Mật rỉ đường được ứng dụng rất nhiều trong nuôi tôm. Đây được xem là nguyên liệu rẻ tiền nhưng lại có tác dụng tuyệt vời trong việc kiểm soát các yếu tố chất lượng nước.
Mật rỉ đường được lấy từ mía bằng phương pháp cô và kết tinh. Mía sau khi thu hoạch sẽ được cắt bỏ lá, thân được nghiền nhỏ rồi ép lấy nước. Lúc này, nước sẽ được đun sôi và để cô đặc đến khi tạo ra các tinh thể đường. Các tinh thể đường sẽ được tách ra và phần mía sẽ tiếp tục được cô. Sau khoảng 3 lần tiến hành cô đặc, chất lỏng còn lại chính là mật rỉ đường hay còn được gọi là rỉ đường, mật rỉ. Theo nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy, trong mật rỉ đường có chứa một lượng vitamin và lượng đáng kể các chất khác như Ca, Mg, Al, P, K, 20% nước, 35% saccarozơ, 20% đường khử, 15% tro, 5% protein, 1% sáp, 4% bột. Chính vì thế mà mật rỉ đường được ứng dụng rộng rãi trong các ngành công nghiệp xử lý nước thải, thức ăn chăn nuôi và không thể phủ nhận về công dụng mật rỉ đường trong nuôi tôm. Thành phần của mật rỉ đường phụ thuộc vào giống mía, giai đoạn thu hoạch, thổ nhưỡng, thời tiết và quy trình sản xuất đường của nhà máy.
Mật rỉ đường là nguyên liệu được sử dụng rộng rãi trong nuôi tôm. Ảnh: ST
Kiểm soát khí độc NH3 và NO2: Sử dụng mật đường trong nuôi tôm có khả năng kiểm soát NH3 và NO2 một cách hiệu quả. Trên thực tế, tôm chỉ đồng hóa được từ 20 – 30% lượng thức ăn được đưa vào cơ thể, phần còn lại sẽ bị thả ra ngoài ao. Lúc này, nước ao nuôi sẽ tiếp nhận khoảng 50% tổng lượng thức ăn dư thừa và sẽ được chuyển hóa thành khí độc ao tôm NH3 và NO2. Sự xuất hiện khí độc trong ao sẽ làm ảnh hưởng không hề nhỏ đến quá trình phát triển của tôm, thậm chí tạo điều kiện cho mầm bệnh xâm nhập dẫn đến các bệnh cong thân, hội chứng hoại tử gan tụy cấp, đỏ thân và hoại tử cơ… Trong trường hợp này, công dụng mật rỉ đường trong nuôi tôm được phát huy mạnh mẽ khi tạo ra lượng carbon và nitơ để tổng hợp các protein với mục đích loại bỏ khí độc trong ao nuôi. Kết quả thử nghiệm cho thấy, khoảng 30 g mật rỉ đường có thể cân bằng 1 g nitơ.
Kiểm soát độ pH: Trong nuôi tôm, pH đóng vai trò quan trọng ảnh hưởng trực tiếp để sự sinh trưởng, tỷ lệ sống của tôm. pH thích hợp dao động trong khoảng 7,8 – 8,5. Nếu pH biến động quá cao hoặc quá thấp sẽ có thể gây chết cho tôm. Kiểm soát pH chính là một trong ba tác dụng của mật rỉ đường trong nuôi tôm. pH cao thường do mật độ tảo quá dày khiến tảo tiêu thụ một lượng carbon nên giảm tính axit của nước. Việc sử dụng mật rỉ đường trong nuôi tôm sẽ giúp gia tăng mật độ vi khuẩn dị dưỡng cạnh tranh hiệu quả nguồn carbon với tảo. Chính vì thế, mật rỉ đường được sử dụng để ổn định độ pH trong ao tôm, vừa hiệu quả mà không ảnh hưởng đến tôm nuôi.
Nuôi vi sinh trong xử lý nước: Nuôi vi sinh cũng là một tác dụng của mật rỉ đường trong nuôi tôm được người nuôi chú trọng. Mật rỉ đường được ủ với men vi sinh trong khâu xử lý nước sử dụng. Tùy vào từng loại men vi sinh mà liều lượng ủ mật rỉ đường khác nhau. Thông thường sẽ ủ mật rỉ đường với men vi sinh từ 3 – 6 giờ sục khí liên tục, sau đó tạt xuống ao. Việc sử dụng rỉ đường sẽ giúp ổn định chất lượng nước, hạn chế dịch bệnh một cách hiệu quả, giảm chi phí, cho ra sản phẩm sạch, góp phần bảo vệ môi trường.
Mật rỉ đường hòa tan dễ dàng trong nước nên người nuôi có thể pha loãng và tạt đều quanh ao tôm. Tỷ lệ an toàn khoảng 30 kg mật rỉ đường/ha ao tôm là vừa đủ. Ngoài ra, ao nuôi tôm lâu năm nên bổ sung mật rỉ đường khoảng 2 – 3 ngày/lần để tránh lượng tảo mọc nhiều làm hàm lượng carbon không cân bằng.
Lưu ý ao nuôi tôm khi dùng mật rỉ đường cần đảm bảo đủ lượng ôxy hòa tan để các vi khuẩn hiếu khí có năng lượng thực hiện quá trình đồng hóa nguồn nitơ trong ao. Nếu không có ôxy để hoạt động sẽ khó để vi sinh hấp thụ dinh dưỡng từ mật rỉ đường. Điều này có thể biến mật rỉ đường thành tác nhân gây hiện tượng giảm pH trong ao.
Diệu Châu
Nguồn tin: thuysanvietnam.com.vn
Ý kiến bạn đọc