Vào mùa Đông, ần chọn những ao kín gió để chống rét cho thủy sản. Khi cải tạo cần lưu ý, ở hướng Đông Bắc, phải thiết kế phần đáy sâu hơn, trên bờ cần che chắn kỹ giúp vùng nước khu vực đó ấm hơn. Bởi đó là khu vực cá sẽ tự dồn về để tránh rét. Tuyệt đối không được đào sâu hướng Nam, cá sẽ tập trung nhiều về hướng đó, khi gặp gió Đông Bắc, dễ khiến cá bị ngạt do thiếu ôxy.
Thả bèo hoa tây che phủ mặt ao hạn chế ảnh hưởng của nhiệt độ đến cá nuôi. Ảnh: ST
Ao nuôi cá phải đảm bảo cấp và thoát nước dễ dàng, có đủ nguồn nước sạch, dễ gây màu, chất đáy tốt. Phần bờ ao nuôi phải chắc chắn, hạn chế tình trạng ao rò rỉ mất nước làm ao cạn.
Ao nên có diện tích vừa phải. Ao nuôi cá giống diện tích từ 300 – 500 m2, ao nuôi cá thịt từ 1.000 m2 trở lên, ao nuôi phải được cải tạo theo đúng quy trình.
Trường hợp có điều kiện nên làm khung và che phủ bề mặt ao bằng nilon sáng màu để ngăn gió, cách nhiệt không khí, tăng khả năng giữ nhiệt độ cho nước ao nuôi, đồng thời trồng các loại cây ăn quả để chắn gió lùa qua ao nuôi.
Với những ao không sử dụng bạt để chống rét cần thả bèo tây xuống 1 góc của ao, đảm bảo độ che phủ 1/3 – 2/3 diện tích mặt ao. Đồng thời chuẩn bị rơm, rạ khô được khử trùng bằng nước vôi, bó thành từng bó hoặc cho vào sọt thả xuống góc ao làm nơi trú ẩn cho cá trước khi có đợt rét xảy ra.
Đối với những ao sử dụng bạt để chống rét, cần chủ động kiểm tra lại bạt, dây căng bạt và máy sục khí…
Tranh thủ thời điểm nhiệt độ cao để cho cá ăn. Ảnh: Lê Ngân
Cho cá ăn thức ăn công nghiệp, người nuôi cần phải chọn loại có hàm lượng đạm cao từ 28% trở lên.
Khi nhiệt độ xuống dưới 180C, giảm ½ lượng thức ăn so với lượng thức ăn hàng ngày cho cá ăn. Nếu thời tiết quá lạnh, nhiệt độ môi trường xuống thấp dưới 150C thì ngừng cho cá ăn. Ở ngưỡng nhiệt độ này, các loài cá nuôi thường ngừng bắt mồi. Vì vậy, việc đưa thức ăn xuống sẽ trở nên dư thừa và làm ô nhiễm nguồn nước. Nhiệt độ môi trường từ 150C trở lên, người nuôi nên tranh thủ cho cá ăn vào thời điểm có nhiệt độ cao nhất trong ngày. Lượng cho ăn phải tùy thuộc vào sức ăn mà tăng hoặc giảm cho phù hợp tránh lãnh phí gây ô nhiễm môi trường.
Thức ăn cho thủy sản cần bổ sung thêm Vitamin C, B – Complex với lượng dùng từ 3 – 5 g/kg thức ăn nhằm tăng sức đề kháng cho cá, giúp phòng chống rét cho cá hiệu quả.
Định kỳ 1 tháng/lần trộn tỏi tươi xay nhuyễn vào thức ăn với liều lượng 50 g/100 kg cá, cho cá ăn liên tục từ 3 – 5 ngày để phòng bệnh.
Thường xuyên quan sát và theo dõi tình hình hoạt động của cá để điều chỉnh lượng cho ăn cho phù hợp, tránh dư thừa gây ô nhiễm môi trường ao nuôi.
Duy trì mực nước ao nuôi đảm bảo độ sâu từ 1,5 – 2 m.
Thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết để có biện pháp xử lý kịp thời; Định kỳ 2 tuần/lần sử dụng vôi với lượng 2 – 3 kg/100 m3 ao hoặc Iodine 1 lít/4.000 – 5.000 m3 nước để khử trùng, diệt tạp. Đồng thời sử dụng các chế phẩm vi sinh để xử lý môi trường và phòng bệnh cho cá.
Hạn chế đánh bắt, tránh làm cho cá bị xây xát, tăng nguy cơ bị nấm, vi khuẩn, ký sinh trùng tấn công làm giảm sức khỏe của cá khiến cá bị bệnh và chết.
Bổ sung nước ấm từ nước giếng khoan sạch (nếu có) cho ao giữ cá giống qua đông trong những ngày có rét đậm, rét hại.
Một số đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế cao với diện tích ao nuôi nhỏ có thể sử dụng bạt chắn kín mặt ao hoặc nuôi trong nhà kính, bên trong sử dụng các bóng đèn sưởi để nâng nhiệt cho ao nuôi giúp hạn chế rủi ro khi thời tiết lạnh kéo dài.
Sử dụng máy sục khí để cung cấp ôxy và giúp tăng nhiệt độ nước ao. Hạn chế sử dụng quạt nước vào mùa đông khi nhiệt độ nước dưới 180C.
Đối với các đối tượng thủy sản nuôi đạt kích cỡ thương phẩm nhất là những loài cá có khả năng chịu rét kém như: Cá chim trắng, cá rô phi, cá lóc… cần thu hoạch sớm trước khi rét đậm, rét hại xảy ra.
>> Cá được bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng để cơ thể khỏe mạnh, tăng sức chống chịu với giá rét là cách phòng, chống rét cho cá hiệu quả. Vì vậy, người nuôi cần theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, để có thể điều chỉnh thức ăn cho cá với số lượng và chất lượng phù hợp.
Lê Loan
Nguồn tin: thuysanvietnam.com.vn
Ý kiến bạn đọc