TRUNG TÂM GIỐNG THỦY SẢN NGHỆ AN HỌC TẬP KINH NGHIỆM SẢN XUẤT GIỐNG VÀ NUÔI THƯƠNG PHẨM LƯƠN ĐỒNG TẠI HẬU GIANG
Thực hiện Hợp đồng số 1236/HĐ-SKHCN ngày 22/12/2020 giữa Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An với Trung tâm giống Thủy sản Nghệ An về việc thực hiện dự án sản xuất thử nghiệm: “Ứng dụng tiến bộ KH&CN xây dựng mô hình sản xuất giống và nuôi thương phẩm lươn đồng (Monopterus albus Zuiew 1793) quy mô hàng hóa tại Nghệ An”. Để đảm bảo tiến độ và nâng cao hiệu quả trong việc triển khai thực hiện dự án. Trung tâm giống Thủy sản Nghệ An đã cử đoàn cán bộ đi học tập kinh nghiệm thực tế về sản xuất giống và nuôi thương phẩm lươn đồng tại tỉnh Hậu Giang trong thời gian 6 ngày, kể từ ngày 15 - 20/01/2021.
Thành phần đoàn đi học tập kinh nghiệm thực tế có 5 người gồm Giám đốc Trung tâm giống thủy sản, chủ nhiệm, cán bộ kỹ thuật và hai hộ dân tham gia xây dựng mô hình nuôi thương phẩm lươn đồng của dự án. Trong thời gian học tập kinh nghiệm, đoàn đã nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của Chi cục thú y - thủy sản tỉnh Hậu Giang tận tình giúp đỡ, dẫn đoàn đi trực tiếp đến các cơ sở sản xuất giống và nuôi thương phẩm có quy mô, đầy đủ trang thiết bị, đang triển khai sản xuất để đoàn được trực tiếp chứng kiến các công đoạn sản xuất, học tập, nắm bắt các vấn đề kỹ thuật liên quan đến sản xuất giống và nuôi thương phẩm Lươn đồng.
Một số hình ảnh trong quá trình khảo sát, học tạp kinh nghiệm sản xuất giống và nuôi thương phẩm lươn đồng tại Hậu Giang
Thông qua việc trực tiếp học tập, nắm bắt kỹ thuật về sản xuất giống và nuôi thương phẩm tại các mô hình, các thành viên trong đoàn cơ bản nắm bắt được các công đoạn kỹ thuật như thiết kế, xây dựng, vận hành hệ thống bể nuôi vỗ lươn bố mẹ, bể ương lươn bột, lươn giống, hệ thống ấp trứng, nắm bắt được việc tuyển chọn, thuần dưỡng, chăm sóc, quản lý ghép cặp lươn bố mẹ cho đẻ, thu trứng, ấp trứng, chăm sóc, quản lý ương lươn bột, lươn giống, công tác phòng trị bệnh cho lươn giống…cũng như các vấn đề kỹ thuật về nuôi thương phẩm lươn đồng trong bể quy mô công nghiệp.
Có thể nói, việc học tập kinh nghiệm tại các mô hình sản xuất vô cùng có ý nghĩa trong việc triển khai thực hiện dự án, là điều kiện để lãnh đạo đơn vị, chủ nhiệm dự án cũng như các cán bộ kỹ thuật, chủ các mô hình nuôi thương phẩm được trải nghiệm thực tế, nắm được tổng thể cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ sản xuất, tận mắt chứng kiến các thao tác kỹ thuật cũng như được trao đổi, học hỏi các vấn đề kỹ thuật liên quan trong quá trình sản xuất từ đó áp dụng vào thực tế triển khai thực hiện dự án tại Nghệ An, góp phần thực hiện thành công dự án đảm bảo mục tiêu, nội dung và tiến độ dự án đề ra./.
Tác giả bài viết: Trương Văn Toản