Lưu ý nuôi tôm sú quảng canh mùa mưa

Thứ tư - 09/10/2024 20:54 699 0

Vào mùa mưa, thời tiết thay đổi, các yếu tố môi trường dễ biến động, vì vậy người nuôi cần chủ động trong quá trình nuôi. Định kỳ kiểm tra, gia cố bờ bao và hệ thống cống cấp, thoát nước chắc chắn tránh trường hợp bị sạt lở, khai thông kênh thoát nước đảm bảo thông thoáng khi mưa để kịp thời tháo rửa. Nước mưa có tính axit (pH thấp) và quá trình mưa làm trôi rửa các chất cặn bã từ trên bờ xuống ao là nguyên nhân gây chết tôm mới thả nuôi, do tôm còn yếu và chưa thích nghi với môi trường.

Kiểm soát tốt các yếu tố môi trường để tạo điều kiện cho tôm nuôi phát triển. Ảnh: CNCM

Chọn giống và thả giống

Người nuôi cần lựa chọn con giống tại các cơ sở có uy tín, có nguồn gốc rõ ràng và phải được các cơ quan có thẩm quyền chứng nhận kiểm dịch (tôm giống nhập tỉnh từ các tỉnh ngoài). Khuyến khích lựa chọn tôm giống có xét nghiệp bằng phương pháp PCR hoặc mô học âm tính với các bệnh do virus: Đốm trắng (WSSV), đầu vàng (YHD), còi (MBV).

Chọn tôm giống đáp ứng các yêu cầu theo TCVN: 8398:2012, cụ thể:

– Hình thái cấu tạo ngoài đã hoàn chỉnh; Không dị hình;
– Có 7 gai trên chủy; Các phần phụ nguyên vẹn; Râu thẳng; Đuôi xòe;
– Thân màu xám sáng, vỏ bóng mượt;
– Tôm thường bơi chậm sát thành bể với tốc độ chậm, một số đã bám vào thành bể; Lẩn tránh chướng ngại vật; Phản ứng nhanh khi có tác động đột ngột về tiếng động hoặc ánh sáng;
– Kiểm tra sức khỏe bằng cách thực hiện các biện pháp gây sốc:
+ Gây sốc bằng Formalin 100 ppm: Trong 30 phút tỷ lệ sống là 100%;
+ Gây sốc bằng cách hạ độ mặn đột ngột xuống còn 15‰: Trong 30 phút tỷ lệ sống là 100%.

Trong quá trình ương, cần thường xuyên theo dõi sức khỏe tôm ương.

Sau 7 ngày ương, có thể xi phông loại bỏ các chất lắng tụ ra khỏi bể ương.

Định kỳ kiểm tra các yếu tố môi trường như: pH, độ kiềm, độ mặn, khí độc, màu nước,… có kế hoạch xử lý kịp thời, giúp tôm phát triển tốt, đạt tỷ lệ sống cao.

Tùy vào tình hình tăng trưởng và phát triển của tôm trong giai đoạn ương để tăng hoặc giảm lượng thức ăn phù hợp.

Hàng ngày cần bổ sung mật rỉ đường theo các bước sau:

– Cân đủ lượng mật đường theo yêu cầu, hòa vào nước có nhiệt độ 600C, để nguội ủ sau 24 giờ, hòa thêm nước tạt vào bể ương lúc 9 giờ.
– Ngâm khoáng trước 3 – 4 tiếng, khuấy đều, lấy nước trong tạt.

Trước khi chuyển tôm cần cấp nước từ vuông nuôi qua hệ thống túi lọc sang bể ương 2 – 3 ngày để thuần hóa cho tôm quen dần với môi trường vuông nuôi. Đồng thời không cho ăn 1 cữ trước khi chuyển tôm.

Nên sang tôm vào sáng sớm, chiều mát, tránh thời điểm tôm lột xác đồng loạt.

Sử dụng lưới kéo hoặc dùng vợt để thu tôm chuyển sang vuông nuôi giai đoạn 2.

Quá trình vận chuyển tôm đến vuông nuôi cần có hệ thống ôxy để đảm bảo tôm khỏe mạnh trước khi thả xuống vuông nuôi.

Chuẩn bị vuông nuôi

Tiến hành dọn sạch cây cỏ, gốc rạ lúa, sên vét kênh mương, tu sửa cống bọng, gia cố bờ bao, diệt tạp.

Bón vôi CaCO3 liều lượng 250 kg/ha.

Phơi mặt trảng trong khoảng 5 – 7 ngày (đất nứt chân chim).

Cấp nước và xử lý nước: Nước được cấp từ ao lắng vào vuông nuôi qua túi lọc, mực nước trên trảng > 0,5 m.

– Ngày thứ 1: Diệt khuẩn bằng Iodine, BKC,… liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
– Ngày thứ 4: Gây màu nước: Chọn 1 trong 2 cách sau:
+ Dùng phân NPK/DAP, urê, liều lượng: 2 – 3 kg/1.000 m3 hòa nước tạt đều khắp ao nuôi, buổi sáng khi trời có nắng (8 – 9 giờ).
+ Dùng phân sinh học (bã mía đường, phân trùng quế,…), liều lượng: 2 – 3 bao/ha rải đều khắp vuông nuôi buổi sáng khi trời nắng (8 – 9 giờ).
– Ngày thứ 7: Sử dụng chế phẩm sinh học để ổn định môi trường, làm sạch nền đáy, kiểm tra các yếu tố môi trường nằm trong khoảng thích hợp: pH: 7,5 – 8,5; Độ mặn: 10 – 25‰; Độ kiềm: 100 – 160 mg/L; Độ trong: 30 – 40 cm; Màu nước: Xanh vỏ đậu hoặc nâu nhạt.
– Ngày thứ 9: Tiến hành thả giống. Giống được thả tốt nhất là đã được ương dèo sẽ đảm bảo tỷ lệ sống cao.
Trong quá trình nuôi, cần lưu ý:
– Khi mưa lớn thì các yếu tố môi trường biến động như: pH, độ kiềm, độ mặn, hàm lượng khoáng chất trong nước,… sẽ giảm. Vì vậy, cần phải đặc biệt theo dõi các yếu tố môi trường, và kịp thời xử lý để đảm bảo nằm trong khoảng thích hợp với điều kiện tốt nhất. Cụ thể:
+ pH: Thích hợp từ 7,5 đến 8,5 và dao động trong ngày không quá 0,5 đơn vị pH trên một ngày.
+ Độ kiềm: Ngưỡng thích hợp cho tôm nuôi từ 80 đến 160 mg/L. Khi độ kiềm thấp có thể sử dụng vôi Dolomite với liều lượng từ 20 – 30 kg/1.000 m3, bón liên tục 2 đến 3 ngày liên tục, kết hợp thay bỏ lớp nước tầng mặt của vuông nuôi.
– Đối với thời tiết như hiện nay, những vuông nuôi có mực nước thấp chất lượng nước thường sẽ biến động. Vì vậy, cần duy trì mực nước cao ổn định, đảm bảo mặt trảng ngập từ 50 cm trở lên.

Trung tâm Khuyến nông Cà Mau

Nguồn tin: thuysanvietnam.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Bạn muốn biết thông tin về sản phẩm tôm giống của trung tâm?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập25
  • Hôm nay5,137
  • Tháng hiện tại135,315
  • Tổng lượt truy cập10,412,707
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây