Kết quả thực hiện chuyên đề: “Ứng dụng công nghệ, thử nghiệm nuôi thương phẩm Lươn đồng (Monopterus albus Zuiew 1793) trong bể xi măng, không sử dụng bùn quy mô công nghiệp tại Nghệ An”

Thứ tư - 20/01/2021 02:40 1.364 0
Th.S Trương Văn Toản Trung tâm giống thủy sản Nghệ An
I. Đặt vấn đề.
Lươn đồng (Monopterus albus) là một đối tượng thuỷ sản rất quen thuộc với người dân, là món ăn đặc sản của người Việt Nam. Lươn có thể được dùng làm nguyên liệu của các món ăn được ưa chuộng như: cháo lươnmiến lươnlẩu lươnchuối om lươn... Trên thế giới, lươn cũng được xếp vào hạng “sơn hào hải vị” dành riêng cho thượng khách, cho các vị nguyên thủ quốc gia… nhưng lươn còn là vị thuốc quý trong y học cổ truyền nên hienejnay nhu cầu tiêu thụ lươn trên thị trường rất lớn cả trong nước và xuất khẩu.
Hiện nay phong trào nuôi thương phẩm lươn đồng trong bể phát triển mạnh ở nhiều địa phương trên cả nước trong đó phải kể đến các tỉnh phía Nam như An Giang, Cần Thơ, Tiền Giang, Đồng Nai, Trà Vinh, Vĩnh Long … đem lại hiệu quả kinh tế cao bởi thị trường tiêu thụ lươn thương phẩm nhu cầu lớn, giá bán cao. Bên cạnh đó, với hình thức nuôi lươn trong bể không cần có diện tích lớn, chi phí đầu tư thấp, bể nuôi xây dựng đơn giản có thể tận dụng lại chuồng chăn nuôi gia súc, gia cầm, hoặc sử dụng tre, gỗ… làm khung lót bạt cũng có thể nuôi được, tận dụng thời gian nhàn rỗi trong gia đình và nguồn thức ăn sẵn có, rẻ tiền ở địa phương như tôm, cá tạp, ốc bươu vàng, phụ phế phẩm lò mổ... từ đó hạ giá thành sản phẩm, tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình từ việc nuôi lươn. Đây được xem là đối tượng nuôi thủy sản của nông dân vùng nông thôn, góp phần xóa đói, giảm nghèo.
Nghệ An là tỉnh có tiềm năng để phát triển phong trào nuôi lươn, “thương hiệu” lươn của Nghệ An đã được người tiêu dùng trên cả nước biết đến là ngon, bổ là điều kiện thuận lợi cho thị trường tiêu thụ sản phẩm lươn thương phẩm, kích thích phong trào nuôi phát triển, tạo thêm công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân nuôi trồng thủy sản nước ngọt. Tuy nhiên, phong trào nuôi thương phẩm lươn đồng trong bể ở Nghệ An chưa thực sự phát triển, hiện mới chỉ có một số hộ đưa vào nuôi với qui mô nhỏ lẻ, mang tính chất tự phát, manh mún nên hiệu quả mang lại chưa cao. Nguyên nhân, do chưa có quy trình nuôi phù hợp với điều kiện khí hậu tại Nghệ An, người dân chưa nắm bắt được quy trình nuôi chuẩn, nguồn lươn giống không chủ động, chủ yếu được nhập từ miền Nam ra và khai thác ngoài tự nhiên nên quá trình nuôi hao hụt lớn, các mô hình nuôi chưa mang lại hiệu quả kinh tế, thậm chí có hộ nuôi mất trắng hoàn toàn nên chưa kích thích được phong trào nuôi phát triển.
Xuất phát từ nhu cầu thực tế trên, Trung tâm giống thủy sản Nghệ An đã triển khai thực hiện chuyên đề sự nghiệp: “Ứng dụng công nghệ, thử nghiệm nuôi thương phẩm Lươn đồng (Monopterus albus Zuiew 1793) trong bể xi măng, không sử dụng bùn quy mô công nghiệp tại Nghệ An”, nhằm đa dạng giống loài nuôi thủy sản, xây dựng, hoàn thiện quy trình kỹ thuật nuôi, từ đó thúc đẩy phong trào nuôi lươn thương phẩm trên địabàn tỉnh NghệAn, góp phần xóa đói giảm nghèo, tận dụng nguồn lao động nhàn rỗi và nguồn thức ăn sẵn có, rẻ tiền ở địa phương, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích nuôi trồng thủy sản. Tiến tới nghiên cứu, sản xuất lươn giống để chủ động cung cấp lươn giống cho phong trào nuôi, thúc đẩy phong trào nuôi thương lươn đồng trong bể phát triển, nhân rộng trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
II. Kết quả thực hiện.
1. Thiết kế xây dựng bể nuôi.
- Bể nuôi được xây dựng trong nhà thông thoáng, yên tĩnh,có mái che, rất thuận tiện cho việc chăm sóc, quản lý, hệ thống cấp thoát nước đảm bảo, không gây tác động xấu đến môi trường xung quanh.
- Bể nuôi được xây dựng kiên cố bằng xi măng, bên trong lát gạch trơn nhẵn, có hệ thống thoát nước được thiết kế 2 lớp: ống nhựa giữ mức nước bên trong được làm bằng ống PVC Ф 90; ống thoát nước bên ngoài có khoan lỗ Ф 200 và hệ thống cấp nước sử dụng ống nhựa PVC Ф 34 để đảm bảo cấp nước cho các bể nuôi. Bể nuôi sau khi xây dựng xong được ngâm rữa sạch sẽ, khử hết tồn dư xi măng đảm bảo cho việc nuôi lươn thương phẩm.
- Diện tích bể nuôi: Bể nuôi có diện tích 10m2/bể với số lượng 5 bể. Chiều cao bể nuôi 0,7 m. Đáy bể nuôi có độ dốc nghiêng về phía cống thoát nước để dễ dàng thoát nước, thải thức ăn thừa và sản phẩm bài tiết của lươn khi thay nước, vệ sinh bể nuôi.
- Ngoài ra, có đầy đủ hệ thống bể lọc, bể chứa nước đảm bảo và các máy móc, thiết bị, công cụ, dụng cụ phục vụ cho nuôi lươn thương phẩm như: máy bơm nước, bồn chứa nước 10 m3,  tủ đông bảo quản thức ăn, dụng cụ phân cỡ lươn...
- Nguồn nước sử dụng cho nuôi lươn: Sử dụng nguồn nước sông Đào qua ao chứa lắng sau đó bơm vào hệ thống bể lọc ngược và được bơm lên bể chứa có dung tích 10m3 để cấp cho hệ thống bể nuôi lươn thương phẩm.
h2

Hình 2: Hệ thống bể nuôi lươn thương phẩm và bể lọc nước
- Giá thể trú ẩn cho lươn: Sử dụng dây nylon búi thành từng búi có chiều dài 0,7 m và có khối lượng 1kg/búi. Mỗi bể được bố trí 4 - 6 búi, búi được cột cách mặt nước 20 - 30 cm, phía dưới chạm đáy bể nuôi.
- Khung cho lươn ăn: Khung cho lươn ăn được thiết kế bao xung quanh búi giá thể trú ẩn nhằm cố định giá thể trú ẩn và tránh thức ăn trôi dạt khắp bể. Khung được làm từ ống nhựa Ф 42. Khi lươn tăng trưởng nhiều về trọng lượng tiến hành tăng số lượng giá thể đồng thời tăng diện tích khung.
- Sau khi chuẩn bị xong hệ thống bể nuôi tiến hành sát khuẩn bể, giá thể, khung cho ăn, hệ thống thoát nước bằng iodine (50 ml/m3) và cấp nước cho bể, giữ mức nước đạt 10 - 15 cm. Kiểm tra các yếu tố môi trường cho phù hợp với sự phát triển của lươn rồi tiến hành thả giống.

h3

Hình 3: Giá thể trú ẩn và khung cho lươn ăn
2. Thả giống :
- Ngày 16/4/2020 nhóm thực hiện chuyên đề tiến hành thả lươn giống để nuôi thương phẩm, nguồn lươn giống được nhập từ nguồn giống sinh sản bán nhân tạo.
- Số lượng lươn giống thả nuôi: 10.000 con, kích cỡ 400 con/kg.
- Mật độ thả nuôi: 200 con/m2 bể.
- Chất lượng lươn giống: Lươn giống khỏe mạnh, đồng đều kích cỡ, có màu vàng nâu, không bị mất nhớt, xây xát, không có dấu hiệu bệnh, đã ăn thức ăn công nghiệp viên nổi, đảm bảo tiêu chuẩn theo yêu cầu.
- Trước khi thả, lươn giống được tắm qua dung dịch nước muối có nồng độ  3‰ trong thời gian 10 phút để loại trừ ký sinh và sát trùng vết thương trong quá trình tuyển chọn, vận chuyển
h4

Hình 4: Lươn giống thả nuôi thương phẩm
3. Chăm sóc và quản lý Lươn nuôi thương phẩm.
3.1. Thức ăn và quản lý thức ăn:
Sau khi thả giống, bắt đầu từ ngày thứ 3 lươn ổn định, thích nghi với môi trường nuôi mới bắt đầu cho lươn ăn.
- Thức ăn cho lươn: Sử dụng thức ăn công nghiệp viên nổi có hàm lượng protein 44% để cho lươn ăn trong suốt quá trình nuôi.
- Trong tháng nuôi đầu sử dụng thức ăn công nghiệp có hàm lượng protein 44% mm, kích cỡ hạt 0,5 mm, kết hợp với trùn quế với tỷ lệ 10% tổng lượng thức ăn/ngày trộn lẫn với thức ăn để cho lươn ăn, giai đoạn này cho ăn 2% khối lượng lươn.
- Tỷ lệ cho ăn: Tỷ lệ cho lươn ăn từ 2 - 8% khối lượng lươn trong bể tùy theo giai đoạn phát triển của lươn.
- Cho lươn ăn 2 lần trong ngày: 7 - 8 h và 16 - 17 h. 
- Hằng ngày bổ sung thêm Vitamin C với liều lượng 5g/1kg thức ăn và men vi sinh đường ruột (1kg/250kg lươn TP) bằng cách trộn vào thức ăn để cho lươn ăn nhằm nâng cao sức đề kháng và giúp lươn tiêu hóa triệt để thức ăn, phòng bệnh đường ruột.
- Khi cho lươn ăn quan sát, theo dõi mức ăn của lươn để điều chỉnh lượng thức ăn hợp lý, 1,5 - 2 giờ sau khi cho lươn ăn kiểm tra và vớt bỏ phần thức ăn thừa.
h5
 

Hình 5: Thức ăn và vật tư phục vụ nuôi lươn thương phẩm
3.2. Quản lý bể nuôi:
- Hàng ngày theo dõi sát mức độ sử dụng thức ăn của lươn để điều chỉnh hợp lý không để thừa, thiếu thức ăn gây ảnh hưởng đến lươn nuôi, sau 1,5 - 2 giờ cho lươn ăn tiến hành kiểm tra và thay nước, vệ sinh bể nuôi.
- Thay nước cho lươn:
+ Giai đoạn tháng đầu thay nước 1 - 2 lần/ngày, lượng nước thay từ 70 - 100% lượng nước tùy theo mức độ ô nhiễm nguồn nước trong bể nuôi.
+ Giai đoạn nuôi sau thay nước 2 - 3 lần/ngày sau khi cho lươn ăn 1,5 - 2 tiếng.
- Trong quá trình thay nước kết hợp vệ sinh bể nuôi, giá thể trú ẩn, khung cho ăn… đảm bảo bể nuôi luôn sạch sẽ. Định kỳ 1 tuần thay giá thể 1 lần, giá thể cũ thay ra được vệ sinh sạch sẽ, ngâm qua thuốc tím sau đó phơi khô để sử thay lại.
- Trong quá trình nuôi, nâng dần mực nước từ 10 - 40 cm tùy theo kích cỡ lươn đảm bảo cho lươn sinh trưởng, phát triển tốt nhất.
- Định kỳ 10 ngày/lần tiến hành tắm, sát khuẩn cho lươn bằng nước muối 3‰ và dung dịch Iodine 3 ppm trong thời gian 10 - 15 phút, sử dụng xen kẽ nhau.
- Định kỳ 1 tháng/lần sử dụng thuốc nội ngoại ký sinh trùng để phòng bệnh ký sinh trùng trên lươn.
- Định kỳ 1 tháng/lần tiến hành phân cỡ một lần không để lươn phân đàn lớn bể dẫn đến cạnh tranh thức ăn, lươn ăn lẫn nhau. Sau khi phân cỡ xong tiến hành định lượng lại số lượng lươn để điều chỉnh lượng thức ăn rồi thả lại bể nuôi.
- Thường xuyên kiểm tra hệ thống thoát nước tránh sự cố lươn bị thất thoát theo đường ống thoát nước.
- Thường xuyên theo dõi, cập nhập diễn biến của các yếu tố môi trường tại các bể nuôi. Kết quả kiểm tra trong quá trình nuôi như sau:
Bảng 2: Kết quả theo dõi sự biến động của các yếu tố môi trường
Tháng nuôi Nhiệt độ (0C) pH DO (mg/l)
4/2020 25 – 30
28
7 - 8 4,5 - 5,5
5
5/2020 27- 34
31
7 - 8,5 4 – 6
5
6/2020 31 – 35
33
7 - 7,8 4 - 6,5
4,8
7/2020 30 – 35
32
7 - 8,5 4 – 6
4,7
8/2020 29 – 34
32
7 - 8,5 4,2 - 6,5
4,8
9/2020 29 – 34
31
7 - 8,5 4 - 6,5
5,2
10/2020 25 – 32
28
7 - 8,5 4 5
4,5
11/2020 20 – 28
24
7 - 8,5 4 - 5,8
4,7
12/2020 16 – 22
19
7 - 8,5 4 - 5,8
4,7

- Trong thời gian nuôi, ở Nghệ An thời tiết thường xuyên có những biến động bất thường, thay đổi đột ngột, nắng gắt nhiệt độ nước lên cao trong các tháng mùa hè và xuống thấp vào các tháng mùa đông. Nhiệt độ nước trong quá trình thực hiện chuyên đề biến động trong khoảng từ 16 - 350C, nhiệt độ thấp nhất là 160C do ảnh hưởng của gió mùa gây nên không khí lạnh.
- Thời tiết tháng 4,5,6,7,8,9 khá thuận lợi cho quá trình sinh trưởng phát triển của lươn. Tuy nhiên, các tháng 10,11,12 có thời gian mưa nhiều do ảnh hưởng của bão và áp thấp nhiệt đới, gió mùa, không khí lạnh trên diện rộng gây ra sự thay đổi nhiều về nhiệt độ.
- Nguồn nước cấp vào bể lươn được lấy qua bể lọc nên các thông số khá ổn định, ngoài sự biến động của yếu tố nhiệt độ thì các yếu tố về độ pH, DO đều nằm trong ngưỡng sinh trưởng phát triển tốt của lươn.
- Trong quá trình nuôi định kỳ 1 tháng/lần tiến hành kiểm tra tốc độ sinh trưởng, phát triển của lươn. Kết quả kiểm tra thu được như sau:
Bảng 3: Tốc độ tăng trưởng của lươn qua các tháng nuôi
 
Ngày kiểm tra Chiều dài TB (cm/con) Trọng lượng TB (g/con) ADG Lượng TA sử dụng (kg) Tỷ lệ sống (%)
cm/ngày (g/ngày)
16/4 9 2.5     25 100
16/5 14 10 0.17 0.25 70 98
16/6 20 17 0.20 0.23 143 95
14/7 25 34 0.17 0.57 236 91
14/8 30 53 0.17 0.63 363 89
15/9 35 69 0.17 0.53 448 88
15/10 39 81 0.13 0.40 520 66
14/11 42 93 0.10 0.40 595 62
4/12 45 100 0.10 0.32 600 60
Tổng cộng       3.000  

Qua theo dõi tốc độ tăng trưởng định kỳ cho thấy, lươn sinh trưởng, phát triển khá nhanh trong quá trình nuôi. Trong tháng 5 và tháng 6 lươn tăng trưởng khá nhanh về chiều dài nhưng tăng trưởng chậm nhất về khối lượng, do thời gian này lươn giống mới thả bị ảnh hưởng đến sức khỏe bởi quá trình tuyển chọn và vận chuyển nên lươn sử dụng thức ăn kém. Các tháng nuôi 7, 8, 9 lươn tăng trưởng đều về chiều dài nhưng tăng trưởng nhanh nhất về khối lượng, sang các tháng nuôi 10, 11 và 12 lươn có chiều hướng tăng trưởng chậm lại  cả vệ chiều dài và khối lượng đặc biệt là giai đoạn cuối tháng 11, đầu tháng 12. Nguyên nhân, do thời gian này nước sông thường xuyên đóng để sửa chữa nên việc thay nước gặp khó khăn và nhiệt độ nước xuống thấp, biến động thất thường làm lươn bị bệnh, giảm ăn dẫn đến hao hụt và tăng trưởng chậm.
- Tỷ lệ sống của lươn đạt 60%, tỷ lệ sống của lươn đạt thấp là do trong quá trình nuôi lươn có hiện tượng hao hụt tự nhiên đặc biệt giai đoạn nuôi từ tháng 10 - 12, lươn có hiện tượng bị bệnh nên hao hụt nhiều, việc trị bệnh có măng lại hiệu quả nhưng số lượng lươn hao hụt khá lớn đã làm giảm tỷ lệ sống của quá trình nuôi.
3.3. Phòng và trị bệnh cho lươn:
Trong quá trình nuôi nhóm thực hiện chuyên đề đã thực hiện tốt công tác phòng bệnh cho lươn như: Sử dụng Vitamin C, men tiêu hóa trộn vào thức ăn cho lươn ăn hàng ngày để tăng sức đề kháng và phòng bệnh cho lươn. Định kỳ 1 tháng/lần tẩy giun sán. Định kỳ 10 - 15 ngày tạt nước muối với nồng độ 3  hoà nước tạt để phòng bệnh cho lươn... Tuy nhiên, trong các nuôi 10, 11 và 12 lươn có hiện tượng bị bệnh xuất huyết, cơ thể lươn bị mất nhớt, đầu ngóc lên khỏi mặt nước, thân xuất hiện các nốt thâm đỏ như bị xuất huyết, ăn kém và có hiện tượng bỏ ăn dẫn đến chết rải rác.
Nguyên nhân: Do từ cuối tháng 9 sông cấp thường xuyên đóng nước dài ngày để sữa chữa dẫn đến nguồn nước cấp để thay cho lươn bị hạn chế, không đảm bảo chất lượng kết hợp thời gian này do ảnh hưởng của gió mùa, mưa bão, nhiệt độ nước xuống thấp đã làm ảnh hưởng đến sức khỏe lươn, dẫn đến lươn bị bệnh.
- Kết quả trị bệnh cho lươn:
+ Khi phát hiện lươn bị bệnh, cho lươn ngừng ăn, vệ sinh bể nuôi sạch sẽ, vớt bỏ những con bị chết ra khỏi bể và những con yếu chuyển tách riêng để trị bệnh riêng.
+ Sử dụng thuốc Enrofloxacin + Vitamin C + Men tiêu hóa bằng cách trộn vào thức ăn cho lươn ăn liên tục trong vòng 5 - 7 ngày.
+ Hàng ngày thay nước bể nuôi, dùng Iodin (30g/m3), nước muối (3‰) xen kẽ để tắm cho lươn và diệt khuẩn môi trường nước, vớt bỏ những con yếu, chết ra khỏi bể.
Kết quả sau 3 - 5 ngày trị bệnh, lươn khỏi bệnh, tỷ lệ khỏi bệnh đạt 70 - 75%. Mặc dù điều trị có hiệu quả nhưng lươn vẫn hao hụt lớn đã ảnh hưởng đến tỷ lệ sống, sản lượng, năng suất của vụ nuôi, đặc biệt là hao hụt vào cuối chu kỳ nuôi nên ảnh hưởng lớn đến hiệu quả kinh tế của vụ nuôi.
 
h6
Hình 6: Lươn bị bệnh xuất huyết
3.4. Thu hoạch.
Sau thời gian nuôi 9 tháng tiến hành thu hoạch lươn. Kết quả thu được như sau:
- Sản lượng thu hoạch đạt: 600 kg. Tỷ lệ sống đạt 60%.
- Kích cỡ lươn thu hoạch dao động từ 80 - 120 g/con, trung bình đạt 100 g/con.
- Sau khi thu hoạch tuyển lựa những con đạt trên 100 g/con để xuất bán, sản lượng xuất bán đạt 600 kg. Số còn lại kích cỡ dưới 100 g/con thả lại bể tiếp tục nuôi lớn để tuyển chọn làm đàn bố mẹ phục vụ nghiên cứu, sản xuất giống.
 
h7

Hình 7: Thu hoạch lươn thương phẩm
Qua kết quả thu hoạch cho thấy: Sau 9 tháng nuôi, lươn tăng trưởng ở mức khá, kích cỡ động từ 80 - 120 g/con (mục tiêu: 120 - 150 g/con), trung bình đạt 100 g/con., Tỷ lệ sống đạt (60%/kế hoạch 75 - 80%; Sản lượng đạt 600 kg/kế hoạch 1.200 - 1.500 kg. Lươn tăng trưởng và phát triển đều khi nhiệt độ môi trường nước ổn định, hao hụt chủ yếu ở giai đoạn các tháng nuôi cuối năm do biến động đột ngột, thường xuyên của nhiệt độ môi trường và nguồn nước thay định kỳ cho lươn không đảm bảo.
III. Kết luận.
- Chuyên đề đã được Trung tâm giống thủy sản Nghệ An triển khai thực hiện nghiêm túc, cơ bản đáp ứng được nội dung, mục tiêu và tiến độ đề ra. Thông qua việc thực hiện đã sản xuất được 600 kg lươn thương phẩm, kích cỡ trung bình 100 g/con, tỷ lệ sống đạt 60%, năng suất đạt 12 kg/m2 bể.
- Đã xây dựng, hoàn thiện được quy trình kỹ thuật nuôi thương phẩm lươn đồng mật độ cao trong bể xi măng phù hợp với điều kiện Nghệ An để tập huấn, chuyển giao nhân rộng cho người dân trên địa bàn, phát triển phong trào nuôi.
- Đào tạo được 3 cán bộ kỹ thuật nắm vững, vận hành thành thạo quy trình kỹ thuật nuôi thương phẩm lươn đồng mật độ cao trong bể xi măng.
Qua kết quả của chuyên đề khẳng định được việc nuôi thương phẩm lươn đồng trong bể xi măng thích nghi tốt với môi trường nuôi, sinh trưởng, phát triển khá nhanh, cho hiệu quả kinh tế khá cao, là đối tượng thích hợp để tận dụng diện tích, thời gian nhàn rỗi và tăng thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện kinh tế cho người dân, bổ sung thêm một đối tượng nuôi nước ngọt có giá trị kinh tế tại Nghệ An. Tuy nhiên, để mang lại hiệu quả cao hơn khi nuôi thương phẩm lươn đồng trong bể tại Nghệ An cần:
+ Có giải pháp để chủ động được nguồn lươn giống sinh sản bán nhân tạo đảm bảo số lượng, chất lượng cung cấp cho phong trào nuôi.
+ Bố trí thời gian thả giống hợp lý để căn mùa vụ thu hoạch có nhu cầu thị trường cao, giá bán cao nhằm mang lại hiệu quả kinh tế của vụ nuôi./.
TRUNG TÂM GIỐNG THỦY SẢN NGHỆ AN

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Bạn muốn biết thông tin về sản phẩm tôm giống của trung tâm?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập19
  • Hôm nay4,424
  • Tháng hiện tại134,602
  • Tổng lượt truy cập10,411,994
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây