Những năm qua, dịch bệnh trên tôm nuôi thương phẩm ngày càng diễn ra phức tạp, gây thiệt hại lớn cho người nuôi tôm trên thế giới. Trong đó, bệnh do virus DIV1 là bệnh cực kỳ nghiêm trọng đối với ngành nuôi tôm công nghiệp. DIV1 được phát hiện lần đầu tiên vào năm 2014, nó đã tàn phá nhiều hoạt động nuôi tôm dọc theo bờ biển Trung Quốc.
Virus DIV1 lây nhiễm cho tôm ở tất cả giai đoạn sinh trưởng và đã được phát hiện gây bệnh trên một số loài tôm biển, tôm nước lợ và tôm nước ngọt. Khi phát hiện bệnh, ở tôm thẻ chân trắng cơ thể có màu hơi đỏ, gan tụy teo và nhạt màu, dạ dày và ruột rỗng. Ở tôm càng xanh thường xuất hiện vùng tam giác màu trắng đặc trưng dưới chủy đầu, bên trong phần giáp đầu ngực. Tỷ lệ chết cộng dồn trong ao có thể lên tới 80%.
Theo quan sát ban đầu, tôm bị nhiễm mạnh vào mùa đông. Tác động của bệnh sẽ nghiêm trọng hơn, khi tôm bị bội nhiễm với vi khuẩn Vibrio, trong ao có tảo bùng phát mạnh, hoặc trời mưa kéo dài. Tôm ít bị nhiễm vào mùa hè, mùa thu, nhất là khi nhiệt độ trên 30oC.
Virus DIV1 có thể gây chết hàng loạt trên tôm nuôi, với tỷ lệ lây nhiễm lớn, tốc độ gây chết rất nhanh chỉ trong vòng hai đến ba ngày, kể từ khi phát hiện nhiễm trùng đầu tiên, cho đến khi tất cả tôm trong ao bị chết. DIV1 virus có khả năng lây nhiễm cả trên tôm lớn, nhỏ, tôm thẻ chân trắng, tôm càng xanh, tôm sú…
Sau khi bị nhiễm bệnh, người nuôi phải xả bỏ hoàn toàn tôm, sau đó xử lý diệt mầm bệnh và phơi khô ao trong thời gian ít nhất 2 tháng. Hiện, vẫn chưa xác định được rõ ràng nguồn gốc của virus DIV1, cách lây truyền và cũng còn rất ít các thông tin về loại virus này.
Trước thực tế đó, nhóm tác giả ở Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh đã nghiên cứu và đưa ra quy trình real-time PCR phát hiện virus DIV1.
Cụ thể, nhóm nghiên cứu đã thiết kế primer (đoạn mồi) và probe (mẫu dò) đặc hiệu, để phát hiện virus DIV1 gây bệnh trên tôm. Đồng thời, xây dựng và tối ưu hóa quy trình real- time PCR, phát hiện virus DIV1 gây bệnh trên tôm và thử nghiệm quy trình duplex real-time PCR trên mẫu tôm thu thập ngoài thực tế.
Các mẫu tôm sau khi thu thập, được bảo quản ngay trong cồn 95% để tách chiết DNA và thực hiện các thí nghiệm khác trong nghiên cứu. Qua nhiều thí nghiệm, nhóm đã thiết kế được cặp mồi và Taqman probe (đầu dò thủy phân, được thiết kế để tăng độ đặc hiệu của PCR định lượng) hoạt động hiệu quả và đặc hiệu phát hiện virus DIV1. Quy trình duplex real-time PCR phát hiện virus DIV1 trên tôm giống, đã được tối ưu hóa trên bộ hóa chất.
ThS. Trúc Phương, chủ nhiệm đề tài cho biết, các thông số kỹ thuật của quy trình duplex real-time PCR, phát hiện DIV1 virus gây bệnh trên tôm, có độ đặc hiệu đạt 100%, độ nhạy kỹ thuật là 40 copies/phản ứng. Quy trình có thể phát hiện đồng thời gen ATPase của virus DIV1 và gen chứng nội β-actin, để phát hiện sự có mặt của virus DIV1 gây bệnh trên tôm.
Quy trình real-time PCR, phát hiện virus DIV1, đã được ứng dụng kiểm nghiệm trên 30 mẫu tôm thu thập ở ngoài thị trường. Kết quả cho thấy, quy trình nghiên cứu có khả năng phát hiện 2 mẫu tôm bị nhiễm bệnh, 28 mẫu không nhiễm bệnh, tương đương với kết quả của kit thương mại. Kết quả này chứng tỏ mồi đặc hiệu, độ nhạy cao và quy trình phản ứng PCR, đã được thiết kế có chất lượng tốt.
Nam Cường (Tổng hợp)
Nguồn tin: thuysanvietnam.com.vn
Ý kiến bạn đọc