QUY TRÌNH CÔNG NGHỆ SẢN XUẤT GIỐNG CÁ RÔ PHI LAI XA DÒNG ISRAEL

Thứ tư - 24/03/2021 04:05 2.795 0
  1. Phạm vi, đối tượng áp dụng, căn cứcủa quy trình

1.1.Phạm viáp dụng

Quy trình này được áp dụng cho mô hình sản xuất cá rô phi đơn tính đực bằng lai khác loài trong điều kiện Nghệ An.
1.2.Đối tượng áp dụng
Quy trình được áp dụng cho đối tượng là cá rô phi bố mẹ thuộc các loài O.niloticusvà O.aureuscó nguồn gốc nhập từ Israel.

1.3.Căn cứ của quy trình

- Kết quả nghiên cứu của dự án chuyển giao: Sản xuất giống cá rô phi đơn tính đực bằng công nghệ lai khác loài phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu (2006 - 2007).
- Kết quả nghiên cứu của đề tài: Thử nghiệm lựa chọn hình thái cá rô phi bố mẹ lai khác loài phục vụ sản xuất (2008), Nghiên cứu lựa chọn hình thái và tỷ lệ giới tính ở cá rô phi lai xa (2009).
- Kết quả của dự án: Sản xuất cá rô phi giống đơn tính đực bằng phương pháp lai xa khác loài (2010 - 2012).
- Kết quả nghiên cứu của dự án: Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ xây dựng mô hình liên kết chuỗi trong sản xuất cá Rô phi lai xa dòng Israel quy mô hàng hóa tại Nghệ An(2018-2020).

 
  1. Tuyển chọn, thuần hóa, tái sản xuất cá rô phi bố mẹ lai xa dòng Israel 

2.1. Các yêu cầu kỹ thuật

Quá trình tái sản xuất đàn cá bố mẹ quyết định đến tỷ lệ đực ổn định ở thế hệ cá lai xa. Để tái sản xuất đàn cá bố mẹ cần phải thực hiện nghiêm các yêu cầu kỹ thuật sau:
2.1.1.Cá bố mẹ
- Đảm bảo cá có nguồn gốc thuần chủng, không bị lai tạp: Cá bố O. aureusdòng Israel, cá mẹ O. niloticusdòng Israel.
- Cá bố mẹ khỏe mạnh, đạt tiêu chuẩn về hình thái ngoài: Không dị tật, màu sắc đẹp, sáng màu…
- Tuổi đảm bảo tiêu chuẩn 1+, kích cỡ cá đạt tiêu chuẩn cho phép (đối với cá bố mẹ) >300 g/cá thể
Cá bố mẹ có nguồn gốc nhập khẩu từ Israel, được lưu giữ tại Trung tâm Quốc gia giống thủy sản nước ngọt miền Bắc chuyển giao cho Trung tâm giống Thủy sản Nghệ An.
2.1.2.Về cơ sở vật chất
Chọn cải tạo và xây dựng ao nuôi vỗ và nuôi ghép sinh sản cá rô phi phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật sau đây:
- Ao được sử dụng để nuôi vỗ cá bố mẹ phải thuận tiện cho việc cấp thoát nước, nước cấp cho ao nuôi không được ô nhiễm.
- Môi trường nước ngọt.
- Bờ ao chắc chắn, không hiện tượng rò rỉ.
- Chất đáy phù hợp không bị chua quá (phèn), độ kiềm chất đáy nên trong khoảng 6,5 - 8,5 là phù hợp.










Bảng 1: Yêu cầu kỹ thuật đối với ao nuôi vỗ 
STT Yếu tố kỹ thuật Yêu cầu kỹ thuật
1 Diện tích (m2) 1.000 - 2.000
2 Hình dạng Vuông, chữ nhật
3 Độ sâu nước (m) 0,8 - 1,2
4 Độ cao bờ so với mặt nước (m) 0,5 - 0,8
5 Độ dày lớp bùn (cm) 15 - 25


2.1.3.Về nhân lực
Tùy thuộc về quy mô sản xuất để cụ thể số nhân công cần thiết, tuy nhiên về cơ bản phải có từ 2 - 3 cán bộ nắm chắc được kỹ thuật tuyển chọn cá đực và cái rô phi.
2.1.4.Một số thiết bị và dụng cụ cần thiết phục vụ trong quá trình tuyển chọn
- Giai 40m2, bể 20 - 50m2phục vụ cho quá trình nuôi ghép sinh sản.
- Máy bơm nước, máy tạo oxy cho cá trong suốt quá trình nuôi ghép và ương nuôi cá hậu bị.
- Các dụng cụ hỗ trợ khác: găng tay, vợt, lưới, xô,…

2.2.Nội dung thực hiện

2.2.1.Sơ đồ tóm tắt xây dựng và tái sản xuất đàn cá bố mẹ:
Sơ đồ 1:Xây dựng và tái sản xuất cá rô phi vằn (O. niloticus)dòng Israe
sd1

Sơ đồ 2:Xây dựng và tái sản xuất cá rô phi dòng O. aureusIsrael
sd2

Cá rô phi bố mẹ của mỗi loài được nuôi vỗ thành thục riêng tại các ao.
Chế độ nuôi vỗ thành thục và nuôi vỗ sinh sản như đối với quy trình nuôi vỗ cá rô phi bố mẹ.

