Đó là nội dung được bàn luận chính tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về chuyên đề “Thúc đẩy số hóa ngành nông nghiệp” do Bộ NN&PTNT tổ chức chiều 14/5; Phó Thủ tướng Chính phủ – Trần Lưu Quang chủ trì Hội nghị.
Báo cáo tại Hội nghị cho biết, thời gian qua, ngành NN&PTNT đã chủ động triển khai mạnh mẽ chuyển đổi số, nhất là ứng dụng công nghệ số vào thực tiễn như trí tuệ nhân tạo, quản trị dữ liệu, tự động hóa… vào hoạt động sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản; qua đó giúp tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả, đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường và nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam.
Đến nay, nông nghiệp Việt Nam được ghi nhận có sự tiến bộ vượt bậc. Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu hàng đầu các mặt hàng nông sản, lương thực và nằm trong nhóm 5 nước xuất khẩu lớn của thế giới. Việt Nam đã có 10 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, bao gồm: gạo, cà phê, cao su, điều, tiêu, sắn, rau quả, tôm, cá tra, lâm sản. Trong khi các ngành kinh tế khác còn đang chịu ảnh hưởng lớn của suy thoái kinh tế, ảnh hưởng do đại dịch COVID-19, ngành nông nghiệp đã vượt qua nhiều khó khăn, đạt kết quả khá toàn diện, tăng trưởng ngành đạt tốc độ khá cao.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: ST
Trong sản xuất thủy sản, đã ứng dụng hệ thống giám sát hành trình, phần mềm Vnfishbase trong khai thác thủy sản để quản lý tàu cá và hỗ trợ ngư dân trong quá trình khai thác trên biển. Bên cạnh đó, sử dụng phần mềm quản lý sản xuất, truy xuất nguồn gốc cho 250 HTX; 50 HTX đã sử dụng tem truy xuất nguồn gốc; 173 HTX nông nghiệp sử dụng phần mềm kế toán WACA; 246 HTX nông nghiệp phần mềm Nhật ký điện tử, có trên 600 HTX nông nghiệp đã tham gia sàn giao dịch điện tử sanocop.vn.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký VASEP cho biết, chuyển đổi số có thể giúp doanh nghiệp thủy sản giảm chi phí từ 7 – 25%. Từ yêu cầu của khách hàng, đơn vị chứng nhận các tiêu chuẩn…, nếu doanh nghiệp ứng dụng số thì khi thực hiện các việc này sẽ giảm bớt khó khăn đi rất nhiều. Các doanh nghiệp thủy sản có sự ứng dụng số hóa không đồng đều và có thể phân thành 3 cấp: sơ khai; tự đầu tư trên góc độ tự quản trị và đầu tư khá bài bản. Với doanh nghiệp đầu tư bài bản, họ có thể nắm được mọi thông số trong quản trị. Chẳng hạn khi gặp các cuộc thanh kiểm tra, những doanh nghiệp này hoàn toàn có thể tự tin đáp ứng các yêu cầu.
Tại tỉnh Trà Vinh, đối với lĩnh vực thủy sản đã triển khai lắp đặt hệ thống quan trắc nước tự động; nuôi tôm kiểm soát qua điện thoại thông minh, trong đó có mô hình TOMGOXY khép kín kiểm soát tự động từ nuôi đến phân phối sản phẩm; kiểm tra an toàn tàu cá tự động, trang bị máy dò cá cho các tàu cá; quan trắc nước tự động; 100% tàu cá (247 tàu có chiều dài hơn 15 m) lắp đặt VMS giám sát hành trình cập nhật, khai thác và quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy sản qua phần mềm Vnfishbase.
Theo các đại biểu, bên cạnh những kết quả rất đáng tự hào, song sự tăng trưởng nông nghiệp trong thời gian qua chủ yếu theo chiều rộng như thông qua tăng diện tích, tăng vụ và dựa trên các yếu tố đầu vào truyền thống cho sản xuất và nguồn lực tự nhiên cao. Đồng thời, sau một thời gian dài phát triển còn bộc lộ những khó khăn, hạn chế chưa được khắc phục như: sản xuất manh mún, thông tin “mù mờ”, quản lý nuôi, trồng và truy xuất nguồn gốc nông sản còn ở mức độ thấp, công tác dự báo rủi ro thiên tai, dịch bệnh và thị trường còn hạn chế; mức độ áp dụng khoa học công nghệ nhất là công nghệ cao, mới trong nông nghiệp còn thấp và thiếu đồng bộ; kết nối giữa các thành phần trong chuỗi giá trị nông nghiệp yếu và rời rạc; kinh tế số nông nghiệp chưa phát triển đúng tiềm năng; việc ứng dụng các công nghệ cao, công nghệ tiên tiến dựa trên số hóa và kết nối tạo ra các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh còn rất hạn chế. Vì vậy, mô hình tăng trưởng nông nghiệp như hiện nay mới chỉ tạo ra được khối lượng nhiều nhưng giá trị thấp, hiệu quả sử dụng đất đai, tài nguyên chưa cao.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp phải dựa trên nền tảng dữ liệu, để làm được điều đó, nông nghiệp Việt Nam cần thực hiện số hóa dữ liệu ngành bằng cách đẩy mạnh phát triển các nền tảng số, ứng dụng số, hệ thống dữ liệu lớn của ngành như về đất đai, cây trồng, vật nuôi, rừng, thủy sản, thủy lợi, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, thị trường… Cùng đó, kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, trung tâm dữ liệu quốc gia một cách thống nhất, đồng bộ từ đó làm cơ sở cho việc phân tích, xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đầu tư cho chuyển đổi số, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác; ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh, quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm, bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, chính xác, an toàn, vệ sinh thực phẩm…
Công nghệ AI trong nuôi trồng thủy sản đang thay đổi tương lai của sự tăng trưởng của cá; ảnh: Smart Industry VN
Để có những bước đi đột phá trong số hóa ngành nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đề xuất Bộ NN&PTNT cần xây dựng kế hoạch hành động chuyển đổi số trong 2 năm (2024 – 2025) và thực hiện các yếu tố nền tảng xây dựng các nền tảng số. Xây dựng các cơ sở dữ liệu ngành “Đúng – Đủ – Sạch – Sống” sẽ là nền tảng thúc đẩy nhanh chuyển đổi số nông nghiệp và Bộ Thông tin và Truyền thông sẵn sàng hỗ trợ Bộ NN&PTNT trong vấn đề này.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị Bộ NN&PTNT tập trung thúc đẩy chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho người nông dân và doanh nghiệp; đặc biệt, đối với nông dân thì thủ tục hành chính càng phải đơn giản hơn. Xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu đồng bộ và đảm bảo an toàn an ninh thông tin, trong đó chú ý đến việc định danh được số tàu thuyền của Việt Nam để quản lý, đặc biệt là đối với những tàu khai thác IUU. Phát triển cơ sở dữ liệu của ngành nông nghiệp, nhất là cơ sở dữ liệu về thời tiết, thủy lợi, truy xuất nguồn gốc nông sản, thị trường… chính xác, đầy đủ, cập nhật kịp thời.
Hoài Phương
Đến tháng 12/2023, cả nước có hơn 2 triệu hộ sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh, thành được đào tạo kỹ năng số, gần 50.000 sản phẩm nông sản được đưa lên sàn thương mại điện tử và hàng nghìn giao dịch điện tử đã được thực hiện cho thấy hiệu quả bước đầu của công cuộc chuyển đổi số nông nghiệp.
Nguồn tin: thuysanvietnam.com.vn
Ý kiến bạn đọc