Axit hữu cơ là một hoặc nhiều nhóm carboxyl. Đây là nhóm phân tử phổ biến trong thực vật. Axit hữu cơ gồm axit carboxyl đơn chức, mạch thẳng, và các dẫn xuất tương ứng như axit hydroxylic không bão hòa, axit phenolic và các axit carboxylic đa chức.
Trong đường ruột của vật nuôi luôn tồn tại nhóm vi khuẩn có ích và nhóm vi khuẩn gây bệnh. Nhóm vi khuẩn có lợi bao gồm những vi khuẩn lên men sinh axit lactic như: Lactobacillus, Bifidobacterium, Streptococcus… Nhóm vi khuẩn gây bệnh thường là E. coli, Salmonella, Clostridium perfringens, Vibrio… Số lượng các nhóm vi khuẩn này thường được duy trì ở mức cân bằng. Do nguyên nhân nào đó tác động, số vi khuẩn gây bệnh tăng lên, trạng thái cân bằng bị phá vỡ khiến vật nuôi bị rối loạn tiêu hóa, sức đề kháng giảm dẫn đến mắc bệnh.
Các kỹ thuật viên kiểm tra sức khỏe tôm tại ao nuôi. Ảnh: Đặng Hồng Đức
Những vi khuẩn có ích sống trong môi trường có độ pH thấp hơn so với các vi khuẩn gây bệnh. Như vậy, việc bổ sung axit hữu cơ để giảm pH xuống sẽ ức chế được các nhóm vi khuẩn gây bệnh, đồng thời tạo điều kiện cho nhóm vi khuẩn có lợi phát triển.
Các axit hữu cơ có khả năng ức chế sự phát triển của các vi sinh vật gây bệnh (nấm mốc, nấm men, vi khuẩn gây bệnh). Đặc biệt là các loài vi khuẩn Vibrio spp. gây bệnh cho tôm, điển hình là bệnh phân trắng do V. alginolyticus, V. parahaemolyticus, V. vulnificus và hoại tử gan tụy cấp do Vibrio harveyi gây ra. Khả năng ức chế chủ yếu là nhóm axit hữu cơ mạch ngắn, bao gồm: acetic axit, butyric axit, formic axit, propionic axit. Axit này đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thay thế kháng sinh đang bị lạm dụng trong nuôi trồng thủy sản (NTTS) như hiện nay.
Bổ sung kết hợp các axit hữu cơ cải thiện tỷ lệ sống, tăng miễn dịch, kích thích tăng trưởng và hiệu quả giữ chất dinh dưỡng ở tôm sú.Ảnh: Globalseafood
Bên cạnh đó, axit hữu cơ cũng được xem là nguồn cung cấp năng lượng giúp tăng tỷ lệ chuyển đổi thức ăn cho thủy sản, gia tăng hấp thụ giúp thủy sản phát triển nhanh chóng… Việc sử dụng axit hữu cơ sẽ giảm được đáng kể chi phí sản xuất trong NTTS, nhất là các cơ sở và trang trại quy mô vừa và lớn.
Trước khi có lệnh cấm sử dụng các chất kháng sinh dùng làm chất kích thích tăng trưởng trong chăn nuôi thì chỉ có một số nghiên cứu đã được công bố về việc sử dụng axit hữu cơ trong thức ăn thủy sản. Kể từ năm 2006, nhiều nghiên cứu đã được tiến hành để xác định ảnh hưởng của axit hữu cơ và muối của chúng trong chế độ ăn đến hiệu suất tăng trưởng, sử dụng chất dinh dưỡng và khả năng kháng bệnh ở một số loài thủy sản nuôi có tầm quan trọng thương mại như cá hồi vân, cá hồi salmon, cá chép và cá rô phi và ngay cả trên động vật có vỏ.
Một nghiên cứu nữa trên cá rô phi lai cho thấy, khi nuôi từ cá giống cho đến gần đạt kích cỡ thương phẩm, cá ăn thức ăn có bổ sung OAB (hỗn hợp các axit hữu cơ) nguyên mẫu ở liều 5 g/kg hoặc 10 g/kg có xu hướng cải thiện tăng trưởng và hiệu quả thức ăn.
Còn trên tôm sú, việc bổ sung kết hợp các axit hữu cơ (fumarate, butyrate và succrate) với liều lượng 30 g/kg thức ăn và bổ sung butyrate 10 g/kg đã cải thiện tỷ lệ sống, tăng cường miễn dịch, kích thích tăng trưởng và hiệu quả giữ chất dinh dưỡng ở tôm sú.
Vì NTTS là sự kết hợp của nhiều loài nuôi, hoạt động cho ăn, mô hình nuôi khác nhau nên việc sử dụng axit hữu cơ cho từng điều kiện môi trường là khác nhau. Do đó, khi sử dụng axit hữu cơ cần phải đúng liều lượng và phù hợp đối với từng giai đoạn phát triển của thủy sản.
Hiệu quả sử dụng axit hữu cơ cho thủy sản sẽ phụ thuộc vào hiệu năng, nồng độ sử dụng của người. Do đó, việc sử dụng axit hữu cơ cho thủy sản cần có sự chỉ định của chuyên gia về loại axit sử dụng, liều lượng sử dụng trong từng giai đoạn phát triển của thủy sản. Người nuôi cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất, không nên tự ý phối trộn với các hóa chất khác.
Đặc biệt khi ứng dụng lâu dài cần có nghiên cứu sâu hơn về cơ chế kháng khuẩn của các axit hữu cơ, tránh tình trạng vi khuẩn gây hại dần dần chịu được môi trường pH thấp, từ đó phát sinh chủng gây hại có độc lực cao hơn.
Nguyễn Hằng
Nguồn tin: thuysanvietnam.com.vn
Ý kiến bạn đọc