Người nuôi phải cung cấp thức ăn chất lượng cao và sử dụng thức ăn tự nhiên là một lựa chọn tốt. Thức ăn được cung cấp cần chứa tất cả các chất dinh dưỡng để duy trì tôm có sức khỏe tốt và đạt được hiệu suất tăng trưởng như mong đợi. Việc quản lý chế độ ăn uống một cách hợp lý sẽ giúp tối ưu hóa sử dụng thức ăn, giảm lượng thức ăn thừa gây ô nhiễm môi trường và tiết kiệm chi phí. Để quản lý chế độ ăn tốt, cần thực hiện các biện pháp sau: Lựa chọn loại thức ăn phù hợp với loại tôm nuôi, giai đoạn phát triển của tôm và điều kiện nuôi.
Chọn nhà cung cấp thức ăn uy tín, cam kết chất lượng. Bảo quản thức ăn đúng cách để tránh việc bị ẩm mốc, nhiễm khuẩn hoặc bị côn trùng phá hủy. Xác định lượng thức ăn cần cung cấp cho mỗi lần cho ăn dựa trên khối lượng tôm, nhu cầu dinh dưỡng, khả năng tiêu hóa và điều kiện nước ao. Theo dõi hành vi ăn uống của tôm bằng cách sử dụng nhá ăn hoặc quan sát trực tiếp. Điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp với tình trạng ăn uống của tôm, tránh cho ăn quá nhiều hoặc quá ít. Chia nhỏ lượng thức ăn thành nhiều lần cho ăn trong ngày, tùy theo kích cỡ và nhu cầu ăn uống của tôm.
Phải giữ nước ở mức nhất định để thúc đẩy sự phát triển của tôm tối đa. Không chỉ độ sâu mà chất lượng nước cũng cực kỳ quan trọng để giúp tôm phát triển nhanh hơn. Trong các hệ thống nuôi thâm canh, một lượng lớn chất chuyển hóa được bài tiết vào nước và thức ăn không sử dụng hết cũng trôi xuống đáy ao khiến nước bị ô nhiễm. Để ngăn chặn sự suy giảm chất lượng nước, cần làm sạch nước ao một cách liên tục. Lựa chọn vị trí nuôi phù hợp, đảm bảo nguồn nước sạch và không bị ô nhiễm. Tiến hành quá trình xử lý ao nuôi một cách cẩn thận trước khi thả giống, bao gồm việc vét bùn, xử lý đáy ao và xử lý nước ao. Thường xuyên theo dõi và kiểm tra các chỉ tiêu quan trọng về chất lượng nước ao như độ trong, pH, độ kiềm, ôxy hòa tan, amoniac, nitrit… Đảm bảo hàm lượng ôxy hòa tan cao trong ao nuôi bằng cách sử dụng quạt sục khí hoặc máy sục khí. Sử dụng chế phẩm vi sinh để cân bằng hệ vi sinh vật trong ao nuôi, giúp phân hủy chất hữu cơ dư thừa và ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn có hại. Trong quá trình nuôi, cần đo hằng ngày các chỉ tiêu ôxy hòa tan, pH, độ trong; riêng chỉ tiêu độ kiềm và NH3 có thể 3-5 ngày đo 1 lần. Không lạm dụng việc diệt khuẩn môi trường nước ao tôm bừa bãi, nhất là cần tránh những trường hợp như tôm đang suy yếu, trong quá trình lột xác hay có các biểu hiện bệnh gan; chỉ tiến hành diệt khuẩn khi thấy màu sắc tôm thay đổi xấu, tôm đóng rong, đóng nhớt, bị phồng đuôi, đứt đuôi, đứt râu. Định kỳ 20-25 ngày xử lý nước và đáy ao bằng chế phẩm sinh học theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Quạt nước, sục khí bổ sung ôxy từ 7 giờ tối đến 5 giờ sáng hôm sau.
Ba nhóm sản phẩm chính được sử dụng làm chất bổ sung trong sản xuất tôm là các phân tử thực vật phytomolecule, axit hữu cơ và prebiotic. Trong nuôi trồng thủy sản, các phytomolecule là hoạt chất carvacrol và cinnamaldehyde có thể tồn tại lâu dài. Cả hai đều làm suy yếu vi khuẩn gây hại và ngăn chặn sự phát triển của chúng bằng cách can thiệp vào các quá trình trong tế bào vi khuẩn. Để có được các chất phụ gia cộng thêm trong thức ăn lỏng cho sử dụng linh hoạt, các phytomolecule được ổn định bằng một chất nhũ hóa. Carvacrol và cinnamaldehyde là một công cụ tốt để cải thiện hiệu quả sức khỏe ruột và sự tiêu hóa.
Một số nghiên cứu với các axit hữu cơ như axit citric, propionic và axit formic đã cho thấy các axit hữu cơ ảnh hưởng tích cực đến năng suất sinh trưởng, khả năng miễn dịch và sự đề kháng chống lại các loài phẩy khuẩn Vibrio khác nhau.
Việc sử dụng các prebiotic cũng là thực hành phổ biến trong nuôi trồng thủy sản. Một nguồn của các prebiotic là tế bào nấm men. Một phần tác dụng tích cực của các prebiotic với sức khỏe ruột là sự dính kết các mầm bệnh. Các vi khuẩn có hại như phẩy khuẩn Vibrio spp. bị kết dính trong các phức hợp và bị đào thải. Phần khác là tác dụng thúc đẩy hệ vi khuẩn ruột có lợi.
Sục khí đóng một vai trò rất quan trọng trong nuôi tôm. Việc sử dụng thiết bị sục ao là việc làm cần thiết và cần được thực hiện thường xuyên, liên tục trong ao nuôi tôm, nhất là với các mô hình nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh với mật độ tôm nuôi cao. Máy sục khí cung cấp ôxy cho các ao nuôi giúp tôm sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh, nhờ có lượng ôxy hòa tan trong nước dồi dào, ngoài ra còn hạn chế lắng đọng bùn và chất thải dưới đáy ao lâu ngày, tiềm ẩn phát sinh khí độc và vi khuẩn tích tụ.
Chất lượng nước là yếu tố cực kỳ quan trọng trong ao nuôi tôm, nhưng khó dự đoán và khó kiểm soát. Chất lượng nước quyết định đến tốc độ sinh trưởng và tỷ lệ sống của tôm. Các chỉ tiêu chất lượng nước quan trọng trong ao nuôi tôm như: ôxy, pH, kH, NO2, NH3… Người nuôi cũng nên nắm bắt được các chỉ tiêu trong ao, cần được kiểm tra liên tục để có thể xử lý nước kịp thời để bảo vệ đàn tôm của mình.
Trên thị trường hiện nay có rất nhiều thiết bị, dụng cụ để kiểm tra các chỉ tiêu, người nuôi có thể sử dụng các loại máy, bút đo điện tử hoặc các bộ test để định kỳ kiểm tra các chỉ tiêu nước. Trong ao nuôi, luôn có sẵn những thiết bị, bộ test này để luôn biết được những chỉ tiêu ao có đang ở mức thích hợp từ đó có thể cân chỉnh thích hợp, xử lý kịp thời.
Hoàng Yến
Nguồn tin: thuysanvietnam.com.vn
Ý kiến bạn đọc