Quản lý, chăm sóc cá nuôi lồng, bè

Chủ nhật - 24/07/2022 07:33 771 0
Quản lý, chăm sóc cá nuôi lồng, bè

Hiện nay nghề nuôi cá lồng, bè ở nước ta đang phát triển khá mạnh với nhiều hình thức và đối tượng khác nhau, mang lại hiệu quả cao. Để quản lý, chăm sóc tốt đàn cá trong lồng, bè, người nuôi cần lưu ý và thực hiện tốt một số biện pháp kỹ thuật.

Thức ăn

Tùy theo đối tượng nuôi, mặt độ nuôi mà chọn thức ăn phù hợp. Hiện, thức ăn cho cá sử dụng trong quá trình nuôi chủ yếu là thức ăn công nghiệp. Dùng thức ăn công nghiệp dạng viên nổi và không tan trong nước sẽ hạn chế sự thất thoát thức ăn và giảm thiểu ô nhiễm nước. Cho cá ăn bằng thức ăn công nghiệp có hàm lượng đạm 20 – 30%. Việc cho cá ăn khá đơn giản khi nuôi cá bằng thức ăn công nghiệp dạng viên nổi. Tuy nhiên, lồng phải có màng chắn để ngăn thức ăn không cho trôi ra ngoài lồng. Màng chắn thức ăn làm bằng lưới có kích thước mắt lưới nhỏ hơn kích thước của viên thức ăn. Thức ăn được chia đều làm 2- 3 lần cho cá ăn vào lúc sáng (6 – 7 giờ) và chiều (17 – 18 giờ). Cho cá ăn đúng giờ để tạo phản xạ cho cá.

Ngoài ra, có thể dùng thức ăn tự chế cho cá ăn để giảm chi phí. Công thức thức ăn tự chế để nuôi cá lồng như sau:

Cám gạo: 60%, bột đậu nành: 10%, bột cá: 10%, rau xanh: 15%, vitamin, khoáng: 5% hoặc cám gạo: 40%, khô dầu lạc: 40%, bột cá: 20%.

Nếu cho cá ăn bằng thức ăn tự chế hoặc thức ăn dạng viên chìm phải dùng lưới cước có mắt lưới dày để làm mặt đáy lồng nuôi cá nhằm giữ cho thức ăn không lọt qua đáy lồng rơi xuống đáy sông, hồ.

Cần phối hợp nhiều biện pháp kỹ thuật để nuôi lồng bè hiệu quả. Ảnh: ST

Hỗn hợp thức ăn tự chế được trộn theo công thức trên đã nấu chín, đùn viên hoặc để nguội vo lại thành nắm nhỏ cho cá ăn. Đưa thức ăn xuống lồng thành nhiều đợt để tất cả cá nuôi trong lồng đều được ăn. Cho cá ăn từ từ, ít một để cá ăn hết thức ăn, tránh không để cá tranh ăn, làm tan thức ăn, rơi ra ngoài lồng gây thất thoát. Không nên cho cá ăn thức ăn dạng bột vì thức ăn bị tan trong nước vừa lãng phí vừa làm ô nhiễm môi trường ao nuôi.

Cho cá ăn với khẩu phần từ 2 – 7% trọng lượng thân tùy vào loại thức ăn và trọng lượng cá nuôi. Trong quá trình cho ăn, phải quan sát lượng thức ăn thừa thiếu mà điều chỉnh tăng hay giảm lượng thức ăn cho mỗi ngày. Cần giảm lượng thức ăn khi cá có hiện tượng bắt mồi kém hay thời tiết thay đổi (nhiệt độ > 35oC và < 15oC hay mưa lớn hoặc gió mùa). Cần đưa ra khỏi lồng cá thức ăn còn dư để tránh ô nhiễm môi trường nuôi cá.

Định kỳ 1 lần/tháng cho cá ăn 5 ngày liên tục bằng thức ăn có trộn Vitamin C, liều lượng 2 g/kg thức ăn để tăng cường sức đề kháng cho cá.

Trong quá trình nuôi cần theo dõi tăng trưởng của cá để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp. Chu kỳ kiểm tra tăng trưởng là 15 ngày/lần, trên cơ sở đó ước lượng được khối lượng cá trong lồng từ đó điều chỉnh lượng thức ăn cho cá.

Vớt thức ăn cũ còn thừa trong lồng trước khi cho thức ăn mới. Không cho cá ăn thức ăn bị mốc hay ôi thiu, quá hạn sử dụng sẽ dễ gây ngộ độc cho cá.

Chăm sóc

Hàng ngày theo dõi các yếu tố môi trường như pH, ôxy, mực nước, màu nước và các hoạt động của cá để phát hiện dấu hiệu bất thường (môi trường hoặc bệnh cá) để có những biện pháp xử lý kịp thời và phù hợp.

Cho cá ăn đủ chất lượng và số lượng.

Khi xảy ra dịch bệnh cần cách ly lồng đến vị trí an toàn và tiến hành phòng bệnh cho cá. Trường hợp cá nuôi bị bệnh nặng và có khả năng lây lan nhanh, phải tiến hành thu hoạch cá (nếu đã đạt kích cỡ thương phẩm).

Vệ sinh, quản lý lồng nuôi

Trước khi thả cá và sau mỗi vụ nuôi, thu hoạch cá xong, đưa lồng lên cạn (nếu có điều kiện) dùng vôi hoặc Chlorine 30 ppm phun lên lồng, sau đó phơi khô 1- 2 ngày.

Trong quá trình nuôi, mỗi tuần vệ sinh lồng ít nhất một lần, dùng bàn chải nhựa cọ sạch các cạnh bên trong và ngoài lồng lưới, loại bỏ rác trôi nổi và các vật cứng bám vào cụm lồng nuôi. Tiến hành làm vệ sinh lồng trước các bữa ăn của cá.

Sử dụng vôi nung (CaO) để khử chua cho môi trường nước hạn chế mầm bệnh. Treo túi vôi ở các góc của lồng bè cách mặt nước 1/3 – 1/2 độ sâu của nước hoặc cho vào bao tải treo ở đầu nguồn nước hoặc khu vực cho ăn trong các lồng bè. Lượng vôi sử dụng từ 2 – 4 kg/10 m3 nước. Khi vôi tan hết lại thay túi vôi khác. 

Sử dụng Sunphat đồng (CuSO4) để phòng bệnh ký sinh trùng đơn bào. Cho túi thuốc vào túi vải và treo như treo túi vôi. Liều lượng sử dụng 50 g/m3 nước, định kỳ treo 2 lần/tuần.

Trong quá trình làm vệ sinh cần kiểm tra lồng, phát hiện kịp thời các mắt lưới gần rách, vết rạn nứt để vá lại ngay nhằm hạn chế cá thất thoát ra khỏi lồng.

Vào mùa mưa lũ, phải kiểm tra các dây neo lồng, di chuyển lồng vào vị trí an toàn khi có bão, lũ và nước chảy xiết.      

Thái Thuận

Nguồn tin: thuysanvietnam.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Bạn muốn biết thông tin về sản phẩm tôm giống của trung tâm?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập68
  • Hôm nay7,807
  • Tháng hiện tại56,868
  • Tổng lượt truy cập10,103,504
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây