Trong giai đoạn cải tạo ao, người nuôi cần xử lý thật kỹ nhằm loại bỏ các vật chủ trung gian mang mầm bệnh, như: tép, hến, ốc đinh…
Để hạn chế thiệt hại, người nuôi có thể áp dụng mô hình nuôi tôm lót bạt khung sắt, khung xi măng dưới hình thức ao nổi hoặc ao chìm. Nuôi với công nghệ nuôi 2 – 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn ương ban đầu từ 15 – 25 ngày để hạn chế dịch bệnh chết sớm trên tôm và thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu.
Thực hiện tốt cải tạo ao để loại bỏ vật trung gian truyền bệnh. Ảnh: Ngô Quân
Con giống cần phải qua xét nghiệm ít nhất 3 loại bệnh nguy hiểm trên tôm như: đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp, vi bào tử trùng. Với kích cỡ thả giống đối với tôm sú phải đạt tối thiểu chiều dài 12 – 15 mm và TTCT là 9 – 11 mm. Con giống trước khi thả phải thuần dưỡng cho quen dần với 4 yếu tố: pH, nhiệt độ, độ mặn, độ kiềm trong bọc giống với nước ao nuôi ít nhất 1 giờ.
Tùy vào diện tích ao nuôi, cần phân chia mật độ phù hợp để chọn mua tôm giống đúng, đủ số lượng. Bởi, trong mùa mưa hàm lượng ôxy hòa tan trong nước thấp, việc thả nuôi tôm cần tránh mật độ dày, nên thả với mật độ vừa phải. Các yếu tố môi trường dễ biến động (pH, độ kiềm, độ mặn…) nên việc thả thưa sẽ giúp người nuôi kiểm soát và quản lý ao nuôi của mình được tốt hơn.
Vào những thời điểm mưa dầm kéo dài, nhiệt độ trong nước < 27ºC nên cắt cữ tôm ăn hoặc giảm 30 – 50% lượng thức ăn. Sau khi mưa dứt thì mới bắt đầu cho tôm ăn trở lại nhưng lượng thức ăn giảm từ 30 – 50% so với bình thường do các yếu tố môi trường thay đổi đột ngột làm tôm bị sốc, giảm ăn. Nếu cho tôm ăn dư thừa sẽ làm tăng chi phí nuôi, hơn nữa làm ô nhiễm môi trường nước, dẫn đến sự nở hoa của tảo, tăng khí độc…
Bên cạnh đó, trong mùa mưa, tôm nuôi có thể bị mềm vỏ, khó lột xác do độ kiềm giảm thấp. Để khắc phục tình trạng này ngoài việc dùng Dolomite, liều lượng 10 – 20 kg/1.000 m3 xử lý từ từ cho đến khi độ kiềm đạt ngưỡng cho phép thì cần cho tôm ăn thức ăn chất lượng cao, có thể trộn vào bữa chính các loại Vitamin C, Vitamin tổng hợp và khoáng chất hàng ngày.
Tăng cường sử dụng vi sinh, men tiêu hóa để hỗ trợ đường ruột giúp tôm tiêu hóa tốt thức ăn.
Tập trung gia cố bờ bao, cống để tránh sạt lở và nước tràn bờ làm thất thoát tôm. Trong những ngày có mưa, cần tháo bỏ lớp nước mặt trong và sau khi mưa, đồng thời tăng cường quạt nước để tránh hiện tượng phân tầng nước.
Trong ao nuôi, pH luôn phải đạt từ 7,5 – 8,5. Sau khi mưa, một lượng axit trong nước mưa sẽ làm pH giảm xuống và có thể gây sốc cho tôm. Do đó, cần bón vôi bổ sung cho ao nuôi (tùy theo pH để bón). Để tránh hiện tượng phân tầng nước, người nuôi cần chú ý kết hợp quạt nước và rải vôi dọc bờ ao trước khi có dấu hiệu của những cơn mưa.
Sử dụng mái che bằng lưới lan cho ao nuôi tôm và tăng cường quạt nước để tránh phân tầng nhiệt độ, giảm sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm.
Duy trì hàm lượng ôxy hòa tan trong nước lớn hơn hoặc bằng 5 mg/lít để đảm bảo tôm tiêu hóa và chuyển hóa thức ăn tốt hơn. Tăng cường chạy quạt để cung cấp đủ lượng ôxy cho tôm trong những ngày mưa dầm.
Sau khi mưa cần bổ sung các chất tăng sức đề kháng, chế phẩm vi sinh giúp ổn định môi trường, hạn chế khí độc trong ao nuôi.
Nên chọn thả giống vào buổi sáng sớm vì mưa thường xảy ra vào buổi trưa và chiều. Khi đó, mưa rửa trôi phèn trong bờ ao sẽ tăng tính axit trong nước làm tôm chết, do tôm giống lúc mới thả còn rất yếu và chưa thích nghi với môi trường trong ao nuôi.
Thanh Hiếu
Nguồn tin: thuysanvietnam.com.vn
Ý kiến bạn đọc