Nuôi tôm an toàn, hiệu quả

Thứ sáu - 24/06/2022 22:39 363 0
Nuôi tôm an toàn, hiệu quả

Nuôi tôm nước lợ đã và đang đạt hiệu quả cao về kinh tế, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của ngàng hàng này đặt ra nhiều thách thức và tác động không nhỏ đến môi trường. Làm thế nào để đảm bảo môi trường nuôi an toàn là vấn đề bức xúc, cần có giải pháp tháo gỡ kịp thời.

Áp dụng công nghệ nuôi an toàn

Hiện nay, tại Việt Nam đã có nhiều công nghệ, giải pháp xử lý môi trường NTTS. Tuy nhiên, để hướng tới mô hình nền “kinh tế tuần hoàn” thì hệ thống NTTS tuần hoàn (RAS) được FAO và Tổ chức quốc tế Eurofish khuyến cáo áp dụng và coi là tương lai của ngành NTTS.

Thay vì nuôi thủy sản theo phương pháp truyền thống trong ao mở ngoài trời, hệ thống này cho phép nuôi với mật độ cao trong các bể trong nhà với một môi trường được kiểm soát. Nước cùng với chất thải được xử lý cơ học và sinh học, rồi được đưa về lại bể nuôi nhằm hạn chế chất thải ra môi trường xung quanh.

Ngoài ra, người nuôi cần chủ động, mạnh dạn đầu tư công nghệ, quy trình sản xuất hiệu quả, không gây ô nhiễm môi trường (mô hình nuôi an toàn sinh học không sử dụng hóa chất, kháng sinh; Biofloc, VietGAP…) và đặc biệt chú ý áp dụng phương pháp nuôi an toàn sinh học.

Rất nhiều công nghệ nuôi tôm tân tiến đã được nghiên cứu, ứng dụng vào thực tiễn, không chỉ mang lại hiệu quả cao về sản lượng mà còn gắn với bảo vệ môi trường. Ảnh: C.P

Sử dụng biện pháp nuôi kết hợp với một số đối tượng thủy sản có khả năng hấp thu các chất dinh dưỡng dư thừa, các loại hóa chất và khí độc hòa tan trong nước của ao nuôi như: Nuôi kết hợp với một số động vật thân mềm 2 mảnh vỏ như hàu, vẹm sẽ làm giảm đáng kể hàm lượng TSS, mùn bã hữu cơ, chlorophyll-a, vi khuẩn tổng số trong nước thải từ các ao nuôi tôm, cá thâm canh. Nuôi kết hợp với hải sâm sẽ làm giảm đáng kể hàm lượng các chất hữu cơ lắng tụ ở đáy ao nuôi. Nuôi kết hợp với một số loài rong biển có giá trị kinh tế sẽ làm giảm đáng kể hàm lượng các chất hữu cơ và khí độc hòa tan trong nước. Nuôi kết hợp với một số loài cá ăn thực vật và mùn bã hữu cơ như cá măng, cá đối, cá rô phi sẽ làm giảm đáng kể lượng chất thải hữu cơ trong ao nuôi.

 

Xử lý chất thải hiệu quả

Lượng chất thải sinh ra trong hoạt động nuôi tôm có liên quan với công nghệ sản xuất thức ăn và hệ thống nuôi tôm. Thức ăn thừa, phân tôm và quá trình chuyển hóa dinh dưỡng là nguồn gốc chủ yếu của các chất gây ô nhiễm. Trong nước thải cũng có dư lượng các chất kháng sinh, thuốc trị bệnh. Nước thải mang theo một lượng lớn hợp chất nitơ, phosphor và các chất dinh dưỡng khác, tạo nên sự siêu dưỡng, làm nở rộ vi khuẩn. Có rất nhiều phương pháp xử lý nước thải nuôi tôm, trong đó, xử lý nước thải ao tôm bằng công nghệ sinh học là giải pháp an toàn, không sử dụng hóa chất giúp hạn chế ô nhiễm môi trường, góp phần phát triển ngành tôm bền vững. Điển hình như sử dụng hệ vi sinh vật; sinh vật thủy sinh; hệ sinh thái đất ngập nước… để xử lý nước thải.

Đối với chất thải rắn thông thường phát sinh (chất thải sinh hoạt, bao bì đựng thức ăn, hóa chất sử dụng trong NTTS, xác tôm chết…) cần được thu gom, xử lý đúng quy định và định kỳ thực hiện việc vệ sinh môi trường xung quanh khu vực nuôi. Rác thải của các ao bị bệnh cần đốt bỏ, tôm chết do bị bệnh và giáp xác cần được thu gom triệt để và tiêu hủy đúng nơi quy định, không vứt xác động vật chết và thực vật chết xuống hệ thống nuôi.

 

>> Năm 2021, Bộ NN&PTNT ban hành kế hoạch số 1151/QĐ-BNN-TCTS về phê duyệt “Kế hoạch quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường trong NTTS giai đoạn 2021 – 2025”. Theo đó, với nuôi tôm nước lợ (TTCT, tôm sú): Điểm quan trắc: Quan trắc ít nhất 408 điểm nuôi tôm nước lợ của 28 tỉnh ở khu vực nước cấp và ao đại diện. Thông số quan trắc ở vùng nước cấp bao gồm: Nhiệt độ, ôxy hòa tan, độ mặn, pH, độ trong, N-NH4+, N-NO2, N-NO3, P-PO43-, H2S, độ kiềm, TSS, nhu cầu ôxy hóa học (COD), mật độ và thành phần tảo độc hại, Coliform, Vibrio tổng số, Vibrio parahaemolyticus quan trắc với tần suất 2 lần/tháng. Thuốc bảo vệ thực vật và kim loại nặng Cd, Hg, Pb, As quan trắc với tần suất tối thiểu 3 lần/năm. Thông số quan trắc trong ao đại diện bao gồm: Nhiệt độ nước, ôxy hòa tan, màu nước, pH, độ trong quan trắc với tần suất 2 lần/ngày. Các thông số độ mặn, độ kiềm, N-NH4+, N-NO2, N-NO3, P-PO43-, H2S, TSS, COD, mật độ và thành phần tảo, Vibrio tổng số, Vibrio parahaemolyticus, Coliforms quan trắc với tần suất 4 lần/tháng. Thời gian quan trắc, giám sát: Theo lịch mùa vụ thả tôm của Bộ NN&PTNT và các tỉnh/thành.

 

Vai trò thiết yếu của quan trắc môi trường

Trước thực trạng trên, việc quan trắc môi trường phục vụ nuôi tôm là hết sức cần thiết, giúp thông tin kịp thời, dự báo diễn biến môi trường vùng nuôi, mùa vụ nuôi.

Quan trắc môi trường là quá trình theo dõi và quan sát một cách có hệ thống về thành phần của môi trường, bao gồm các yếu tố tác động lên môi trường như đất, nước và không khí. Nhằm cung cấp thông tin để đánh giá hiện trạng, cũng như diễn biến chất lượng môi trường và các tác động xấu khác đối với môi trường. Các chỉ tiêu quan trắc trong môi trường nước ao nuôi tôm bao gồm: nhiệt độ, pH, độ trong, hàm lượng ôxy hòa tan, độ mặn, hàm lượng Nitrit (NO2), hàm lượng khí độc NH3/NH4+, NO3, H2S, độ kiềm, độ cứng, tổng chất rắn lơ lửng (TSS), nhu cầu ôxy hóa học (COD), Coliforms, vi khuẩn Vibrio tổng số và Vibrio parahaemolyticus, thành phần và mật độ tảo; đối với nguồn nước cấp bên cạnh các chỉ tiêu trên còn quan trắc thêm hàm lượng kim loại nặng như Cadimi (Cd), thủy ngân (Hg), chì (Pb), các hóa chất bảo vệ thực vật nhóm Clo và Phosphor.

Quan trắc môi trường. Ảnh: PTC

Người nuôi tôm ở hầu hết các tỉnh, thành chỉ tập trung quan trắc các chỉ tiêu chính gồm: nhiệt độ, pH, DO, độ mặn, độ trong và độ kiềm. Đây là những chỉ tiêu cơ bản cần theo dõi đối với môi trường nước nuôi tôm nước lợ. Tùy thuộc vào đặc trưng của con giống mà người nuôi có thể lựa chọn xem xét tăng hoặc giảm các chỉ tiêu quan trắc cần thiết, phù hợp với điều kiện. Dữ liệu quan trắc sau khi phân tích sẽ được tổng hợp và thông báo đến các vùng nuôi tôm, đồng thời, hệ thống hóa thành cơ sở dữ liệu phục vụ đánh giá diễn biến môi trường theo thời gian. Từ đó, dự báo diễn biến môi trường phục vụ công tác chỉ đạo sản xuất của ngành thủy sản.

Số liệu của Tổng cục Thủy sản, hiện nay, cả nước có 408 điểm quan trắc môi trường nuôi tôm nước lợ (Trung ương thực hiện 105 điểm, địa phương 303 điểm). Tổng cục Thủy sản cùng các Viện Nghiên cứu NTTS I, II, III và Trung tâm Khảo nghiệm Kiểm nghiệm Kiểm định Nuôi trồng thủy sản triển khai quan trắc, giám sát môi trường định kỳ các vùng nuôi tập trung tại cả 3 miền Bắc, Trung, Nam.

Qua đó, các kết quả quan trắc được chuyển đến cơ quan quản lý Trung ương, địa phương, vùng nuôi và cơ sở, gồm 80 bản tin cho nuôi tôm nước lợ, các bản tin dự báo biến động môi trường, bản tin cảnh báo nguy cơ bùng phát bệnh. Tổng cục Thủy sản phối hợp với các Viện Nghiên cứu NTTS và đơn vị liên quan tổ chức nhiều đoàn công tác đột xuất đến các vùng nuôi xảy ra hiện tượng tôm chết hàng loạt để nắm tình hình và lấy mẫu xác định nguyên nhân, hướng dẫn khắc phục.

 

>> Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho rằng, các bộ, ngành địa phương cần sớm có quy hoạch tổng thể, bố trí nguồn vốn kịp thời để đầu tư thủy lợi đáp ứng nhu cầu cấp bách phát triển ngành tôm. Bởi ngoài vấn đề bảo vệ môi trường, hạn chế rủi ro, thì đây là giải pháp lâu dài để ngành hàng tỷ đô này phát triển an toàn, hiệu quả và bền vững.

 

Cả nước hiện đã có tài liệu hướng dẫn công tác quan trắc môi trường giai đoạn 2021 – 2025. Phần mềm cơ sở dữ liệu về quan trắc môi trường trong NTTS được hoàn thiện nâng cấp đạt chất lượng cao.

Tuy nhiên, đánh giá của Tổng cục Thủy sản, phần lớn hạ tầng các vùng nuôi chưa đảm bảo. Trong đó, “hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi tôm chủ yếu vẫn dùng chung với hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, không phù hợp với yêu cầu kỹ thuật, hệ thống cấp thoát nước không đảm bảo, các vùng nuôi thâm canh không có ao xử lý nước nên dễ xảy ra dịch bệnh. Nguồn nước dễ bị ô nhiễm do quá trình sản xuất và sinh hoạt, thuốc bảo vệ thực vật từ sản xuất nông nghiệp”.

 

>> Mục tiêu sản xuất tôm năm 2022: Diện tích 750.000 ha, sản lượng 980.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu trên 4 tỷ USD. Để đạt được, một giải pháp trọng tâm là tăng cường công tác quan trắc, cảnh báo môi trường các vùng nuôi tôm tập trung để kịp thời đưa ra khuyến cáo, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nuôi cũng như thích ứng với biến đổi khí hậu. Với các địa phương có nuôi tôm cần thực hiện có hiệu quả công tác quan trắc, cảnh báo môi trường và hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

 

Sáu Nghệ – Nguyễn An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Bạn muốn biết thông tin về sản phẩm tôm giống của trung tâm?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập72
  • Hôm nay7,807
  • Tháng hiện tại56,744
  • Tổng lượt truy cập10,103,380
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây