Để phòng chống dịch bệnh thủy sản, ngành dinh dưỡng đã tạo ra nhiều sản phẩm thúc đẩy miễn dịch và tăng cường sức khỏe cho vật nuôi. Ngoài các biện pháp an toàn sinh học, kỹ thuật quản lý nước và quản lý ao nuôi hiệu quả, cần xem xét vai trò dinh dưỡng đối với chức năng miễn dịch của vật nuôi. Ngành tôm toàn cầu sử dụng nhiều biện pháp ngăn chặn dịch bệnh, nhưng vẫn chưa khám phá tiềm năng của chất khoáng vi lượng như kẽm, đồng và selen.
Khoáng vi lượng hữu cơ tác động tích cực đến khả năng miễn dịch tôm. Ảnh: Intrafish
Nguồn khoáng truyền thống trong nuôi trồng thủy sản là các dạng muối vô cơ như kẽm sulphate, hoặc đồng sulphate. Những chất này phổ biến bởi giá rẻ và sẵn có. Tuy nhiên, khoáng vi lượng vô cơ cũng bộc lộ nhiều nhược điểm, đáng nói nhất là sinh khả dụng thấp, phản ứng với thành phần thức ăn và tiềm ẩn nguy hại đến môi trường. Cùng đó, việc sử dụng thành phần thực vật trong thức ăn thủy sản ngày càng phổ biến đồng nghĩa các yếu tố kháng dinh dưỡng trong thức ăn cũng làm hạn chế thêm sinh khả dụng của khoáng vi lượng.
Để giải quyết những hạn chế nói trên, các chuyên gia dinh dưỡng đã cải thiện sinh khả dụng và tính bền vững môi trường bằng công nghệ khoáng vi lượng hữu cơ, còn gọi là khoáng chelay hoặc proteinate. Các dạng khoáng hữu cơ này được tạo ra bằng cách tạo phức hoặc chelat (thêm muối) vào các nguyên tố vô cơ như đồng, sắt hoặc kẽm kết hợp với các phân tử tín hiệu peptide và axit amin.
Quá trình biến đổi này không chỉ giúp tăng cường sinh khả dụng của khoáng mà còn ổn định hệ thống sinh học và tăng tính hiệu quả. Nói đến công nghệ khoáng hữu cơ, không thể không nhắc đến giải pháp nổi bật Total Replacement Technology (TRT) của Alltech. Nhờ công nghệ TRT, việc thay thế một lượng lớn khoáng vi lượng vô cơ bằng lượng tối thiểu khoáng hữu cơ là hoàn toàn khả thi, đồng thời mang lại hiệu quả cải thiện hiệu suất. Các công thức khoáng vi lượng hữu cơ hàng đầu của Alltech như Bioplex và Sel-Plex đã được chứng minh hiệu quả nâng cao năng suất chăn nuôi thậm chí ở tỷ lệ bổ sung rất thấp.
Trong một nghiên cứu tại Ecuador, các chuyên gia đã tìm hiểu sâu mối tương tác giữa tỷ lệ bột cá và tác động của khoáng vi lượng hữu cơ lên miễn dịch của tôm (Reves et al., 2018). Cụ thể, tôm được cho ăn theo chế độ bổ sung tỷ lệ khoáng khác nhau 0%, 50%, 100%. Nhóm tôm 100% khoáng kết hợp 15% bột cá/kg thức ăn. Khoáng vi lượng được bổ sung dưới hai dạng: khoáng proteinate hữu cơ (Bioplex) và men selen (Sel-Plex), cùng với khoáng vô cơ ở tỷ lệ khác nhau (mỗi loại 50% và 100%)
Kết quả cho thấy, nhóm tôm bổ sung 100% Bioplex và Sel-Plex kết hợp 100% bột cá đạt các thông số miễn dịch cao nhất, gồm tổng số lượng tế bào máu và protein huyết tương. Ngoài ra, tỷ lệ phản ứng với phenoloxidase rõ nhất ở nhóm tôm bổ sung 50% Bioplex và Sel-Plex cùng với 100% bột cá. Ngược lại, nhóm tôm được cho ăn 100% khoáng vô cơ và 0% bột cá thể hiện hoạt tính phenoloxidase và protein huyết tương thấp nhất. Nghiên cứu này khẳng định tác động của khoáng vi lượng hữu cơ đến chức năng miễn dịch của tôm, ngay cả khi hàm lượng bột cá trong khẩu phần của tôm thấp hơn.
