QUY TRÌNH KỸ THUẬT SINH SẢN NHÂN TẠO GIỐNG CÁ VƯỢC (Lates calcarifer Block) PHÙ HỢP VỚI ĐIỀU KIỆN NGHỆ AN

Thứ tư - 30/12/2020 22:54 1.589 0
1. Xuất xứ quy trình.
Quy trình kỹ thuật sinh sản nhân tạo giống cá Vược (Lates calcarifer Block) được biên soạn dựa trên kết quả thực hiện dự án khoa học công nghệ NTMN: Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, xây dựng mô hình sản xuất giống nhân tạo và nuôi thương phẩm cá Vược (Lates calcarifer Bloch) tại Nghệ An”, do Trung tâm giống thủy sản Nghệ An chủ trì thực hiện.
2. Đối tượng và phạm vi áp dụng.
2.1. Đối tượng áp dụng: Quy trình này quy định trình tự, nội dung và yêu cầu kỹ thuật để sản xuất nhân tạo giống cá Vược (Lates calcarifer Block).

Hình 1: Cá Vược bố mẹ được nuôi vỗ trong bể xi măng

2.2. Phạm vi áp dụng: Áp dụng cho các cơ sở sản xuất giống thủy sản mặn lợ trên địa bàn tỉnh Nghệ An có đủ điều kiện để sản xuất giống cá Vược.
3. Điều kiện áp dụng:
3. 1. Lựa chọn vị trí xây dựng trại sản xuất:
a) Nguồn nước:          
- Nguồn nước biển trong sạch, không bị ô nhiễm bởi chất thải công nghiệp, thuốc trừ sâu, chất hữu cơ. Độ mặn 26 – 30o/oo. Các chỉ tiêu thuỷ lý, thuỷ hoá phù hợp với điều kiện sống của các đối tượng đưa vào nuôi.
- Nguồn nước ngọt đủ số lượng cho quá trình sản xuất và sinh hoạt.
b) Điện và giao thông:
- Có nguồn điện lưới và máy phát đảm bảo điện sản xuất 24/24 giờ.
- Giao thông: thuận lợi trong công tác vận chuyển vật tư, tiêu thụ sản phẩm.
c) Địa hình địa chất: Cấu tao địa chất ổn định, khi xây dựng không bị sún, sạt lở do thuỷ triều va đập. Vị trí cao để thuận lợi trong việc cấp và thoát nước.
3.2. Cơ sở vật chất của Trại đáp ứng công suất sản xuất 20 vạn con cá giống/năm.
a) Hệ thống bể nuôi vỗ cá bố mẹ và cho đẻ:
Có từ 02 bể tròn trở lên, thể tích 100 m3; đường kính 8 -10 m, chiều cao 2.0 m, thuận tiện cho quá trình cấp thoát nước.
b) Nhà sản xuất thức ăn tươi sống:
- Có diện tích sử dụng từ 120 - 200 m2. gồm:
- Có phòng thí nghiệm, lưu giữ thức ăn tươi sống: Diện tích 15 - 20m2.
- Hệ thống nuôi tảo: Nhân sinh khối trong bao nilông và bể composite.
- Hệ thống nuôi luân trùng: 20m2.
- Hệ thống ấp Artemia và nuôi sinh khối.
- Hệ thống làm giàu luân trùng và Artemia.
c) Hệ thống nhà xưởng, bể ương nuôi cá bột lên cá giống:
- Có diện tích sử dụng từ: 120 - 200 m2.
- Sử dụng bể composite 1- 5 m3  trong quá trình ương giống là tốt nhất.
- Có thể sử dụng hệ thống bể xi măng 4 - 6 m3 để ương cá giống từ 1,5 cm.
d) Hệ thống bể chứa, xử lý nước và bể xử lý nước thải:
- Bể chứa, xử lý nước biển: 100 - 200 m3, số lượng 02 bể trở lên.
- Bể chứa nước đã xử lý: 50 - 200 m3, số lượng02 bể.
- Bể xử lý nước thải: 30 - 50m3.
- Hệ thống lọc sinh học: 30 - 50 m3.
e) Các dụng cụ và công trình phụ trợ:
- Hệ thống bơm nước biển: công suất 200 - 300 m3/ngày.
- Hệ thống bơm nước ngọt: 20 - 50 m3/ngày.
- Máy phát điện: 10 - 20kw: 02 cái.
- Máy sục khí: Đảm bảo lượng oxy cho quá trình nuôi vỗ cá bố mẹ, ương nuôi ấu trùng, nuôi thức ăn tươi sống, xử lý nước …
- Dụng cụ đo các yếu tố môi trường: độ mặn. pH; DO, nhiệt độ…
- Rổ lọc phân cỡ cá: Tất cả các giai đoạn cá giống.
- Vợt các loại: Thu luân trùng, Artemia, thu cá bột, cá hương, cá giống.
4. Nội dung quy trình kỹ thuật sản xuất giống cá Vược.
4.1. Nuôi vỗ đàn cá bố mẹ:
a) Tuyển chọn cá bố mẹ: Cá bố mẹ có thể tuyển chọn từ hai nguồn chính: Cá trưởng thành đánh bắt từ tự nhiên và cá được thu gom từ ao hay lồng nuôi. Điểm lợi thế của việc dùng đàn cá bố mẹ từ ao hay lồng nuôi là cá đã thích nghi với điều kiện nuôi nên dễ dàng thuần dưỡng và nuôi vỗ chúng thành đàn cá bố mẹ. Tuy nhiên, cần chọn đàn cá bố mẹ ở nhiều vùng địa phương khác nhau để tránh hiện tượng cận huyết xảy ra trong sản xuất giống nhân tạo. Tiêu chuẩn chọn đàn cá bố mẹ đưa vào nuôi vỗ:
- Cá khoẻ mạnh, bơi lội bình thường.
- Số lượng: Tùy thuộc vào quy mô sản xuất và số lượng bể nuôi vỗ cá bố mẹ của mỗi cơ sở. Tối thiểu phải có từ 20 - 25 cắp cá bố mẹ đưa vào nuôi vỗ.
- Khối lượng cá bố mẹ đưa vào nuôi vỗ từ: 3 - 6 kg/con.
- Tuổi cá: từ 3 - 5 tuổi.
- Chất lượng: Cá không bị bệnh, dị hình, dị tật.
b) Vận chuyển:
- Đối với cá mua từ miền Nam: Gây mê và vận chuyển kín.
- Đối với cá mua tại địa phương và tỉnh lân cận: Vận chuyển hở có sục khí.
c) Kỹ thuật nuôi vỗ:
 Chất lượng đàn cá bố mẹ ảnh hưởng rất lớn đến kết quả của đợt sản xuất. Để nuôi vỗ đàn cá bố mẹ đạt kết quả tốt đưa vào cho đẻ cần dựa vào các tiêu chuẩn sau:
- Mật độ nuôi: 0,5 - 2 kg cá/m3 nước.
- Thể tích bể nuôi vỗ: 70 - 100 m3/bể, có trang bị hệ thống sục khí đầy đủ. Nguồn nước biển được xử lý qua hệ thống lọc trước khi cấp vào bể nuôi vỗ cá bố mẹ để loại bỏ bớt tạp chất và mầm bệnh, độ mặn dao động từ 28 - 30 ‰.
- Cá bố mẹ phải được xử lý phòng bênh trước khi đưa vào nuôi vỗ bằng cách tắm bằng formol 30 ppm từ 1 - 3 ngày, nếu cá bị xây xát, lở loét nhiều do quá trình đánh bắt, vận chuyển tiếp tục tắm bằng Oxytetracycline 8 - 10 ppm hoặc Cefortaxime 1ppm liên tục trong 3 ngày.
- Thức ăn cho ăn:
+ Nuôi vỗ tích cực: Sử dụng Cá biển (cá bạc má, cá nục, cá đốm) tươi, Mực tươi, rửa sạch 3 - 5% trọng lượng thân/ngày, cho ăn vào lúc chiều tối 16 – 17 h. Bổ sung dầu gan cá Omega-3 1 lần/ tuần, với lượng 1 - 2 viên/cá bố mẹ. Thời gian nuôi vỗ tích cực từ 60 - 75 ngày bắt đầu từ tháng 4 dương lịch, khi kiểm tra cá đã đạt độ béo, cá đã lên trứng ở giai đoan I, II thì chuyển sang nuôi vỗ thành thục.
+ Nuôi vỗ thành thục: Thời gian nuôi 30 - 45 ngày. Thức ăn là: Cá tươi, Mực tươi 2 - 3% trọng lượng thân, Bổ sung dầu gan cá Omega-3: 2 lần/tuần. Bổ sung Vitamin E: 1 lần/tuần, và các axit béo không no n-3 và n-6 để cá thành thục và tái thành thục tốt.
- Chế độ thay nước: 80 - 100% /ngày, tạo dòng nước để kích thích sự thành thục của đàn cá.
4.2. Tuyển chọn cá bố mẹ cho tham gia sinh sản:
Sau khi nuôi vỗ thành thục từ 30 - 45 ngày. Tiến hành kiểm tra lựa chọn đàn cá bố mẹ cho tham gia sinh sản.
+ Đối với cá cái: Dùng ống thăm trứng (Polyethylene) đường kính 1.2mm. Gây mê cá bằng Ethylenglycol: 50 cc/300lít nước sạch, mỗi lần gây mê 1-2 con sau đó chuyển cá sang bể nước sạch khác và tiếp tục gây mê những con còn lại. Cá thành thục sinh dục khi kiểm tra trứng có đường kính 0.4 - 0.5mm, trứng rời.
+ Đối với cá đực: Dùng tay vuốt nhẹ từ vùng bụng đến lỗ sinh dục, cá đực tốt sẽ có sẹ đặc, màu trắng sữa.
4.3. Kích thích sinh sản:
Kích dục tố sử dụng để cho cá đẻ là HCG, trước khi tiêm cân cá bố mẹ để tiêm thuốc đúng liều, tiêm vào gốc vây ngực. Khoảng cách giữa hai lần tiêm cá cái là 24 giờ đồng hồ.
- Đối với cá cái:    + Tiêm lần 1 (8 giờ sáng) 500UI /kg cá.
                             + Tiêm lần 2 (8giờ sáng) 1.000UI/kg cá.
- Đối với cá đực: Chỉ tiêm một lần trùng với thời điểm tiêm lần thứ hai của cá cái với liều lượng thuốc 500 UI HCG/1kg cá.
Sau khi tiêm chuyển cá bố mẹ sang bể đẻ thể tích 100m3. Thông thường cá sẽ đẻ vào 8 - 10 giờ đêm, sức sinh sản của cá lần đầu đạt: 150 - 200.000 trứng/kg cá và tăng dần trong các lần sinh sản tiếp theo.
4.4. Ương nuôi ấu trùng:
a) Thu và ấp trứng:
- Thu trứng: Sau khi cá đẻ 2-3 giờ, trứng đã thụ tinh có thể thu trứng hoặc thu vào buổi sáng hôm sau. Tắt sục khí 10-15 phút để trứng không thụ tinh và chất bẩn lắng xuống đáy bể. Dùng lưới mịn có kích cỡ mắt lưới 200mm, kéo trứng thụ tinh ở tầng mặt, sau đó dùng vợt mịn chuyển trứng vào thau nước biển sạch.
- Ấp trứng: Sau khi thu trứng cho vào thau, dùng vợt mịn mắt lưới 1mm vớt hết chất bẩn, rác, xi phông loại bỏ trứng không thụ tinh ở đáy thau. Dùng vợt mịn thu trứng, rửa sạch trứng bằng nước biển và cho trứng vào bể ấp, mật độ trứng khoảng 500 - 1.000 trứng/ lít, sục khí nhẹ liên tục.Trước khi trứng nở 3 - 5 giờ tắt sục khí để xi phông trứng không thụ tinh, chất bẩn. Trong điều kiện môi trường thuận lợi sau 16-18 giờ trứng sẽ nở thành ấu trùng.
b) Chăm sóc quản lý bể ương nuôi ấu trùng:
- Bố trí hệ thống bể ương: Trong sản xuất giống cá Vược tốt nhất là ương nuôi từ ấu trùng, cá bột lên giống được thực hiện trong bề composite. Khi cá đạt trên cỡ 0,8 cm có thể chuyển vào ương nuôi trong bể ximăng.
