Ngày nay, khái niệm về synbiotic không còn quá xa lạ với người nuôi. Chúng được tạo thành dựa trên sự kết hợp giữa prebiotic và probiotic. Trong đó, probiotic chính là những vi khuẩn tốt, có vai trò tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể, giúp cơ thể nâng cao khả năng phòng chống bệnh tật. Còn prebiotic là thức ăn lý tưởng cho các vi khuẩn tốt này sinh sôi và gia tăng số lượng. Việc bổ sung synbiotic sẽ giúp cơ thể hình thành một hệ thống vi khuẩn tốt hùng hậu, khỏe mạnh và hoạt động hiệu quả. Trên tôm, synbiotic có các lợi ích như:
– Cải thiện tỷ lệ sống, quá trình tiêu hóa và hấp thụ của tôm;
– Đóng vai trò như một nguồn cung cấp enzyme ngoại sinh, kích thích enzyme tiêu hóa và cải thiện khả năng hấp thụ của tôm;
– Tạo ra các chất kích thích hệ thống miễn dịch, tăng cường bảo vệ tôm chống lại dịch bệnh do vi khuẩn gây ra;
– Có thể kích hoạt các quá trình bao bọc và thực bào ở tôm;
– Sự suy giảm chất lượng đất và nước trong các hệ thống nuôi trồng thủy sản thường liên quan đến sự phân hủy chất hữu cơ theo thời gian. Việc sử dụng synbiotic có thể nâng cao tốc độ phân hủy chất hữu cơ, tăng hàm lượng ôxy hòa tan, loại bỏ các chất thải không mong muốn (nitrit, amoniac, carbon dioxide và sulfide), giảm tỷ lệ tảo lam và tăng sản lượng thủy sản;
– Ứng dụng synbiotic đã chứng minh hiệu quả trong các trại tôm giống bằng cách cạnh tranh với vi khuẩn gây bệnh để giành dinh dưỡng và các nguồn tài nguyên khác, do đó giảm nguy cơ mắc bệnh và cải thiện sự phát triển của ấu trùng.
Synbiotic là một phương pháp thú vị trong việc kiểm soát và điều trị một số bệnh trong nuôi tôm. Tuy nhiên, ứng dụng synbiotic cũng gặp phải những vấn đề và thách thức. Bởi sử dụng synbiotic trong nuôi trồng thủy sản làm tăng thêm chi phí cho các trang trại nuôi. Điều này chủ yếu là do sự cần thiết phải đánh giá cẩn thận các chủng mới về cả độ an toàn và hiệu quả trước khi bổ sung chúng vào sản phẩm. Ngoài ra, các công ty sản xuất các sản phẩm này cần đảm bảo sử dụng kỹ thuật hiện đại trong sản xuất để có được sản phẩm an toàn và chất lượng. Một thách thức khác khi sử dụng synbiotic trong nuôi tôm là việc chuẩn bị và bảo quản chúng. Sự thay đổi về kích thước, độ tuổi và giai đoạn nuôi tôm càng làm phức tạp thêm quá trình lựa chọn, đòi hỏi phải xem xét cẩn thận để tối ưu hóa lợi ích của việc bổ sung synbiotic trong nuôi tôm.
Liều lượng synbiotic khác nhau tùy thuộc vào các sản phẩm cụ thể có sẵn từ các công ty khác nhau, các bệnh khác nhau ảnh hưởng đến tôm. Do đó, để đạt hiệu quả, người nuôi cần lựa chọn sản phẩm chất lượng và sử dụng theo đúng liều lượng của nhà sản xuất.
Nguyễn Hằng
(Theo FeedAdditive)
Nguồn tin: thuysanvietnam.com.vn
Ý kiến bạn đọc