Địa điểm nuôi cá rô đồng thương phẩm phải phù hợp với quy hoạch nuôi trồng thủy sản của địa phương hoặc đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Cơ sở nuôi phải tách biệt với khu dân cư, nhà máy, bệnh viện, có hệ thống cấp nước không bị ô nhiễm đảm bảo tiêu chuẩn cho nuôi trồng thủy sản.
Có nguồn điện lưới ổn định hoặc máy phát có công suất phù hợp.
Giao thông đi lại thuận tiện để vận chuyển giống, thức ăn, tiêu thụ sản phẩm và thông tin tuyên truyền.
Có ao chứa, lắng diện tích bằng 1/2 – 1/3 diện tích ao nuôi.
Khu chứa nguyên liệu có mái che, khô ráo, thông thoáng, phải riêng biệt cho từng loại nguyên vật liệu: có kho chứa thức ăn, thuốc hóa chất, chế phẩm sinh học.
Ao nuôi có diện tích thích hợp từ 3.000 – 5.000 m2; Ao chứa diện tích từ 1.000 – 1.500 m2; Ao xử lý diện tích từ 1.500 – 2.000 m2. Hệ thống cống hoặc ống dẫn cấp và thoát nước riêng biệt. Không có cống thông giữa các ao nuôi.
Bờ ao vững chắc, không sạt lở, không hang hốc, không rò rỉ, cao hơn mức nước cao nhất 0,5 m để đảm bảo không bị ảnh hưởng bởi lũ lụt.
Đáy ao bằng phẳng, hơi dốc về phía cống thoát để thuận lợi khi thu hoạch và công tác cải tạo ao.
Mực nước ao sâu 1,2 – 1,5 m. Trước khi thả cá, ao phải được bơm cạn nước, bắt hết cá tạp, lấp hang hốc, nạo vét bùn đáy ao nhưng còn chừa lại lớp bùn dày 15 – 20 cm; vệ sinh sạch cây cỏ quanh bờ ao; bón vôi 7 – 10 kg/100 m2. Sau khi phơi ao từ 3 – 5 ngày, tiến hành lấy nước vào 1/3 ao. Khoảng 7 – 10 ngày trước khi thả giống cần tiến hành gây màu nước.
Người nuôi cần đảm bảo các chỉ tiêu môi trường ao nuôi trước khi thả giống: Nhiệt độ thích hợp nhất cho cá phát triển là 25 – 300C; pH thích hợp từ 6,5 – 8,5; Hàm lượng ôxy hòa tan (DO): Cá rô đồng là một trong những loài có khả năng chịu DO ở ngưỡng thấp. Tuy nhiên DO thích hợp cho cá phát triển 3 – 5 mg/lit và nếu DO xuống thấp sẽ ảnh hưởng nhiều tới sinh trưởng phát triển của cá.
Cá rô giống khi thả có kích thước 5 – 6 cm, trọng lượng trung bình 250 – 300 con/kg. Con giống có nguồn gốc rõ ràng, được sản xuất tại cơ sở sản xuất giống đủ điều kiện. Được kiểm dịch đầy đủ theo quy định, đảm bảo chất lượng theo TCVN. Cá có ngoại hình cân đối, màu sắc tươi sáng, cá khỏe mạnh, hoạt động nhanh nhẹn, phản ứng nhanh với tiếng động, không xây xát, vây vẩy hoàn chỉnh, không mất nhớt, không dị hình, không mầm bệnh, kích cỡ đồng đều.
Cá rô đồng dễ nuôi, cho hiệu quả cao. Ảnh: Dunia-perairan
Mật độ nuôi khoảng 30 – 40 con/m2, tùy theo điều kiện cụ thể của từng ao như. Cá có thể thả nuôi quanh năm nếu chủ động được nước và con giống. Khi thả cá, nên thả cá vào ao nuôi lúc sáng sớm (6 – 7 giờ) hay chiều mát (16 – 18 giờ) nhằm tránh nhiệt độ cao của môi trường sẽ ảnh hưởng xấu đến cá do cá bị mệt trong quá trình vận chuyển. Nếu vận chuyển cá bằng bao nilon có bơm ôxy, trước khi thả cá ra, thả bao nilon trên mặt nước 10 – 15 phút tạo cân bằng nhiệt độ nước bên trong bao và ngoài ao nuôi tránh cá bị sốc do chênh lệch nhiệt độ. Khi thả, mở miệng bao cho cá ra từ từ. Nếu vận chuyển bằng phương tiện hở như thau, xô… trước khi thả cho nước vào từ từ đến khi nước ngập đầy dụng cụ chứa, cho cá tự bơi ra đến hết.
Sử dụng thức ăn công nghiệp cho cá rô đồng. Nên chọn loại viên nổi không tan trong nước để hạn chế sự thất thoát thức ăn và ô nhiễm ao nuôi, giai đoạn đầu sử dụng thức ăn cao đạm 30 – 35%, khi cá lớn (trên 100 g/con) cho ăn thức ăn có độ đạm 20 – 25%.
Tùy thuộc kích cỡ cá, giai đoạn sinh trưởng thì số lần, lượng thức ăn, cỡ viên thức ăn theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Thời gian, số lần cho ăn, loại thức ăn (cho ăn 2 lần/ngày vào buổi sáng lúc 7 – 8 giờ và buổi chiều lúc 16 – 17 giờ).
Không sử dụng hormone và chất kích thích tăng trưởng trong quá trình nuôi.
Thường xuyên kiểm tra cống, lưới bao quanh bờ ao nếu rách phải tu sửa ngay, đặc biệt chú ý vào giai đoạn mang trứng cá có thể dùng nắp mang leo lên bờ thoát ra ngoài.
Cần theo dõi diễn biến thời tiết, khi có thay đổi cần giảm lượng thức ăn, cấp thêm nước hoặc thay nước để hạn chế cá nổi đầu.
Thường xuyên kiểm tra, theo dõi, có biện pháp duy trì ổn định một số yếu tố môi trường nằm trong ngưỡng cho phép: nhiệt độ, pH, hàm lượng ôxy hòa tan…
Duy trì ổn định hàm lượng ôxy hòa tan trong nước, trong ao bố trí 1 – 2 máy quạt nước hoặc máy sục khí. Vào những ngày không có nắng, cần tăng thời gian vận hành máy. Những ngày nhiều gió, có thể giảm thời gian vận hành nhằm tiết kiệm năng lượng.
Trong tháng nuôi đầu cần lấy dần nước vào ao để đạt độ sâu 1,5 m nước trở lên. Từ tháng thứ 3 trở đi thay từ 1/3 – 1/2 lượng nước với tần suất 4 lần/tháng. Định kỳ 2 tuần/1 lần bón vôi 1 – 2 kg/100 m3 nước.
Định kỳ sử dụng chế phẩm sinh học. Thời gian và liều lượng theo hướng dẫn nhãn mác trên bao bì của nhà sản xuất.
Bổ sung thêm men tiêu hóa, vitamin (đặc biệt là Vitamin C), các chất kích thích miễn dịch để tăng khả năng tiêu hóa, tăng sức đề kháng, tăng trưởng nhanh, chống chịu tốt với các điều kiện bất lợi của môi trường.
Định kỳ 15 ngày sát khuẩn nước ao nuôi, sử dụng một trong các loại thuốc diệt khuẩn như: thuốc tím, Iodine hoặc các loại thuốc sát khuẩn nước khác theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Nếu nước ao bị nhiễm bẩn, màu đậm, cần phải thay bớt 30% nước cũ, cấp thêm nước mới. Thường xuyên quan sát hoạt động bơi lội và khả năng bắt mồi của cá. Nếu thấy bất thường cần có biện pháp xử lý cho phù hợp.
Lê Loan
Nguồn tin: thuysanvietnam.com.vn
Ý kiến bạn đọc