện, nuôi trồng thủy sản là ngành thế mạnh của tỉnh. Vì vậy, ngành hàng này tập trung phát triển với định hướng hình thành những vùng chuyên canh theo hướng an toàn, nâng cao giá trị gia tăng và bền vững. Cùng đó, địa phương cũng tích cực triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ phát triển mô hình sản xuất VietGAP. Cụ thể, xây dựng các vùng nuôi trồng công nghiệp, công nghệ cao sản xuất thủy sản hàng hóa lớn và tổ chức nuôi trồng gắn với mô hình quản lý cộng đồng. Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả. Đẩy mạnh hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ thủy sản; phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác, các tổ chức đại diện của nông dân để liên kết với các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào và thu mua, sơ chế biến và xuất khẩu theo chuỗi giá trị. Đẩy mạnh nghiên cứu, cập nhật tiến bộ kỹ thuật, hoàn thiện và chuyển giao quy trình sản xuất, chế biến sản phẩm thủy sản để nâng cao chất lượng, giảm chi phí đầu vào và đảm bảo an toàn thực phẩm. Tăng cường ứng dụng các sản phẩm công nghệ sinh học, giống thủy sản mang tính trạng cải tiến như: sạch bệnh, sinh trưởng nhanh…
Đến nay, toàn tỉnh có 14 vùng nuôi được chứng nhận VietGAP tương ứng với sản lượng gần 15,3 nghìn tấn thủy sản. Các sản phẩm thủy sản được chứng nhận VietGAP rất đa dạng gồm: tôm càng xanh tại xã Trà Cổ (huyện Tân Phú), tôm thẻ chân trắng ở xã Vĩnh Thanh (huyện Nhơn Trạch); các vùng nuôi cá tra, cá lóc, cá rô đồng… tại các xã Phú Ngọc (huyện Định Quán), xã Thiện Tân (huyện Vĩnh Cửu)… Trong đó, nhiều vùng nuôi trồng thủy sản VietGAP đã hình thành được chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ. Đặc biệt, một số vùng nuôi trồng thủy sản chuyển từ thâm canh truyền thống sang cơ giới hóa và dần chuyển sang tự động hóa, hình thành các vùng nuôi chuyên canh công nghệ cao. Tiêu biểu như: Vùng nuôi tôm càng xanh tại xã Trà Cổ (huyện Tân Phú) với diện tích hàng chục ha và định hướng nhân rộng lên 200 ha đến năm 2025. Hay như huyện Nhơn Trạch là vùng nuôi thủy sản nước lợ lớn nhất tỉnh với gần 1,8 nghìn ha, trong đó có 333 ha nuôi thâm canh. Địa phương rất quan tâm đầu tư hạ tầng; hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ cao nuôi tôm thâm canh. Hiện, toàn huyện có khoảng 171 ha nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao cho lợi nhuận cao hơn nhiều lần so với mô hình nuôi ao đất truyền thống. Nhờ đó, hiệu quả sử dụng đất thủy sản cũng không ngừng tăng lên đạt mức 485 triệu đồng/ha/năm 2022.
Nguyễn Hằng
Cơ cấu ngành nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Đồng Nai tiếp tục chuyển dịch theo hướng nâng tỷ trọng sản phẩm nuôi trồng thủy sản nước ngọt và chất lượng con giống theo hướng sạch bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Nguồn tin: thuysanvietnam.com.vn
Ý kiến bạn đọc