Kiểm tra xung quanh bờ ao, các cống thoát nước xem có bị hư hỏng hay sạt lở không và gia cố ngay. Đồng thời quan sát ao nuôi nếu thấy có cành, lá cây rơi xuống nhiều cần vớt lên.
Kiểm tra mực nước của ao, nếu mực nước tăng cao quá 1,2 – 1,5 m cần xả bớt nước (ưu tiên xả nước mặt – nước mưa và nước đáy ao – nhiều chất ô nhiễm). Đồng thời, tiến hành chạy máy quạt nước, sục khí nhằm hạn chế sự phân tầng nước đối với những ao nuôi thâm canh và bán thâm canh.
Kiểm tra các yếu tố môi trường nơi đặt lồng, bè nuôi, bảo đảm nằm trong ngưỡng phù hợp. Ảnh: TTKNQG
Sau bão, lượng bùn lắng có thể tăng, gây ra sự tích tụ chất hữu cơ phân hủy, làm ô nhiễm nước. Cần hút bùn đáy để giữ môi trường ao sạch.
Sau bão, các yếu tố như pH, độ mặn, lượng ôxy hòa tan (DO) và nồng độ amoniac có thể thay đổi đột ngột. Cần kiểm tra các chỉ số này và điều chỉnh ngay nếu chúng nằm ngoài ngưỡng an toàn.
Khi mưa lớn kéo dài, nước ao nuôi bị đục, pH bị giảm đột ngột nên rải vôi xung quanh bờ ao (khoảng 10 kg/100 m2), kết hợp bón vôi cho ao, đầm nuôi để ổn định pH nước và làm giảm độ đục của nước ao:
– Đối với ao nuôi thủy sản nước ngọt: Lượng vôi bón 0,7 – 1 kg/100 m3 nước;
– Đối với ao nuôi thủy sản nước mặn lợ: Lượng vôi bón 2 – 3 kg/100 m3 nước;
Đối với ao tôm, trường hợp ao nuôi bị đục nhiều do bùn, đất, hạt sét,… rơi xuống, người nuôi nên xử lý bằng cách dùng các sản phẩm xử lý độ đục, sau đó, sử dụng men vi sinh để gây lại màu nước và ổn định chất lượng nước. Lưu ý: Tùy vào tình hình của ao mà người nuôi sử dụng liều lượng cho phù hợp.
Khi ngừng mưa, nhiệt độ trong nước tăng lên, các chất hữu cơ phân hủy nhanh tạo ra các khí độc như H2S, NH3 trong ao làm tôm, cá dễ bị ngộ độc, cần sử dụng các sản phẩm như Yucca, Zeolite,… để giải phóng khí độc trong ao nuôi. Khi thời tiết ổn định, sử dụng các thuốc như Iodine, BKC,… để diệt khuẩn trong ao nuôi, sau đó sử dụng men vi sinh để cải thiện môi trường và ức chế sự phát triển của các vi khuẩn gây bệnh.
Đối với lồng, bè nuôi trồng thủy sản cần kiểm tra các yếu tố môi trường nơi đặt lồng, bè nuôi, bảo đảm các yếu tố môi trường nước trong ngưỡng cho phép. Di chuyển lồng, bè đến vùng nuôi có chất lượng nước phù hợp.
Với diện tích nuôi ngao bãi triều ven biển, khi thủy triều xuống cần tiến hành kiểm tra, tu sửa đăng, chắn, sau mưa bão.
Song song với việc ổn định môi trường nước, để phòng bệnh cho thủy sản sau bão hiệu quả, người nuôi nên quan sát các dấu hiệu về sức khỏe của thủy sản. Đối với tôm, kiểm tra xem phản ứng có linh hoạt không, màu sắc, đường ruột, gan tụy, phân tôm,… có bình thường không, tôm có bị đen mang hoặc vàng mang hay không và từ đó điều trị bệnh cũng như điều chỉnh giảm lượng thức ăn cho phù hợp.
Cần tăng cường sức đề kháng cho động vật thủy sản như bổ sung Vitamin C, khoáng, men tiêu hóa,… trộn vào thức ăn hàng ngày.
Khi thủy sản bị stress sau bão, nên giảm hoặc ngừng cho ăn tạm thời để tránh dư thừa thức ăn, làm ô nhiễm nước.
Nếu phát hiện thấy hiện tượng nổi đầu ở thủy sản cần xác định nguyên nhân là do đâu, nếu là do thiếu ôxy, cần tăng quạt nước hoặc phun nước, giảm lượng thức ăn, thay một phần nước ao hoặc cấp thêm nước mới vào ao, tiến hành san thưa để giảm bớt mật độ.
Thu gom, xử lý rác, thủy sản chết (nếu có) và các chất thải khác trong khu vực nuôi, không để ô nhiễm môi trường; rửa và sát trùng dụng cụ nuôi, bờ ao bằng các loại thuốc sát trùng thông thường (vôi, chlorine, TCCA).
Đảm bảo có máy phát điện dự phòng để vận hành các hệ thống sục khí hoặc máy quạt nước trong trường hợp mất điện kéo dài.
Người nuôi cần theo dõi thường xuyên thông báo diễn biến mực nước lũ trên các con sông và tình hình mưa bão trên các phương tiện thông tin đại chúng để có biện pháp bảo vệ ao nuôi hiệu quả.
Thanh Hiếu
Nguồn tin: thuysanvietnam.com.vn
Ý kiến bạn đọc