Kiểm soát môi trường nước trong nuôi tôm

Thứ sáu - 24/06/2022 22:33 398 0
Kiểm soát môi trường nước trong nuôi tôm

Việc kiểm soát và quản lý môi trường trong nuôi tôm là điểm nhấn có tác động rất quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả về năng suất, sản lượng và kinh tế của mô hình.

Ngăn chặn mầm bệnh từ nguồn nước

Xử lý nước đầu vụ nuôi và trong ao lắng trong vụ nuôi:

Quy trình xử lý chung cho ao nuôi: lọc thô qua túi lọc (bơm nước) → lắng 5 – 7 ngày (ao lắng) → xử lý hóa chất hay vi sinh → lọc với túi lọc vải (bơm vào ao nuôi) → gây màu nước bằng phân hóa học → sử dụng probiotic, men vi sinh.

Xử lý loại các mầm bệnh, vật chủ mang mầm bệnh bằng hóa chất: KMnO4 0,5 – 1 ppm; Chlorine 30 – 50 ppm;

Định kỳ thu mẫu nước tại bể chứa sau xử lý cung cấp vào trại giống để khảo sát chất lượng nước và chất lượng hệ thống lọc.

 

Thay nước

Phải nắm bắt các thông tin về nguồn nước (hỏi cán bộ khuyến ngư khu vực):

Thời gian của đỉnh điểm con nước cường;

Tình hình dịch bệnh nguy hiểm xung quanh;

Xem chất lượng của nước (nhiều hữu cơ, mùi lạ, màu lạ).

Nếu ao giữ nước tốt, không nên thay mà chỉ nên châm nước thêm, nhất là trong tháng nuôi đầu; tháng nuôi thứ 2 trở đi, có thể thay nước, cao nhất không vượt quá 30% lượng nước có trong ao. Định kỳ sử dụng chế phẩm vi sinh để làm ổn định chất lượng đáy ao và chất lượng nước.

 

Duy trì độ trong nước ao phù hợp

Việc giữ được độ trong và màu nước ao hợp lý là hết sức quan trọng cho sự thành công của vụ nuôi. Vận dụng ao trữ lắng để gây màu nước nhằm điều khiển độ trong và chất lượng nước ao nuôi. Màu nước tốt trong ao có vai trò làm thức ăn giai đoạn đầu của tôm nuôi, giảm bớt một phần lượng thức ăn phải cung cấp, tăng ôxy hòa tan cho nước, ổn định nhiệt độ nước, ổn định chất lượng nước và giảm thấp các hàm lượng các vật chất độc; hơn nữa có tác động ức chế sự sinh trưởng của tảo lam và tảo đáy và giảm thấp sự sinh sôi của vi khuẩn có hại, giữ ổn định cho sinh vật thả nuôi. Tuy nhiên, nếu độ trong ao quá thấp (40 cm) nên bón phân bổ sung để duy trì độ trong ổn định hơn.

 

Điều khiển mực nước theo điều kiện khí hậu

Việc quản lý mực nước trong mương bao theo các điều kiện thời tiết khí hậu trong năm có yếu tố quyết định như là một yếu tố bảo vệ hoặc hạn chế các yếu tố nguy cơ làm bùng phát bệnh đốm trắng trong ao.

Trong mùa mưa, ao nên có độ sâu của mương bao <1 m; tính từ mặt nước trảng; Trong các tháng mùa khô, ao nên có độ sâu của mương bao >0,9 m;

Trong những tháng giao mùa, độ sâu mực nước mương bao không nên sâu hơn 1 m.

 

Đo kiểm tra các yếu tố môi trường nước

Chất lượng nước phụ thuộc vào chất lượng nguồn nước, chất đất, chế độ cho ăn, thời tiết, công nghệ và chế độ quản lý đầm nuôi. Chất lượng nước được đánh giá bằng nhiều thông số sinh, hóa, lý khác nhau và cần được kiểm tra liên tục để có thể kịp thời điều chỉnh để bảo vệ con nuôi. Trong quá trình nuôi tôm, cần đo hằng ngày các chỉ tiêu ôxy hòa tan, pH, độ trong, độ kiềm, độ mặn; riêng chỉ tiêu độ kiềm và NH3 có thể 3 – 5 ngày đo 1 lần.

Không lạm dụng việc diệt khuẩn môi trường nước ao tôm bừa bãi, nhất là cần tránh những trường hợp như tôm đang suy yếu, trong quá trình lột xác hay có các biểu hiện bệnh gan; chỉ tiến hành diệt khuẩn khi thấy màu sắc tôm thay đổi xấu, tôm đóng rong, đóng nhớt, bị phồng đuôi, đứt đuôi, đứt râu.

Hàng ngày vớt rác, xác tảo chết, váng nhớt ở góc ao; kiểm tra bờ bao, lấp lỗ mọi xung quanh bờ và gần cống để luôn duy trì mực nước ao nuôi và tránh lây lan mầm bệnh từ bên ngoài.

 

Quản lý các khí độc

 Sự phân hủy các chất thải của tôm, thức ăn thừa, chất hữu cơ từ ngoài vào, tảo chết… sẽ tạo ra rất nhiều dưỡng chất cho ao nhưng cũng sinh ra nhiều khí độc hại đến sức khỏe tôm, mà chủ yếu là ở tầng đáy như: H2S, NH3, NO2. Các giải pháp cần thiết liên quan: Điều chỉnh pH ổn định trong khoảng cho phép; thay nước ao nuôi và điều chỉnh mật độ tảo (màu nước) trong ao nuôi; định kỳ sử dụng chế phẩm vi sinh.

Trên các ao có bờ đất phèn: Bón vôi xung quanh bờ bao của ruộng nuôi với liều lượng 2 – 3 kg/10 m2; xả bỏ lớp nước tầng mặt sau khi mưa lớn, nhằm để giảm nước phèn, nước đục chảy từ trên ao xuống và tránh hiện tượng phân tầng nước trong ao nuôi.

Sau khi mưa nên dùng vôi CaCO3 với liều lượng 10 kg/1.000 m3 hòa với nước tạt đều khắp mặt ao nuôi và tạt nhiều vào những nơi có sình và mùn bã hữu cơ nhiều.

 

 Bích Hòa

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Bạn muốn biết thông tin về sản phẩm tôm giống của trung tâm?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập24
  • Hôm nay5,750
  • Tháng hiện tại99,432
  • Tổng lượt truy cập10,579,390
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây