Theo báo cáo mới nhất của Cục Thú y về công tác phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản, từ ngày 15/02 – 14/3, cả nước có khoảng 299 ha diện tích nuôi trồng thuỷ sản phát sinh dịch bệnh, giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tổng diện tích bị bệnh là gần 340 ha; gần 75 bè, vèo nuôi thuỷ sản bị mắc bệnh thông thường. Cụ thể, tổng diện tích có nuôi tôm bị dịch bệnh là gần 273 ha tại 06 tỉnh/thành phố, giảm 3% so với cùng kỳ năm 2023 (khoảng 281 ha). Tổng diện tích cá tra bị dịch bệnh khoảng 20 ha tại 03 tỉnh, thành phố; giảm 39,5% so với cùng kỳ năm ngoái (gần 33 ha).
Dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản Quý 1/2024 giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: ST
Tính chung trong Quý I/2024, tổng diện tích nuôi trồng thuỷ sản phát sinh dịch bệnh là khoảng 541 ha, giảm 29,5% so với cùng kỳ năm trước; gần 244 bè, vèo nuôi thuỷ sản bị mắc bệnh thông thường. Trong đó, tổng diện tích có nuôi tôm bị dịch bệnh là trên 474 ha tại 08 tỉnh, thành phố; giảm 23% so với cùng thời điểm năm 2023 (khoảng 616 ha). Tổng diện tích cá tra bị dịch bệnh trên 48 ha tại 04 tỉnh, thành phố (chủ yếu là bệnh xuất huyết, gan thận mủ); giảm 53,3% so với cùng kỳ năm trước (gần 103 ha).
Về kết quả chỉ đạo, điều hành, Cục Thú y đã hướng dẫn chuyên môn cho các địa phương, tổ chức, cá nhân về phòng, chống bệnh TPD/GPD. Thành lập Đoàn công tác đi điều tra ổ dịch nghi mắc bệnh mờ đục trên ấu trùng tôm TPD/GPD tại Quảng Ninh. Bên cạnh đó, Cục Thú y luôn tăng cường đôn đốc các địa phương tổ chức triển khai “Kế hoạch quốc gia phòng, chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thuỷ sản nuôi giai đoạn 2021 – 2030” và xây dựng Kế hoạch phòng chống dịch bệnh thủy sản năm 2024. Xây dựng báo cáo kết quả thi hành, rà soát Thông tư số 04/2016/TT-BNNPTNT ngày 10/5/2016 của Bộ NN&PTNT quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật thuỷ sản. Phân công nhiệm vụ cho các thành viên trong Tổ biên tập xây dựng dự thảo Thông tư.
Xử lý môi trường nước trong lồng cá tại HTX Minh Tiến, huyện Lương Tài, Bắc Ninh. Ảnh: ST
Liên quan đến vấn đề kiểm dịch xuất khẩu, Cục Thú y cho biết trong 2 tháng đầu năm nay đã có 13 nghìn tấn thủy sản được kiểm dịch để xuất khẩu, tăng 51% so với cùng kỳ năm ngoái; riêng sản phẩm động vật thủy sản đạt trên 30 triệu con, chủ yếu là tôm giống nuôi thương phẩm, giảm 11,6% so với cùng kỳ năm trước.
Trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y cho biết: Sẽ tiếp tục theo dõi sát sao, kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh thủy sản trong nước, tham mưu chỉ đạo, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh phù hợp. Cùng đó, Cục sẽ theo dõi diễn biến tình hình dịch bệnh thuỷ sản ở các địa phương và hướng dẫn công tác phòng chống dịch, đặc biệt đối với bệnh trên tôm và cá tra. Đồng thời, tổ chức giám sát, xác định nguyên nhân hiện tượng thủy sản chết nhiều, chết bất thường (nếu có) và giám sát chủ động dịch bệnh tại các vùng nuôi, giám sát một số tác nhân gây bệnh mới nổi (TPD, DIV1), bệnh nguy hiểm có nguy cơ xâm nhiễm vào trong nước. Phối hợp, chỉ đạo các đơn vị có liên quan theo dõi, kiểm tra, giám sát tác nhân gây bệnh mờ đục thân ở các vùng sản xuất tôm giống trọng điểm. Tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh, trọng tâm là các cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản. Tăng cường tập huấn cho các Chi cục Chăn nuôi và Thú y, các doanh nghiệp về công tác phòng chống dịch bệnh, giám sát dịch bệnh, xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh theo đúng quy định.
Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long cho biết thêm: Trước ngày 10/4 Cục sẽ tổng hợp tình hình, báo cáo Bộ NN&PTNT về bệnh mờ đục trên ấu trùng tôm (TPD), đồng thời tham mưu văn bản chỉ đạo, hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh này; chú trọng hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp xây dựng thành công các vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh phục vụ xuất khẩu.
Cũng trong tháng 4, Cục Thú y sẽ khẩn trương tổ chức họp với các địa phương, các tổ chức có liên quan để trao đổi thông tin; kịp thời tham mưu chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm soát không để các bệnh nguy hiểm trên thủy sản xâm nhiễm vào trong nước theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tham mưu chỉ đạo, tổ chức tập huấn năng cao năng lực thú y thủy sản cho các đơn vị thuộc Cục và các Chi cục Chăn nuôi và Thú y, các doanh nghiệp, nhất là về công tác phòng chống dịch bệnh, giám sát dịch bệnh, xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh.
Thùy Khánh
Nguồn tin: thuysanvietnam.com.vn
Ý kiến bạn đọc