Cà Mau: Phát triển nhiều mô hình nuôi tôm hiệu quả

Thứ tư - 07/05/2025 22:35 13 0

Tạo giá trị lớn

Là tỉnh duy nhất trong cả nước có 3 mặt giáp biển, Cà Mau có thế mạnh nuôi trồng thủy sản, trong đó, tôm là mặt hàng tạo ra giá trị lớn nhất và là sản phẩm gắn bó mật thiết với đời sống, sinh kế của người dân. Ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau đang tập trung phát triển sản phẩm thủy sản chủ lực là tôm trên nền tảng liên kết chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo các tiêu chuẩn chất lượng, từng bước đưa thủy sản Cà Mau trở thành ngành kinh tế thương mại hiện đại, bền vững.

Thời gian qua, ngành tôm Cà Mau ghi nhận những chuyển biến rõ rệt, nhất là trong cơ cấu sản xuất và ứng dụng công nghệ. Các mô hình nuôi tôm hiện nay đa dạng với các loại hình chủ lực như: Nuôi công nghiệp (bán thâm canh, thâm canh, siêu thâm canh), quảng canh cải tiến, tôm – lúa, tôm – rừng và quảng canh kết hợp.

Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ngày càng thu hút người dân nhờ hiệu quả vượt trội. Ảnh: Trần Thanh Hải

Đáng chú ý, mô hình quảng canh cải tiến và siêu thâm canh ngày càng thu hút sự quan tâm bởi hiệu quả vượt trội. Đến nay, diện tích nuôi tôm theo chuỗi liên kết, quảng canh cải tiến đã đạt khoảng 127.600 ha, với hơn 64.800 hộ dân tham gia. Năng suất trung bình đạt 550 kg/ha/năm, sản lượng ước tính năm 2025 khoảng 70.974 tấn. Trong khi đó, mô hình siêu thâm canh đã đạt khoảng 5.500 ha, với năng suất lên tới 23 tấn/ha/năm, sản lượng ước khoảng 126.500 tấn. Tổng sản lượng tôm nuôi của tỉnh đến cuối năm 2024 đạt khoảng 242.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,12 tỷ USD – một con số ấn tượng giữa bối cảnh thị trường toàn cầu đầy biến động.

Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Cà Mau cho biết, những năm qua, tình hình phát triển nuôi tôm trên địa bàn tỉnh có sự thay đổi nhanh về cơ cấu, ứng dụng công nghệ vào sản xuất, từ đó năng suất và sản lượng tăng lên đáng kể. Nhiều năm liền tỉnh Cà Mau dẫn đầu cả nước về diện tích, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu. Ðó là kết quả nổi bật mà con tôm Cà Mau đã đạt được trong thời gian qua, thông qua nhiều mô hình sản xuất hiện đại.

Nhân rộng các mô hình hiệu quả

Ðược đánh giá là loại hình cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao, nhưng loại hình nuôi tôm siêu thâm canh cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro do chi phí lớn, phụ thuộc nhiều vào thời tiết, mùa vụ, khó kiểm soát dịch bệnh trong quá trình nuôi,… Ðể khắc phục tình trạng này, thời gian qua, nhiều mô hình ứng công nghệ mới theo hướng kinh tế tuần hoàn và thích ứng với biến đổi khí hậu đã ra đời và được áp dụng.

Trong đó, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh 3 giai đoạn tuần hoàn ít thay nước, an toàn sinh học là điển hình. Sau một thời gian triển khai tại 5 hộ thuộc các huyện Cái Nước, Ðầm Dơi và TP Cà Mau, mô hình đã khẳng định được hiệu quả, mở ra thêm sự lựa chọn mới cho người nuôi tôm siêu thâm canh trên địa bàn tỉnh trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan.

Là một trong những hộ tham gia thực hiện mô hình, ông Huỳnh Thái Nguyên, ấp Rau Dừa B, xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước, cho biết, đến thời điểm này quy trình nuôi đang cho hiệu quả kinh tế cao. Có những vụ nuôi chỉ sau 90 ngày thả giống, tôm đạt 34 – 35 con/kg, lợi nhuận có khi đạt trên 500 triệu đồng/ao (1.200 m2)/vụ.

Theo ông Châu Công Bằng, để thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu, tỉnh đang đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng các công nghệ mới trong sản xuất tôm giống và nuôi thương phẩm như: Mô hình Biofloc, quy trình nuôi tuần hoàn khép kín (RAS), nuôi ít thay nước, kết hợp nuôi với động vật ăn lọc nhằm giảm xả thải.

Bên cạnh đó, quy trình nuôi quảng canh cải tiến hai giai đoạn được triển khai đồng thời cho các hình thức tôm – lúa và tôm – rừng nhằm tăng hiệu quả sử dụng đất và tăng năng suất. Việc kiểm soát chặt chất lượng toàn bộ chuỗi giá trị từ con giống, thức ăn, thuốc, sản phẩm xử lý môi trường đến khâu chế biến, xuất khẩu cũng được thực hiện nghiêm ngặt nhằm đảm bảo sản phẩm đạt yêu cầu khắt khe của thị trường trong và ngoài nước, đồng thời tăng khả năng truy xuất nguồn gốc. Song song, tỉnh chú trọng công tác tuyên truyền, xúc tiến đầu tư, kiểm tra điều kiện các cơ sở sản xuất tôm giống, ương dưỡng và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất. Việc cập nhật thường xuyên thông tin thị trường, giá cả, diễn biến xuất nhập khẩu toàn cầu cũng là giải pháp chiến lược để ngành tôm Cà Mau vững vàng trước những biến động khó lường.

Lê Loan

Nuôi trồng thủy sản là thế mạnh của tỉnh Cà Mau với khoảng 280.000 ha diện tích nuôi tôm, chiếm 40% diện tích nuôi tôm cả nước. Con tôm Cà Mau đang xây dựng cho mình chỗ đứng với nhiều loại hình nuôi mang lại hiệu quả và bền vững.

Nguồn tin: thuysanvietnam.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Bạn muốn biết thông tin về sản phẩm tôm giống của trung tâm?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập431
  • Hôm nay15,330
  • Tháng hiện tại99,051
  • Tổng lượt truy cập11,867,265
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây