Người dân thu tỉa tôm nuôi trên cát
Theo phản ánh của các hộ nuôi trồng thuỷ sản trên đầm phá ở xã Quảng Công (Quảng Điền), thời gian gần đây, môi trường vùng đầm phá có nhiều thay đổi, bất lợi cho các loài thuỷ sản nuôi nước lợ. Có những lúc nắng nóng cao điểm, kèm theo các yếu tố môi trường thay đổi đột ngột, phức tạp làm thuỷ sản bị yếu, mất sức đề kháng. Một số ao hồ xảy ra hiện tượng thuỷ sản nuôi dịch bệnh, chết rải rác.
Ông Võ Kháng ở thôn Hải Thế, xã Phong Hải (Phong Điền) rất lo ngại trước diến biến thời tiết thất thường đã ảnh hưởng rất lớn đến nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát ven biển. Từ nhiều vụ trở lại đây, nhiều ao hồ vừa xuống giống gặp thời tiết bất lợi khiến tôm bị dịch bệnh, chết hàng loạt.
Thua lỗ kéo dài, nhiều hộ nuôi tôm không có khả năng đầu tư nên bỏ hoang ao hồ. Một số hộ chuyển sang nuôi cá kình và một số loại cá nước lợ cũng khá bấp bênh. Nắng nóng, thời tiết phức tạp trong thời gian qua cũng khiến các loại cá nuôi kém sinh trưởng, tỷ lệ hao hụt khá cao.
Cán bộ kiểm tra môi trường nước đầm phá
Phó Chủ tịch UBND xã Phong Hải, ông Nguyễn Trọng Tưởng chia sẻ, trong điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, môi trường không thuận lợi, chính quyền địa phương không khuyến khích người dân nuôi tôm thẻ chân trắng trong vụ hè bằng mọi giá nhằm tránh thiệt hại, thua lỗ.
Riêng một số hộ quyết tâm nuôi tôm vụ hè, địa phương khuyến cáo phải chấp hành quy định, đảm bảo quy trình, kỹ thuật theo sự hướng dẫn của ngành thuỷ sản. Chính quyền địa phương cũng đang phối hợp với các ban, ngành, đặc biệt là ngành thuỷ sản tổ chức nghiên cứu, tìm giải pháp thích hợp để giúp dân đầu tư nuôi tôm trên cát và các loại thuỷ sản phù hợp theo hướng an toàn, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng phức tạp, khó lường.
Bà Phan Thị Thu Hồng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản tỉnh thông tin, mặc dù nhiệt độ nước ở mức cao, nhưng các vùng nuôi cá nước ngọt bằng lồng trên sông Bồ tại khu vực xã Quảng Thọ (Quảng Điền) và sông Đại Giang thuộc khu vực xã Thủy Tân (TX. Hương Thuỷ) tính đến ngày 25/6 đều có các yếu tố môi trường phù hợp với thủy sản nuôi. Đặc biệt, hàm lượng o-xy hòa tan đạt ngưỡng trên 6,5 mg/lít, cho thấy các dòng sông này có dòng chảy khá tốt, vùng nuôi có môi trường thông thoáng để trao đổi nước.
Độ mặn trong tháng 6 ở các điểm cấp nước vùng nuôi trồng thủy sản diễn biến thất thường. Tại phía bắc phá Tam Giang có độ mặn tăng so với tháng 5, nhưng lại giảm ở các vùng nuôi phía nam phá Tam Giang và đầm Cầu Hai. Tuy nhiên, đánh giá chung thì độ mặn toàn vùng đầm phá dao động từ 7-20‰ là phù hợp để nuôi chuyên tôm và xen ghép các đối tượng nước lợ như tôm, cua, cá. Các địa phương, khu vực vùng đầm phá có độ mặn thấp dưới 10‰ cần thả giống tôm đã qua ương dưỡng 30-45 ngày để đảm bảo tỷ lệ sống và đạt kích cỡ thu hoạch trước mùa mưa bão.
Tuy nhiên, thời gian qua trên địa bàn tỉnh xảy ra những đợt nắng nóng cao điểm, nhiệt độ nước đo được tại nhiều điểm cấp nước phục vụ nuôi trồng thủy sản vào 2 ngày 13 – 14/6 ở mức cao trên 32oC. Như vậy, nhiệt độ trong ao nuôi có thể ở mức rất cao trên 34oC nên dễ xảy ra hiện tượng tôm, cá bỏ ăn và phát bệnh. Chi cục Thuỷ sản khuyến cáo, bà con cần theo dõi thường xuyên, tích cực để điều chỉnh hàm lượng, cân đối thức ăn trong ngày phù hợp với đặc điểm bắt mồi của từng đối tượng nuôi.
Đối với các điểm có giá trị độ pH trong môi trường tự nhiên khá cao (dao động 8,2 – 8,4), như điểm cấp nước tập trung tại vùng nuôi trồng thủy sản các xã Phú Đa, Vinh Thanh (Phú Vang), các xã Giang Hải, Vinh Hiền (Phú Lộc), Phong Hải, Điền Hương (Phong Điền), các hộ nuôi cần bón vôi dolomite, canxi cacbonat, các loại men vi sinh theo định kỳ khi lấy nước vào ao để duy trì mật độ tảo và ổn định giá trị pH từ 8 – 8,3. Người dân lưu ý luôn đảm bảo đo giá trị độ pH giữa buổi sáng và buổi chiều không dao động quá 0,3 đơn vị.
Tại điểm cấp nước vùng ven biển xã Điền Hương, hàm lượng tổng chất rắn lơ lửng (TSS) đạt 90,6 mg/lít, gần vượt ngưỡng giới hạn cho phép. Vì vậy, bà con lưu ý lấy nước qua ao lắng lọc, kiểm tra độ pH trong ao nuôi thường xuyên để định kỳ 7-10 ngày bón vôi cho ao nuôi. Đồng thời, cần gom tụ chất thải và loại bỏ chất thải ra khỏi ao nuôi, quản lý tốt thức ăn, màu nước và các yếu tố môi trường ổn định đảm bảo không bị biến động lớn trong ao nuôi.
Tại điểm cấp nước các xã Vinh Hưng, Giang Hải có nồng độ phốt phát đạt 0,2 – 0,3 mg/lít, vượt quá ngưỡng giới hạn cho phép trong nuôi trồng thủy sản. Đây là hiện tượng phú dưỡng nên bà con lưu ý khi lấy nước vào ao nuôi, có biện pháp khống chế mật độ tảo phát triển mạnh, duy trì độ trong ở mức phù hợp 30 – 40cm; định kỳ bón vôi, các loại men vi sinh để duy trì màu nước, môi trường ổn định.
Qua kiểm tra chất lượng, mẫu nước thải khu vực nuôi trồng thủy sản tập trung tại huyện Phong Điền và khu vực nuôi tôm chân trắng trên cát xã Vinh An (Phú Vang) đều có các thông số pH, BOD5, TSS, coliform nằm trong giới hạn cho phép để nuôi trồng thủy sản. Chi cục Thuỷ sản yêu cầu, các cơ sở nuôi thủy sản trên cát ven biển thực hiện nghiêm túc các quy định về xử lý nước thải nhằm đảm bảo an toàn môi trường trước khi xả thải ra môi trường bên ngoài ao hồ.
Nguồn tin: thuysanvietnam.com.vn
Ý kiến bạn đọc