Theo số liệu tổng hợp từ Cục Thủy sản, năm 2023, cả nước sản xuất được 10.094 con tôm thẻ chân trắng (TTCT) bố mẹ; 20.000 con tôm sú bố mẹ, phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu, bằng 90,1% so với năm 2022. Năm 2023, cả nước nhập khẩu khoảng 167.000 TTCT bố mẹ, hơn 1.000 tôm sú bố mẹ, 130.000 ấu trùng TTCT, 42.000 ấu trùng tôm sú phục vụ cho sản xuất giống. Cả nước sản xuất và ương dưỡng được 153 tỷ con tôm giống nước lợ (trong đó sản xuất 129 tỷ con và ương dưỡng 24 tỷ con).
Hiện nay, cả nước mới chỉ có 2.141 cơ sở sản xuất và ương dưỡng giống tôm nước lợ, trong đó có 1.236 cơ sở sản xuất và 905 cơ sở ương dưỡng. Năm 2024, ước tính nhu cầu tôm bố mẹ cần khoảng 260.000 – 270.000 con (TTCT 200.000 – 210.000; tôm sú 60.000 con); tôm giống khoảng 140 – 150 tỷ con (trong đó TTCT 100-110 tỷ con và tôm sú 30-40 tỷ con).
Năm 2024, tổng nhu cầu tôm bố mẹ cần khoảng 260.000 – 270.000 con; tôm giống khoảng 140 – 150 tỷ con. Diện tích nuôi tôm đạt 737.000 ha. Sản lượng tôm các loại ước đạt hơn 1 triệu tấn; Kim ngạch xuất khẩu đạt từ 4,0 – 4,3 tỷ USD.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu như trên vẫn còn nhiều thách thức, khi giống tôm bố mẹ phụ thuộc chủ yếu vào nguồn nhập khẩu (83,5% TTCT; 16,5% tôm sú) và khai thác từ tự nhiên (33,3% tôm sú bố mẹ), trong nước mới chỉ cung cấp được một phần và chúng ta chưa chủ động trong sản xuất.
Sóc Trăng là một trong những địa phương sản xuất, chế biến và xuất khẩu tôm thuộc top đầu nước ta. Năm 2023, địa phương này thả nuôi tôm nước lợ đạt diện tích hơn 53.500 ha; trong đó, nuôi TTCT hơn 40.000 ha và tôm sú là hơn 13.400 ha, đạt sản lượng trên 206.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 905 triệu USD, chiếm hơn 95,6% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh. Mặc dù đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nhưng ngành tôm Sóc Trăng cũng gặp không ít khó khăn, trong đó vấn đề đang rất nóng đó là chất lượng tôm giống.
Tại Diễn đàn Giải pháp để có nguồn giống tôm chất lượng cho vụ nuôi năm 2024 do Cục Thủy sản phối hợp với Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng tổ chức ngày 24/2/2024, ông Võ Văn Phục, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản sạch Việt Nam bày tỏ: Hiện nay người nuôi tôm nhỏ lẻ rất gian nan, không chỉ về chi phí mà còn ở chất lượng con giống. Họ không có điều kiện để phát hiện bệnh sớm, cho nên nếu mua phải con giống chất lượng kém, nuôi hơn 10 ngày tôm bị phát bệnh EMS, EHP hay TPD thì coi như thất bại, người nuôi sẽ rất khổ. Thực tế cho thấy, các đợt thả nuôi trước và sau Tết đối với các ao nuôi truyền thống, có tỷ lệ thành công rất thấp, một trong nguyên nhân đến từ con giống kém chất lượng.
Một số doanh nghiệp trong tỉnh Sóc Trăng cho rằng, hiện nay muốn chọn giống thả cho các trang trại nuôi rất khó, nhất là trong vấn đề kiểm tra chất lượng giống. Với diện tích nuôi hàng năm của Sóc Trăng, nhu cầu tôm giống phục vụ người nuôi tôm tại địa phương ước hơn 20,6 tỷ con.
Qua rà soát, thống kê, tỉnh Sóc Trăng có 73 cơ sở giống; trong đó, có 58 cơ sở giống tôm nước lợ còn đang hoạt động, có 3 công ty hoạt động dưới hình thức sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản, 55 cơ sở còn lại hoạt động dưới hình thức thuần dưỡng, hạ độ mặn và hoạt động dưới hình thức làm điểm giao dịch. Công suất ương dưỡng giống tôm nước lợ trong năm ngoái là 1 tỷ con giống, chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ nhu cầu, phần lớn nguồn giống vẫn nhập từ ngoài tỉnh.
Hơn nữa, giá thành sản xuất tôm ở nước ta, hiện cao hơn so với các nước trong khu vực, do chi phí thức ăn nuôi tôm đang chiếm tỷ lệ cao trong giá thành sản xuất (khoảng trên 65% giá thành nuôi tôm công nghiệp); chi phí con giống nhập khẩu tôm bố mẹ cao. Đặc biệt, nhiều vùng nuôi thiếu điện, phải sử dụng máy nổ để bơm nước, quạt khí, phát điện. Các cơ sở nuôi nhỏ lẻ thường thiếu vốn sản xuất, phần lớn hạ tầng vùng nuôi chưa đảm bảo…
Đối với các cơ sở sản xuất tôm giống, ngoài những cơ sở đạt chuẩn, còn nhiều cơ sở không đảm bảo chất lượng, không đảm bảo an toàn sinh học, khi cung ứng nguồn giống ra bên ngoài thị trường. Còn nhiều cơ sở chưa được kiểm tra cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản, theo quy định của Luật Thủy sản (khoảng 40% số cơ sở), nhưng vẫn được cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch.
Nếu tình trạng con giống kém chất lượng chưa được giải quyết, thì rất khó nói đến chuyện phát triển ngành tôm bền vững. Hơn lúc nào hết cần xiết chặt, quản lý chặt các cơ sở sản xuất tôm giống. Cần có số liệu cập nhật thường xuyên, thống kê số lượng giống của mỗi doanh nghiệp đưa về tỉnh, thành, nắm rõ tình hình thiệt hại, tỷ lệ thành công, để có khuyến cáo công khai tới người dân.
Chúng ta phải có các giải pháp, để có nguồn giống tôm chất lượng cao nhất, phục vụ người nuôi ngay từ đầu. Một số địa phương cho rằng: Cần tập trung vào việc quản lý tôm giống nuôi nước lợ; thức ăn cho tôm nuôi; tình hình dịch bệnh trên con tôm giống nuôi nước lợ; kiểm soát chặt chẽ chất lượng con giống khi lưu thông trên thị trường; lưu ý lựa chọn công ty nuôi tôm có uy tín; quy trình sản xuất con giống tại cơ sở giống; công nghệ nuôi tôm của một số nước trên thế giới…
Dưới góc độ cơ quan quản lý chuyên ngành, ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản cam kết: Sẽ kiểm tra lại các vùng sản xuất giống trọng điểm. Kiên quyết xử lý các trường hợp doanh nghiệp chưa đủ điều kiện nhưng vẫn bán giống, đồng thời công bố trên các phương tiện truyền thông, rạch ròi để người dân yên tâm về nguồn gốc xuất xứ tôm giống. Ông Luân cũng đề nghị các doanh nghiệp, cơ sở, đại lý cung ứng giống, cơ quan chuyên môn, phải cùng ngồi lại với người nuôi tôm để tìm ra nguyên nhân, từ đó có giải pháp xử lý kịp thời.
>> Theo Đề án “Phát triển Ninh Thuận trở thành trung tâm tôm giống chất lượng cao của cả nước giai đoạn 2021 - 2030”, năm 2030, toàn tỉnh có 20% số cơ sở có quy mô công suất tối thiểu 0,5 tỷ con tôm giống/năm; toàn bộ cơ sở đủ điều kiện sản xuất giống thủy sản theo quy định và được giám sát an toàn dịch bệnh; sản lượng tôm giống hơn 60 tỷ con/năm; chủ động sản xuất 60% TTCT bố mẹ và 80% tôm sú bố mẹ chất lượng cao, sạch bệnh, kháng bệnh.
Minh Khuê
Nguồn tin: thuysanvietnam.com.vn
Ý kiến bạn đọc