Trước áp lực cạnh tranh thị trường, việc tiết kiệm chi phí sản xuất, nhất là tiết kiệm năng lượng từ đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm là giải pháp giúp người nuôi thủy sản nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng sức cạnh tranh thị trường trong bối cảnh hội nhập.
Thời gian qua, ngành thủy sản tỉnh Tiền Giang đã mạnh dạn áp dụng các Dự án “Trình diễn hệ thống nuôi tôm tiết kiệm năng lượng sử dụng sinh khối” nhằm giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất.
Ngành thủy sản Tiền Giang khuyến khích người dân phát triển các mô hình áp dụng công nghệ mới, thân thiện với môi trường. Ảnh: Nguyễn Sự
Theo đó, dự án được triển khai từ năm 2022, với các mục tiêu giảm phát thải và tiết kiệm năng lượng. Qua đó, dự án trình diễn mô hình nuôi mật độ cao (500 con/m³), ứng dụng IOT để giám sát chất lượng nước và môi trường ao nuôi theo thời gian thực. Nhờ đó, tỷ lệ sống đạt 85%, năng suất và chất lượng tôm đều tăng rõ rệt.
Ngoài ra, dự án còn xây dựng hệ thống biogas sử dụng bùn thải ao tôm và phụ phẩm nông nghiệp (như lá sả) để tạo ra điện phục vụ sản xuất. 2 túi ủ khí metan dung tích 60 m³ kết nối với hệ thống phát điện hoạt động liên tục. Công nghệ cảm biến hiện đại cho phép đo nhiệt độ, áp suất, nồng độ khí, điều khiển tự động hóa toàn bộ quá trình, từ lên men đến phát điện.
Qua đó, dự án góp phần giảm phát thải khí nhà kính – khoảng 15,5 lít t-CO₂/năm trên mỗi đơn vị ao 1.000 m² (so với mô hình bán thâm canh) và lên đến 26,9 lít t-CO₂/năm so với mô hình thâm canh hiện đại.
Theo Chi cục Thủy sản Tiền Giang, hiện dự án đã cơ bản hoàn thành giai đoạn 1, giai đoạn thử nghiệm và trình diễn. Dự án sẽ bước vào hợp tác chuyển giao khoa học – kỹ thuật mới cho tỉnh. Dự án này đã phát huy tối đa quy trình nuôi tôm mật độ cao, ứng dụng công nghệ tiên tiến và sử dụng sinh khối để tạo ra nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Đây là dự án mang ý nghĩa đối với sự phát triển khoa học công nghệ trong lĩnh vực nuôi tôm trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là trong định hướng phát triển nông nghiệp bền vững hiện đại.
Sở Nông nghiệp và Môi trường Tiền Giang kỳ vọng kết quả của dự án sẽ là động lực, cơ hội để ngành nuôi trồng thủy sản của tỉnh phát triển bền vững, hiện đại. Đồng thời, tạo cơ hội phát triển nguồn năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh, góp phần cùng cả nước hướng tới đạt các mục tiêu giảm phát thải vào năm 2050 của Việt Nam theo cam kết,…
Thời gian tới, ngành thủy sản tỉnh Tiền Giang tiếp tục khuyến khích người dân phát triển các mô hình nuôi trồng thủy sản áp dụng công nghệ mới, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; áp dụng các tiêu chuẩn chứng nhận thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (GAP), các tiêu chuẩn quốc tế về nuôi trồng thủy sản bền vững (ASC),… Đồng thời, người nuôi cần đẩy mạnh các mô hình thủy sản sạch theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ sinh học, trong xử lý môi trường; ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ, các kỹ thuật tiến bộ phục vụ cho phát triển thủy sản sạch, bền vững.
Lê Loan
Nguồn tin: thuysanvietnam.com.vn
Ý kiến bạn đọc