Sản lượng tôm châu Á giảm 3% năm 2023 nhưng tăng 4% trong năm 2024. Riêng Ấn Độ có mức tăng trưởng sản lượng 267% trong một thập kỷ, từ 0,32 lên 1,18 triệu tấn, xuất khẩu tăng gấp đôi. Dự báo thị trường đạt 14 tỷ USD vào năm 2028. Ecuador vẫn là nước sản xuất lớn nhất khu vực Mỹ Latinh, đạt 1,49 triệu tấn năm 2023. Tuy nhiên, doanh thu giảm do giá rớt và nhu cầu tại Trung Quốc yếu, khiến ngành thiệt hại 1 tỷ USD.
Chiến lược tiếp thị hiệu quả là yếu tố thiết yếu nhằm thúc đẩy tiêu thụ tôm toàn cầu. Tuy nhiên, toàn cầu hóa và chi phí thực phẩm tăng có thể cản trở tiêu thụ tôm tại châu Âu và Mỹ. Theo chuyên gia tại Seafood Advocate, các quốc gia sản xuất tôm nên ưu tiên mở rộng thị phần ở mọi phân khúc bao gồm cả người tiêu dùng mới và quy mô nhỏ thay vì chỉ dựa vào tần suất mở rộng thị trường.
Trong khi nhu cầu tại châu Âu và Mỹ tương đối thấp, thị trường Trung Quốc vẫn mạnh nhờ các tiến bộ trong ương giống, dinh dưỡng, canh tác và chế biến. Ngành cần một kế hoạch tiếp thị phối hợp, tương tự như các chiến lược tiền cạnh tranh đã thành công trong ngành thịt bò, thịt heo và sữa, nhằm mở rộng thị trường và kích thích tiêu dùng.
Tôm Ấn Độ có vị thế tốt trên thị trường tôm toàn cầu nhưng vẫn đối mặt bốn thách thức lớn đe dọa lợi nhuận: tỷ lệ sống thấp, rủi ro dịch bệnh tăng, công suất chế biến sản phẩm giá trị gia tăng hạn chế, quy định truy xuất nguồn gốc nghiêm ngặt và áp lực môi trường. Để duy trì tăng trưởng, ngành tôm Ấn Độ cần cải thiện hiệu quả sử dụng thức ăn, quản lý nước thải và ứng dụng năng lượng tái tạo. Tính bền vững môi trường và minh bạch sẽ là yếu tố then chốt để duy trì xuất khẩu, đặc biệt sang Mỹ.
Người tiêu dùng thủy sản tại các quốc gia phát triển ngày càng quan tâm đến tác động xã hội và môi trường, khiến các chính phủ phải ban hành quy định về khai thác bền vững và có đạo đức. Mỹ và châu Âu yêu cầu truy xuất nguồn gốc để phân biệt sản phẩm nuôi và khai thác tự nhiên.
Các nước xuất khẩu tôm hàng đầu như Ecuador, Brazil, Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam và Ấn Độ đã triển khai các chương trình chứng nhận nhằm đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn sinh thái và an toàn thực phẩm. Ví dụ: Brazil có Chương trình Chứng nhận nuôi tôm (PICC), Thái Lan có chương trình “Tôm chất lượng Thái”, Trung Quốc với Quy chuẩn Nuôi trồng Thủy sản tốt (GAP), và Việt Nam với chứng nhận của Liên minh Nuôi trồng Thủy sản Toàn cầu (GAA).
Với đặc thù phân mảnh của ngành tôm châu Á, truy xuất nguồn gốc trong chuỗi cung ứng trở nên thiết yếu. Các giải pháp ICT hiện cho phép quản lý tồn kho chính xác, cho ăn tự động, giám sát chất lượng nước theo thời gian thực, từ đó cải thiện hiệu suất và tính bền vững. Những đổi mới này tăng cường khả năng truy xuất nguồn gốc, liên kết sản phẩm cuối cùng với lô sản xuất và nguồn thức ăn để nâng cao tính minh bạch.
Ngành tôm hiện đang đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm các vấn đề môi trường như tích tụ bùn thải, dư lượng hóa chất và quản lý nước thải, thiếu cơ sở hạ tầng. Dịch bệnh, chi phí sản xuất cao và chất lượng nước thấp tiếp tục đe dọa lợi nhuận. Nhu cầu tiêu dùng tôm giảm do rào cản thương mại. Một số nhà sản xuất đã giảm mật độ thả nuôi, đồng thời chú trọng đến các biện pháp nâng cao hiệu quả sử dụng thức ăn và quản lý nước.
Mô hình nuôi tôm thâm canh ngày càng chú trọng tái sử dụng nước, quản lý chất thải, và áp dụng công nghệ. Mô hình nuôi tôm trong nhà tại Hawaii, Florida và Texas đạt hiệu quả với năng suất đạt 5 – 10 kg/m³ trong vòng ba tháng, giảm nhu cầu sử dụng hóa chất và kháng sinh, nâng cao chất lượng tôm.
Các hệ thống nuôi tôm cải tiến giúp giảm thiểu sử dụng nước, năng lượng và hóa chất, đồng thời nâng cao khả năng truy xuất nguồn gốc và thúc đẩy các thực hành bền vững. Chính phủ, các tổ chức hợp tác và doanh nghiệp cần phối hợp để thúc đẩy nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm, nâng cao năng lực chế biến sản phẩm giá trị gia tăng, tăng tính minh bạch trong xuất khẩu, tận dụng công nghệ và đầu tư vào R&D.
Tương lai ngành tôm phụ thuộc nhiều vào đổi mới thức ăn, công nghệ nuôi và tính bền vững. Các kỹ thuật như ép đùn thức ăn giúp cải thiện hệ số chuyển hóa (FCR) và giảm lãng phí thức ăn. Khoảng 17% trang trại ở Ecuador sử dụng máy cho ăn tự động và hệ thống sục khí, nhưng con số này được kỳ vọng sẽ tăng nhằm thúc đẩy xuất khẩu.
Để đáp ứng nhu cầu thị trường, ngành tôm cần áp dụng các hệ thống nuôi tuần hoàn và chọn giống tăng trưởng nhanh, có khả năng tiêu hóa các loại thức ăn thay thế như tảo và côn trùng. Chương trình nhân giống sử dụng công nghệ chọn lọc phân tử và giống sạch bệnh (SPF) sẽ là nền tảng cho mục tiêu bền vững lâu dài.
Ngành tôm Ấn Độ được kỳ vọng tăng trưởng, đặc biệt sau khi Đạo luật Cơ quan Nuôi trồng Thủy sản ven biển (sửa đổi) được thông qua vào năm 2023. Sự phát triển trong tương lai sẽ phụ thuộc vào công nghệ nuôi thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, năng lực chế biến sản phẩm giá trị gia tăng hạn chế khiến Ấn Độ khó cạnh tranh và thâm nhập các thị trường cao cấp. Quốc gia này cần hiện đại hóa công nghệ chế biến, áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng nghiêm ngặt và tập trung vào xuất khẩu các sản phẩm chế biến sâu.
Cuối cùng, sự thành công lâu dài của ngành tôm nằm ở việc phát triển các hệ thống nuôi bền vững, dựa trên sản phẩm giá trị gia tăng. Việc chuyển từ chiến lược ngắn hạn sang dài hạn sẽ đảm bảo tăng trưởng bền vững và duy trì vị thế dẫn đầu toàn cầu trong ngành nuôi trồng thủy sản.
Tuấn Minh
(Theo GlobalSeafood)
Nguồn tin: thuysanvietnam.com.vn
Ý kiến bạn đọc