Theo báo cáo của Chi cục Thủy sản Bình Định, tính đến tháng 4/2024, diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh khoảng 3.385,4 ha với sản lượng ước đạt 1.600 tấn. Trong đó, nuôi trồng thủy sản nước ngọt, chủ yếu nuôi cá quảng canh trên hồ chứa tại địa bàn Thị xã An Nhơn, huyện Phù Cát và huyện Vĩnh Thạnh với diện tích 1.950 ha, sản lượng thu hoạch ước đạt 370 tấn. Nuôi trồng thuỷ sản nước mặn bao gồm nuôi tôm hùm thương phẩm tại TP Quy Nhơn là 390 lồng/4.200 m3, nuôi cá lồng biển tại Quy Nhơn, Phù Cát, Phù Mỹ khoảng 1.947 lồng/65.155 m3, đối tượng chính cá bớp, cá chẽm, cá hồng Mỹ, cá mú, sản lượng thu hoạch ước đạt 35 tấn. Riêng diện tích nuôi thủy sản nước lợ toàn tỉnh hiện nay là 1.435,4 ha (275,3 ha nuôi tôm thâm canh – bán thâm canh; 1.149,1 ha nuôi tôm quản canh cải tiến; 11 ha nuôi ốc hương), sản lượng thu hoạch ước đạt 750 tấn.
Từ đầu năm đến nay thời tiết nắng nóng, môi trường nước ao nuôi biến động làm một số diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng bị ảnh hưởng. Tính đến nay, tổng diện tích dịch bệnh trên toàn tỉnh là 2 ha bị bệnh hoại tử gan tụy cấp ( AHPND) xảy ra tại vùng nuôi Công Lương, Hoài Mỹ, Hoài Nhơn. Tuy nhiên, người nuôi đã không báo sớm cho địa phương và cơ quan chuyên môn mà tự điều trị theo kinh nghiệm, đến khi tôm chết hàng loạt (70 – 80% ao nuôi) thì mới báo cáo hoặc xả bỏ gây thiệt hại nặng nề.
Để hạn chế dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản, Chi cục Thủy sản tỉnh thường xuyên thực hiện nhiệm vụ quan trắc môi trường (02 đợt quan trắc/tháng) tiến hành thực hiện, kiểm tra các thông số môi trường gồm: nhiệt độ, pH, độ mặn, độ kiềm, COD, NH3, NO3, PO4, NO2 và Vibrio tổng số. Từ kết quả quan trắc, Chi cục đã cảnh báo, đề xuất, khuyến cáo các giải pháp kỹ thuật kịp thời đến người nuôi, qua đó người nuôi cập nhật kết quả quan trắc để có kế hoạch trong việc điều chỉnh, quản lý môi trường nuôi. Còn Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh thường xuyên phối hợp với địa phương kiểm tra, giám sát vùng nuôi để phát hiện dịch bệnh kịp thời, theo dõi xử lý khi có dịch bệnh xảy ra. Tuy nhiên, vai trò của các chủ cơ sở nuôi trồng thủy sản trong việc phòng chống dịch bệnh thủy sản là quan trọng nhất.
Toàn cảnh lớp tập huấn. Ảnh: ĐP
Tại buổi tập huấn, bà con nuôi trồng thủy sản được cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú Y tỉnh hướng dẫn cách nhận biết, chẩn đoán và phòng chống dịch một số bệnh nguy hiểm thường gặp trên tôm như bệnh hoại tử gan tụy cấp tính, bệnh đốm trắng, bệnh vi bào tử trùng… và bệnh mới xuất hiện trên tôm nuôi như bệnh Decapod Iridescent Virus 1 (DIV1), bệnh mờ đục trên ấu trùng tôm (Translucent post-larva disease – TPD). Đồng thời chia sẻ về tình hình nuôi trồng thủy sản, công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, hướng dẫn người nuôi khai báo dịch, xử lý động vật thủy sản mắc bệnh, biện pháp kỹ thuật và hóa chất tiêu hủy, khử trùng sau thu hoạch, tiêu hủy đối với ổ dịch.
Ông Hồ Văn Vinh, Phó chủ tịch UBND xã Mỹ Thành cho biết, trên địa bàn xã có 1 doanh nghiệp nuôi tôm thương phẩm công nghệ cao là Công ty TNHH Việt Úc Phù Mỹ và 78 hộ dân nuôi trồng thủy sản với diện tích tôm thả nuôi năm 2023 là 118,5 ha, trong đó diện tích nuôi quảng canh 12 ha, diện tích thả nuôi thâm canh, bán thâm canh (tôm thẻ chân trắng) là 106,5 ha. Sản lượng tôm thu hoạch năm 2023 đạt 751 tấn; cua, cá các loại đạt 92,6 tấn. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, tình hình nuôi tôm của các hộ dân trên địa bàn xã không ổn định, dịch bệnh thường xuyên xảy ra làm ảnh hưởng đến đời sống kinh tế của người dân địa phương. Qua lớp huấn, nhằm hỗ trợ người nuôi trồng thủy sản nắm vững kỹ thuật phòng, chống dịch bệnh trên động vật thủy sản, đặc biệt là dịch bệnh gây bệnh trên tôm từ đó đầu tư sản xuất hiệu quả, giảm chi phí, thiệt hại do dịch bệnh gây ra.
Lớp tập huấn tương tự sẽ được tổ chức tại xã Hoài Mỹ, thị xã Hoài Nhơn vào ngày 26/4.
Ái Trinh
Nguồn tin: thuysanvietnam.com.vn
Ý kiến bạn đọc