Kẽm là dưỡng chất phổ biến trong chăn nuôi với vai trò thiết yếu như chuyển hóa protein, carbohydrate và lipid. Tuy nhiên, không nên đánh giá thấp vai trò của kẽm trong chức năng miễn dịch. Kẽm là đồng yếu tố và cũng là thành phần thiết yếu trong một loạt enzyme quan trọng đối với cơ chế chống ôxy hóa và phản ứng miễn dịch.
Các enzyme này gồm phosphatase kiềm (AKP), metallothionein (MT), superoxide dismutase (SOD), và superoxide dismutase Cu/Zn (Cu/Zn SOD). Một nghiên cứu mới đây của Đại học Hải dương Trung Quốc đã chứng minh ảnh hưởng của các dạng kẽm khác nhau đến hệ thống sinh học (Yang et al., 2022). Theo đó, hàm lượng kẽm hữu cơ trong khẩu phần thấp (60 ppm, 90 ppm) sẽ đạt hiệu quả chống ôxy hóa của huyết tương và gan tụy tốt hơn so với liều kẽm vô cơ cao hơn (120 ppm). Hiệu quả chống ôxy hóa thể hiện qua việc tăng cường hoạt động enzyme chủ chốt như superoxide dismutase (T-SOD), Cu/Zn SOD, catalase (CAT), T-AOC.
Đáng chú ý, một nghiên cứu khác cũng đã chứng minh kẽm hữu cơ ở mức thấp cũng tác động tích cực lên hệ miễn dịch thông qua tăng cường axit phosphatase, pro- phenoloxidase, lysozyme, và các biểu hiện gen liên quan đến miễn dịch của gan tụy tôm. Ngoài cải thiện khả năng miễn dịch, kẽm hữu cơ còn tạo ra những thay đổi thuận lợi trong cộng đồng hệ vi sinh đường ruột của tôm.
Đồng là nguyên tố vi lượng quan trọng đối với tôm vì đây là thành phần then chốt của haemocyanin, chất vận chuyển ôxy ở động vật giáp xác. Ngoài ra, đồng cũng là thành phần quan trọng của các enzyme thiết yếu trong nhiều quá trình sinh lý bao gồm cả chức năng miễn dịch. Những enzyme này gồm cytochrome c oxidase chịu trách nhiệm sản xuất ATP, ferroxidase giữ vai trò duy trì cân bằng chuyển hóa sắt, tyrosine oxidase hỗ trợ tổng hợp melanin từ tyrosine, lysyl oxidase tổng hợp collagen và Cu/Zn SOD tham gia phản ứng chống ôxy hóa.
Nghiên cứu Yang et al., 2023 đã đánh giá tác động của các nguồn và tỷ lệ đồng khác nhau trong chế độ ăn lên thông số huyết học, khả năng chống ôxy hóa và phản ứng miễn dịch của tôm thẻ chân trắng. Theo đó, nhóm nghiên cứu đã tiến hành thử nghiệm cho ăn kéo dài 8 tuần và kết quả cho thấy nồng độ huyết tương và cơ, cùng với biểu hiện gen của metallothionein và ATPase 2 của nhóm tôm ăn đồng hữu cơ cao hơn. Có thể thấy, đồng hữu cơ đã tăng cường đáng kể khả năng chống ôxy hóa và hoạt tính của một loạt enzyme T-SOD, Cu/Zn SOD, CAT, glutathion peroxidase (Gpx) và T-AOC cùng với nồng độ malondialdehyde (MDA). Những phát hiện này khẳng định vai trò quan trọng của đồng trong việc thúc đẩy chức năng miễn dịch của tôm.
Tuấn Minh
(Theo Asia Pacific Aquaculture)
Nguồn tin: thuysanvietnam.com.vn
Ý kiến bạn đọc