Theo số liệu thống kê của Cục Thủy sản, tính đến hết tháng 6/2024, cả nước có 7.256 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thuỷ sản; tổng sản lượng giống thuỷ sản sản xuất đạt khoảng 166 tỷ con giống chủ lực. Trong đó, sản xuất giống tôm nước lợ đối với tôm bố mẹ có 7 cơ sở sản xuất, ương nhưỡng; tổng sản lượng khoảng 11.200 con (gồm: tôm thẻ: 5.200 con; tôm sú: 6.000 con); Tôm giống thương phẩm có 2.267 cơ sở sản xuất, ương dưỡng; tổng sản lượng ước đạt 82,9 tỷ con (bao gồm: 55,4 tỷ con giống tôm thẻ; 27,5 tỷ con giống tôm sú).
Giống cá điêu hồng F1 của Tập đoàn Thăng Long
Sản xuất giống cá tra, có 1.690 cơ sở sản xuất, ương dưỡng (sản xuất: 120, ương dưỡng: 1.570); tổng sản lượng 6 tháng ước đạt 6,63 tỷ con cá bột và 0,9 tỷ con cá giống. Sản lượng sản xuất cá tra giống đạt 76% cùng kỳ năm 2023 (1,2 tỷ con). Sản xuất giống nhuyễn thể, có 835 cơ sở sản xuất, ương dưỡng; tổng sản lượng sản ước đạt 87,7 tỷ con, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm ngoái (79,5 tỷ con). Trong đó chủ yếu là: ngao 46,8 tỷ con; hàu Thái Bình Dương 30 tỷ con; các đối tượng khác 10,9 tỷ con.
Sản xuất và cung ứng giống cá biển, có 112 cơ sở sản xuất, ương dưỡng; tổng sản lượng khoảng 135 triệu con, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2023 (128,5 triệu con). Sản xuất và cung ứng giống cá rô phi/điêu hồng, có 195 cơ sở sản xuất, ương dưỡng (sản xuất: 20, ương dưỡng: 175), với sản lượng khoảng 1,47 tỷ con, tăng 4,8% so với cùng kỳ (1,4 tỷ con). Sản xuất và cung ứng giống các đối tượng bản địa, truyền thống: Có 1.316 cơ sở (sản xuất: 115, ương dưỡng: 1.201), với tổng sản lượng ước đạt 8,3 tỷ con, tương đương cùng kỳ năm 2023.
Bể trưng bày giống hải sản của Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III
Đánh giá chung của Cục Thủy sản, về tôm nước lợ, cơ bản đã cung ứng đủ nhu cầu cho nuôi trồng thủy sản trên cả nước. Tuy nhiên, công tác quản lý chất lượng tôm giống cần quan tâm hơn nữa, bởi hiện nay tôm thẻ chân trắng vẫn chủ yếu nhập ngoại, còn giống bố mẹ tôm sú phụ thuộc nhiều vào đánh bắt tự nhiên. Về cá tra, mặc dù sản lượng thấp hơn so với cùng kỳ nhưng cơ bản đã đáp ứng đủ diện tích thả nuôi (6 tháng đầu năm nay diện tích thả nuôi đạt 3.104 ha). Tuy nhiên, chất lượng giống cá tra cần được quan tâm, tiếp tục nghiên cứu để có giải pháp thay thế đàn cá bố mẹ; Sản xuất giống nhuyễn thể, cá biển, rô phi/điêu hồng và các giống cá truyền thống khác đã đáp ứng nhu cầu nuôi.
Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I, trong các đối tượng nuôi của ngành thủy sản, tôm nước lợ sẽ là chỉ tiêu khó đạt nhất. Năm nay, diện tích nuôi tôm của nhiều hộ có giảm so với năm trước, đặc biệt là nuôi tôm trên cát. Một phần do tôm nước lợ là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi thị trường. Chính vì vậy, người nuôi đã linh hoạt thay đổi phương án, cuối năm thả nuôi còn vào vụ thì lại không thả giống. Đây cũng là giải pháp phù hợp để thúc đẩy nuôi tôm nước lợ đạt được các mục tiêu như đề ra.
Mô hình nuôi biển công nghệ cao tại đảo Phất Cờ, xã Hạ Long, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh
Ông Lê Hồng Phước, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II thông tin, số lượng giống thả đầu năm ít hơn do vào mùa khô, hy vọng 6 tháng cuối năm sản lượng sẽ tăng hơn. Từ nay đến cuối năm, cần có những giải pháp liên quan đến sản lượng, quan trắc môi trường, theo dõi kịp thời để có chỉ đạo đến vùng nuôi và hướng dẫn người dân nắm được kỹ thuật phù hợp.
Về phía Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III, 6 tháng cuối năm, cũng là mùa mưa bão tại miền Trung, do đó Viện sẽ tiếp tục bám sát tình hình, giúp bà con nuôi trồng thủy sản trong khu vực có thể phòng tránh thiệt hại do thiên tai.
Thời gian qua, một số đối tượng nuôi biển ở phía Bắc hoặc miền Trung có hiện tượng kích thước đối tượng nuôi có xu hướng nhỏ dần do thoái hóa giống. Để kiểm soát tình trạng này, ông Võ Văn Nha, Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III đề xuất Cục Thủy sản cần triển khai các Trung tâm ương dưỡng, kiểm soát được nguồn gen bố mẹ để tạo ra nguồn con giống chất lượng phục vụ nuôi biển.
Để phát triển nuôi trồng thủy sản đáp ứng mục tiêu đã đề ra, trong 6 tháng cuối năm, Cục Thủy sản sẽ tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo các địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thuỷ sản thực hiện đầy đủ các quy định của Luật Thuỷ sản; Tổ chức triển khai kiểm tra, đánh giá, chứng nhận đủ điều kiện cho cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản, cơ sở sản xuất thức ăn, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường.
Bên cạnh đó, Cục cũng sẽ phối hợp cùng các cơ quan chức năng và địa phương tổ chức kiểm tra, thanh tra về sản xuất giống và thức ăn thủy sản, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm; Kiểm tra duy trì cơ sở được chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản bố mẹ, sản xuất thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản; Tập huấn nghiệp vụ kiểm tra điều kiện cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản và điều kiện cơ sở sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý nuôi trồng thủy sản.
Thùy Khánh
Nguồn tin: thuysanvietnam.com.vn
Ý kiến bạn đọc