QUY TRÌNH KỸ THUẬT Nuôi thương phẩm Lươn đồng trong bể không sử dụng bùn quy mô công nghiệp phù hợp với điều kiện Nghệ An
1. Xuất xứ quy trình.
Quy trình kỹ thuật nuôi thương phẩm Lươn đồng (Monopterus albus Zuiew 1793) trong bể không sử dụng bùn quy mô công nghiệp phù hợp với điều kiện Nghệ An do Trung tâm giống thủy sản Nghệ An chủ trì biên soạn dựa trên kết quả thực hiện chuyên đề: “Ứng dụng công nghệ, thử nghiệm nuôi thương phẩm Lươn đồng (Monopterus albus Zuiew 1793) trong bể xi măng, không sử dụng bùn quy mô công nghiệp tại Nghệ An”, được Trung tâm giống thủy sản Nghệ An chủ trì thực hiện năm 2020.
2. Đối tượng và phạm vi áp dụng.
2.1. Đối tượng áp dụng: Quy trình này quy định trình tự, nội dung và yêu cầu kỹ thuật nuôi thương phẩm Lươn đồng trong bể quy mô công nghiệp tại Nghệ An.
Hình 1: Lươn đồng Monopterus albus, Zuiew 1793
2.2. Phạm vi áp dụng: Áp dụng cho các cơ sở, hộ dân đủ điều kiện nuôi thương phẩm lươn đồng trong bể quy mô công nghiệp trên địa bàn Nghệ An.
2.3. Mùa vụ thả giống: Có thể thả giống từ tháng 3 đến tháng 10 hàng năm. Tuy nhiên, để đem lại hiệu quả cao trong nuôi lươn thương phẩm nên thả giống vào các thời điểm sau:
- Vụ 1: Thả giống vào tháng 4 - 5, thu hoạch vào tháng 11 - 12 hàng năm.
- Vụ 2: Thả giống vào tháng 8 - 9, thu hoạch vào tháng 2 - 3 hàng năm.
3. Nội dung quy trình kỹ thuật nuôi lươn thương phẩm.
3.1. Lựa chọn địa điểm, thiết kế xây dựng bể nuôi.
a) Chọn vị trí xây dựng bể nuôi.
- Vị trí xây dựng bể nuôi Lươn phải có đủ diện tích để xây bể tùy theo quy mô nuôi, khu vực nuôi cần thông thoáng, yên tĩnh, có điện lưới, giao thông thuận lợi để tiện cho việc chăm sóc, quản lý trong quá trình nuôi.
- Chọn nơi có nguồn nước chủ động, trong sạch, không bị ô nhiễm bởi nước thải sinh hoạt, công nghiệp hoặc có thể sử dụng nguồn nước ngầm có các yếu tố thủy lý, thủy hóa phù hợp với sự sinh trưởng, phát triển của Lươn.
- Có hệ thống thoát nước đảm bảo, không gây tác động xấu đến môi trường xung quanh.
b) Thiết kế xây dựng bể nuôi.
- Bể nuôi Lươn có thể sử dụng bể xi măng, bể Composite hoặc sử dụng tre, mét, gỗ làm thành khung sau đó lót bạt để nuôi.
- Diện tích bể nuôi từ 6 - 10 m2/bể, dạng hình chữ nhật, chiều cao thành bể 0,5 - 0,6 m. Có hệ thống cấp thoát nước đầy đủ, mặt trong bể phải đảm bảo trơn bóng để tránh lươn bị xây xát trong quá trình nuôi và không rò rỉ nước.
- Đáy bể dốc về phía cống thoát nước đảm bảo cho việc đưa thức ăn dư thừa, chất thải lươn ra ngoài thông qua việc tháo nước khi thay nước, vệ sinh bể.
- Cống thoát nước được thiết kế bằng ống nhựa PVC Ф 75, ống bao ngoài ngăn lươn có Ф 140 được khoan lỗ nhỏ hơn kích cỡ lươn hoặc bao lưới để tránh lươn bị thất thoát ra ngoài khi thay nước. Hệ thống cấp nước nên đặt sát đáy bể và đối diện cống thoát để có thể tận dụng sức nước đưa căn bã về phía cống thoát, thuận tiện cho việc vệ sinh bể.
- Hệ thống bể nuôi lươn phải có mái che để tránh mưa, nắng hoặc sử dụng lưới phong lan để che mát và có bờ bao xung quanh khu nuôi để hạn chế lạnh về mùa đông gây ảnh hưởng đến lươn.
- Giá thể trú ẩn cho lươn: Sử dụng búi dây nilon bó thành từng bó có chiều dài 0,5 - 0,6 m, treo vào bể nuôi sát với đáy bể, phần ngập nước 20 - 40, phần trên cách mặt nước khoảng 20 - 30 cm. Bao xung quanh các búi là khung ngăn được làm bằng ống nhựa PVC Ф 42, diện tích bỏ vật liệu trú ẩn chiếm khoảng ¼ - 1/3 diện tích bể nuôi tùy theo kích cỡ, số lượng lươn trong bể hoặc sử dụng giá thể bằng sàn gồm 3 khung tre/gỗ chồng lên nhau chiếm khoảng 1/3 diện tích bể nuôi, mỗi khung bao gồm các thanh tre/gỗ được đóng song song cách nhau 10 cm, khoảng cách giữa các khung từ 5 - 7 cm, khung trên cùng được đan thêm dây nylon để có thể giữ được thức ăn khi cho lươn ăn.
c) Chuẩn bị bể nuôi lươn thương phẩm.
- Bể nuôi nếu được xây mới bằng xi măng cần phải ngâm rửa sạch sẽ không để lươn bị ảnh hưởng bởi nước xi măng.
- Ngâm bể, giá thể trước một tuần thay nước hàng ngày, sau đó vệ sinh sạch sẽ, bố trí khung, vật trú ẩn đầy đủ trước khi cấp nước để thả giống nuôi.
|
Hình 2: Giá thể trú ẩn cho lươn bằng búi Nylon và bằng sàn tre |
- Nguồn nước sử dụng cho nuôi lươn: Nguồn nước trước khi cấp vào bể nuôi phải được sát khuẩn nhằm loại bỏ mầm bệnh, diệt các loại ấu trùng, ký sinh trùng bằng cách xử lý nước với Iodine, liều lượng 5 ppm. Mực nước trong bể dao động 10 - 40 cm và phải đảm bảo các yếu tố thủy lý, thủy hóa như sau:
Các thông số thủy lý, thủy hóa môi trường nước nuôi lươn
Mức nước bể nuôi |
pH |
Nhiệt độ |
Oxy |
NH3 - NH4 |
30 à 40 cm |
6,5 - 8,0 |
25 - 32 0 C |
> 4 mg/lit |
< 0,3 mg/ lit |
3.2. Chọn giống và thả giống.
- Lươn giống có thể sử dụng nguồn lươn tự nhiên đã được thuần dưỡng hoặc sử dụng nguồn lươn sinh sản bán nhân tạo để thả nuôi.
- Kích cỡ giống thả:
+ Đối với lươn thuần tự nhiên 80 - 100 con/kg.
+ Lươn sinh sản bán nhân tạo 400 - 500 con/kg
- Mật độ nuôi: 200 - 300 con/m2 bể.
- Chất lượng lươn giống: Lươn giống thả nuôi phải khỏe mạnh, đồng đều kích cỡ, không bị xây sát, không bị mất nhớt, màu sắc tươi sáng. Đối với lươn thuần tự nhiên đã quen với ăn thức ăn nhân tạo, thức ăn công nghiệp.
- Trước khi thả lươn cần tắm cho lươn bằng nước muối 3 - 5‰ trong thời gian 5 - 10 phút để sát khuẩn và loại bỏ những con yếu do quá trình thu đếm, tuyển chọn và vận chuyển.
- Thao tác thả lươn phải nhẹ nhàng, thả vào búi giá thể để lươn trú ẩn, tránh lươn phân tán, vận động nhiều sau khi thả giống.
3.3. Chăm sóc và quản lý lươn nuôi thương phẩm
a) Chăm sóc lươn nuôi.
- Thức ăn cho lươn: Sử dụng thức ăn công nghiệp có hàm lượng Protein 44% để cho lươn ăn.
- Cách cho lươn ăn: Sau 2 ngày thả giống mới tiến hành cho lươn ăn. Cho lươn ăn 2 lần trong ngày: 7 - 8h và 16 - 17h. Cho thức ăn vào sàng ăn hoặc khung ngăn giá thể để giúp lươn tập trung bắt mồi và tránh thức ăn trôi dạt khắp bể gây khó khăn cho việc bắt mồi của lươn.
- Tỷ lệ cho ăn: Lượng thức ăn công nghiệp bằng 2 - 8% khối lượng lươn thả nuôi tùy thuộc vào kích cỡ, mức độ ăn của lươn để điều chỉnh tỷ lệ cho ăn, lượng thức ăn, kích cỡ hạt thức ăn hợp lý.
- Giai đoạn lươn nhỏ hơn 10 g/con nên sử dụng tăng cường thêm trùn quế làm thức ăn với tỷ lệ 10 - 20% lượng thức ăn/ngày.
- Thức ăn cho lươn phải đảm bảo chất lượng, không sử dụng thức ăn ẩm mốc, quá hạn sử dụng và không đảm bảo hàm lượng dinh dưỡng.
- Hằng ngày bổ sung thêm Vitamin C với liều lượng 5g/1kg thức ăn và men vi sinh đường ruột (1kg/250 kg lươn TP) nhằm nâng cao sức đề kháng và kích thích tiêu hóa cho lươn.
Trong nuôi lươn thương phẩm cần thực hiện nghiêm túc 4 định (định số lượng, chất lượng, vị trí, thời gian cho ăn) trong công tác chăm sóc, quản lý thức ăn trong suốt quá trình nuôi.
b) Quản lý lươn nuôi.
- Theo dõi sát mức độ sử dụng thức ăn của lươn để điều chỉnh hợp lý tránh để thừa, thiếu thức ăn gây ảnh hưởng đến lươn nuôi, sau 1,5 - 2 giờ cho lươn ăn tiến hành kiểm tra và thay nước, vệ sinh bể.
- Thay nước cho lươn:
+ Giai đoạn lươn mới thả 1 tháng đầu thay nước 1 lần/ngày, lượng nước thay từ 70 - 100% lượng nước trong bể tùy theo mức độ ô nhiễm nguồn nước.
+ Giai đoạn nuôi sau thay nước 2 lần/ngày (nếu có điều kiện thay 3 làn/ngày) sau khi cho lươn ăn 1,5 - 2 tiếng, thay 100% lượng nước trong bể.
- Nguồn nước thay phải đảm bảo trong sạch, không bị ô nhiễm, không chênh lệch các yếu tố môi trường như nhiệt độ, pH… giữa nguồn nước trong bể và nước cấp mới.
- Thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường nuôi như pH, Oxy, NH3… trước và sau mỗi lần thay nước bể nuôi.
- Trong quá trình thay nước kết hợp vệ sinh bể nuôi, giá thể trú ẩn, khung, sàng cho ăn, hệ thống cấp thoát nước đảm bảo bể nuôi luôn trong sạch.
- Nâng dần mực nước trong quá trình nuôi tùy theo kích cỡ lươn đảm bảo cho lươn sinh trưởng, phát triển tốt nhất.
- Định kỳ 10 - 15 ngày/lần tiến hành tắm, sát khuẩn cho lươn bằng nước muối 5‰ hoặc dung dịch Iodine 3 ppm trong thời gian 10 - 15 phút.
- Định kỳ 1 tháng/lần sử dụng thuốc nội ngoại ký sinh trùng để phòng bệnh ký sinh trùng trên lươn, liều luowngjsuwr dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất khuyến cáo.
- Sau thời gian nuôi 1 - 1,5 tháng tiến hành phân cỡ một lần tránh để lươn phân đàn trong bể dẫn đến cạnh tranh thức ăn, lươn ăn lẫn nhau, trước khi phân cỡ để lươn nhịn ăn trước 1 ngày, để lươn bài tiết hết thức ăn sau đó sử dụng dụng cụ phân cỡ lươn để phân cỡ. Thao tác phân cỡ lươn phải nhanh, gọn, nhẹ nhàng tránh lươn bị xây xát, mất nhớt ảnh hưởng đến sức khỏe lươn nuôi. Sau khi phân cỡ xong tiến hành định lượng lại số lượng lươn để điều chỉnh lượng thức ăn rồi thả lại bể nuôi.
- Giữ nhiệt độ ổn định: Cần giữ nhiệt độ ổn định cho môi trường nước bể nuôi, nếu nhiệt độ nước bể nuôi chênh lệch trong ngày > 5oC ảnh hưởng rất lớn đến khả năng bắt mồi, sinh trưởng phát triển của lươn.
- Giữ lươn không thoát ra ngoài: Bể nuôi phải được thiết kế đúng theo yêu cầu kỹ thuật, thường xuyên kiểm tra nhằm tránh thất thoát trong quá trình nuôi.
4. Các bệnh thường gặp khi nuôi lươn
4.1. Nguyên tắc phòng bệnh:
a) Nguyên nhân phát sinh bệnh trong quá trình nuôi:
- Lươn giống thả nuôi kém chất lượng, kích cỡ không đồng đều.
- Thả nuôi với mật độ quá dày.
- Thức ăn không đảm bảo chất lượng, không đủ dinh dưỡng, quản lý thức ăn không đảm bảo quy trình kỹ thuật.
- Quản lý môi trường bể nuôi không tốt, nguồn nước không đảm bảo, bị ô nhiễm, gây sốc cho lươn trong quá trình nuôi thay nước không kịp, vệ sinh bể nuôi dụng cụ không đảm bảo thời dẫn đến chất tích lũy nhiều chất thải là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn, nấm phát triển gây bệnh.
b) Biện pháp phòng bệnh:
- Phải tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật như chọn lươn giống khỏe mạnh, đồng đều kích cỡ, mật độ nuôi hợp lý, trước khi thả phải tắm sát khuẩn cho lươn.
- Nguồn nước cấp phải đảm bảo trong sạch, không bị ô nhiễm, ổn định, giữ môi trường bể nuôi luôn sạch sẽ, không bị ô nhiễm, kết hợp sử dụng chế phẩm sinh học để ổn định chất lượng nước trong bể.
- Cho lươn ăn đủ số lượng, thức ăn phải đảm bảo chất lượng, kích cỡ theo từng giai đoạn phát triển của lươn.
- Bổ sung thêm Vitamin C, men tiêu hóa và khoáng chất cho lươn ăn hàng ngày bằng cách trộn vào thức ăn cho lươn ăn giúp lươn có đề kháng tốt, hạn chế dịch bệnh.
- Giữ không để lươn bị sốc đột ngột trong quá trình nuôi. Định kỳ làm tốt công tác phòng bệnh cho lươn nuôi.
4.2. Các loại bệnh thường gặp:
a. Bệnh sốc do môi trường
- Nguyên nhân: Nguồn lươn giống không đạt chất lượng do đánh bắt và vận chuyển mật độ quá dày, không đảm bảo kỹ thuật, dịch nhầy lươn tiết ra, lên men, nhiệt độ nước tăng dẫn đến lươn dễ bị stress.
- Triệu chứng: Lươn bị xáo động trong bể, quấn vào nhau, dịch nhày tiết vào trong nước, độ nhớt của nước tăng lên, đầu lươn sưng phồng to, lươn chết hàng loạt. Thường xảy ra trong quá trình vận chuyển hoặc thuần dưỡng.
- Phòng, trị: Giảm mật độ nuôi bằng việc san thưa, thay 70% lượng nước trong dụng cụ chứa hoặc bể nuôi. Khi phát hiện bệnh có thể dùng các sản phẩm có nguồn gốc iodine hoặc có tính sát trùng để ngâm tắm. Liều lượng sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
b. Bệnh nấm thủy mi.
- Nguyên nhân: Do nấm ký sinh trên mình lươn gây ra, thường xảy ra vào mùa xuân - thu, sợi hình bông bám vào lươn để gây nên vết loét.
- Triệu chứng: quan sát thấy có nhiều đốm trắng li ti trên cơ thể
- Phòng, trị: Trước khi thả lươn vệ sinh bể nuôi, sử dụng 100 - 150 g vôi /m2 hoà tan để sát trùng bể. Ngâm lươn vào trong nước muối 4 - 5‰ trong thời gian 5 - 10 phút liên tục 2 - 3 ngày, mỗi ngày 1 lượt.
c. Hội chứng lở loét (còn gọi bệnh đóng dấu)
- Nguyên nhân: do ký sinh trùng, nấm, vi khuẩn tấn công gây nên vết thương.
- Triệu chứng: Trên mình lươn xuất hiện nhiều vết tròn hay hình bầu dục. Da lươn bị lở loét còn gọi là bệnh đóng dấu. Trường hợp bệnh nặng đuôi lươn bị rụng đi, bơi lội khó khăn, đầu lươn bị ngóc lên khỏi mặt nước, bệnh này thường xảy ra vào tháng 5 - 9.
- Phòng, trị: Trước khi nuôi cần sát trùng bể bằng vôi vào mùa hay xuất hiện bệnh hoặc phun thuốc Streptomycine ở toàn bể. Cứ 50 kg lươn dùng 5 g Oxytetra trộn vào thức ăn cho lươn ăn, có thể trộn kèm Vitamin C chống sốc mỗi ngày 1 lần, điều trị mỗi đợt 5 - 7 ngày.
d. Bệnh nội ký sinh
- Nguyên nhân: Do ký sinh trùng đường ruột gây nên.
- Triệu chứng: Tuyến trùng màu trắng dài khoảng 1 cm đầu bám vào niêm mạc phá hoại mô, hình thành bào nang gây viêm ruột sưng đỏ. Nếu ký sinh với khối lượng lớn, lươn yếu, hậu môn sưng đỏ, sẽ chết dần.
- Phòng, trị: Có thể sử dụng các loại sản phẩm diệt nội ký sinh của các nhà sản xuất như Vemedim, Bayer, Anova….trộn vào thức ăn, cho lươn ăn liên tục trong thời gian 4 - 5 ngày.
đ. Bệnh ngoại ký sinh
- Triệu chứng: Do đĩa bám vào phần đầu lươn gây ra để phá hoại mô bì hút máu lươn khiến cho vi trùng xâm nhập gây viêm nhiễm, lươn yếu, chậm chạp kém ăn ảnh hưởng đến sinh trưởng của lươn.
- Phòng trị: Dùng các loại sản phẩm trị ngoại ký sinh để điều trị. Nên sử dụng theo lời khuyến cáo của nhà sản xuất hoặc cán bộ chuyên môn.
e. Bệnh nát đuôi
- Nguyên nhân: Do lươn đã bị thương hoặc bị lươn khác cắn, chỗ vết thương sẽ bị vi khuẩn xâm nhập.
- Triệu chứng: Lươn có đuôi bị sây sát, dập nát, tụ huyết, nhiễm trùng nặng, có con thịt thối rữa để lồi xương sống.
- Điều trị:
+ Tắm cho lươn bằng dung dịch nước muối 3‰, trong thời gian 15 - 20 phút hoặc dùng KMnO4, Fomandehit tắm cho lươn. Phun thuốc Streptomycin hoặcOxytetracyclin ở toàn bể liều lượng (250g/100 m3 nước)
+ Trộn thuốc trị: Flophenicol hoặc Oxytetrexilin + Vitamin C vào thức ăn dùng liên tục trong vòng 5 - 7 ngày.
+ Loại bỏ những con bị bệnh ra khỏi bể và vệ sinh bể nuôi hàng ngày.
f. Bệnh xuất huyết nhiễm trùng máu.
- Triệu chứng: Lươn bị bệnh có hiện tượng tụ máu, tấy đỏ trên vùng thân, đặc biệt là ở vùng bụng. Miệng sưng và đỏ tím, đôi khi thấy máu chảy ra ở miệng, mang. Bơi không bình thường, chao đảo nhiều trong nước và ngóc lên mặt nước quẫy mạnh, sau một thời gian thì chết.
- Điều trị:
+ Thay nước sạch vào, diệt khuẩn môi trường nước
+ Tắm cho lươn bằng các dung dịch sát khuẩn như KMnO4, Fomandehit, nước muối.
+ Trộn thuốc trị: Flophenicol hoặc Enrofloxacin + Vitamin C + Giải độc gan thận BIO-LIVER vào thức ăn dùng liên tục trong vòng 5 - 7 ngày.
+ Loại bỏ những con bị bệnh ra khỏi bể và vệ sinh bể nuôi hàng ngày.
5. Thu hoạch lươn thương phẩm.
- Sau thời gian nuôi từ 8 - 10 tháng, kích cỡ lươn đạt 200 - 250 g/con, tùy thuộc vào nhu cầu thị trường, giá cả thị trường để xác định thời gian thu hoạch hợp lý nhằm mang lại hiệu quả cao nhất.
- Trước khi thu hoạch lươn cần chuẩn bị đầy đủ dụng cụ, phương tiện vận chuyển để đảm bảo lươn luôn sống để nâng cao giá trị.
- Rút cạn nước, dọn sạch giá thể trong bể nuôi, gom lươn về một góc bể và tiến hành phân loại, thu hoạch lươn. Có thể thu tỉa hoạch thu đồng loạt tùy theo kích cỡ lươn thương phẩm./.
TRUNG TÂM GIỐNG THỦY SẢN NGHỆ AN