Thực hiện hợp đồng số 1236/HĐ-KHCN ngày 22/12/2020 giữa Sở Khoa học - Công nghệ Nghệ An và Trung tâm giống thủy sản Nghệ An về việc thực hiện dự án KHCN:
“Ứng dụng tiến bộ KH&CN xây dựng mô hình sản xuất giống và nuôi thương phẩm lươn đồng (Monopterus albus Zuiew, 1793) quy mô hàng hóa tại Nghệ An”. Qua thời gian thực hiện từ tháng 1/2021 đến nay, mô hình sản xuất giống lươn đồng bước đầu đạt được kết quả như sau:
1. Kết quả thu trứng và ấp trứng
1.1. Kết quả thu trứng:
- Sau khi kiểm tra độ thành thục của lươn thường xuyên theo dõi và phát hiện tổ trứng của lươn trong bể nuôi. Sau 10 ngày phát hiện tổ trứng đầu tiên trong bể. Việc thu trứng được thực hiện hàng ngày. Vị trí của lươn đẻ trứng là nơi giao nhau giữa các hang và được lươn khoét thành một khoảng rộng để lươn bố mẹ nhả bọt và đẻ trứng. Trứng lươn hình tròn, màu vàng, không giọt dầu và hơi nổi trong nước nhờ vào đám bọt do lươn bố mẹ phun ra.
- Phát hiện tổ đẻ của lươn bằng cách quan sát bề mặt ụ đất và xem màu đám bọt nhằm xác định đúng thời điểm thu trứng. Trứng thu được có màu vàng cam, màu nâu nhạt và lươn bột. Sử dụng vợt thu hết số trứng và lươn bột nằm lẫn trong đám bọt của tổ trứng. Trứng và lươn bột sau khi thu vào được rửa sạch qua nước sạch nhiều lần để loại bỏ đất, rác lẫn trong mẫu trứng thu được. Tắm trứng và lươn bột bằng nước muối 2% trước khi đưa vào dụng cụ ấp.
- Nhóm thực hiện dự án thu được 502.387 quả trứng trong 2 đợt cụ thể như sau:
⁕ Đợt 1 từ 27/6 đến 15/7/21: Nhóm thực hiện dự án thu được 19.667 quả trứng. Năng suất sinh sản trung bình đạt 128,75 trứng/1 kg lươn cái
⁕ Đợt 2 từ 22/7/2021 đến nay: Nhóm thực hiện dự án thu được 485.720 quả trứng. Năng suất sinh sản trung bình đạt 3.159 trứng/ 1 kg lươn cái.
1.2. Kết quả ấp trứng:
- Trứng được ấp trong chậu nhựa đường kính từ 30cm với mức nước khoảng 5 - 7cm có sục khí nhằm đảm bảo cung cấp đủ oxy cho phôi phát triển.
- Nước dùng để ấp được lắng lọc loại bỏ những động vật phù du có thể gây hại. Nguồn nước trước khi đưa vào sử dụng cho quá trình ấp trứng nở và ương lươn giống phải được xử lý trước 24 tiếng bằng hóa chất sát khuẩn IODINE 1ml/1m
3.
- Quá trình ấp trứng có nhiệt độ nước 28 - 30
0C. Thay nước 3 lần/ngày, thường xuyên theo dõi và vớt hết trứng chuyển màu trắng đục (trứng không thụ tinh và bị xây xát) nhằm hạn chế độ ô nhiểm của nước trong dụng cụ ấp.
- Thời gian từ khi trứng đẻ ra đến khi nở thành lươn bột từ 7 - 8 ngày (điều kiện nhiệt độ 28 - 30
0C). Tỷ lệ nở 60%, khi lươn mới nở còn mang khối noãn hoàng khá lớn, thường ít vận động, nằm chìm dưới đáy. Trong thời điểm này lươn bột sống nhờ vào chất dinh dưỡng của noãn hoàng; khối noãn hoàng mới tiêu biến sau 1 tuần. Lươn con có sắc tố đen và có chiều dài từ 2 - 3cm, chủ động tìm nơi trú ẩn và bắt mồi xung quanh.
⁕ Đợt 1 từ 27/6 đến 15/7/21: Thu trứng ấp nở được 97.035 con lươn. Tỷ lệ nở 49,3%. Kết quả lươn bị bệnh chết 100%. Nguyên nhân do bệnh nấm lây lan từ các trứng hỏng không thụ tinh. Nhóm thực hiện dự án tiến hành xử lý bằng cách tắm KmnO
4 liều lượng 0,2ppm nhưng không đạt hiệu quả.
⁕ Đợt 2 từ 22/7/2021 đến nay: Thu được 298.719 con lươn bột. Tỷ lệ nở 61,5%.
2. Kết quả ương lươn bột lên lươn hương
- Thu được 156.230 con lươn hương, tỷ lệ sống từ lươn bột lên lươn hương đạt 52,3%, kích cỡ đạt bình quân 5 - 7 cm/con. Trong quá trình ương, các loại dụng cụ phục vụ cho sản xuất (thau, vợt, giá thể…) được sát khuẩn bằng các loại sản phẩm có nguồn gốc IODINE theo định kỳ 2 - 3 ngày/lần. Thời gian ương kéo dài 45 - 50 ngày chia làm 2 giai đoạn.
Hình 1: Thức ăn trùn chỉ trong ương lươn bột
*Giai đoạn I: Thời gian ương 15 - 20 ngày, mật độ 1.500 - 2.000 con/m2
Khi lươn có sắc tố nâu đen (giống như lươn trưởng thành) có thể bắt mồi bên ngoài tiếp tục ương tiếp trong nhà ấp bằng thau nhựa có giá thể (dây nilon xé nhỏ) tạo nơi trú ẩn cho lươn và sục khí nhằm tăng cường oxy cho lươn bột. Thức ăn chính là moina, trùn chỉ; tần suất cho ăn 3lần/ ngày; chế độ thay nước 3 lần/ngày. Định kỳ 15 ngày/lần tách đàn phân cỡ lươn hạn chế tranh giành thức ăn trong quần đàn. Kích cỡ đạt từ 8.000 - 10.000 con/kg
Hình 1: Ương lươn bột lên lươn hương
* Giai đoạn II: Thời gian ương 20 - 30 ngày, mật độ ương từ 1.000 - 1.500 con/m2.
Thức ăn chính là trùn chỉ, tần suất cho ăn 3 lần/ngày; chế độ thay nước 3 lần/ngày. Định kỳ 15 ngày/lần tách đàn phân cỡ lươn; kích cỡ đạt từ 4.000 - 6.000 con/kg.
3. Kết quả ương lươn hương lên lươn giống
- Thu được 92.800 con lươn giống, tỷ lệ sống đạt 59,4%.
- Lươn đạt kích cỡ 7 - 10 cm/con tiến hành định lượng và bố trí vào bể lát gạch diện tích 1m
2/bể, mật độ 1.000 con/m
2. Giá thể được sử dụng là búi dây cước. Thời gian ương cho giai đoạn này từ 45 - 50 ngày.
Hình 2: Ương lươn hương lên lươn giống
- Định kỳ 10 ngày/lần tiến hành tách đàn phân cỡ hạn chế hiện tương tranh giành thức ăn. Lươn đạt kích cỡ 12 - 18 cm với khối lượng 3 - 5 gam/con.
- Thức ăn chính cho lươn là giun quế với thức ăn công nghiệp (44% protein). Tần suất cho ăn 2 lần/ngày; chế độ thay nước: 2lần/ngày. Định kỳ tắm lươn bằng nước muối 3% nhằm hạn chế lươn nhiễm nấm thủy mi và bội nhiễm một số bệnh khác.
Như vậy, qua 2 đợt thu trứng dự án đã đạt được kết quả như sau:
+ Tỷ lệ thành thục: 61,5%.
+ Tổng số trứng lươn thu được: 502.387 quả. Năng suất sinh sản: 3.283 trứng/kg lươn cái.
+ Tổng số lươn bột thu được: 395.754 con. Tỷ lệ nở: 78,8%.
+ Tổng số lươn hương thu được: 156.230 con. Tỷ lệ sống: 39,5%.
+ Tổng số lươn giống thu được: 92.800 con. Tỷ lệ sống: 59,4%.
Trên đây là một số kết quả bước đầu thực hiện mô hình sản xuất giống nhân tạo lươn đồng (
Monopterus albus Zuiew 1793) tại Trung tâm giống thủy sản Nghệ An trong năm 2021 của nhóm thực hiện dựa án. Để tiếp tục thực hiện đảm bảo nội dung, mục tiêu và tiến độ đề ra. Năm 2022, nhóm thực hiện dự án bám sát Hợp đồng, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch để thực hiện dự án có hiệu quả, đảm bảo nội dung, mục tiêu và tiến độ đề ra.