2.2.2.Tiến hành thực hiện

Cá rô phi bố mẹ sau khi được nuôi vỗ thành thục ta sẽ tiến hành ghép đàn để cho tái sản xuất quần đàn.
Cá đực và cá cái sẽ được ghép theo tỷ lệ đực : cái = 1:1.
Có 2 hình thức ghép cá bố mẹ cho sinh sản: i) ghép trong giai, ii) ghép trong bể. Mục đíchnhằm tránh bị lẫn tạp cá bên ngoài, ảnh hưởng đến độ thuần chủng của cá bố mẹ được tạo ra.
Quá trình thực hiện thu cá bột được thực hiện tương tự như thu cá bột trong sản xuất giống cá rô phi đơn tính.
Cá rô phi bột sau khi thu được sẽ được ương nuôi riêng rẽ trong các giai 5 - 20m2.
Mật độ ương nên thưa hơn đối với ương cá đơn tính, mục đích nhằm để cho cá mau lớn đạt kích thước >2g/cá thể.
Cá sau khi đạt kích thước >2g/cá thể, sẽ tiến hành đánh dấu (trong điều kiện đối với cơ sở có trang thiết bị máy đánh dấu CTW), hoặc sẽ được đưa ra ương trong ao đã được cải tạo và làm thật sạch sẽ, ao tuyệt đối không có hiện tượng rò rỉ, tiến hành lấy nước vào ao (được lọc cẩn thận). Việc này rất quan trọng vì ao rò rỉ, hoặc quá trình lấy nước vào không lọc cẩn thận dẫn tới cá bột hoặc trứng của loài rô phi khác sẽ bị lẫn tạp trong ao nuôi của chúng ta.
Chăm sóc cá hậu bị như đối với nuôi cá rô phi thương phẩm.
Cá rô phi hậu bị sau khi đạt kích cỡ 20 - 50 g/cá thể, tùy theo mục đích sử dụng ta sẽ tiến hành như sau:
a)Đối với mục đích để tạo đàn cá bố mẹ phục vụ cho sản xuất cá đơn tínhđực:
- Tiến hành lựa chọn hình thái ngoài theo tiêu chí khởi điểm vây lưng trước hoặc sau so với điểm cuối nắp mang.
- Đối với cá đực dòng O.niloticussẽ được loại ra để nuôi lên cá thương phẩm hoặc bán cho ai có nhu cầu.
- Đối với cá cái dòng O.aureus, ta có thể loại chúng vì không có mục đích sử dụng.
b)Đối với mục đích để tạo đàn bố mẹ thuần phục vụ cho quá trình tiếp tục nhân đàn:
- Tiến hành chọn nhiều đàn cá hậu bị đảm bảo tính đa dạng của quần đàn.
- Cá bố mẹ được chọn mang tính ngẫu nhiên, không xác định đực cái.

 
  1. Quy trình kỹ thuật nuôi vỗ cá bốmẹ

3.1.Các yêu cầu kỹ thuật

3.1.1.Cá bố mẹ:
- Đảm bảo cá có nguồn gốc nhập khẩu từ Israel,thuần chủng, không bị lai tạp: Cá bố O. aureusdòng Israel, cá mẹ O. niloticusdòng Israel.
- Cá khỏe mạnh, đạt tiêu chuẩn: Không dị tật, màu sắc đẹp...
- Tuổi đảm bảo tiêu chuẩn 1+, kích cỡ cá đạt tiêu chuẩn cho phép (đối với cá bố mẹ >300 g/cá thể)
3.1.2.Ao nuôi vỗ:
Chọn cải tạo và xây dựng ao nuôi vỗ và nuôi ghép sinh sản cá rô phi phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật sau đây:
- Ao được sử dụng để nuôi vỗ cá bố mẹ phải thuận tiện cho việc cấp thoát nước, nước cấp cho ao nuôi không được ô nhiễm.
- Môi trường nước ngọt.
- Bờ ao chắc chắn, không hiện tượng rò rỉ.
- Chất đáy phù hợp không bị chua quá (phèn), độ kiềm chất đáy nên trong khoảng 6,5 - 8,5 là phù hợp.
Bảng2:Yêu cầu kỹ thuật đối với ao nuôi vỗ 
STT Yếu tố kỹ thuật Yêu cầu kỹ thuật
1 Diện tích (m2) 1.000 - 2.000
2 Hình dạng Vuông, chữ nhật
3 Độ sâu nước (m) 0,8 - 1,2
4 Độ cao bờ so với mặt nước (m) 0,5 - 0,8
5 Độ dày lớp bùn (cm) 15 - 25


3.1.3.Một số thiết bị và dụng cụ cần thiết phục vụ trong quá trình nuôi vỗ 
Bảng3:Thiết bị và dụng cụ cần thiết chủ yếu
TT Thiết bị, dụng cụ Đơn vị Số lượng
1 Máy bơm nước, phun nước, quạt nước Cái theo điều kiện thực tế
2 Nhiệt kế Cái 1
3 Test Oxy Bộ 1
4 Test pH Bộ 1
5 Giai nhốt cá bố mẹ 5 - 40m2 trong quá trình tuyển chọn Cái Theo quy mô sản xuất và điều kiện thực tế
6 Các dụng cụ hỗ trợ khác: lưới, găng tay, vợt ... Cái Theo quy mô sản xuất và điều kiện thực tế




3.1.4.Thời gian nuôi vỗ 
Trong điều kiện khí hậu miền Bắc, mà cụ thể ở đây là Nghệ An, thời gian thích hợp cho nuôi vỗ: Vụ chính từ tháng 1 – 2; vụ thu từ tháng 8 – 9 hàng năm.
3.1.5.Thức ăn sử dụng nuôi cá
Thức ăn được sử dụng trong quy trình này là thức ăn công nghiệp có độ đạm từ 28% trở lên, nên lựa chọn những hãng thức ăn có uy tín, chất lượng.
3.2.Nội dung thực hiện
3.2.1.Mùa vụ nuôi vỗ:
Thời gian thích hợp cho nuôi vỗ: Vụ chính tháng 1- 2; vụ thu tháng 7- 8.
3.2.2.Chuẩn bị ao:
Trước khi thả cá rô phi bố mẹ để nuôi vỗ cần phải chuẩn bị ao nuôi chu đáo theo trình tự và nội dung sau đây:
  1. Cải tạo ao:
Tháo cạn nước, vét bùn, san đáy ao, bùn dầy 15 - 25cm
Tu sửa, gia cố bờ và các cống cấp, tiêu nước.
Khử chua, diệt tạp:Dùng vôi bột rải đều khắp đáy ao với lượng dùng 7 - 10kg/100m2. Phơi đáy ao tối thiểu từ 2 ngày trở lên.
  1. Cấp nước vào ao nuôi:
Ao sau khi tẩy dọn, tối thiểu 2 ngày, tiến hành cấp nước. Cấp nước vào ao, có sử dụng lưới lọc tránh hiện tượng cá tạp theo nước vào ao nuôi. Mức nước cấp ban đầu 0,6 - 0,8m, sau 1 - 2 ngày tiến hành thả cá bố mẹ.
3.3.3.Thả cá bố mẹ
a)Phương pháp thả cá rô phi bố mẹ:
Cá bố mẹ đảm bảo không xây xát, khỏe mạnh được thả nuôi vỗ trong điều kiện thời tiết thuận lợi, nhiệt độ nước thích hợp 20 - 320C, những hôm trời râm mát.
Cá bố mẹ trong giai đoạn nuôi vỗ thành thục: cá đực và cá cái được nuôi riêng.
  1. Mật độ thả cá bố mẹ:35 - 40kg/100m2ao.
3.3.4.Quản lý, chăm sóc ao nuôi vỗ cá bố mẹ
a)Quản lý môi trường ao nuôi:
Bảng4:Một số yếu tố môi trường cho phép trong ao nuôi cá rô phi
pH NO2 (mg/l) NO3 (mg/l) DO (mg/l)
Mức cho phép Mức cho phép Mức cho phép Mức cho phép
6,5 - 8,5 <1 <0,1 >3
-Hàng ngày kiểm tra xử lý các hiện tượng sạt lở bờ, rò rỉ,…
- Tiến hành định kỳ các biện pháp kỹ thuật: sử dụng chế phẩm sinh học, bón vôi định kỳ (tùy thuộc chất lượng nước), thay nước khi cần thiết.
- Chú ý theo dõi thời tiết: Những ngày trời nhiều mây, oi bức dễ dẫn đến hiện tượng nổi đầu ở cá, do thiếu oxy, nên vận hành máy tạo ô xy nhằm cung cấp oxy cho ao nuôi.
- Theo dõi các yếu tố môi trường ao nuôi:
+ Theo dõi oxy hòa tan: Định kỳ theo dõi 1 tuần/ lần vào các thời điểm 8 giờ và 14 giờ trong ngày.
+ Theo dõi pH: Định kỳ theo dõi 1 tuần/ lần vào các thời điểm 8 giờ và 14 giờ trong ngày.
+ Theo dõi NO2và NO3: Định kỳ theo dõi 1 tuần/ lần vào thời điểm 14 giờ trong ngày.
b)Quản lý sức khỏe cá nuôi:
- Phương pháp cho cá ăn
Đối với ao nuôi vỗ thành thục: Định lượng đủ thức ăn hàng ngày, cho cá ăn ngày 2 lần. Cho cá ăn vào các thời gian nhất định trong ngày.
- Khẩu phần thức ăn: Cho cá ăn 2 - 3%/ tổng khối lượng đàn/ ngày, thức ăn được sử dụng là thức ăn công nghiệp có độ đạm tối thiểu 28%.
- Hàng ngày, tiến hành kiểm tra aovào buổi sáng, quan sát hoạt động của cá và màu nước ao nuôi, phát hiện kịp thời các hiện tượng bất thường của cá và môi trường để có biện pháp xử lý thích hợp.
- Định kỳ thay nước giữ cho môi trường ao nuôi sạch trong quá trình nuôi vỗ cá bố mẹ để cá phát dục, thành thục tốt nhất.
- Thường xuyên vệ sinh ao nuôi: Vớt cỏ rác, thức ăn thừa, đảm bảo ao nuôi vỗ cá không bị nhiễm bẩn.
- Kiểm tra độ thành thục của cá để có hướng điều chỉnh thức ăn và kế hoạch chuyển sang nuôi ghép sinh sản.

 
  1. Kỹ thuật tuyển chọn cá bố mẹ ghép cặp cho sinh sản và thu cá bột 

4.1. Các yêu cầu kỹ thuật

4.1.1. Cá bố mẹ
- Đảm bảo cá có nguồn gốc thuần chủng, không bị lai tạp.
- Cá bố mẹ khỏe mạnh, đạt tiêu chuẩn về hình thái ngoài: Không dị tật, màu sắc đẹp, sáng màu…
- Tuổi và kích cỡ cá đạt tiêu chuẩn cho phép (đối với cá bố mẹ)
Cá bố mẹ có nguồn gốc nhập khẩu từ Israel, được lưu giữ tại Trung tâm Quốc gia giống thủy sản nước ngọt miền Bắc.
4.1.2. Về cơ sở vật chất
Đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn kỹ thuật như đối với ao nuôi vỗ cá bố mẹ: 
Bảng5:Yêu cầu kỹ thuật đối với ao ghép cá Rô phi bố mẹ cho sinh sản
STT Yếu tố kỹ thuật Yêu cầu kỹ thuật
1 Diện tích (m2) 1.000 - 2.000
2 Hình dạng Vuông, chữ nhật
3 Độ sâu nước (m) 0,8 - 1,2
4 Độ cao bờ so với mặt nước (m) 0,5 - 0,8
5 Độ dày lớp bùn (cm) 15 - 25


Bảng6:Thiết bị và dụng cụ cần thiết chủ yếu
TT Thiết bị, dụng cụ Đơn vị Số lượng
1 Máy bơm nước, phun nước, quạt nước Cái theo điều kiện thực tế
2 Nhiệt kế Cái 1
3 Test Oxy Bộ 1
4 Test pH Bộ 1
5 Giai nhốt cá bố mẹ 5 - 40m2 trong quá trình tuyển chọn Cái Theo quy mô sản xuất và điều kiện thực tế
6 Các dụng cụ hỗ trợ khác: găng tay, vợt, lưới, xô,… Cái Theo quy mô sản xuất và điều kiện thực tế
4.1.3. Về nhân lực
Tùy thuộc về quy mô sản xuất để cụ thể số nhân công cần thiết, tuy nhiên về cơ bản phải có từ 2 - 3 cán bộ nắm chắc được kỹ thuật tuyển chọn cá đực và cái rô phi.

4.2.Nội dung thực hiện

Cá bố (O. aureus), mẹ (O. niloticus), đã được nuôi vỗ thành thục riêng rẽ tại các ao được sử dụng để tuyển chọn cho sản xuất cá rô phi đơn tính đực.
4.2.1. Cơ sở lựa chọn
Công nghệ tạo cá đơn tính đực bằng lai khác loài của dự án dựa vào lựa chọn đặc điểm hình thái của bố mẹ: 1) Sử dụng cá đực O. aureus Israel x cá cái O. niloticus Israel có cùng khởi điểm vây lưng sau điểm cuối nắp mang lai với nhau và 2) Cá đực O. aureus Israel x cá cái O. niloticus Israel có cùng khởi điểm vây lưng trước điểm cuối nắp mang lai với nhau.
4.2.2. Công thức lựa chọn 
a) Công thức 1:
ct1
 

4.2.3. Kỹ thuật lựa chọn

Cá bố mẹ sau khi được kéo lưới cần mau chóng san cá san sangcác giai có kích cỡ phù hợp theo số lượng cá đánh bắt được.
Sử dụng máy phun nước để ép luyện cá bố mẹ tối thiểu 30 - 60 phút, sau khi cá đã được luyện ép mới tiến hành lựa chọn.
Đây là công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ và cẩn trọng do vậy việc bố trí nơi nhốt cá, tuyển chọn cho hợp lý là điều cần thiết, tránh trường hợp giai nhốt cá và vị trí tuyển chọn cách nhau quá xa.

4.2.4. Các bước tiến hành

a) Tuyển chọn cá bố mẹ 
- Cá bố mẹ được thu từ giai nhốt lên vị trí tuyển chọn bằng các vợt thưa với số lượng vừa phải.
- Cá bố mẹ sẽ được kiểm tra giới tính đực cái 1 lần cuối trước khi tuyển chọn hình thái.
- Cá bố mẹ sau khi được kiểm tra giới tính lần cuối, kỹ thuật viên sẽ tiến hành lựa chọn hình thái ngoài theo 2 công thức trên. Ghép cặp vào ao cho sinh sản.
Mật độ cá bố mẹ nuôi trong ao 3 – 5 con/m2; tỷ lệ đực/cái = 2/3.
b) Chăm sóc quản lý ao nuôi cá bố mẹ sinh sản
- Lượng thức ăn hàng ngày:1 - 2%/ tổng khối lượng đàn/ ngày.
- Theo dõi các yếu tố môi trường ao nuôi:
+Ôxy hòa tan: Định kỳ theo dõi 1 tuần/ lần vào các thời điểm 8 giờ và 14 giờ trong ngày.
+ pH: Định kỳ theo dõi 1 tuần/ lần vào các thời điểm 8 giờ và 14 giờ trong ngày.
- Hàng ngày, tiến hành kiểm tra aovào buổi sáng, quan sát hoạt động của cá và màu nước ao nuôi, phát hiện kịp thời các hiện tượng bất thường của cá và môi trường để có biện pháp xử lý thích hợp.
- Định kỳ thay nước giữ cho môi trường ao nuôi sạch trong quá trình nuôi vỗ cá bố mẹ để cá phát dục, thành thục tốt nhất.
- Thường xuyên vệ sinh ao nuôi: Vớt cỏ rác, thức ăn thừa, đảm bảo ao nuôi vỗ cá không bị nhiễm bẩn.
c) Thu cá bột
Tùy điều kiện cụ thể, sau khoảng 12 - 15 ngày sẽ thu được cá bột. Tùy thuộc và nhiệt độ nước của ao trong quá trình sản xuất giống mà định lịch thu trứng. Nhiệt độ nước 20 – 26 oC thì chu kỳ thu trứng là 10 - 12 ngày; Nhiệt độ nước 27oC trở lên thì chu kỳ thu trứng chỉ là 6 - 8 ngày.
Dùng lưới mềm có mắt lưới dày, chiều dài 15 - 20 mét, chiều cao khoảng 1,5 – 2 mét, lượng chì đáy ít đảm bảo khi kéo lưới không bám sát đáy ao, để cá bố mẹ không vào lưới, nhằm chỉ thu cá bột.
Cá bột thu về được lọc để loại bỏ những con có kích thước vượt đàn và các con yếu chết, sau đó cá được ương lên cá giống trong các giai ương hoặc ương trong ao.

 
  1. Quy trình kỹ thuật ương cá bột lên cá hương, cá giống 

5.1. Các yêu cầu kỹ thuật

5.1.1. Cá bột:
- Cá bột rô phi lai xa dòng Israel, kích cỡ đồng đều.
5.1.2. Yêu cầu về giai, bể, ao ương cá bột lên cá giống:
a) Giai ương cá bột lên cá hương:
- Giai sử dụng để ương cá bột là giai có cỡ mắt lưới 0,001m. Kích thước giai tối thiểu là 5,4m­­2, chiều cao 0,9 – 1m.Giai được mắc trong ao, độ ngập nước của giai là 0,7 - 0,8m
b) Bể ương cá bột lên cá hương:
- Bể xi măng hoặc bể composite có thể tích 5 - 10m2
- Bể ương được vệ sinh, xử lý sạch sẽ theo đúng qui trình kỹ thuật.
- Mỗi bể được bố trí 01 hệ thống sục khí đáy để đảm bảo nhu cầu oxy cho cá.
c) Ao ương:
- Ao được sử dụng để ương cá phải thuận tiện cho việc cấp thoát nước, nước cấp cho ao nuôi không được ô nhiễm.
- Môi trường nước ngọt.
- Bờ ao chắc chắn, không hiện tượng rò rỉ.
- Chất đáy phù hợp không bị chua quá (phèn), độ kiềm chất đáy nên trong khoảng 6,5 - 8,5 là phù hợp.
- Diện tích phù hợp: 500 - 1.500 m2
- Độ sâu: 08 - 1,2 m; Độ cao bờ so với mặt nước : 0,5- 0,8 m
- Bùn đáy 15 cm – 0,25 cm 
5.1.3. Một số thiết bị và dụng cụ cầnthiết: 
Bảng7:Thiết bị và dụng cụ cần thiết chủ yếu
TT Thiết bị, dụng cụ Đơn vị Số lượng
1 Máy bơm nước, phun nước, quạt nước, sục khí Cái Theo điều kiện thực tế
2 Nhiệt kế Cái 1
3 Test Oxy Bộ 1
4 Test pH Cái 1
5.1.4. Thức ăn sử dụng ương cá
Thức ăn được sử dụng trong quy trình này là thức ăn công nghiệp có độ đạm từ >40% giảm dần xuống 35%, nên lựa chọn những hãng thức ăn có uy tín, chất lượng.
5.2.Nội dung thực hiện
5.2.1. Chuẩn bị ao, giai, bể ương:
Trước khi đưa cá bột ra ương, ao hoặc bể ương đã được chuẩn bị trước đảm bảo qui trình kỹ thuật cụ thể:
a) Đối với ao ương hoặc ao có mắc giai ương:
Ao ương được chuẩn bị kỹ, trước khi thả cá được tát cạn, diệt địch hại, phát quang bờ bụi, lấp hang hốc, vét bùn đáy ao, tẩy vôi với lượng 7 - 10 kg vôi/100m2ao, trang phẳng và phơi đáy ao tối thiểu 2 ngày, sau đó lấy nước vào ao 1 - 2 ngày trước khi thả cá. 
+ Gây màu nước cho ao: Do đặc tính bắt mồi và nhu cầu dinh dưỡng của cá rất lớn ngay từ ban đầu. Để gây màu nước tốt, tạo nguồn thức ăn tự nhiên phong phú nên sử dụng phân chuồng, phân xanh và chế phẩm sinh học (EM) để tiến hành gây màu nước cho ao ương.
b) Đối với giai ương cá bột lên cá hương:
- Giai phải được kiểm tra kỹ, đảm bảo không bị rách trước khi mắc giai thả cá vào ương. 
- Giai được cắm ngập nước 0,7 – 0,8 m.
- Giai được giặt sạch sẽ sau mỗi lần ương.
c) Đối với bể ương cá bột lên cá hương: 
+ Bể ương được vệ sinh, xử lý sạch sẽ theo đúng qui trình kỹ thuật.
+ Bể được bố trí hệ thống sục khí đáy để đảm bảo nhu cầu oxy cho cá.
+ Sau khi hoàn thiện công tác vệ sinh, chuẩn bị, tiến hành cấp nước vào bể ương với mức nước 0,8 - 1 m nước.
5.2.2. Ương nuôi cá bột lên cá hương 10 ngày tuổi
- Tốt nhất nên tiến hành thu và thả cá bột vào buổi sáng, Cá bột thu về được lọc để loại bỏ những con có kích thước vượt đàn và các con yếu chết.
- Ương trong giai: Giai sử dụng để ương cá bột là giai có cỡ mắt lưới 0,001m. Diện tích của giai tối thiểu là 5,4m­­2 . Độ ngập nước của giai là 0,7 -0,8 m.
- Mật độ ương: 4.000 con/m2.
- Quản lý, chăm sóc: Sử dụng thức ăn công nghiệp dạng bột độ đạm 40-42%. Cho cá ăn lượng thức ăn bằng 25 - 20% khối lượng cá trong giai. 
- Khi ương cá sau 10 ngày tiến hành đem ra ao ương lên cá giống hoặc xuất bán.
5.2.3. Ương nuôi cá hương lên cá giống
- Mật độ ương: 40 - 50 con/m2.
- Quản lý, chăm sóc: 
Thức ăn là cám công nghiệp có độ đạm tối thiểu là 35%. Cho cá ăn vào các thời gian nhất định trong ngày.Định lượng đủ thức ăn hàng ngày, cho cá ăn ngày 2 – 3 lần. Tỷ lệ thức ăn trong ngày bằng 15 - 10 % tổng trọng lượng đàn cá. Thức ăn được rải đều xung quanh ao để đảm bảo cá trong ao đều được ăn, cá sẽ có kích cỡ đồng đều. 
Hàng ngày kiểm tra cá vào buổi sáng và buổi chiều. Thường xuyên theo dõi, kiểm tra bờ, đăng cống và hiện tượng bất thường của cá để phát hiện kịp thời các bệnh cá để xử lý ngay.
- Thu hoạch cá giống: 
+ Sau khoảng 20 - 25 ngày nuôi, tùy theo mật độ, điều kiện thời tiết cá Rô phi giống đạt kích cỡ 3 - 5 cm. Lúc này tiến hành đánh bắt, chuyển sang giai đoạn nuôi lên thương phẩm. 
+ Ngừng cho ăn một ngày trước khi thu hoạch và tiến hành luyện cá bằng cách dùng lưới kéo dồn, ép cá lại sau 20 - 30 phút sau đó thả cá ra. Luyện cá trước khi thu hoạch để đảm bảo cá khỏe mạnh, dẻo dai, ít bị hao hụt trong quá trình đánh bắt, thu hoạch, vận chuyển.

 
  1. Phòng,trị một số bệnh thường gặptrong sản xuất giống
    1. Quản lý các yếu tố môi trường trong ao nuôi cá rô phi
Khác với các loài cá truyền thống, cá rô phi đòi hỏi khắt khe hơn về môi trường ao nuôi. Môi trường phù hợp, cá tích cực sử dụng, tiêu hóa, hấp thu triệt để dưỡng chất cần thiết cho cơ thể,mau lớn, ít hao hụt, ít bệnh, đồng đều về kích cỡ. Ngược lai, khi môi trường nuôi có những thay đổi theo chiều hướng xấu, từ thấp đến cao sẽ gây sốc, ảnh hưởng làm quá trình sinh trưởng giảm sút, kéo dài thời gian nuôi. Dịch bệnh phát sinh, ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ lệ sống, độ đồng đều và gây thiệt hại cho người nuôi. Như vậy để quản lý tốt môi trường ao nuôi cá rô phi, trước tiên cần xác định được những thống số môi trường cần thiết trong ao nuôi, tiếp theo nắm được những nguyên nhân làm môi trường nước thay đổi và có những giải pháp đồng bộ kịp thời.
Bảng8:Một số chỉ tiêu môi trường nước cơ bản đối với ao nuôi cá rô phi
Thông số Nhiệt độ pH DO NH4 PO4 Độ kiềm H2S NO2
0C
 
mg/l mg/l mg/l mg/l mg/l mg/l
Khoảng tiêu chuẩn 22 - 28 7 - 8 >5 <0,5 <0,2 50 - 150 <0,03 <0,25
 
  1. Phòng trị một số bệnh thường gặp
6.2.1. Bệnh xuất huyết
Cá rô phi thường hay mắc phải một loại bệnh nguy hiểm do vi khuẩn Streptococcus gây nên, bệnh có thể gây chết cá với số lượng lớn.
- Các dấu hiệu lâm sàng bên ngoài của cá bị bệnh:
Cá bị bệnh sẽ có biểu hiện bị hôn mê và mất phương hướng. Hoặc tổn thương về mắt như viêm mắt, lồi mắt hoặc chảy máu mắt; có các vết áp-xe có đường kính từ 2 - 3mm và những vết vỡ ra sẽ tạo thành những vết lở loét xuất huyết không lành. Những vết áp-xe lớn hơn có thể gặp thấy ở vây ngực và phần đuôi của cá và có chứa mủ ở bên trong.
Có các điểm xuất huyết thường được nhìn thấy ở quanh miệng cá hoặc ở các gốc vây, hoặc những vùng da hơi đỏ xung quanh hậu môn hoặc sinh dục của cá.
- Các dấu hiệu bên trong của cá bị bệnh:
+ Cá bỏ ăn: Nhìn chung không có thức ăn trong dạ dày hoặc ruột của những con cá bị bệnh. Tuy nhiên, trong các ao nuôi cá thương phẩm, khi cá bị bệnh ở giai đoạn đầu bệnh mới bùng phát cá vẫn có thể ăn bằng cách lọc thức ăn. Khi ruột và dạ dày của cá trống rỗng sẽ quan sát thấy túi mật to.
+ Nhiễm trùng máu: Trong giai đoạn cấp tính, vi khuẩn nhanh chóng tấn công hệ thống máu và lan tỏa đến các cơ quan nội tạng. Những dấu hiệu lâm sàng chính liên quan đến sự nhiễm trùng máu là sự xuất huyết, viêm gan, thận, lá lách, tim, mắt và ống ruột. Lá lách và thận trương và sưng nhẹ.
+ Viêm màng bụng: Khi cá bị nhiễm bệnh nặng có sự dính nhau của các cơ quan nội tạng với màng trong khoang bụng của cá. Có thể quan sát thấy các tơ huyết trong màng ở khoang bụng của cá.
  • Sự phân bố và lan truyền của bệnh:
Dịch bệnh thường xảy ra đối với cá bố mẹ và cá thương phẩm có kích thước >100g/con, trong trường hợp nhiệt độ nước tăng, lượng oxy trong nước thấp hoặc cá nuôi với mật độ dày trong thời gian dài. 
- Kiểm soát và xử lý bệnh:
+ Giảm cho ăn: Trong thời gian dịch bệnh bùng phát ở giai đoạn cấp tính nên giảm một phần thức ăn hoặc giảm hoàn toàn thức ăn, có thể giúp kiểm soát và giảm tỷ lệ tử vong.
+ Giảm mật độ nuôi: Giảm mật độ nuôi sẽ giúp giảm bớt căng thẳng và sự chuyển tải của mầm bệnh trong đàn cá. Luôn giữ mức oxy hoà tan ở mức tối ưu bằng cách sử dụng quạt nước thường xuyên.
+ Giảm nhiệt độ của nước: Nhiệt độ nước cao là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn phát triển. Đối với những ao nuôi có kích thước nhỏ, có thể dùng lưới che nắng. Sử dụng máy quạt nước vào ban đêm cũng là cách làm giảm nhiệt độ nước và tăng lượng oxy.
+Bón vôi:Tùy theo pH môi trường, 15-20 ngày dùng vôi bột hòa nước té đều khắp ao, liều lượng 1 - 2kg/100m3nước.
+ Điều trị bằng kháng sinh: Dùng Erythromyxin: trộn vào thức ăn từ 3 - 7 ngày, dùng 2 - 5 g/100kg cá/ngày. Có thể phun xuống ao nồng độ 1 - 2 ppm, sau đó sang ngày thứ 2 trộn vào thức ăn 4 g/100kg cá, từ ngày thứ 3 - 5 giảm còn một nửa.Kháng sinh chỉ có thể điều trị bệnh ở giai đoạn sớm của bệnh. Tuy nhiên, việc sử dụng kháng sinh cần được chú ý vì sử dụng kháng sinh liên tục với liều cao có thể gây ra hiện tượng kháng thuốc của vi khuẩn và dư lượng kháng sinh tồn dư trong thịt cá.
6.2.2. Bệnh do vi rút Tilapia Lake Virus (TiLV)
Dấu hiệu bệnh: Vi rút TiLV gây bệnh ở các loài cá rô phi nuôi; bệnh xuất hiện ở mọi lứa tuổi nhưng chủ yếu tập trung ở cá giống (cá con). Bệnh lây từ cá bệnh sang cá khỏe trong cùng ao nuôi, trang trại, qua nguồn nước, dụng cụ,... Cá mắc bệnh có biểu hiện giảm ăn, màu sắc cơ thể sẫm màu hơn so với bình thường; tập trung nhiều ở bề mặt ao, bơi lờ đờ, không kéo đàn sau đó chết. Các dấu hiệu bên ngoài có thể có gồm: Vảy cá dựng lên, có thể bong tróc; đuôi bị ăn mòn; lở loét từ dạng điểm đến từng mảng trên da; mắt cá mờ đục, bị teo lại hoặc lồi ra; mang tái nhợt; xoang bụng và hậu môn phình to.
Bệnh TiLV trên cá rô phi do vi rút gây ra nên không có thuốc điều trị đặc hiệu. Vì vậy cần tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn cá nuôi để phát hiện sớm, xử lý kịp thời khi phát hiện bệnh.Người nuôi cần tăng cường quản lý ao tốtnuôi để hạn chế mầm bệnh lây lan qua dụng cụ, phương tiện và con người (sử dụng các biện pháp vệ sinh, tiêu độc khử trùng); 
6.2.3. Bệnh viêm ruột
- Tác nhân gây bệnh: Vi khuẩn Aeromonas hydrophila, Gram âm.
-Dấu hiệu bệnh lý: Tương tự bệnh xuất huyếtdo cầu  khuẩn Streptococcus sp; ruột trương to, chứa đầy hơi.
- Phân bố và lan truyền bệnh: Thường gặp ở cá rô phi nuôi thương phẩm và cá bố mẹ nuôi sinh sản khi môi trường nuôi bị ô nhiễm, đặc biệt là thức ăn không đảm bảo chất lượng, tỷ lệ nhiễm bệnh thấp.
- Phòng trị bệnh: Dùng một số kháng sinh cho cá ăn như Erythromyxin hoặc Oxytetramyxin, liều dùng 10 - 12 g/ 100 kg cá/ngày đầu, từ ngày thứ 2-7 liều bằng 1/2 ngày đầu.
6.2.4. Bệnh trùng bánh xe
- Tác nhân gây bệnh: Một số loài trong họ trùng bánh xe Trichodinidae như : Trichodina centrostrigata, T. domerguei domerguei, T. heterodentata, T. nigra, T. orientalis, Trichodinella epizootica, Tripartiella bulbosa, T. clavodonta.
- Dấu hiệu bệnh lý: Khi mới mắc bệnh, trên thân, vây cá có nhiều nhớt màu hơi trắng đục, ở dưới nước thấy rõ hơn so với khi bắt cá lên cạn. Da cá chuyển màu xám, cá cảm thấy ngứa ngáy, thường nổi từng đàn lên mặt nước. Một số con tách đàn bơi quanh bờ ao. Khi bệnh nặng trùng bám dày đặc ở vây, mang, phá huỷ các tơ mang khiến cá bị ngạt thở, những con bệnh nặng mang đầy nhớt và bạc trắng. Cá bơi lội mất phương hướng. Cuối cùng cá lật bụng mấy vòng, chìm xuống đáy ao và chết.
- Phân bố và lan truyền bệnh:Trùng bánh xe gây bệnh chủ yếu ở giai đoạn cá giống, là bệnh ký sinh đơn bào nguy hiểm nhất của giai đoạn này. Trùng bánh xe ít gây bệnh ở giai đoạn cá thịt. Bệnh thường phát vào mùa xuân, mùa thu, khi nhiệt độ nước 25 - 30 độ C.
- Phòng trị bệnh:
+ Dùng nước muối NaCl 2 - 3% tắm cho cá 5 - 15 phút
+ Dùng formalin nồng độ 200 - 250 ppm (200 - 250 ml/m3) tắm trong 30-60 phút hoặc nồng độ 20 - 25 ppm (20 - 25 ml/m3) phun xuống ao
6.2.5. Bệnh sán lá đơn chủ:
- Tác nhân gây bệnh: sán lá đơn chủ Cichlidogyrus tilapiae, C. sclerosus, Gyrodactylus niloticus
- Dấu hiệu bệnh lý: Tổ chức da và mang có sán ký sinh bị viêm loét tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm và một số sinh vật xâm nhập gây bệnh.
- Phân bố và lan truyền bệnh:Cá có thể bị bệnh khi ương giống với mật độ dày và có thể gây chết hàng loạt trong giai hoặc bể ương. Bệnh phát vào mùa xuân, mùa thu, mùa đông.
- Phòng trị bệnh:
+ Dùng nước muối NaCl 2 - 3% tắm cho cá 5 - 15 phút
+ Dùng formalin nồng độ 200 - 250 ppm (200 - 250 ml/m3) tắm trong 30-60 phút hoặc nồng độ 20 - 25 ppm (20 - 25 ml/m3) phun xuống ao./.


Tác giả: Trần Văn Võ





 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Bạn muốn biết thông tin về sản phẩm tôm giống của trung tâm?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập40
  • Hôm nay7,457
  • Tháng hiện tại121,381
  • Tổng lượt truy cập9,934,982
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây