Giải pháp dinh dưỡng kiểm soát bệnh phân trắng

Thứ hai - 07/07/2025 21:19 4 0

Cải thiện nguồn protein

Protein là thành phần thiết yếu trong khẩu phần ăn của tôm, nhưng nếu hàm lượng quá cao hoặc chất lượng kém có thể gây áp lực lên hệ tiêu hóa, làm giảm sức đề kháng và tăng nguy cơ mắc bệnh phân trắng. Đặc biệt, bột cá kém chất lượng có thể chứa vi khuẩn Vibrio spp. và ký sinh trùng Gregarine, gây tổn thương ruột tôm. Một giải pháp hiệu quả là sử dụng nguồn protein dễ tiêu hóa, như bột đậu nành lên men, bột tảo Spirulina hoặc bột côn trùng. Ngoài ra, bổ sung peptide sinh học từ đậu nành hoặc cá thủy phân giúp cải thiện khả năng hấp thu dinh dưỡng mà không gây áp lực lên đường ruột. Giảm tỷ lệ bột cá kém chất lượng trong thức ăn cũng là cách hạn chế nguy cơ nhiễm mầm bệnh.

Bột côn trùng là nguồn protein dễ tiêu hóa có thể thay thế bột cá. Ảnh: Entomo Farm

Tăng cường hệ vi sinh vật có lợi và enzyme tiêu hóa

Đường ruột tôm chứa nhiều vi khuẩn có lợi giúp tiêu hóa thức ăn và ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh. Khi hệ vi sinh vật mất cân bằng, Vibrio spp. sẽ phát triển mạnh, tiết độc tố gây tổn thương ruột và làm giảm khả năng hấp thu dinh dưỡng.

Việc bổ sung men vi sinh (probiotic) chuyên biệt giúp cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột. Các chủng vi khuẩn có lợi như Bacillus subtilis, Bacillus licheniformis có khả năng cạnh tranh với Vibrio, trong khi Lactobacillus spp. hỗ trợ tiêu hóa protein và lipid. Ngoài ra, Saccharomyces cerevisiae có thể kích thích miễn dịch và giảm viêm ruột. Việc bổ sung enzyme tiêu hóa như protease, amylase và lipase cũng giúp giảm áp lực tiêu hóa, tăng khả năng hấp thu dinh dưỡng, từ đó hạn chế nguy cơ mắc bệnh phân trắng.

Ổn định pH ruột bằng axit hữu cơ và prebiotic

Môi trường ruột có pH ổn định là điều kiện quan trọng để duy trì sức khỏe đường ruột của tôm. Bổ sung axit hữu cơ như axit formic, axit lactic, axit citric giúp duy trì pH ruột ở mức ổn định, giảm thiểu sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh. Muối hữu cơ như sodium butyrate cũng có tác dụng bảo vệ niêm mạc ruột và tăng cường tiêu hóa. Ngoài ra, prebiotic như mannan-oligosaccharide (MOS) và β-glucan giúp kích thích vi khuẩn có lợi phát triển, hỗ trợ hệ miễn dịch đường ruột và cải thiện hấp thu dinh dưỡng.

Bổ sung vitamin, khoáng chất và chất chống ôxy hóa

Thiếu hụt vitamin và khoáng chất có thể làm suy yếu sức đề kháng của tôm, khiến chúng dễ bị stress và nhiễm bệnh. Khi tôm bị stress, các gốc tự do (Reactive Oxygen Species – ROS) gia tăng, gây tổn thương tế bào ruột và làm suy giảm chức năng tiêu hóa. Việc bổ sung các vitamin quan trọng như Vitamin C giúp giảm stress và tăng cường miễn dịch, Vitamin E có tác dụng chống ôxy hóa, bảo vệ niêm mạc ruột, trong khi Vitamin B-complex hỗ trợ trao đổi chất. Các khoáng chất như kẽm (Zn), selen (Se) và magie (Mg) giúp tăng cường chức năng tiêu hóa và chống viêm ruột. Ngoài ra, canxi (Ca) và phốt pho (P) góp phần duy trì cấu trúc tế bào ruột và tối ưu khả năng hấp thụ dinh dưỡng.

Sử dụng thức ăn chất lượng

Nguyên liệu thức ăn bị ô nhiễm bởi nấm mốc và độc tố vi khuẩn có thể gây tổn thương hệ tiêu hóa và làm suy giảm sức khỏe của tôm. Giải pháp quan trọng là sử dụng nguyên liệu thức ăn chất lượng cao, không chứa tạp chất và kiểm soát nghiêm ngặt nguồn cung cấp. Ngoài ra, việc bổ sung chất hấp thụ độc tố như bentonite hoặc zeolite có thể giúp giảm tác động tiêu cực của độc tố trong thức ăn và môi trường nước ao nuôi.

Phương Đông

Nguồn tin: thuysanvietnam.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Bạn muốn biết thông tin về sản phẩm tôm giống của trung tâm?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập112
  • Hôm nay17,756
  • Tháng hiện tại201,877
  • Tổng lượt truy cập13,511,907
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây