Hướng phát triển ngành tôm Việt Nam bền vững

Thứ hai - 22/04/2024 22:27 473 0

Vững vàng vị trí chủ lực 

Báo cáo năm 2023 của Liên minh Thủy sản toàn cầu cho thấy sản lượng tôm nuôi của thế giới năm 2023 ước đạt khoảng 5,6 triệu tấn, giảm nhẹ 0,4% so với năm ngoái. Tuy nhiên, sản lượng tôm sẽ tăng khoảng 4,8% vào năm 2024, đạt 5,88 triệu tấn. Việt Nam vẫn là một trong số các quốc gia sản xuất tôm lớn nhất, cùng các nước Ecuador, Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia, cung ứng khoảng 74% sản lượng tôm cho toàn cầu.  huong phat trien nganh tom viet nam

Chỉ trong 10 năm (2012 – 2022), diện tích nuôi tôm nước lợ ở Việt Nam đã tăng gấp 1,2 lần; sản lượng tăng gấp 2,29 lần: từ diện tích nuôi 644 nghìn ha năm 2012 đã đạt 737 nghìn ha năm 2022; sản lượng tôm nước lợ thu hoạch từ mức 463 nghìn tấn năm 2012, đã đạt 1,014 nghìn tấn năm 2022. Kim ngạch xuất khẩu tôm đã tăng gấp 2,27 lần, từ 2,1 tỷ USD năm 2012 đã đạt 3,4 tỷ USD năm 2023. 

Phát huy nội lực, đột phá công nghệ 

Theo Kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam, mục tiêu đến năm 2025, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ đạt 750.000 ha; tổng sản lượng tôm nuôi đạt trên 1 triệu tấn; tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm tôm đạt 10 tỷ USD. 

Xét đến năm 2023, con số kim ngạch xuất khẩu là 3,4 tỷ USD, còn thấp so với mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD, song nhìn tổng thể, diện tích diện tích nuôi tôm nước lợ hiện nay đã đạt 737.000 ha, sản lượng tôm các loại ước đạt hơn 1 triệu tấn. 

Tại thời điểm tháng 8/2023, giá tôm xuất khẩu của Ecuador chỉ là 4,96 USD/kg, giảm 23% so với năm 2022 và là mức giảm thấp nhất kể từ năm 2010. Chiến tranh, suy thoái kinh tế, dịch bệnh, ảnh hưởng đến sức tiêu thụ, trong khi chi phí vận chuyển và giá đầu vào tăng mạnh, tất cả đã khiến ngành tôm thế giới bị ảnh hưởng lớn, trong đó có ngành tôm Việt Nam. 

Song nhìn chung, ngành tôm Việt Nam phát triển căn cơ, khoa học và có lộ trình. Việc xây dựng hệ thống các vùng nuôi ổn định, chất lượng cao, thân thiện với môi trường… đang là bệ phóng cho những thành công trong các năm tiếp theo. 

Đơn cử tỉnh Cà Mau, đã tạo dựng thành công vùng nuôi tôm nước lợ với khoảng 280.000ha, chiếm 45% diện tích nuôi tôm của khu vực ĐBSCL và chiếm 40% diện tích nuôi tôm cả nước. Năm 2023 sản lượng tôm nuôi của tỉnh ước đạt 233.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu 1,2 tỷ USD. 

Ngành tôm đi đầu trong hiện đại hóa nông thôn 

Dù giá cả tôm thế giới có phần chững lại sau nhiều năm tăng trưởng, thì nhu cầu tiêu thụ tôm trên toàn cầu vẫn tiếp tục tăng cao. Dư địa phát triển của ngành tôm vẫn rất lớn. 

Ước tính, trong giai đoạn 2023 – 2025, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu thủy sản từ các nước châu Á, với mức tăng từ 8-10% mỗi năm trong giai đoạn 2023 – 2025 và tăng lên 12 – 15% vào năm 2030. Việc nhập khẩu, ngoài tiêu thụ nội địa, còn phục vụ chế biến xuất khẩu. 

Ngành tôm cũng tiên phong trong việc hiện đại hóa nông thôn, đưa nhiều tiến bộ khoa học – kỹ thuật – công nghệ mới đến cho người nông dân Việt. Trong năm 2023, Bạc Liêu có trên 132.000 ha nuôi tôm, trong tỉnh có 25 tổ chức và trên 800 cá nhân đang đầu tư nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao với diện tích gần 5.000 ha, xuất hiện nhiều mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao hàng đầu cả nước, nổi tiếng Đông Nam Á và thế giới. 

Một chuyên gia ngành tôm Thái Lan nói: “Chúng tôi vô cùng ngạc nhiên trước tốc độ phát triển của ngành tôm Việt Nam, các bạn đạt những bước tiến thần kỳ đáng để học tập”. 

Đơn cử lĩnh vực giống, nếu trước đây Việt Nam phải phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu tôm giống bố mẹ, thì hiện nay một số doanh nghiệp, công ty đã và đang sản xuất được tôm giống bố mẹ chất lượng cao, thậm chí còn nhận nhiều đơn hàng xuất khẩu tôm giống bố mẹ! 

Theo Cục Thủy sản, năm 2023, cả nước sản xuất được 10.094 con tôm thẻ chân trắng bố mẹ; 20.000 con tôm sú bố mẹ, phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu. 

Kiểm soát dịch bệnh, giảm giá thành 

Với diện tích nuôi tôm nước lợ cả nước hiện nay đã đạt 737.000 ha, thách thức về dịch bệnh, chi phí giá thành, đang là những trở ngại không nhỏ đối với ngành tôm Việt Nam. 

Hiện các tỉnh, các doanh nghiệp đều nỗ lực đổi mới khoa học – kỹ thuật – công nghệ nhằm nâng cao năng suất, tạo ra sản phẩm có chất lượng cao (tôm sinh thái, tôm hữu cơ, có chứng nhận quốc tế…); giảm thiểu sử dụng hóa chất, kháng sinh trong chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. 

Tập đoàn Việt Úc đã, đang triển khai các mô hình nuôi tôm VUS bền vững, với việc nuôi hạn chế thay nước, quy trình nuôi hoàn toàn không sử dụng kháng sinh, hóa chất… từ đó tránh tác động tới môi trường. 

Tại Hội nghị “Thực trạng và giải pháp phát triển bền vững ngành tôm” do Bộ NN&PTNT cùng UBND tỉnh Cà Mau cuối năm 2023, ông Lê Văn Quang – Tổng Giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú đã giới thiệu Công nghệ nuôi tôm sinh học MPBiO (Công nghệ MPBiO), giảm được giá thành, đưa tới lợi nhuận cao. 

Các vùng nuôi tôm do tỉnh Cà Mau quản lý cũng đã nhận được 9 loại chứng nhận quốc tế như: ASC; B.A.P; EU Organic; Canada Organic; Bio Suisse; Selva Shrimp; Mangrove Shrimp; Naturland; Seafood Watch, với diện tích được chứng nhận đạt 19.590 ha. 

Để giảm giá thành, các địa phương đã và đang tổ chức các mô hình liên kết chuỗi giữa các nhà cung ứng giống, thức ăn với người nuôi tôm, đến nhà chế biến, xuất khẩu. Tại Bạc Liêu, nơi có 50 Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản đang hoạt động, đã liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm giữa các HTX/tổ hợp tác, nông dân với các công ty, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh với diện tích 4.982 ha, sản lượng bao tiêu 38.310 tấn tôm. Lợi nhuận trong nuôi liên kết cao hơn hẳn việc nuôi tự phát. 

Nguyễn Anh

Nguồn tin: thuysanvietnam.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Bạn muốn biết thông tin về sản phẩm tôm giống của trung tâm?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập24
  • Hôm nay5,635
  • Tháng hiện tại141,458
  • Tổng lượt truy cập10,418,850
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây