Nuôi tôm công nghệ cao: Đầu tư kỹ thuật quản lý môi trường

Thứ ba - 29/08/2023 05:29 361 0

Thực trạng thủy lợi còn hạn chế ở Bạc Liêu

Tỉnh Bạc Liêu đang tập trung thực hiện Đề án xây dựng trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Ngô Nguyên Phong cho biết, hạ tầng thủy lợi còn nhiều hạn chế, cần giải pháp tháo gỡ. Hiện trạng hạ tầng thủy lợi ở Bạc Liêu có hệ thống đê biển, đê sông và bờ bao ngăn mặn dài 3.370 km; gồm 33 tuyến kênh trục và kênh cấp I, 481 tuyến kênh cấp II; 192 cống, bọng; 47 trạm bơm điện và 269 ô thủy lợi khép kín (mỗi ô 30 – 70 ha).

Khái quát vấn đề môi trường trong nuôi tômẢnh: Theo tài liệu của TS Nguyễn Thanh Tùng

Hệ thống thủy lợi hỗ trợ cho Bạc Liêu đạt 388.600 tấn thủy sản nuôi trồng vào năm 2022, tăng 84,36% so năm 2017; trong đó sản lượng tôm nuôi 224.697 tấn, tăng 93,1%. Nuôi tôm ở Bạc Liêu có 4.607 ha siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao, 72.312 ha quảng canh cải tiến, 41.541 ha tôm – lúa.

Nuôi tôm siêu thâm canh tăng mạnh trong giai đoạn 2017 – 2023. Năm 2017 và chỉ trong 6 tháng đầu năm 2023: diện tích 164 ha lên 3.478 ha, sản lượng 3.807 tấn lên 23.774 tấn. Số tổ chức, cá nhân nuôi tôm siêu thâm canh từ 5 tổ chức và 5 hộ lên 25 tổ chức và 832 hộ.

Tuy nhiên, ông Phong cũng chia sẻ, hệ thống hạ tầng thủy lợi còn nhiều hạn chế cho nuôi tôm siêu thâm canh. Bạc Liêu có Tiểu vùng sinh thái mặn phía Nam QL 1A và Tiểu vùng sinh thái ngọt, lợ phía Bắc QL 1A. Ở Tiểu vùng phía Nam: Chưa có công trình điều tiết hoặc kiểm soát mặn nên độ mặn vào mùa khô tăng cao; chức năng cấp – thoát kết hợp của hệ thống kênh không hoàn chỉnh và đồng bộ; môi trường nước luôn tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm. Còn ở Tiểu vùng phía Bắc: 21 cống ngăn mặn chưa đủ khả năng kiểm soát tốt nước mặn và nhiều khi thiếu nước mặn nuôi tôm.

Giải pháp theo ông Phong là đầu tư hệ thống thủy lợi phù hợp với đặc điểm 2 Tiểu vùng sinh thái. Yêu cầu chung là có hệ thống cấp – thoát nước riêng; có công nghệ xử lý nước thải, chất thải.

Nuôi tôm siêu thâm canh thải ra môi trường khối lượng nước rất lớn

Thực trạng môi trường gây rủi ro rất lớn trong quá trình nuôi tôm

Để phát triển bền vững

TS Nguyễn Thanh Tùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu NTTS II cho rằng: “Vấn đề bảo vệ môi trường trong nuôi tôm ở ĐBSCL cần được tập trung giải quyết, xử lý triệt để thì mới có thể đảm bảo được sự phát triển bền vững”.

Ông phân tích các hình thức nuôi tôm công nghệ cao ở ĐBSCL hiện nay. Hình thức nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao phổ biến ở ĐBSCL là nuôi tôm ao bạt. Ao đất lót bạt HDPE và khung sắt lót bạt, có công trình phụ trợ chứa nước, lắng nước, xử lý nước và chất thải chiếm 85 – 90% diện tích; diện tích nuôi tôm chiếm 10 – 15%. Mật độ nuôi 200 – 500 con/m2, năng suất 30 – 80 tấn/ha/vụ (tính trên diện tích nuôi). Mỗi ao 500 – 1.000 m2. Ưu điểm là tỷ lệ thành công hơn 95%; giúp giải quyết được các vấn đề về thời tiết, biến đổi khí hậu cũng như nguồn nước.

Mô hình nuôi tôm trong nhà màng cho tôm sạch, có thể truy xuất nguồn gốc từ tôm bố mẹ, tôm giống và thức ăn. Chủ động kiểm soát nhiệt độ; nguồn nước tự nhiên sau khi lắng, lọc đưa vào ao nuôi, giảm sự lây lan dịch bệnh đến 70%. Hạn chế là đầu tư khá nhiều về vốn; cần nằm trong vùng quy hoạch cách xa khu dân cư hoặc khu công nghiệp, vùng nuôi phải có điện lưới ổn định và giao thông thuận tiện.

Nuôi tôm 2 giai đoạn có ưu điểm là giảm tác động của thời tiết và môi trường bên ngoài, hạn chế tôm chết trong 20 ngày đầu, dùng chế phẩm sinh học và không sử dụng hóa chất. Nhược điểm là chi phí đầu tư ban đầu lớn. Nuôi tôm 3 giai đoạn quản lý được môi trường nước, thức ăn, theo dõi chặt quá trình phát triển của tôm; sử dụng men vi sinh, không hóa chất và kháng sinh, tăng năng suất. Hạn chế cũng là chi phí đầu tư khá cao.

Nuôi tuần hoàn RAS là nuôi khép kín với môi trường được kiểm soát chặt chẽ trong các bể. Nước chỉ lấy một lần, lọc sạch dựa trên công nghệ lọc sinh học kết hợp cơ học và hệ thống xử lý chất thải hiện đại, sau đó tái sử dụng liên tục. Công nghệ RAS đã ứng dụng rộng rãi tại các nước phát triển. Hạn chế là chi phí đầu tư cao, từ 200 – 500 triệu/hệ thống nuôi tôm thẻ chân trắng.

Nuôi Biofloc có ưu điểm lớn nhất là thân thiện với môi trường vì đặc tính ứng dụng sinh học. Cốt lõi của công nghệ này là tạo và duy trì các hạt floc lơ lửng trong ao, khi đạt mật độ nhất định chúng sẽ xử lý chất thải hữu cơ và trở thành thức ăn tự nhiên cho tôm. Nên giảm giá thành sản xuất, bảo vệ môi trường nước, hạn chế dịch bệnh.

Để hướng tới nuôi tôm công nghệ cao bền vững, theo TS Nguyễn Thanh Tùng là phải đầu tư kỹ thuật đồng bộ. Cần quy hoạch vùng nuôi tập trung, có lưới điện ổn định, nguồn nước không ô nhiễm và cơ sở nuôi phải có hệ thống ao chứa, xử lý chất thải, nước thải. Điều kiện đủ là tổ chức nuôi phù hợp, liên kết với đầu vào và đầu ra, người nuôi có kỹ thuật.

Còn PGS.TS Nguyễn Phú Quỳnh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi miền Nam cho rằng, giải pháp môi trường phát triển bền vững ngành tôm đang đặt ra cho các địa phương cần phải quy hoạch lại vùng nuôi cũng như ưu tiên nguồn vốn đầu tư cho hệ thống thủy lợi nhằm cải tiến môi trường nước, giúp hoạt động nuôi tôm đạt hiệu quả cao hơn. Việc đầu tư đủ hệ thống kênh dẫn nước, nhất là kênh cấp 1, cấp 2, kênh thoát nước khép kín trong vùng nuôi là hết sức quan trọng. Các công trình hạ tầng thủy lợi phải đảm bảo tính đa mục tiêu, đảm bảo nuôi trồng thủy sản, đảm bảo xử lý nước thải, chất thải rắn bảo vệ môi trường trong vùng nuôi tôm. Đặc biệt, để đảm bảo môi trường nuôi tôm cần phải có kênh cấp nước và kênh thoát nước riêng.

Nuôi tôm cân bằng môi trường của Minh Phú

Ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú giới thiệu giải pháp nuôi tôm theo công nghệ vi sinh để có kết quả giá thành thấp, lợi nhuận cao và nhất là cân bằng môi trường.

Cụ thể như công nghệ nuôi Artemia sinh khối ở giai đoạn ương tôm kết hợp với tảo khuê giúp tăng hệ miễn dịch cho tôm. Artemia là một loại ấu trùng có chứa nhiều axit amin, axit béo, chất khoáng, đạm, vì thế rất cần thiết trong sản xuất tôm giống và trong giai đoạn ương tôm để tăng sức đề kháng. Minh Phú cung cấp tảo khuê cho bà con nuôi tôm để phòng và trị các bệnh liên quan Vibrio, tăng hệ miễn dịch cho tôm.

Ảnh: PTC

Công nghệ tự sản xuất chế phẩm sinh học tại farm, chế phẩm sinh học men yếm khí. Áp dụng quy trình lên men thức ăn: thức ăn sau khi phun vi sinh sẽ được bọc kín để lên men tối thiểu 12 giờ và tối đa 36 giờ. Thức ăn này giúp tăng tỷ lệ hấp thụ thức ăn cho tôm, làm giảm FCR và ngăn ngừa các bệnh đường ruột phân trắng.

Công nghệ Nano và thảo dược ức chế bệnh EHP. Giám sát tăng trưởng của tôm bằng thùng TOMOTA S3 và giám sát môi trường ao nuôi bằng hộp TOMOTA A3 trên điện thoại thông minh kết hợp với phần mềm giúp người nuôi xác định được cỡ tôm, số lượng, trọng lượng, chiều dài, ruột/gan tôm. Từ đó, xác định được sự phát triển của tôm để cho ăn hợp lý, đồng thời dự đoán được bệnh tôm để xử lý kịp thời.

Công nghệ sản xuất vi sinh quang hợp (còn gọi là Rhodo hay vi sinh thối) bằng công nghệ đèn LED. Công nghệ vi sinh hiếu khí để ức chế Vibrio và dưỡng tảo, giúp hạn chế thay nước từ 5 – 10%.

Đồng thời là hoàn thiện quy trình nuôi: Xây dựng các quy trình nuôi tối ưu giá thành thấp cho từng mô hình như: tôm sú – rừng, tôm sú quảng canh, tôm sú bán thâm canh, tôm sú – lúa, tôm sú thâm canh, tôm thẻ chân trắng thâm canh và siêu thâm canh công nghệ cao. Quy hoạch những vùng nuôi tập trung lớn có kênh cấp – thoát nước riêng, hạ tầng giao thông/điện/nước hoàn chỉnh.

Mục tiêu cân bằng môi trường là bao trùm, nên thả nuôi mật độ vừa phải, vừa sức tải môi trường. Kết quả là giảm chi phí đầu tư cố định cho vùng nuôi, đạt hiệu quả cao.

Sáu Nghệ

Ông Trần Đình Luân,
Cục trưởng Cục Thủy sản

Các địa phương phải rà soát lại các khu vực nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm để có kế hoạch xây dựng các dự án đầu tư nhằm nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng được tốt hơn. Bên cạnh đầu tư của Nhà nước, việc kêu gọi đầu tư của người dân và doanh nghiệp cũng rất cần thiết. Tuân thủ các quy định quản lý môi trường trong quá trình nuôi để đảm bảo không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh là rất quan trọng. Ý thức quản lý của từng chủ trang trại/hộ nuôi tôm được nâng cao sẽ góp phần đảm bảo cho môi trường vùng nuôi được an toàn, bền vững hơn. Việc tuân thủ các quy trình kỹ thuật từ con giống có chất lượng, mật độ nuôi phù hợp, đến quá trình chăm sóc thật tốt để giảm tối đa rủi ro đối với người nuôi cũng rất cần thiết.

TS Nguyễn Thanh Tùng,
Viện trưởng Viện Nghiên cứu NTTS II

Trước mắt, tăng cường quan trắc giám sát môi trường; xây dựng cơ sở hạ tầng cấp – thoát nước phù hợp; tạo vùng đệm xen kẽ với vùng nuôi như trồng rừng, thảm thực vật; quy hoạch vùng nuôi tách biệt về an toàn sinh học. Về lâu dài, bảo vệ tốt môi trường trong từng ao nuôi, cách ly an toàn sinh học để ít bị tác động bên ngoài; ứng dụng khoa học công nghệ vào nuôi tôm để bảo vệ tốt môi trường. Các cơ quan chuyên môn hỗ trợ kỹ thuật kịp thời cho người nuôi tôm.

Nguồn tin: thuysanvietnam.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Bạn muốn biết thông tin về sản phẩm tôm giống của trung tâm?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập20
  • Hôm nay6,449
  • Tháng hiện tại144,241
  • Tổng lượt truy cập10,421,633
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây