Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của các hiện tượng thời tiết cực đoan có liên quan đến biến đổi khí hậu. Báo cáo Chỉ số rủi ro khí hậu toàn cầu 2021 (CRI) xếp Việt Nam ở thứ hạng 13 trong số các quốc gia ảnh hưởng nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu.
Hạn mặn năm 2020 làm cánh đồng bị nứt toác tại ĐBSCL. Ảnh: LHV
Đợt hạn mặn lịch sử năm 2016 khiến 160.000 ha đất của ĐBSCL bị nhiễm mặn, gây thiệt hại hơn 5.500 tỷ đồng, 10/13 tỉnh, thành phải công bố thiên tai. Đợt hạn mặn năm 2020 kéo dài hơn 6 tháng cũng khiến 6 tỉnh miền Tây phải công bố tình huống hạn mặn khẩn cấp. Đợt hạn mặn năm 2020 làm hơn 43.000 ha lúa bị thiệt hại, 80.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Chính phủ đã chi 530 tỷ đồng hỗ trợ 8 tỉnh miền Tây ứng phó với đợt hạn mặn gây gắt này.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, El Nino tiếp tục duy trì với xác suất trên 95%. Sau đó, xác suất của hiện tượng El Nino giảm xuống mức 60 – 85% vào thời kỳ tháng 3 – 5/2024. Do vậy, các tháng mùa khô năm 2023 – 2024, khu vực ĐBSCL xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Thực tế ngay từ những tháng đầu năm 2024, xâm nhập mặn đã ảnh hưởng trực tiếp và nghiêm trọng tới các tỉnh, thành phố khu vực này.
Còn theo đại diện Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ (Tổng cục Khí tượng, Bộ Tài nguyên và Môi trường), trong 10 năm gần đây, hạn mặn ở ĐBSCL diễn ra khốc liệt. Từ nửa cuối tháng 12/2023 tới nay, khu vực này gần như không mưa, một số nơi có mưa nhưng lượng rất thấp. Tổng lượng mưa thấp hơn trung bình nhiều năm (TBNN) từ 62 – 94%. Xâm nhập mặn năm 2024 diễn ra sớm, giữa tháng 11/2023 đã xuất hiện, đi sâu vào nội đồng. Hiện, các tỉnh Sóc Trăng, Long An, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau… hạn mặn diễn ra phổ biến cao hơn so với TBNN (chỉ thấp hơn mùa khô năm 2016, 2020). Mùa mưa tại Nam bộ sẽ đến muộn hơn so với TBNN (khoảng từ tuần giữa tháng 5), nắng nóng vẫn tiếp diễn, nền nhiệt cao.
Ứng phó với nguy cơ ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2023 – 2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 04/CĐ-TTg ngày 15/01/2024 về việc chủ động ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Ngay sau đó, Bộ NN&PTNT đã ban hành Chỉ thị 661/CT-BNN-TL ngày 23/01/2024 về việc tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô năm 2023 -2024.
Để giảm thiểu thiệt hại trong những năm tới, PGS. Lê Anh Tuấn, Nguyên Phó viện trưởng Viện Biến đổi Khí hậu khẳng định, cần có những giải pháp tổng hợp. Trong đó, cần giảm bớt diện tích canh tác lúa và khuyến khích người dân vùng xâm nhập mặn chuyển đổi sản xuất. Thay vì trồng lúa thì chuyển sang trồng, canh tác các loại cây ít cần nước hơn hoặc là chuyển qua NTTS. Cụ thể, đối với vùng xâm nhập mặn ít nên chuyển đổi sang trồng một số cây chịu được mặn thì sẽ hợp lý hơn. Còn khu vực nào xâm nhập mặn nhiều thì nên chuyển qua canh tác thủy sản. Hoặc cũng có thể áp dụng mô hình lúa – tôm, tức là mùa mưa có nước ngọt để canh tác lúa, khi mùa khô nước mặn xâm nhập thì tận dụng nước mặn để nuôi tôm.
Mô hình nuôi cá trên ruộng lúa giúp cải thiện đời sống và thích ứng tốt với hạn mặn; ảnh: VOV
Ngay từ đầu năm, các địa phương khu vực ĐBSCL đã ban hành kế hoạch phòng chống hạn, mặn và ngành nông nghiệp chủ động thực hiện các biện pháp ứng phó, bao gồm vận hành các cống hợp lý để ngăn mặn, giữ ngọt, đảm bảo nước cho sản xuất. Cùng đó là áp dụng những mô hình sản xuất thủy sản thuận thiên, giảm tác rủi ro và gia tăng lợi nhuận cho người dân.
Ông Nguyễn Văn Kiệt Em (ấp 7, xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) chia sẻ, gia đình ông có 15 công đất nhưng thường xuyên nhiễm phèn mặn. Song, sau hơn 10 năm thực hiện mô hình 1 vụ lúa – 1 vụ tôm/năm, không những đảm bảo được cuộc sống hàng ngày mà còn mua thêm được 30 công đất. Hiện tại, gia đình có tổng cộng 45 công đất và đưa hết vào Tổ Hợp tác Sản xuất mô hình lúa – tôm. Qua một thời gian thực hiện, ông Kiệt nhận thấy mô hình lúa – tôm phù hợp với vùng đất thường xuyên ảnh hưởng bởi hạn hán, xâm nhập mặn và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Gia đình ông Kiệt và các hộ dân ấp 7, xã Lương Nghĩa đã xác định mô hình lúa – tôm là mô hình sản xuất bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu. Để thực hiện tốt hơn nữa mô hình này trong thời gian tới, các hộ dân mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của cơ quan chức năng về con giống, kỹ thuật nuôi tôm và tiếp cận với nguồn vay ưu đãi để đầu tư. Đây là động lực giúp họ khai thác hiệu quả đất đai, cũng như nâng cao thu nhập từ mô hình sản xuất này.
Huyện An Minh là địa phương có diện tích nuôi tôm nước lợ lớn nhất tỉnh Kiên Giang, với hơn 47.800 ha đang thả nuôi thời điểm này, trong đó nuôi luân canh tôm – lúa trên 39.000 ha, còn lại nuôi quảng canh cải tiến và thâm canh công nghiệp. Vụ tôm nuôi 2024 được người dân trong huyện thả giống ngay sau Tết, tôm đang phát triển tốt, chưa bị tác động nhiều dù hạn, mặn đang cao điểm.
Anh Lê Hồng Lữ ở xã Thuận Hòa, huyện An Minh cho biết, mùa hạn mặn năm nay được dự báo là tương đương với đợt hạn, mặn lịch sử năm 2015 – 2016. Tuy nhiên, nhờ chủ động các giải pháp phòng, chống nên tác động đã giảm đi khá nhiều. Theo anh Lữ, vào cao điểm 2015 – 2016, độ mặn dưới sông lên tới 35 – 37‰ (g/l), trên ruộng nuôi tôm hơn 40‰ do nước bốc hơi, độ mặn sắc lại, khiến tôm nuôi chết la liệt. Còn hiện nay, nhờ có hệ thống cống ven biển điều tiết nguồn nước, độ mặn trên sông đang được khống chế dưới 30‰, khi bơm lên ruộng nuôi tôm vẫn ở ngưỡng thích hợp cho tôm phát triển.
Là tâm điểm vùng hạn mặn với tình trạng khẩn cấp vừa được UBND tỉnh Cà Mau công bố cấp 2, người dân tại xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời đã chủ động và nhanh nhạy đưa ra kế sách sản xuất thích ứng. Tiên phong là anh Duy Ngọc Nguyễn – Trưởng ấp Bình Minh 2 đã áp dụng thành công phương thức sản xuất nuôi cá trong ruộng lúa rất hiệu quả giúp cải thiện đời sống và thích ứng tốt với hạn mặn.
Anh Nguyễn chia sẻ, sau khi gặt lúa, nông dân thả cá ra trên ruộng vừa thu hoạch. Cá không cần cho ăn thức ăn công nghiệp mà chỉ phát triển tự nhiên. Đến lúc tát nước xả vụ đông xuân là lúc cá lớn có thể bán. Số cá nhỏ có thể nuôi tiếp đến cuối tháng 12 âm lịch, vừa kịp bán Tết Nguyên đán. Năm 2023, xã Trần Hợi có 15 hộ thực hiện mô hình này trên diện tích 20 ha, và đều đạt kết quả cao. “Năm vừa rồi tôi thu về hơn 2 tấn cá, lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng. Lợi nhuận 1 vụ cá bằng cả 2 vụ lúa. Với mô hình này, dù ít hay nhiều, bà con vẫn sẽ có ‘của để dành’ khi mùa hạn mặn đến”, anh Nguyễn cho hay. Mặt khác, cá đồng có giá và đầu ra ổn định, công chăm sóc lại ít. Do đó, trồng lúa kết hợp nuôi cá đồng trên cùng diện tích là mô hình bền vững, phù hợp và hiệu quả nhất đối với người dân vùng hạn mặn lúc này.
Hải Lý
Trong Báo cáo Kinh tế Thường niên ĐBSCL năm 2022, VCCI và nhóm chuyên gia Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright tiếp tục đề xuất bốn mục tiêu chính của chuyển đổi nông nghiệp ở ĐBSCL, đó là: Tăng thu nhập một cách ổn định, bền vững cho nông dân; hiện đại hóa nền nông nghiệp; phát triển nền kinh tế nông nghiệp theo cơ chế thị trường; phát triển nông nghiệp bền vững theo mô hình “thuận thiên”.
Nguồn tin: thuysanvietnam.com.vn
Ý kiến bạn đọc