Axit hữu cơ là các hợp chất mang đặc tính kháng khuẩn có thể điều chỉnh hệ vi sinh đường ruột, ức chế sự phát triển của mầm bệnh cơ hội như Vibrio sp., Aeromonas sp. Thực tế, cơ chế kháng khuẩn của các axit hữu cơ được kích hoạt bằng cách làm giảm pH tế bào chất của vi khuẩn và phá vỡ các phản ứng thông thường của tế bào.
Theo ghi nhận từ nhiều báo cáo, chế độ ăn chứa axit hữu cơ như axit citric, axit formic và axit succinic cải thiện hiệu quả các đáp ứng miễn dịch và chống ôxy hóa ở tôm hơn hẳn nhóm tôm không được bổ sung. Axit hữu cơ tăng cường khả năng kháng bệnh của vật nuôi thông qua kiểm soát hệ vi khuẩn đường ruột và kích thích hệ thống miễn dịch.
Axit hữu cơ tartaric là một hợp chất hóa học thu được từ quá trình sinh học (lên men), hoặc quá trình hóa học. Ngoài ra, axit này cũng có mặt tự nhiên trong các loại trái cây như nho, chuối, vải, anh đào, bơ và me. Axit tartaric ngày càng phổ biến trong ngành công nghiệp chế biến thực phẩm nhờ các đặc tính sinh học đa dạng bao gồm điều chỉnh nồng độ axit, cải thiện thời hạn sử dụng và các đặc tính cảm quan của thực phẩm, kích thích hệ miễn dịch, kháng khuẩn, chống ôxy hóa và chống viêm.
Vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus là mầm bệnh cơ hội phổ biến trong ngành nuôi trồng thủy sản và liên quan đến bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND) trên tôm. Một trong những chiến lược hiệu qua để tăng sức đề kháng chống lại nhiễm Vibrio và thúc đẩy các quá trình sinh lý khác là bổ sung axit hữu cơ vào thức ăn chăn nuôi.
Thử nghiệm thực hiện trong phòng thí nghiệm tại Bardstan, thuộc thành phố Dyer, tỉnh Busherhr, Iran để đánh giá hiệu quả của axit tartaric trong chế độ ăn đối với các chỉ số tăng trưởng, hệ vi sinh vật đường ruột, nồng độ enzyme tiêu hóa, các dấu hiệu chống ôxy hóa, miễn dịch và tỷ lệ sống của tôm thẻ chân trắng (TTCT) sau thử thách 14 ngày gây nhiễm vi khuẩn V. parahaemolyticus. Đối tượng thử nghiệm gồm 600 con tôm (3,26 ± 0,05 g) được mua về từ một trại giống thương mại. Thả toàn bộ số tôm này vào 15 bể sợi thủy tinh dung tích 300 lít theo mật độ 40 con/bể. Tôm được cho ăn nghiệm thức bổ sung axit tartaric (TA) theo 5 nồng độ khác nhau trong 56 ngày: 0 (TA0); 2,5 (TA2,5); 5 (TA5); 7,5 (TA7,5) và 10 g/kg (TA10).
Vào cuối thử nghiệm, đếm toàn bộ tôm và tiến hành cân trọng lượng, đồng thời tính toán các thông số hiệu suất tăng trưởng, tỷ lệ chuyển đổi thức ăn, hiệu quả sử dụng protein và tỷ lệ sống.
Những năm gần đây, quá trình axit hóa thức ăn thủy sản bằng cách bổ sung axit hữu cơ đã được chứng minh là mang lại một số lợi ích cho sức khỏe hệ tiêu hóa và sự phát triển của nhiều loài thủy sản nuôi. Trong nghiên cứu này, khẩu phần ăn được tăng cường TA ở mức 5-10 g/kg đã cải thiện đáng kể tăng trọng (WG), trọng lượng cuối (FW), tốc độ tăng trưởng riêng (SGR) và hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR). So với nhóm TTCT được cho ăn bổ sung axit succinic nồng độ 5 g/kg hoặc nhóm tôm bổ sung 2% kali doformate (KDF), nhóm tôm bổ sung TA đạt FW, SGR cao hơn và FCR thấp hơn.
Nhiều nghiên cứu khác cũng ghi nhận việc bổ sung axit hữu cơ vào thức ăn đã cải thiện khả năng tiêu hóa chất dinh dưỡng, dự trữ protein và năng lượng, dẫn đến sự gia tăng đáng kể hiệu quả sử dụng protein (PER), FCR và SGR ở tôm. Một số chuyên gia cũng khẳng định, axit hữu cơ làm tăng khả năng cung cấp chất dinh dưỡng do làm giảm pH kèm theo các phản ứng hóa học, tạo điều kiện thuận lợi cho hấp thụ phốt pho và khoáng chất khác.
Ngoài ra, axit hữu cơ tham gia vào hoạt động trao đổi chất, từ đó giúp tăng cường sản sinh adenosine triphosphate (ATP, một nucleotide cung cấp năng lượng thúc đẩy và hỗ trợ nhiều quá trình trong tế bào sống, từ đó cải thiện hiệu suất tăng trưởng và sử dụng thức ăn).
Các nhà nghiên cứu đã chứng minh quá trình axit hóa thức ăn thủy sản bằng axit hữu cơ có thể điều chỉnh hệ vi sinh đường ruột bằng cách tăng lợi khuẩn kháng axit như vi khuẩn axit lactic (LAB) và phá vỡ vi khuẩn nhạy cảm với pH thấp. Theo các báo cáo trước đây, axit lactic trong ruột đóng vai trò quan trọng trong điều chỉnh năng lực của các enzyme đường ruột, từ đó nâng cao hiệu suất tăng trưởng của vật chủ.
Trong nghiên cứu này, bổ sung axit tartaric vào nghiệm thức theo tỷ lệ 5 – 10 g/kg đã thúc đẩy sự phong phú của vi khuẩn axtit lactic có sẵn trong ruột nhờ sự gia tăng hoạt động của enzyme tiêu hóa đường ruột và hiệu suất tăng trưởng. Tương tự, các phát hiện khác chỉ ra rằng việc tăng cường vi khuẩn axit lactic dẫn đến cải thiện hoạt động của enzyme tiêu hóa ở TTCT và các loài thủy sản nuôi khác.
Trong thử nghiệm thách thức với dịch bệnh, nhóm nghiên cứu theo dõi tỷ lệ chết của TTCT tiếp xúc với V. parahaemolyticus trong 14 ngày. Cuối giai đoạn thử thách, tất cả các nhóm tôm được bổ sung axit tartaric đều có tỷ lệ chết thấp hơn nhiều so với nhóm đối chứng (TA0). Nhóm tôm ở nghiệm thức TA7,5 có tỷ lệ chết thấp nhất.
Tôm và nhiều loài giáp xác thiếu đáp ứng miễn dịch đặc hiệu, chủ yếu dựa vào đáp ứng miễn dịch bẩm sinh; do đó, việc thúc đẩy hệ thống miễn dịch bẩm sinh của tôm nuôi đặc biệt quan trọng. Tế bào máu tuần hoàn là những chất trung gian chính trong việc tạo ra các đáp ứng miễn dịch tế bào và dịch thể ở động vật giáp xác.
Số lượng tế bào máu là một trong những chỉ số đáng tin cậy nhất để xác định ảnh hưởng của chế độ ăn đến khả năng miễn dịch. Trong nghiên cứu này, tổng số lượng tế bào máu (THC) ở tôm tăng rõ rệt ở tất cả các nhóm bổ sung TA. Điều này có thể liên quan đến việc giải phóng tối đa khoáng chất như đồng và sắt. Nhiều nhà nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng TTCT ăn axit hữu cơ natri butyrate có số lượng THC cải thiện đáng kể. Trong một nghiên cứu khác, số lượng THC cao hơn ở TTCT được cho ăn khẩu phần bổ sung axit formic và sắc tố astaxanthin.
Tăng cường phản ứng enzyme hoặc phi enzyme của hệ thống chống ôxy hóa trong chu kỳ nuôi đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện sức khỏe của động vật giáp xác chống lại các yếu tố gây căng thẳng sinh học hoặc phi sinh học. Bổ sung axit hữu cơ vào chế độ ăn là một trong những phương pháp thiết thực và hiệu quả nhất để cải thiện tình trạng chống ôxy hóa của TTCT. Trong nghiên cứu này, tăng cường tính khả dụng của các khoáng chất làm đồng yếu tố cho các enzyme chống ôxy hóa có thể là một trong những lý do thúc đẩy tình trạng chống ôxy hóa ở các nhóm tôm được bổ sung axit hữu cơ.
Tăng tỷ lệ sống trước các bệnh truyền nhiễm là một trong những mục tiêu chính của việc bổ sung phụ gia hoạt tính sinh học vào thức ăn thủy sản. Trong nghiên cứu này, chế độ ăn tăng cường axit tartaric ở tất cả các nồng độ đã làm giảm đáng kể tỷ lệ chết của tôm so với nhóm đối chứng TA0. Ngoài ra, tỷ lệ chết của nhóm tôm TA7,5 thấp nhất, và chỉ bằng 1/3 so với nhóm đối chứng. Nguyên nhân có thể do hệ vi sinh đường ruột điều hòa tốt hơn, miễn dịch cải thiện và chống ôxy hóa của tôm được thúc đẩy. Trong nghiên cứu khác, TTCT được cho ăn bổ sung axit formic, axit citric và axit sorbic cũng được tăng cường đề kháng chống lại V. parahaemolyticus.
Dũng Nguyên (Theo Feedstrategy)
Nguồn tin: thuysanvietnam.com.vn
Ý kiến bạn đọc