Hà Nội có tổng diện tích mặt nước khoảng gần 31.000 ha. Đây là điều kiện thuận lợi để thành phố phát triển lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản, đặc biệt ứng dụng công nghệ cao, theo hướng hữu cơ.
Năm 2018, chính quyền xã Đại Áng (huyện Thanh Trì) đã vận động các hộ dân, làm đầu mối trung gian để các gia đình ký kết hợp đồng cho thuê hơn 10 ha đất. Diện tích này sau đó được giao lại cho Hợp tác xã Thủy sản công nghệ cao Đại Áng phát triển mô hình nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ “sông trong ao”. Sau 5 năm triển khai, mô hình đi vào ổn định, cho năng suất cao gấp 1,8 lần so với nuôi trồng truyền thống. Trung bình mỗi năm hợp tác xã cung ứng cho thị trường khoảng 250 tấn thủy sản các loại. Mô hình này đã được Sở NN&PTNT Hà Nội cấp giấy chứng nhận VietGAP.
Mô hình nuôi cá diêu hồng thương phẩm đem lại hiệu quả kinh tế cao tại xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì. Ảnh: Thúy Quỳnh
Huyện Ứng Hòa có diện tích ruộng trũng và mặt nước lớn, thuận lợi cho việc chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản. Nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn đầu tư trang thiết bị phục vụ nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn. Đến nay, Ứng Hòa có 15 mô hình nuôi thủy sản “sông trong ao” tại xã Trầm Lộng và xã Liên Bạt cho giá trị kinh tế cao. Hiện diện tích nuôi trồng thủy sản toàn huyện là hơn 4.000 ha, sản lượng đạt 37.260 tấn.
Tương tự, phát huy lợi thế từ diện tích vùng trũng, ao, hồ, huyện Ba Vì đã phát triển nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản chất lượng cao, trở thành điểm sáng của ngành nông nghiệp Hà Nội. Toàn huyện có 2.600 ha diện tích mặt nước phục vụ nuôi trồng thủy sản, tập trung tại các xã: Cổ Đô, Vạn Thắng, Phú Đông, Cẩm Lĩnh, Đồng Thái, Phú Châu…Đặc biệt, nhiều hộ dân đã tận dụng mặt nước sông Hồng, sông Đà để nuôi cá lồng bè.
Để nâng cao năng suất, chất lượng thuỷ sản, những năm qua, TP Hà Nội đã tập trung khuyến khích ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào nuôi trồng thuỷ sản. Hiện, toàn thành phố có trên 9.700 ha sử dụng chế phẩm sinh học, máy quạt nước vào nuôi trồng thuỷ sản; nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản sử dụng máy cho cá ăn tự động… Ông Nguyễn Đình Đảng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thuỷ sản và Thú y Hà Nội cho biết: “Hà Nội đã phát triển được trên 60 bể nuôi mô hình “sông trong ao” với hệ thống tạo dòng chảy và sục khí, nuôi cá với mật độ cao như ở xã Đại Áng, huyện Thanh Trì; xã Trầm Lộng, huyện Ứng Hòa; xã Ngọc Hòa, huyện Chương Mỹ… Các mô hình đều cho năng suất cao, chất lượng thịt cá ngon, giúp nâng cao giá bán”.
Sơ chế cá trước khi đưa ra thị trường tại HXT Thủy sản công nghệ cao Đại Áng. Ảnh: Hoàng Mai
Cùng với chính sách khuyến khích, hỗ trợ của thành phố, một số huyện đã xây dựng dự án phát triển thủy sản ứng dụng công nghệ cao như tại Phú Xuyên (xã Tri Trung, diện tích quy hoạch 122,7 ha, giai đoạn 2021 – 2030); huyện Ứng Hòa xây dựng đề án “Phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, hiệu quả bền vững giai đoạn 2020 – 2025, định hướng đến 2030”. Giai đoạn 2022 – 2025, thành phố định hướng đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản công nghệ cao, theo hướng hữu cơ, trước mắt sẽ tập trung phát triển tại 6 huyện: Mỹ Đức, Ba Vì, Quốc Oai, Phú Xuyên, Chương Mỹ và Phúc Thọ.
Nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp, Nông thôn (Bộ NN&PTNT) Đặng Kim Sơn cho rằng, dư địa để phát triển nuôi trồng thủy sản của Hà Nội là rất lớn. Với Luật Thủ đô (sửa đổi), ngành nông nghiệp được kỳ vọng sẽ có sự bứt phá nhanh. Cụ thể, Điều 33, Luật Thủ đô (sửa đổi) về phát triển nông nghiệp, nông thôn nêu rõ: Phát triển nông nghiệp sinh thái của Thủ đô theo mô hình nông nghiệp bền vững, chú trọng tương tác giữa các yếu tố môi trường, xã hội và kinh tế, nhằm bảo vệ môi trường, hệ sinh thái…
Cũng liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, khi Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua, Hà Nội sẽ có cơ sở pháp lý để đẩy mạnh tái cơ cấu lĩnh vực thủy sản, tập trung phát triển theo hướng bền vững, có năng suất, chất lượng cao, gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường sinh thái; đồng thời, chủ động ứng phó với khí hậu, phòng, chống dịch bệnh, giám sát môi trường, giám sát an toàn thực phẩm ngay trong quá trình nuôi.
“Sở sẽ phối hợp với các địa phương cơ cấu lại lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, bảo đảm các điều kiện nuôi an toàn dịch bệnh, quy hoạch vùng gắn với nguồn ao, hồ, sông; chọn lọc địa điểm nuôi trồng từ các ao, hồ phù hợp, hình thành mô hình nuôi trồng lớn, năng suất cao và là điểm nhấn về điều hòa không khí, tạo vành đai xanh cho Hà Nội”, ông Nguyễn Xuân Đại khẳng định.
Nam Linh
(Tổng hợp)
Hà Nội có tổng diện tích mặt nước gần 31.000 ha. Trong những năm qua, diện tích đưa vào nuôi trồng thuỷ sản tương đối ổn định với diện tích ước tính khoảng 24.000 ha. Năng suất bình quân 5 tấn/ha, riêng vùng nuôi trồng tập trung đạt 10 - 12 tấn/ha. Tổng sản lượng thuỷ sản thu hoạch có xu hướng tăng qua các năm, mỗi năm tăng khoảng 2,5 - 3,5% so với năm trước.
Nguồn tin: thuysanvietnam.com.vn
Ý kiến bạn đọc