QUY TRÌNH KỸ THUẬT Nuôi thương phẩm Tôm càng xanh siêu đực (Somaniathelphusia sinensi) trong ao đất quy mô công nghiệp phù hợp với điều kiện Nghệ An

Thứ hai - 25/04/2022 22:06 1.143 0
QUY TRÌNH KỸ THUẬT Nuôi thương phẩm Tôm càng xanh siêu đực (Somaniathelphusia sinensi) trong ao đất quy mô công nghiệp phù hợp với điều kiện Nghệ An

1. Xuất xứ quy trình.
Quy trình kỹ thuật nuôi thương phẩm Tôm càng xanh siêu đực (Somaniathelphusia sinensi) trong ao đất quy mô công nghiệp phù hợp với điều kiện Nghệ An do Trung tâm giống thủy sản Nghệ An chủ trì biên soạn dựa trên kết quả thực hiện mô hình: Ứng dụng tiến bộ KHCN thử nghiệm nuôi thương phẩm Tôm càng xanh siêu đực (Macrobrachium rosenbergii), trong ao đất quy mô công nghiệp tại Nghệ An”, được Trung tâm giống thủy sản Nghệ An chủ trì thực hiện năm 2021.
2. Đối tượng và phạm vi áp dụng.
2.1. Đối tượng áp dụng: Quy trình này quy định trình tự, nội dung và yêu cầu kỹ thuật nuôi thương phẩm Tôm càng xanh siêu đực (Macrobrachium rosenbergii) trong ao đất quy mô công nghiệp.
 

Hình 1: Tôm càng xanh (Macrobrachium rosenbergii)
2.2. Phạm vi áp dụng: Áp dụng cho các cơ sở, hộ dân nuôi thuỷ sản nước ngọt trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
3. Các yêu cầu kỹ thuật phải đạt được.
- Thời gian nuôi: 5 - 6 tháng
- Tỷ lệ sống: 50 - 60%
- Kích cỡ tôm thu hoạch: 50 - 60 g/con, tương đương 15 - 20 con/kg.
- Năng suất đạt: 5 - 6 tấn/ha/vụ
4. Nội dung quy trình kỹ thuật.
4.1. Lựa chọn, thiết kế, cải tạo ao nuôi.
a) Lựa chọn, thiết kế ao nuôi thương phẩm tôm càng xanh siêu đực.
- Ao nuôi tôm càng xanh thương phẩm nên chọn ở những có diện tích lớn từ 500 - 5.000 m2/ao, tốt nhất là 1.000 - 3.000 m2/ao, độ sâu mực nước từ 1,2 - 1,5 m hoặc ao nuôi cá lúa để nuôi tôm càng xanh thương phẩm.
- Ao nuôi chọn vùng có nguồn nước trong sạch, chủ động, không bị ô nhiễm bởi nước thải sinh hoạt, công nghiệp, có độ pH từ 6 - 8.
- Ao nuôi nên có nền đáy là cát hoặc cát pha sét, không nên sử dụng những ao có đáy bùn, đặc biệt là có lớp bùn đáy quá dày. Đáy ao bằng phẳng, xuôi về phía công thoát. Có hệ thống cống cấp, cống thoát đầy đủ để thuận tiện cho việc cấp, thay nước trong quá trình nuôi.
- Bờ ao phải chắc chắn, không rò rỉ nước, không có hang hốc và phải cao hơn mặt nước tối đa 40 - 50 cm để tránh ngập lụt vào mùa mưa .
b) Cải tạo ao nuôi tôm càng xanh thương phẩm.
Ao trước khi thả Tôm giống vào nuôi thương phẩm phải được xử lý, cải tạo đúng quy trình kỹ thuật cụ thể:
- Bơm cạn nước ao, ruộng nuôi bắt hết cá tạp trong ao, vệ sinh ao sạch sẽ. Nếu lớp bùn đáy quá dày thì tiến hành vét bớt chỉ để lại 10 - 15 cm, san phẳng đáy ao nghiêng về phía cống thoát nước.
- Vệ sinh quanh bờ ao, lấp hết hang hốc, những chỗ rò rỉ nước, phát quang bờ không để cây cối, bụi rậm quanh bờ ao tạo nơi trú ẩn cho các địch hại.
 - Bón vôi diệt tạp 7 - 10 kg/100 m2 ao, phơi đáy ao 2 - 3 ngày trước khi cấp nước.
- Nước cấp vào ao được lấy qua lưới lọc nhằm ngăn chặn cá tạp vào ao gây thất thoát thức ăn của tôm và địch hại vào ao gây ảnh hưởng đến tôm giống. Mực nước cấp vào ao ban đầu dao động 40 - 50 cm nước để thuận tiện cho việc gây màu tạo thức ăn tự nhiên ban đầu trong ao cho Tôm sau đó nâng dần mực nước trong quá trình nuôi.
- Ao nuôi Tôm càng xanh thương phẩm quy mô công nghiệp phải bố trí hệ thống quạt nước để bổ sung thêm hàm lượng ô xy hoà tan và tránh phân tầng nước vào các tháng nuôi mùa hè. Tuỳ theo mật độ và diện tích ao nuôi để bố trí số lượng quạt nước phù hợp.
4.2. Tuyển chọn tôm giống thả nuôi thương phẩm.
Để đạt hiệu quả kinh tế cao, khi đưa tôm càng xanh vào nuôi thương phảm theo mô hình công nghiệp cần chọn thả giống tôm cang Xanh siêu đực (hoàn toàn con đực). Do đó, để có được con giống toàn đực, có chất lượng tốt nên lựa chọn mua con giống từ các Trại giống có uy tín, có thương hiệu, quy trình sản xuất an toàn, không sử dụng kháng sinh trong quá trình sản xuất giống.
- Tôm giống nên tuyển chọn các bể có kích cỡ đồng đều, có kích thước từ 10 - 13 mm.
- Mật độ thả giống: 10 - 15 con/m2.
- Chất lượng Tôm giống thả nuôi: Tôm giống phải khỏe mạnh, màu sắc tươi sáng, vận động mạnh, đồng đều kích cỡ, đầy đủ phụ bộ, không bị dị hình, dị tật, không có dấu hiệu bệnh.
- Thả giống vào lúc trời mát, thuần nhiệt độ trước khi thả giống, bố trí quạt nước nhẹ để tôm phân tán đều trong ao, tránh để tôm dày cục bộ tại điểm thả giống.
- Trước khi thả giống cần phải thuần độ mặn phù hợp với độ mặn nước ao thả nuôi, tránh để tôm bị sốc độ mặn.
- Mùa vụ thả giống: Mùa vụ thả giống nên có sự tính toán phù hợp để khi thu hoạch Tôm thương phẩm thu được hiệu quả cao nhất. Do đó, tại Nghệ An mùa vụ thả giống nên thả giống vào từ tháng 3 đến 6 hàng năm.
4.3. Chăm sóc, quản lý Tôm càng xanh nuôi thương phẩm.
a) Thức ăn cho tôm: Sử dụng thức ăn công nghiệp dùng cho nuôi tôm thẻ hoặc tôm sú có hàm lượng protein 40% để cho Tôm càng xanh ăn.
- Lượng cho ăn trong 25 ngày đầu được tính như sau:
Ngày nuôi Lượng thức ăn/100.000 PL Số lần cho ăn
1 - 3 ngày đầu 2,5 kg 4
Ngày thứ 4 đến ngày thứ 9 Mỗi ngày tăng 250 g 4
Ngày thứ 10 đến ngày thứ 15 Mỗi ngày tăng 150 g 4
Ngày thứ 16 đến ngày thứ 25 Mỗi ngày tăng 100 g 4

Từ ngày thứ 20 trở đi bắt đầu đặt sàng ăn (nhá) để tôm quen vào sàng ăn qua đó để kiểm tra lượng thức ăn hàng ngày, đến ngày thứ 25 tiến hành chai tôm, cân kiểm tra trọng lượng, tính tỷ lệ sống kết hợp với theo dõi sàng ăn để điều chỉnh lượng cho ăn một cách hợp lý nhất.
- Bố trí cho tôm ăn 4 lần/ngày vào các khung giờ 7, 10 giờ sáng và 14 - 17 giờ chiều hàng ngày, thức ăn được rải đều khắp đáy ao nuôi.
- Tỷ lệ cho tôm ăn giai đoạn sau được áp dụng như sau:
 
Trọng lượng tôm (g/con) Tỷ lệ cho ăn (%) Số lần cho ăn
2,5 - 3 6,5 4
4 - 5 5,5 4
6 - 9 4,2 - 4,5 4
10 - 13 3,7 - 4,0 4
14 - 20 3, - 3,5 4
  1. - 50
2,5 - 3,0 4
>50 2,0 4

- Trong ao nuôi nên bố trí 2 - 4 sàng ăn tuỳ thuộc vào diện tích ao nuôi để kiểm soát mức độ sử dụng thức ăn của tôm nhằm điều chỉnh lượng thức ăn hợp lý. Lượng thức ăn cho vào nhá được trích 2 - 3% lượng thức ăn mỗi cự chia đều vào 2 nhá thức ăn để kiểm soát lượng thức ăn, sau khi cho ăn từ 1,5 - 2 giờ tuỳ theo giai đoạn phát triển của tôm để kiểm tra mức độ sử dụng thức ăn của tôm. Tuy nhiên, đối với tôm càng xanh khác với tôm thẻ và tôm sú, việc căn cứ hoàn toàn vào nhá để điều chỉnh lượng thức ăn sẻ không chính xác. Do đó, định kỳ phải kiểm tra trọng lượng tôm, ước tính tỷ lệ sống kết hợp vớ căn nhá để điều chỉnh lượng thức ăn hợp lý.
b) Quản lý ao nuôi Tôm càng xanh thương phẩm.
- Thường xuyên bổ sung Vitamic C, khoáng nhằm tăng cường sức đề kháng, phòng bệnh cho Tôm bằng cách trộn vào thức ăn với lượng 4 - 5g/1kg thức ăn để cho tôm ăn, đặc biệt là vào các tháng mùa hè, nhiệt độ nước cao.
- Định kỳ sử dụng thuốc phòng bệnh, vi sinh đường ruột trộn vào thức ăn để cho tôm ăn nhằm phòng bệnh cho tôm nuôi.
- Định kỳ một tháng/lần sử dụng vôi bột hòa nước tạt trên mặt ao nuôi với lượng 2 kg/100 m2 ao nhằm phòng bệnh cho Tôm nuôi và tăng cường thêm hàm lượng canxi trong nước ao giúp tôm nhanh cứng vỏ sau khi lột xác, tăng cường khả năng lột xác cho tôm, kích thích tôm phát triển.
- Định kỳ 15 ngày/lần sử dụng khoáng Stomi đánh vào ao với liều lượng 2 kg/100 m2 ao để tăng cường hàm lượng khoáng nhằm kích thích tôm lột xác tốt và phòng chống bệnh đục cơ cho tôm.
- Định kỳ 15 ngày/lần sử dụng vi sinh, chế phẩm sinh học để xử lý nguồn nước, đáy ao giúp môi trường ao nuôi luôn trong sạch, tạo điều kiện thuận lợi cho Tôm nuôi sinh trưởng và phát triển tốt nhất.
- Thường xuyên kiểm tra, theo dõi hoạt động của tôm nuôi nhằm phát hiện kịp thời các dấu hiệu bất thường để có biện pháp xử lý kịp thời.
- Thường xuyên kiểm tra, kiểm soát ao nuôi, hệ thống bờ, cống cấp thoát nước tránh để xảy ra tình trạng thất thoát tôm nuôi.
- Chế độ thay nước: Trong tháng nuôi đầu không tiến hành thay nước để tránh thất thoát nguồn thức ăn tự nhiên trong ao. Từ tháng nuôi thứ 2, định kỳ thay nước 2 lần/tháng với lượng nước thay 30 - 40% lượng nước trong ao, luôn duy trì mực nước trong ao từ 1,0 - 1,2 m. Nguồn nước thay phải đảm bảo trong sạch, không bị ô nhiễm, nếu là vùng nước nhiễm mặn phải duy trì độ mặn luôn nhỏ hơn 12‰ và độ kiểm luôn luôn phải đạt 90 - 110 mg CaCO3/lít.
- Có thể thả ghép một số cá mè trắng, mè hoa, rô phi… vào ao nuôi để tận dụng nguồn thức ăn dư thừa, phan tôm, giảm mật độ tảo trong ao, giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước trong ao nuôi tôm thương phẩm.
- Chế độ sử dụng quạt nước: Tuỳ theo mật độ nuôi, diễn biến thời tiết để có chế độ sử dụng quạt nước hợp lý nhằm phát tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tôm phát triển nhưng vẫn tiết kiệm được chi phí điện trong quá trình nuôi.
Sử dụng hệ thống quạt nước nhằm tăng hàm lượng ô xy vào những thời điểm hàm lượng oxy trong ao thấp và những lúc nắng nóng nhằm đảo nước, tránh phân tầng nước trong ao nuôi.
4.4. Sang ao, phân cỡ, bẻ càng.
Đối với tôm càng xanh, sau 3 tháng nuôi cần bố trí ao để san thưa mật độ đồng thời tiến hành phân cỡ và bẻ càng nhằm đánh giá được chính xác số lượng tôm trong ao sau 3 tháng nuôi từ đó tiết kiệm thức ăn và nâng cao giá trị tôm thương phẩm, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Hình 2: Bẻ càng tôm càng xanh
- Phương pháp san thưa: Sau khi đã hoàn thiện ao để san thưa, tiến hành rút bớt nước ao nuôi, dùng lưới thu gom tôm lại rồi tiến hành phân cỡ, bẻ càng, san thưa. Có thể san thành 2 hoặc 3 ao nuôi ở giai đoạn này tuỳ thuộc vào độ phân cỡ, tỷ lệ sống của tôm nuôi và điều kiện ao cho phép.
- Phân cỡ tôm - bẻ càng tôm: Sử dụng pháp thủ công, sử dụng nhân công bắt từng con tiến hành phân cỡ kết hợp dùng tay bẻ đôi càng của tôm sát vào gốc càng, sau đó tôm cùng kích cỡ được chuyển nuôi một ao.
Quá trình phân cỡ, bẻ càng, san thưa tôm nên tiến hành vào những ngày trời mát mẻ để không ảnh hưởng đến tôm và tiến hành định lượng, kiểm đếm số lượng tôm cụ thể để có chế độ cho ăn, quản lý một cách có hiệu quả nhất.
5. Công tác phòng cho tôm nuôi.
5.1. Công tác phòng bệnh chung.
Để phòng bệnh cho Tôm càng xanh nuôi thương phẩm, trong quá trình nuôi cần làm tốt công tác phòng bệnh chung nhằm hạn chế tôm bị bệnh cụ thể:
- Cải tạo ao nuôi đúng quy trình kỹ thuật, nguồn nước cấp cho ao nuôi phải đảm bảo trong sạch, không bị ô nhiễm.
- Tôm giống thả nuôi phải khỏe mạnh, đồng đều kích cỡ, tốt nhất là sử dụng nguồn tôm giống siêu đực để nuôi. Thả giống đúng mùa vụ, đúng mật độ, trước khi thả giống thuần hoá độ mặn, nhiệt độ thích hợp với nước ao nuôi.
-  Cho Tôm ăn đầy đủ thức ăn, đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng, đúng thời gian. Thực hiện tốt công tác quản lý thức ăn nhằm tránh thừa, thiếu thức ăn gây ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của tôm nuôi.
- Thực hiện tốt chế độ phòng bệnh định kỳ cho tôm nuôi, định kỳ sử dụng thuốc phòng bệnh về gan, thận, vi sinh hỗ trợ đường ruột và thường xuyên sử dụng Vitamin C, khoáng trộn vào thức ăn cho tôm ăn hàng ngày để tăng sức đề kháng và giúp tôm tăng trưởng tốt.
- Quản lý ao nuôi chặt chẽ, duy trì nguồn nước trong ao sạch luôn trong sạch, từ tháng nuôi thứ 3 trở đi thay nước định kỳ đảm bảo môi trường nước trong ao luôn trong sạch, kích thích tôm lột xác trong quá trình nuôi.
- Định kỳ 15 ngày/lần bón vôi xử lý môi trường ao nuôi với lượng 2 kg/100 m2 vừa đảm bảo môi trường nước sạch vừa có tác dụng giúp tôm nuôi sau khi lột xác nhanh cứng vỏ, kích thích tôm lột xác.
- Định kỳ sử dụng vi sinh, chế phẩm sinh học, khoáng để xử lý môi trường nước, đáy ao nuôi đảm bảo môi trường nước luôn trong sạch và kích thích tôm lột xác giúp tôm tăng trưởng tốt.
5.2. Một số bệnh thường gặp đối với tôm càng xanh nuôi thương phẩm.
a) Bệnh đóng rong.
Tôm mắc bệnh khi môi trường nước xấu, tảo phát triển nhiều, tôm bỏ ăn hoặc dinh dưỡng không đầy đủ làm tôm chậm lột xác. Khi tôm bị bệnh nhìn bên ngoài sẽ thấy lớp tảo, rong bám khắp mình tôm. Tôm bị bệnh sẽ khó lột xác, hô hấp khó khăn khi có ký sinh mang và dễ chết khi hàm lượng ôxy thấp.
Để phòng bệnh đóng rong cần giữ môi trường nước ao nuôi tốt, tránh sự tích tụ nhiều chất hữu cơ ở lớp bùn đáy, cho tôm ăn các loại thức ăn đảm bảo chất lượng không để dư thừa thức ăn.
Khi tôm bệnh dùng đồng sulphat (CuSO4) 300 g/1.000 m3 nước hay formol với liều lượng 25 lít/1.000 m3 nước để xử lý tôm bệnh.
b) Bệnh đốm đen.
 Do tôm bị sốc hay tổn thường do tác động bên ngoài làm tôm suy yếu, các vi khuẩn hay nấm (Vibrio, Pseudomonas) tấn công lên cơ thể tôm dẫn đến xuất hiện những vết thương màu nâu đen, nổi thành gờ trên vỏ tôm hay các phụ bộ của tôm.
Khi tôm bệnh cần phải cải thiện môi trường ao nuôi bằng cách thay nước, có thể dùng kháng sinh BayMet với liều lượng 3 - 5 g/1kg thức ăn liên tục trong 3 ngày. Đồng thời dùng các sản phẩm có hoạt chất lodine tạt xuống ao nuôi.
Sau 2 ngày sử dụng vi sinh và khoáng để tôm mau cứng vỏ dễ lột xác.

c) Bệnh khác.
Bệnh phồng mang do ký sinh, đen mang, đỏ đuôi, mềm vỏ... nếu phát hiện trên 10% đàn tôm nhiễm bệnh cần xử lý kịp thời. Vệ sinh môi trường nước ao nuôi, thay nước kịp thời. Dùng sản phẩm có hoạt chất lodine tạt đều khắp ao nuôi kết hợp sử dụng đồng suphat 300 g/1.000 m3 nước. Có thể sử dụng thêm các loại vi sinh và vitamin trộn vào thức ăn để tăng cường khả năng tiêu hóa và tăng sức đề kháng cho tôm.
6. Thu hoạch tôm thương phẩm.
- Sau thời gian nuôi 5 - 6 tháng, tôm đạt kích cỡ 50 - 60 g/con tiến hành thu hoạch.
- Phương pháp thu hoạch: Có thể tiến hành thu tỉa bằng cách đặt lưới, đó để bắt tôm hoặc thu tổng thể bằng cách dùng lưới kéo thu tôm sau đó rút cạn nước để thu triệt để toàn bộ tôm thương phẩm.
- Tôm sau khi thu hoạch phải được tuyển lựa, vệ sinh sạch sẽ và giữa cho tôm sống để nâng cao giá trị, giá bán cao hơn./.
 

Tác giả bài viết: Thạc sỹ Trương Văn Toản

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Bạn muốn biết thông tin về sản phẩm tôm giống của trung tâm?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập26
  • Hôm nay7,358
  • Tháng hiện tại157,791
  • Tổng lượt truy cập10,435,183
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây