Từ năm 2019, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 1732/QĐ-UBND về việc phê duyệt và cấp kinh phí đối ứng thực hiện dự án khoa học và công nghệ thuộc Chương trình Nông thôn miền núi ủy quyền địa phương quản lý. Dự án có tên gọi là “Ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng mô hình ương giống, nuôi thương phẩm cá hồng Mỹ (Sciaenops ocellatus) trong ao theo chuỗi giá trị, đảm bảo ATTP tại các vùng bãi ngang, ven biển tỉnh Thanh Hóa”, do Công ty CP Đầu tư và phát triển nông nghiệp Thanh Hóa tổ chức thực hiện và Phân viện Nghiên cứu NTTS Bắc Trung bộ – Viện Nghiên cứu NTTS I hỗ trợ ứng dụng công nghệ.
Mô hình nuôi cá hồng Mỹ đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Ảnh: TTKNTH
Mục tiêu nhằm tiếp thu và làm chủ quy trình kỹ thuật nuôi cá trong lồng bè, tạo chuỗi sản xuất, tiêu thụ cá có giá trị kinh tế cao, đảm bảo ATTP, góp phần khai thác hiệu quả diện tích hồ thủy lợi, nâng cao đời sống nông dân.
Năm 2021, Trung tâm Khuyến nông Thanh Hóa xây dựng mô hình nuôi cá hồng Mỹ trong ao hồ gắn với tiêu thụ sản phẩm tại xã Hoằng Phong, huyện Hoằng Hóa, Trong đó, hộ ông Trương Văn Huy là người có kinh nghiệm trong nghề trong NTTS và xét thấy gia đình có điều kiện nên ông đã quyết định đầu tư nuôi thử nghiệm. Tháng 3/2021, ông mua 4.000 con cá hồng Mỹ giống kích cỡ 10 cm/con đưa về thả nuôi trên diện tích 4.000 m2.
Trong suốt quá trình nuôi ông được cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông Thanh Hóa tư vấn, hướng dẫn. Sau 9 tháng nuôi tỷ lệ sống đàn cá hồng Mỹ đạt hơn 80%, kích cỡ 800 – 850 g/con, sản lượng thu được 2.700 kg, năng suất ước đạt 10.9 tấn/ha, giá xuất vào thời điểm cuối năm là từ 90.000 – 100.000 đồng/kg. Tổng mô hình thu được 250 triệu đồng, sau khi trừ chi phí hộ ông Huy thu 110 triệu đồng.
Cũng là người có thâm niên NTTS hơn chục năm nay, sau khi được Trung tâm Khuyến nông Thanh Hóa tư vấn, hỗ trợ con giống và kỹ thuật nuôi, anh Vũ Đình Vũ (tổ Thành Thắng, phường Quảng Cư, TP Sầm Sơn) đã cải tạo ao nuôi rộng 1,7 ha, nhập 2.000 con giống để nuôi thử nghiệm. Nhờ khai thác tốt lợi thế vùng triều và nguồn thức ăn có sẵn từ tàu khai thác hải sản ở địa phương nên anh Vũ khá thuận lợi trong việc phát triển mô hình. Năm đầu tiên nuôi thử nghiệm, anh Vũ xuất bán khoảng 2 tấn cá hồng Mỹ, đem lại thu nhập hơn 100 triệu đồng sau khi trừ chi phí.
Thành công bước đầu với mô hình nuôi cá hồng Mỹ, anh Vũ quyết định mở rộng số lượng nuôi lên 5.000 con giống kết hợp với dịch vụ ăn uống, câu cá giải trí. Năm 2023, ước tính sản lượng cá hồng Mỹ đạt 5 tấn, cho thu nhập khoảng 500 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, anh lãi khoảng 250 triệu đồng.
“Cá hồng Mỹ là loài cá có giá trị kinh tế cao và ổn định, ít rủi ro dịch bệnh. Giá bán phụ thuộc vào trọng lượng và mức độ ổn định giá cả thị trường (giá trung bình 100.000 đồng/kg). Cá hồng Mỹ chỉ nuôi khoảng 7 – 8 tháng là có thể xuất bán. Cá có thịt ngon, đậm vị, chế biến được nhiều món ăn nên thực khách rất ưa chuộng. Cá tiêu thụ tốt nhất vào mùa hè và mùa đông”, anh Vũ chia sẻ.
Theo Trung tâm Khuyến Nông Thanh Hóa, với hình thức nuôi cá hồng Mỹ thâm canh cho ăn thức ăn công nghiệp 100%, sau 10 tháng nuôi, cá đạt kích cỡ 0,9 – 1 kg/con. Với diện tích nuôi 10.000 m2, sau khi trừ chi phí thu 150 – 200 triệu đồng/ ha. So với nuôi tôm sú quảng canh cải tiến thì thu nhập gấp nhiều lần. Qua đánh giá theo dõi các mô hình, Trung tâm khẳng định cá hồng Mỹ là đối tượng nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên ở miền Bắc nói chung và Thanh Hóa nói riêng và có thể nhân rộng mô hình tại nhiều địa phương trong tỉnh.
Anh Vũ
Nguồn tin: thuysanvietnam.com.vn
Ý kiến bạn đọc