- Nguồn nước sử dụng: Giai đoạn ương ấu trùng lên cá hương 1,5 cm. Nước biển cần được xử lý bằng Chlorine 30ppm, lọc qua hệ thống lọc thô, lọc tinh trước khi cấp vào bể ương.
- Mật độ ương:     + Từ 1 - 5 ngày tuổi:      Mật độ 100 - 200 con/lít nước.
                             + Từ 6 - 10 ngày tuổi:    Mật độ 50 - 80 con/lít nước.
                             + Từ 11 - 15 ngày tuổi: Mật độ 30 - 40 con/lít nước.
                             + Từ 16 -  20 ngày tuổi: Mật độ 20 - 25 con/lít nước.
Từ ngày 20 trở đi, có thể chuyển cá vào bể xi măng (Áp dụng cho các Trại sản xuất tôm giống) mật độ cá nên san thưa 5 - 10 con/lít.
- Thức ăn cho từng giai đoạn ương: Trong 2 ngày đầu cá dinh dưỡng bằng noãn hoàng, cuối ngày thứ hai cấp tảo đơn bào và luân trùng vào bể ương. Áp dụng theo bảng sau:
Thời gian ương giống 0 5 10 15 20 25 30 35 40
1. Cung cấp thức ăn  
Tảo đơn bào Từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 20
Luân trùng Từ ngày thứ 2 đến này 22
Artemia mới nở Từ ngày 12 đến ngày 25
Artemia làm giàu 12giờ Từ ngày 20 đến ngày 35
Artemia trưởng thành Từ ngày 30 đến ngày 40, cá đạt trên 2.0 cm
Thức ăn TH cỡ ½ Từ ngày 22 đến ngày 35, cá đạt cỡ 2.5 cm.
Thức ăn TH cỡ 3/5 Từ ngày 35 đến ngày 45 cá đạt trên 3.0 cm
Thức ăn TH cỡ 8/12 Từ ngày 45 đến ngày 55, cá đạt trên 4.0 cm
Trùn chỉ, giun quế Từ ngày 40 trở lên, cá đạt trên 3.5 cm.
Thức ăn TH cỡ lớn Từ ngày 60 trở lên, cá đạt trên 5.0 cm.
2. Chế độ thay nước  
Từ ngày 4 đến ngày 10 Thay 10 - 20% lượng nước trong bể.
Từ ngày 10 đến ngày 20 Thay 25 - 30% lượng nước trong bể.
Từ ngày 20 đến ngày 30 Thay 30 - 35% lượng nước trong bể.
Từ ngày 30 đến ngày 40 Thay 30 - 50% lượng nước trong bể.
Từ ngày 40 trở lên Thay 50%  lượng nước trở lên.
Trước khi thay nước, tiến hành tắt sục khí, xi phông sạch sẽ. Những trại sản xuất có hệ thống lọc sinh học thì ban đêm vận hành lọc tuần hoàn để đảm bảo nguồn nước nuôi luôn sạch sẽ.
c) Lọc và phân cỡ cá: Khi cá đạt cỡ 2,0 - 2,2 cm, cá bắt đầu tấn công, ăn thịt lẫn nhau. tiến hành lọc cá, phân cỡ để bể sung thức ăn hợp lý, nâng cao tỷ lệ sống. Dùng các rổ lọc bằng nhựa hoặc Inox có kích cỡ mắt lưới khác nhau thích ứng với từng cỡ cá. Định kỳ từ 3 - 5 ngày lọc cá một lần.
4.5. Thu hoạch và vận chuyển:
Tuỳ vào công suất sản xuất, nhu cầu khách hàng để có thể cung cấp các kích cỡ, giai đoạn khác nhau như: Cá bột, cá hương và cá giống. Quá trình thu cá cần thao tác nhẹ nhàng, đúng kỹ thuật để tránh cá bị sốc.
- Vận chuyển: Vận chuyển kín có bơm Oxy, mật độ thích hợp theo từng giai đoạn, kích cỡ và thời gian vận chuyển cá. Tốt nhất là theo sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật./.
  TRUNG TÂM GIỐNG THỦY SẢN NGHỆ AN
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Bạn muốn biết thông tin về sản phẩm tôm giống của trung tâm?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập46
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm45
  • Hôm nay5,732
  • Tháng hiện tại148,004
  • Tổng lượt truy cập10,425,396
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây