Thông thường, tôm thiếu ôxy sẽ biểu hiện qua các dấu hiệu như:
Tôm nổi đầu và bơi dạt bờ: Đây là dấu hiệu đầu tiên cho thấy ao nuôi đang bị thiếu ôxy, dưới nước không đủ lượng ôxy cho tôm hô hấp, nên tôm phải ngoi lên bờ hoặc bơi dạt bờ để tìm kiếm ôxy.
Tôm bỏ ăn có thể là do hàm lượng ôxy trong ao thấp (ảnh minh họa). Ảnh: BVH
Tôm ăn ít hoặc bỏ ăn: Khi lượng ôxy trong ao thấp, tôm không bơi xuống đáy săn mồi dẫn đến tình trạng tôm bỏ ăn.
Tôm chết rải rác hoặc hàng loạt vào buổi sáng: Quan sát tôm sẽ thấy mang tôm từ màu trắng ngà chuyển sang màu hồng – một dấu hiệu cần lưu ý rằng ao nuôi tôm đang thiếu ôxy. Quan sát tôm vào sáng sớm thấy tôm nổi đầu và kéo đàn và dạt vào bờ. Khi thiếu ôxy nghiêm trọng, tôm sẽ chết hàng loạt.
Có rất nhiều nguyên nhân khiến ao nuôi tôm thiếu ôxy chẳng hạn như: Nhiệt độ, độ mặn tăng, tảo, thức ăn dư thừa,… Khi hàm lượng ôxy thấp sẽ tác động xấu đến ao nuôi và đặc biệt là sức khỏe của tôm. Tôm sẽ bỏ ăn, ăn chậm hoặc ăn ít. Từ đó dẫn đến hiện tượng dư thừa thức ăn trong ao nuôi, làm biến động chất lượng ao nuôi, tích tụ khí độc như NH3, H2S. Những yếu tố này sẽ tác động ngược lại, khiến tôm ngày càng yếu đi, sức đề kháng giảm là cơ hội để vi khuẩn xâm nhập trên cơ thể tôm.
Khi phát hiện dấu hiệu thiếu ôxy qua các triệu chứng trên, người nuôi cần nhanh chóng ứng phó, chạy quạt nước khoảng 12 giờ/ngày đối với tôm 1 – 20 ngày tuổi và > 15 giờ/ngày đối với tôm 21 ngày tuổi. Sử dụng sản phẩm tạo ôxy ngay lập tức cho ao.
Khẩn cấp bật hết quạt nước, sử dụng ôxy tức thời. Đồng thời tiến hành thay 30 – 50 cm nước. Nếu trong ao có hàm lượng ôxy hòa tan và pH quá thấp dẫn đến tăng khí độc H2S, cần bật quạt nước, sử dụng thêm vôi CaCO3, liều lượng 20 kg/1.000 m3. Trong toàn bộ ao, tăng giá trị pH, giảm H2S, và sau đó bổ sung ôxy.
Dùng ôxy viên rải đều khắp ao để bổ sung ôxy cho ao nuôi, ngoài ra cần giảm ăn hoặc ngừng cho ăn tùy vào tình hình ao nuôi đối với trường hợp ao nuôi bị nặng. Có thể giảm khoảng từ 50 – 70% lượng thức ăn, hoặc nếu thấy tôm đang quá yếu thì ngừng cho ăn trong khoảng vài ngày để xử lý trước tình trạng tôm thiếu ôxy rồi mới cho ăn lại.
Sử dụng kết hợp các loại vi sinh, đặc biệt là các chủng vi sinh yếm khí để xử lý triệt để vi khuẩn gây hại và khí độc sâu dưới đáy ao. Sau đó bổ sung Vitamin C, Vitamin tổng hợp và khoáng chất cần thiết cho tôm để tôm nhanh phục hồi sức khỏe.
Tiến hành xi phông đáy ao, sử dụng thêm men vi sinh để phân hủy lớp bùn đáy và chất ô nhiễm cũng như xử lý khí độc trong nước ao nuôi để tôm nhanh chóng khỏe lại.
Khi tôm đã ổn định, có thể tiến hành sang ao nếu đang nuôi với mật độ quá dày. Trong quá trình khắc phục tôm thiếu ôxy, nên chuẩn bị dụng cụ đo ôxy và thực hiện đo ôxy trong ao ít nhất 2 lần/ngày (lần 1 vào 5 – 6 giờ sáng, lần 2 vào 14 – 15 giờ chiều) để theo dõi sự biến động của hàm lượng ôxy hòa tan trong nước và có biện pháp xử lý kịp thời.
Chất lượng nước ao nuôi tôm không đảm bảo là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tôm thiếu ôxy. Do đó, để phòng tránh hiện tượng tôm bị thiếu ôxy, cần xử lý nước và đáy ao nuôi tôm định kỳ bằng men vi sinh để nước và đáy ao luôn sạch, loại bỏ khí độc và vi khuẩn có hại cho tôm. Đồng thời quản lý thức ăn và khống chế sự phát triển của các loài tảo có hại để tôm phát triển khỏe, về size lớn.
Bích Hòa
Nguồn tin: thuysanvietnam.com.vn
Ý kiến bạn đọc