Tại huyện Hoằng Hóa, người nuôi đã che chắn ao nuôi để tôm thích nghi tốt và bảo đảm nhiệt độ cho tôm phát triển. Các ao nuôi luôn giữ sạch sẽ, cung cấp đầy đủ nước, các vi sinh, khoáng chất cần thiết cho sự sinh trưởng, phát triển của đối tượng nuôi. Ngoài ra, để tránh mầm bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào khu nuôi thả, gia đình còn dùng vôi bột xử lý quanh khu nuôi và các thuốc diệt khuẩn của ngành thủy sản để hạn chế được dịch bệnh. Việc chăm sóc, tăng cường sử dụng các chế phẩm sinh học, nguồn thức ăn bảo đảm chất lượng cũng được người nuôi đặc biệt quan tâm.
Tăng cường sử dụng các chế phẩm sinh học được người nuôi đặc biệt quan tâm. Ảnh: ST
Huyện Thường Xuân đã phát triển mạnh nghề NTTS, nhất là nuôi lồng, bè trên lòng hồ thủy điện, với khoảng 140 lồng, bè nuôi cá trên lòng hồ thủy điện và 8,7ha nuôi trong ao, hồ. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại với những diễn biến bất thường của thời tiết, huyện triển khai nhiều giải pháp bảo vệ đối tượng thủy sản mùa nắng nóng. Phòng NN&PTNT Thường Xuân cho biết, mùa nắng nóng là thời điểm đối tượng thủy sản dễ bị sốc nhiệt, giảm sức đề kháng. Huyện đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện hướng dẫn các địa phương và hộ nuôi tiến hành thu tỉa khi cá nuôi đạt kích cỡ thu hoạch để giảm mật độ nuôi trong lồng. Hạn chế đánh bắt, vận chuyển, thả giống vào những ngày nắng nóng, thời điểm nắng nóng trong ngày. Thực hiện nuôi đúng mật độ, sử dụng thức ăn đủ số lượng và đảm bảo chất lượng để hạn chế ô nhiễm nguồn nước. Tổ chức tốt công tác vệ sinh môi trường để hạn chế chất thải, nước thải xả trực tiếp ra vùng nuôi, giảm tình trạng ô nhiễm môi trường. Đồng thời, hướng dẫn người nuôi các biện pháp di dời lồng/bè nuôi đến khu vực an toàn khi đối tượng nuôi gặp bất lợi về môi trường, thời tiết và chọn loại thức ăn có hàm lượng dinh dưỡng cao kết hợp với việc bổ sung vitamin C, khoáng chất, chế phẩm sinh học để duy trì thủy sản nuôi trong giai đoạn nắng nóng gay gắt.
Theo Sở NN&PTNT, toàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 19.200 ha NTTS, trong đó diện tích nuôi nước ngọt là 14.000 ha, nuôi nước lợ là 4.200 ha và khoảng 1.000 ha thủy sản nuôi nước mặn. Hiện, người NTTS đang ở vụ xuân hè – vụ nuôi chính trong năm. Tính đến tháng 6/2024 toàn tỉnh đã cơ bản thả nuôi 14.000 ha diện tích NTTS nước ngọt, với lượng giống đã thả 40 triệu con các loại. Ngoài ra, người nuôi cũng thả, di ương khoảng 926 triệu con giống tôm sú, tôm thẻ chân trắng để bảo đảm diện tích và kế hoạch nuôi của vụ xuân hè.
Nhằm bảo vệ đối tượng thủy sản trong mùa nắng nóng, Chi cục Thủy sản tỉnh Thanh Hóa khuyến cáo người NTTS phải thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động các biện pháp quản lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh cho các đối tượng nuôi. Tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ vùng, cơ sở nuôi, không nên NTTS tại những nơi nguồn nước không đảm bảo chất lượng. Thả giống với mật độ phù hợp và chăm sóc đúng kỹ thuật để hạn chế thiệt hại do nắng nóng và các hiện tượng thời tiết bất thường gây ra.
Để hạn chế nắng nóng, người nuôi sử dụng lưới đen che phủ 2/3 diện tích mặt ao theo hình mái chóp, mái bằng cố định đối với tôm hoặc sử dụng hình thức thả bèo tây trên mặt ao nuôi để làm chỗ trú nắng cho đối tượng cá nuôi trong ao, hồ; tăng cường sục khí, quạt nước, sử dụng chế phẩm vi sinh, men tiêu hóa, vitamin C, chất khoáng trộn vào thức ăn và vãi trực tiếp xuống ao nuôi để tăng sức đề kháng, cải thiện môi trường nước và phòng, chống dịch bệnh cho thủy sản.
Ngoài ra, khi có mưa lớn cần tiến hành xả nước tầng mặt, tăng cường sục khí đảo nước tránh hiện tượng phân tầng gây thiếu oxy tầng đáy, phát sinh khí độc. Trong những ngày nắng nóng, cần giảm lượng thức ăn từ 30 – 40%, chú ý bổ sung thêm các vitamin, khoáng chất… để tăng sức đề kháng cho thủy sản nuôi.
Hương Trà
Nguồn tin: thuysanvietnam.com.vn
Ý kiến bạn đọc