Báo cáo tổng kết hàu cửa sông

Thứ tư - 29/12/2021 20:37 1.062 0
Báo cáo tổng kết hàu cửa sông
ĐẶT VẤN ĐỀ
Hiện nay cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nghề nuôi trồng thủy sản nói chung thì nhóm các loài nhuyễn thể hai mãnh vỏ được xác định là đối tượng nuôi phổ biến ở nước ta do những lợi ích về mặt kinh tế, với điều kiện tự nhiên và sự đa dạng phong phú hệ sinh thái bao gồm nước mặn, ngọt và lợ nên rất thích hợp cho các loài nhuyễn thể sinh sống và phát triển trong đó Hàu Cửa Sông Crassostrea rivularis là loài rất được người nuôi quan tâm vì chúng có giá trị kinh tế và dinh dưỡng cao. So với các loài nhuyễn thể hai mãnh vỏ khác thì Hàu Cửa Sông được đánh giá không chỉ có giá trị về mặt dinh dưỡng mà theo y học cổ truyền thịt của nó là một vị thuốc tiêu nhiệt, tăng cường sinh lực cho cơ thể, chữa các bệnh ra mồ hôi trộm và đau dạ dày. Ngoài ra Hàu Cửa Sông còn là đối tượng thủy sản có khả năng lọc nước, làm sạch môi trường đầm phá, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho ngư dân nên nhu cầu nuôi Hàu Cửa Sông của người dân ngày càng nhiều.
Ở Việt Nam Hàu Cửa Sông được đánh giá như loài nuôi mới, dễ nuôi, chi phí thấp và mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp tăng thu nhập cho người dân. Với những tiềm năng đó thì ngày nay việc nhân rộng nhóm các loài nhuyễn thể hai mãnh vỏ nói chung và nghề nuôi Hàu Cửa Sông nói riêng ở các vùng cửa sông phát triển không những đã góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm cho phần lớn lao động địa phương mà còn giúp cải thiện môi trường sinh thái nhờ vào khả năng lọc sinh học, làm sạch hữu cơ và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên do Hàu Cửa Sông không phải là loài bản địa nên việc nuôi thương phẩm hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn giống nhân tạo, chính vì vậy việc nghiên cứu hoàn thiện quy trình sản xuất và ương nuôi giống giữ vai trò hết sức quan trọng góp phần thúc đẩy nghề nuôi Hàu Cửa Sông ở nước ta phát triển mạnh, tạo ra được nguồn giống đủ về số lượng và chất lượng.
Nghệ an là tỉnh có tiềm năng về nuôi trồng thủy sản với diện tích nuôi mặn lợ khoảng 2.700 ha, trong những năm qua một số hộ dân khu vực ven sông, lạch đã bắt đầu nuôi Hàu thương phẩm trong đó có Hàu Cửa Sông và đạt được một số kết quả đáng kể. Tuy nhiên một trong những khó khăn lớn của nghề nuôi Hàu Cửa Sông hiện nay tại Nghệ An là chưa có quy trình kỹ thuật nuôi hoàn chỉnh, con giống từ sinh sản nhận tạo chưa nhiều, chủ yếu phụ thuộc vào nguồn cung cấp con giống từ các vùng lân cận nên gặp rất nhiều khó khăn. Xuất phát từ những nhu cầu thực tế trên nhằm đáp ứng cũng như chủ động tạo ra được nguồn giống chất lượng phục vụ phong trào nuôi Trung tâm giống thủy sản Nghệ An triển khai thực hiện chuyên đề: “Ứng dụng tiến bộ KHCN xây dựng, hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất giống Hàu Cửa Sông (Crasostrea rivularis ) trong điều kiện khí hậu tại Nghệ An”. Thành công của chuyên đề sẽ hoàn thiện được quy trình sản xuất giống đồng thời ứng dụng vào sản xuất thực tế nhằm tạo ra con giống có chất lượng phục vụ nhu cầu nuôi thương phẩm của người dân, ngoài ra việc ứng dụng quy trình công nghệ để sản xuất thành công đối tượng giống Hàu Cửa Sông không những góp phần đa dạng hóa đối tượng nuôi theo chủ trương định hướng chung của ngành mà còn góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ổn định hệ sinh thái, giúp cho nghề nuôi trồng thủy sản phát triển theo hướng bền vững, góp phần chuyển đổi đối tượng sản xuất tại các khu vực nuôi tôm khó khăn, tạo việc làm và tăng thu nhập cho bà con nuôi thủy sản ven biển tại Nghệ An.

PHẦN I - TỔNG QUAN VỀ ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU
1.1. Hệ thống phân loại:
1.1.1. Đặc điểm phân loại và hình thái cấu tạo:
- Vị trí phân loại:
Ngành: Molusca
                  Lớp: Bivalvia
                              Bộ: Ostreida
                                          Họ: Ostreidae
                                                      Giống: Crassostrea
                                                                  Loài: Crassostrea rivularis Gould, 1861
- Đặc điểm hình thái cấu tạo:

Hình 1: Cấu tạo Hàu Cửa Sông C. rivularis
Theo nghiên cứu của Wang và cộng sự (2004) thì Hàu Cửa Sông C. rivularis được chia thành hai loại dựa vào màu sắc của thịt đó là Hàu thịt đỏ và Hàu thịt trắng. Sau khi lật lớp áo lên, nhìn thấy bốn dãy ống nước của mang, mép áo màu tím đen (hình 1).
Vỏ của Hàu Cửa Sông C. rivularis có hình dạng thon dài, vỏ trái (vỏ trên) có hình chén sâu còn vỏ phải hình dạng hơi lồi. Vỏ trái lớn hơn và dày hơn vỏ phải, vỏ phải (vỏ dưới) tương đối nhẵn với các lớp phức tạp bao gồm các lớp mỏng trùm lắp lên nhau, dễ vỡ và đồng tâm. Không có các gân phóng xạ lồi ra từ bề mặt của mỗi thành vỏ.
Màu sắc của vỏ Hàu Cửa Sông C. rivularis thay đổi từ trắng, xám nhạt, xám, vàng hoặc vàng nhạt đến tía, các lớp mỏng gần mép thường có màu tối hơn và các lớp mỏng gần mấu lồi bị bào mòn và có màu trắng, mấu lồi và dây chằng là thấy rõ ràng và có màu vàng nâu. Mặt trong của vỏ có màu trắng, sáng với sợi cơ khép vỏ hình chữ D hoặc hình quả thận nằm gần ở giữa có màu cũng thay đổi từ vàng nhạt, nâu đến đen.
1.2. Đặc điểm phân bố:
Hàu Cửa Sông Crassostrea rivularis Gould, 1861 thuộc ngành Thân mềm Mollusca, lớp Hai mảnh vỏ Bivalvia. C. rivularis lần đầu tiên được mô tả bởi Gould 1861 dựa vào một mẫu vật thu thập được ở phía Nam Trung Quốc và sau đó nó được sử dụng để mô tả Hàu ở Nhật Bản và Trung Quốc.
Việt Nam Hàu Cửa Sông phân bố rất rộng rãi, tập trung ở một số tỉnh thuộc Miền Trung, Việt Nam như: Quảng Ninh, Quảng Bình; Gio Linh, Quảng Trị; Phú Lộc, Thừa Thiên Huế; Thành phố Đà Nẵng; Duy Xuyên, Quảng Nam và Núi Thành, Quảng Nam. Hầu hết các cửa sông có vật bám là thấy có Hàu Cửa Sông, chúng thường hình thành những bãi u rất lớn có khi dài hàng chục cây số như ở sông Bạch Đằng, sông Chanh và các sông lân cận. Vì vậy Hàu Cửa Sông là loại Hàu chiếm sản lượng chủ yếu ở nước ta. Sản lượng hàng năm có thể tới hàng trăm tấn cả vỏ, khai thác Hàu Cửa Sông là nghề sống chủ yếu của nhân dân các bãi Hàu.
Trong các loài Hàu nuôi trên thế giới, Hàu Cửa Sông cùng với Hàu ống là hai loại Hàu lớn hơn cả, con to nhất của Hàu Cửa Sông tới hơn 40cm. Hàu Cửa Sông sống trong vùng nước lợ, tính thích ứng với độ muối rộng, có khi sống được ở trong nước có độ muối từ 1 – 30‰ nhưng thích hợp nhất là 10 – 23‰. Chúng có thể phân bố từ tuyến triều cao cho tới độ sâu 10m, nhưng nhiều nhất và thường lớn nhất ở phạm vi 5 – 7m. Hiện tượng quần tập rất phổ biến, chúng thường kín vật bám và nhiều khi bám chồng chất lên nhau từng cụm lớn tua tủa như lưỡi mai. Có khi thiếu vật bám chúng bám lên các vỏ hầu đã chết, trên một vỏ hầu dài 15cm có tới 30 con bám, trung bình lớn từ 5 – 20cm.
1.3. Đặc điểm dinh dưỡng:
Hàu Cửa Sông là loài sống bám cố định vì vậy chúng có phương thức bắt mồi bị động theo hình thức lọc nhiều lần (Chestinnt (1960)) không có khả năng lọc thức ăn về chất nhưng có khả năng chọn lọc kỹ thức thức ăn theo kích thước lớn nhỏ. Cũng như các loài Bivavia khác, Hàu bắt mồi trong quá trình hô hấp nhờ vào cấu tạo đặc biệt của mang. Khi hô hấp nước mang theo thức ăn đi qua bề mặt mang, các hạt thức ăn sẽ giữ lại ở mang nhờ các tiêm mao và dịch nhờn được tiết từ tiêm mao. Các hạt thức ăn có kích thước nhỏ sẽ được dịch nhờn của tiêm mao cuốn dần về phía miệng, còn các hạt thức ăn quá lớn tiêm mao không giữ được sẽ bị dòng nước cuốn đi khỏi bề mặt mang, sau đó được tập chung ở mép màng áo và bị màng áo đẩy ra ngoài. Mặc dù Hàu bắt mồi thụ động nhưng với cách thức bắt mồi như vậy, chúng chỉ có thể chọn lọc theo kích thước thức ăn. Quá trình chọn lọc được thực hiện 4 lần theo phương thức trên: lần 1 xẩy ra trên bề mặt mang, lần thứ 2 xẩy ra trên đường vận chuyển, lần 3 xẩy ra trên xúc biện, lần thứ 4 xẩy ra tại manh nang tiêu hoá. Tại dạ dày, thức ăn được tiêu hoá một phần nhờ các men như: Amylase, Lactase, Glipase, Maltase, Protease. Các thức ăn không thích hợp được đẩy xuống ruột và ra ngoài qua hậu môn.
Thức ăn của ấu trùng bao gồm vi khuẩn, sinh vật nhỏ, mùn bã hữu cơ, tảo sillic, trùng roi có kích thước dưới 10µm. Ấu trùng có thể sử dụng vật chất hoà tan trong nước và các hạt vật chất hữu cơ. Khi trưởng thành thức ăn của chúng chủ yếu là thực vật phù du và mùn bã hữu cơ, các loài tảo thường gặp là tảo Silic, tảo khuê như: Melosira, Coscinodiscus, Cyclotella, Skeletonema, Chaetoceros calcitran, Chaetoceros muelleri, Nitzschia; tảo có lông roi: Isochrysis galbana, Tetraselmis vì kích cỡ phù hợp, dễ tiêu hóa, hàm lượng dinh dưỡng cao.
Các tác nhân ảnh hưởng đến cường độ bắt mồi của hàu là thủy triều, lượng thức ăn và các yếu tố môi trường (nhiệt độ, nồng độ muối). Khi thủy triều lên, cường độ bắt mồi tăng, triều xuống cường độ bắt mồi giảm, trong môi trường có nhiều thức ăn thì cường độ bắt  mồi thấp và  ít thức ăn  thì cường  độ  bắt  mồi cao. Khi  các yếu tố  môi  trường (nhiệt độ, nồng độ muối...) trong khoảng thích hợp thì cường độ bắt mồi cao và khi các yếu tố môi trường ngoài khoảng thích hợp thì cường độ bắt mồi thấp (FAO, 2007).
1.4. Đặc điểm sinh trưởng:
Hàu Cửa Sông có tốc độ sinh trưởng khác nhau tuỳ theo vùng phân bố do điều kiện môi trường nước của từng vùng khác nhau và do đặc trưng riêng của từng loài (yếu tố di truyền). Một đặc điểm nổi bật của hầu vùng nhiệt đới là quá trình sinh trưởng nhanh trong 6 – 12 tháng đầu tiên và sau đó chậm dần.
Nhiệt độ là yếu tố ảnh hưởng đến tốc độ sinh trưởng của hầu. Ở vùng nhiệt đới, nhiệt độ ấm áp nên tốc độ sinh trưởng của hầu rất nhanh và quá trình sinh trưởng diễn ra quanh năm. Ở vùng ôn đới, quá trình quá trình sinh trưởng chỉ diễn ra vào mùa xuân – hè, còn mùa thu đông gần như không sinh trưởng. Sự sinh trưởng của hầu còn phụ thuộc vào mật độ, nếu mật độ hầu cao thì hầu chậm lớn.
1.5. Đặc điểm sinh sản:
Hầu Cửa Sông là loài động vật đã phân tính rõ rệt con đực và con cái riêng biệt, không có trường hợp trứng và tinh trùng cùng hình thành trên một cá thể. Tuy vậy trong quá trình phát dục có sự biến tính, tỷ lệ đực cái thay đổi theo mùa vụ khác nhau theo từng địa điểm. Trong tự nhiên, tỷ lệ hầu cái là 40 – 68% và hầu đực chiếm từ 21 – 61% (trong các tháng 4 đến tháng 10). Tỷ lệ này giảm thấp từ 0 – 16% (hầu cái) và 38 – 90% (hầu đực) trong các tháng từ 11 đến tháng 4 năm sau. Hầu con có thể tham gia lần đầu rất sớm sau 6 – 7 tháng tuổi kích thước đạt 40 – 50mm là đã phát hiện thấy có sản phẩm sinh dục và có khả năng tham gia sinh sản lần đầu. Khi hầu bố mẹ tham gia sinh sản, trứng và tinh trùng được phóng vào môi trường nước, quá trình thụ tinh và phát triển của ấu trùng diễn ra trong nước. Trong quá trình sinh sản việc phóng tinh trùng kích thích hầu cái đẻ trứng. Sức sinh sản của hầu là rất lớn. Đó là sự thích nghi với điều kiện sống. Hầu đẻ trứng, thụ tinh ngoài, ấu trùng trải qua biến thái vì vậy quần đàn hầu thường đẻ rất nhiều trứng. Sức sinh sản này phụ thuộc rất nhiều vào kích thước cá thể. Cá thể càng lớn sức sinh sản càng cao. Nhiệt độ cũng ảnh hưởng rất lớn tới sức sinh sản của hầu, nhiệt độ là yếu tố quan trọng và trực tiếp ảnh hưởng tới sức sinh sản. Nhiệt độ thích hợp cho sinh sản thường trong phạm vi 28 – 30o C. Tuổi không có ảnh hưởng tới sức sinh sản của nhóm hầu.
Sau khi thụ tinh, trứng hình tròn đồng thời sinh ra một màng trong suốt, tế bào chất bắt đầu lưu động nhân tế bào tiêu biến. Một giờ sau thể cực thứ nhất và thể cực thứ 2 xuất hiện, sau đó trứng bắt đầu quá trình phân cắt, sau lần phân cắt thứ 6 thành 64 tế bào thì phôi bắt đầu bước vào các giai đoạn phát triển. Sau đó phôi tiếp tục phát triển thành ấu trùng bánh xe, ấu trùng có điểm mắt, ấu trùng chân bò và khi chuyển sang giai đoạn bám chúng hoàn toàn không còn khả năng bơi lội, hình dạng của chúng đã tương đối giống với hầu trưởng thành, chúng chỉ có khả năng bám một lần trong đời.

PHẦN II – MỤC TIÊU, NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.1. Mục tiêu:
- Ứng dụng tiến bộ KHCN, cho sinh sản thành công giống Hàu Cửa Sông nhằm đáp ứng nhu cầu nuôi thương phẩm của người dân cũng như đa dạng hóa được đối tượng sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
- Xây dựng, hoàn thiện được quy trình kỹ thuật sản xuất giống Hàu Cửa Sông trong điều kiện khí hậu tại Nghệ An.
2.2. Nội dung thực hiện:
2.2.1. Gây nuôi thức ăn tươi sống.
2.2.2. Lựa chọn Hàu bố mẹ.
2.2.3. Kích thích Hàu sinh sản.
2.2.4. Ương nuôi ấu trùng.
2.2.5. Thu con giống.
2.2.6. Ươ ng con giống lên cỡ 3 – 5 mm.
2.2.7. Vận chuyển con giống.
2.3. Phương pháp nghiên cứu:
- Nghiên cứu tài liệu về đặc điểm sinh học của Hàu Cửa Sông, kỹ thuật sản xuất giống một số loài nhuyễn thể.
- Theo dõi thu thập số liệu các yếu tố môi trường, thông số kỹ thuật trong quá trình sản xuất giống thực hiện chuyên đề.

PHẦN III – KẾT QUẢ THỰC HIỆN
3.1. Gây nuôi thức ăn tươi sống:
Trong sản xuất giống Hàu Cửa Sông thức ăn chính chủ yếu là các loại vi tảo như Nanochloropsis oculata, Isochrysis galbana, Chaetoceros calcitrans.... Vì vậy nhằm đảm bảo nguồn thức ăn chủ động cho Hàu giống trong quá trình ương nuôi Trại đã nhập tảo giống từ các phòng thí nghiệm có uy tín ở Nha Trang về để nhân giống làm thức ăn cho Hàu giống.
Đầu tiên tảo giống được nhập về Trại từ phòng thí nghiệm sau đó đưa vào nuôi trong các túi nilong và bình nhựa có dung tích 10 lít (đã được vệ sinh sạch sẽ để tránh lây nhiễm), tùy vào mật độ cũng như lượng tảo giống nhiều hay ít mà cấp nước cho phù hợp, nếu mật độ tảo thấp mà cấp nước nhiều sẽ làm tảo phát triển chậm hoặc chết đi.
Trong quá trình cho tảo giống vào túi nilong bình nhựa việc cấp nước chủ yếu là phương pháp so màu bằng mắt thường để cấp nước, thông thường một túi nilong và bình nhựa có dung tích 10 lít thì cho vào 3 lít tảo giống sau đó cấp nước đầy túi và bình, việc nuôi tảo giống ban đầu với mật độ cao sẽ giúp tảo phát triển nhanh và thuần.
Sau 2 – 3  ngày nuôi, khi quan sát qua màu tảo ở túi và bình thấy mật độ tảo đạt cao thì tiến hành nhân ra các túi nilong và bình nhựa khác để nuôi tiếp. Việc nhân tảo nhằm đáp ứng được nhu cầu về lượng thức ăn để cung cấp cho Hàu giống trong quá trình ương nuôi.
h2
Hình 2: Nhân tảo làm thức ăn cho ấu trùng Hàu Cửa Sông.
- Quá trình nhân tảo cần đảm bảo khí ở trong túi nilong và bình nhựa được sục liên tục 24/24.
- Nguồn nước: Nguồn nước đưa vào nuôi cấy tảo  được xử lý Chlorine 10 – 20 ppm sau đó được lọc sạch qua hệ thống lọc cát mịn và túi lọc tinh 1-5mm.
- Ánh sáng: Quá trình nhân tảo thường sử dụng ánh sáng mặt trời, với điều kiện thích hợp như nhiệt độ từ 22 - 250C, cường độ chiếu sáng từ 4.000 – 8.000 lux thì thời gian tăng trưởng của tảo có thể kéo dài 5 – 6 ngày. Tuy nhiên vào mùa hè với nhiệt độ cao từ 30 - 350C thì tảo sẽ phát triển nhanh và rất chóng tàn nên ở thời điểm này cần bổ sung thêm mái che để giảm nhiệt độ cũng như tránh những lúc trời mưa gió.
3.3. Lựa chọn Hàu bố mẹ:
Hàu bố mẹ được Trại lựa chọn từ các vùng nuôi thương phẩm tập trung như: Vũng Tàu, Thanh Hóa, Quảng Ninh...Qua các đợt kiểm tra thấy Hàu bố mẹ đạt các tiêu chí như:
- Chọn những cá thể phát triển tốt nhất trong quần đàn, không mang mầm bệnh.
- Chiều dài vỏ có kích thước trung bình khoảng 9 - 10 cm, chiều cao khoảng 12,5 - 14,5 cm và trọng lượng toàn thân khoảng 600 - 1400 g. Vỏ sáng bóng, không bị dị hình dị dạng.
- Tuổi hầu: Từ 1-2 tuổi, không chọn những con quá ít hoặc quá nhiều tuổi sẽ không tốt cho việc sinh sản cũng như chất lượng con giống sau này.
- Tuyến sinh dục chủ yếu ở giai đoạn III: Tuyến sinh dục phát triển căng đầy, ấn nhẹ thấy sản phẩm sinh dục trào ra. Lúc này hầu đã sẵn sàng bướcvào sinh sản.
 
h3
Hình 3: Tuyển chọn Hàu bố mẹ cho sinh sản.
3.4. Kích thích Hàu sinh sản:
Hàu bố mẹ sau khi được lựa chọn và nhập về Trại thì tiến hành vệ sinh sạch sẽ những vật bám, rong rêu ở phía ngoài vỏ Hàu. Sau đó dùng dụng cụ mổ Hàu bố mẹ ra để kiểm tra chất lượng tinh của Hàu đực và trứng của Hàu cái sau đó phân loại theo tỉ lệ đực cái 3:10.
Hàu đực và Hàu cái được chọn ra ta dung tay vuốt nhẹ sản phẩm sinh dục cho vào xô nước biển sạch (xô loại 20 lít) có sục khí nhẹ, khi vuốt nên để tất cả cơ quan con Hàu chìm trong nước, vuốt nhẹ nhàng tránh làm cho phần nội tạng và sản phẩm tiêu hóa của Hàu vỡ ra sau đó chuyển vào xô có kích thước lớn hơn khoảng 100 – 150 lít nước sục khí trong 30 phút. Sau khi trứng thụ tinh thì tiến hành lọc sạch qua vợt chuyên dụng và chuyển vào các bể ương nuôi, mật độ bể ương nuôi để cho sinh sản là khoảng 25 – 30 con Hàu cái/bể 5 – 6 m3.

h4
Hình 4: Kiểm tra Hàu bố mẹ và kích thích cho sinh sản.
3.5. Ương nuôi ấu trùng:
3.5.1. Quản lý chăm sóc bể ương nuôi ấu trùng:
- Nước cung cấp cho quá trình ương nuôi ấu trùng được bơm trực tiếp từ biển vào và để lắng ở bể chứa qua 2 - 3 ngày sau đó được cấp vào bể ương qua hệ thống lọc thô bằng cát và lọc tinh bằng ống lọc 5 µm. Độ mặn luôn được điều chỉnh phù hợp theo từng giai đoạn ương dao động từ 20 – 25 ‰, pH: 7,5 – 8,0, oxy hòa tan luôn đảm bảo ở mức >5 mg/l.
h5
Hình 5: Theo dõi chắm sóc ấu trùng Hàu trong quá trình ương nuôi.
- Ấu trùng được cho ăn 2 lần/ngày vào lúc 8h sáng và 16h chiều, thức ăn là các loại tảo như Nanochloropsis oculata, Isochrysis galbana, Chaetoceros calcitrans. Mật độ tảo cho ăn khoảng 30.000 – 160.000 tế bào/ml tùy theo từng giai đoạn phát triển của ấu trùng.
- Định kỳ khoảng 3 – 5 ngày thay 100 % thể tích nước bể ương bằng cách rút cạn nước trong bể thu ấu trùng bằng vợt chuyên dùng có kích cỡ mắt lưới phù hợp với từng giai đoạn của ấu trùng sau đó chuyển sang bể mới. Các vật dụng chuyên dùng và bể ương đều được ngâm và tẩy rửa bằng hóa chất Iotdin.
- Kiểm tra ấu trùng hàng ngày bằng kính hiển vi để xem khả năng lọc thức ăn, sự phát triển và chuyển giai đoạn của ấu trùng. Ngoài ra việc kiểm tra còn biết được kích thước của ấu trùng để lựa chọn lưới lọc có mắt lưới phù hợp để lọc ấu trùng khi chuyển bể.
h6
Hình 6: Kiểm tra Ấu trùng Hàu Cửa Sông qua kính hiển vi
3.5.2. Kết quả sản xuất:
3.5.2.1. Kết quả cho đẻ đợt 1:
Ngày 18 / 04 / 2021 nhập 140 kg Hàu bố mẹ từ Vũng Tàu về cho sinh sản:
- Sau khi vệ sinh sạch sẽ kiểm tra chất lượng trứng và tinh của Hàu bố mẹ chỉ tuyển chọn được 150 con cái và 50 con đực cho tham gia sinh sản. Hàu bố mẹ sau khi được tuyển chọn và cho kích thích sinh sản thì được chuyển vào 5 bể đẻ, mỗi bể 6m3.
- Sau khi chuyển vào bể đẻ 23 giờ sau ấu trùng Hàu chuyển sang ấu trùng chữ D, tỷ lệ nở khoảng 40 %. Qua theo dõi và chăm sóc thấy những ấu trùng Hàu chuyển được giai đoạn phát triển tương đối tốt nên tiến hành san thưa ra 5 bể để ương nuôi.
- Thức ăn ở giai đoạn này là tảo Nanochloropsis occullata, lượng cho ăn khoảng 30000 – 40000 tế bào/ml.
- Sau 8 ngày chăm sóc ấu trùng Hàu đã bắt đầu chuyển sang giai đoạn đỉnh vỏ lồi. Thức ăn cho giai đoạn này là hỗn hợp 3 loài tảo 1/3 Nanochloropsis oculata, 1/3 Isochrysis galbana, 1/3 Chaetoceros calcitrans; lượng cho ăn khoảng 80000 – 100000 tế bào/ml.
- Sau 17 ngày ấu trùng chuyển sang giai đoạn hậu kỳ đỉnh vỏ, lúc này ấu trùng đã xuất hiện điểm mắt, qua theo dõi thấy kích thước ấu trùng tăng nhanh nên bổ sung lượng thức ăn nhiều hơn. Thức ăn vẫn là hỗn hợp 3 loại tảo trên nhưng với lượng tăng lên khoảng 100000 – 160000 tế bào/ml.
- Sau 20 ngày ương nuôi ấu trung đã xuất hiện có chân bò, lúc này ấu trùng bắt đầu chuyển sang giai đoạn sống bám. Kích thước bắt đầu tăng mạnh hơn nên lượng thức ăn bổ sung cũng nhiều hơn. Thức ăn là hỗn hợp 2 loại tảo 1/3 Isochrysis galbana, 2/3 Chaetoceros calcitrans; lượng cho ăn khoảng 160000 – 200000 tế bào/ml.
- Số lần cho ăn: 2 lần/ngày vào lúc 8h sáng và 16h chiều.
- Kết quả: sản xuất được 20 vạn con Hàu giống cỡ 3 – 5 mm.
Bảng 1: Loại thức ăn và lượng cho ăn theo từng giai đoạn phát triển của ấu trùng
Hàu Cửa Sông ở kết quả cho đẻ đợt 1.
Giai Đoạn Ngày Tuổi  Mật Độ Ương (ÂT/ML) Thức Ăn
(Tế bào/ml)
Loại và Lượng thức ăn
u trùng chữ D 23 giờ 10 30000 100% (Na) 2 lần/ngày
ÂT đỉnh vỏ lồi 8 ngày 5 - 10 80000 1/3Na+1/3 Iso+1/3Cha 2 lần/ngày
ÂT có điểm mắt 17 ngày 5 - 10 100000 1/3Na+1/3 Iso+1/3Cha 2 lần/ngày
ÂT có chân bò 20 ngày 5 160000 1/3Na+1/3 Iso+1/3Cha 2 lần/ngày
ÂT bám 23 ngày 5 200000 1/3Iso+2/3Cha 2 lần/ngày
(Ghi chú: Na: Nanochloropsis occullata; Iso: Isochrysis galbana; Cha: Chaetoceros calcitrans)
3.5.2.2. Kết quả cho đẻ đợt 2:
Ngày 20 / 05 / 2021 nhập 140 kg Hàu bố mẹ từ Vũng Tàu về cho sinh sản:
- Sau khi kiểm tra chất lượng trứng và tinh của Hàu bố mẹ chỉ tuyển chọn được 180 con cái và 60 con đực cho tham gia sinh sản. Hàu bố mẹ sau khi được tuyển chọn và cho kích thích sinh sản thì được chuyển vào 6 bể đẻ, mỗi bể 6 m3.
- Sau 24 giờ ấu trùng Hàu chuyển sang ấu trùng chữ D, tỷ lệ nở khoảng 60 %. Qua theo dõi và chăm sóc thấy những ấu trung Hàu chuyển được giai đoạn phát triển tương đối tốt nên tiến hành san thưa ra 12 bể để ương nuôi. Thức ăn ở giai đoạn này là tảo Nanochloropsis occullata, lượng cho ăn khoảng 30000 - 40000 tế bào/ml.
- Sau 9 ngày chăm sóc ấu trùng Hàu đã bắt đầu chuyển sang giai đoạn đỉnh vỏ lồi. Thức ăn là hỗn hợp 3 loài tảo 1/3 Nanochloropsis oculata, 1/3 Isochrysis galbana, 1/3 Chaetoceros calcitrans; lượng cho ăn khoảng 80000 – 100000 tế bào/ml.
- Sau 18 ngày ấu trùng chuyển sang giai đoạn hậu kỳ đỉnh vỏ, lúc này ấu trùng đã xuất hiện điểm mắt, qua theo dõi thấy kích thước ấu trùng tăng nhanh nên bổ sung lượng thức ăn nhiều hơn. Thức ăn vẫn là hỗn hợp 3 loại tảo trên nhưng với lượng tăng lên khoảng 100000 – 160000 tế bào/ml.
- Sau 22 ngày ương nuôi ấu trung đã xuất hiện có chân bò, lúc này ấu trùng bắt đầu chuyển sang giai đoạn sống bám. Kích thước bắt đầu tăng mạnh hơn nên lượng thức ăn bổ sung cũng nhiều hơn. Thức ăn là hỗn hợp 2 loại tảo 1/3 Isochrysis galbana, 2/3 Chaetoceros calcitrans; lượng cho ăn khoảng 160000 – 200000 tế bào/ml.
- Số lần cho ăn: 2 lần/ngày vào lúc 8h sáng và 16h chiều.
- Kết quả: sản xuất được 25 vạn con Hàu giống cỡ 3 – 5 mm.
Bảng 2: Loại thức ăn và lượng cho ăn theo từng giai đoạn phát triển của ấu trùng
Hàu Cửa Sông ở kết quả cho đẻ đợt 2.
Giai Đoạn Ngày Tuổi  Mật Độ Ương (ÂT/ML) Thức Ăn
(Tế bào/ml)
Loại và Lượng thức ăn
u trùng chữ D 24 giờ 10 30000 100% (Na) 2 lần/ngày
ÂT đỉnh vỏ lồi 9 ngày 5 - 10 80000 1/3Na+1/3 Iso+1/3Cha 2 lần/ngày
ÂT có điểm mắt 18 ngày 5 - 10 100000 1/3Na+1/3 Iso+1/3Cha 2 lần/ngày
ÂT có chân bò 22 ngày 5 160000 1/3Na+1/3 Iso+1/3Cha 2 lần/ngày
ÂT bám 24 ngày 5 200000 1/3Iso+2/3Cha 2 lần/ngày
(Ghi chú: Na: Nanochloropsis occullata; Iso: Isochrysis galbana; Cha: Chaetoceros calcitrans).
3.5.2.3. Kết quả cho đẻ đợt 3:
Ngày 18 / 07 / 2021 nhập 140 kg Hàu bố mẹ từ Thanh Hóa về cho sinh sản:
- Sau khi kiểm tra chất lượng trứng và tinh của Hàu bố mẹ chỉ tuyển chọn được 240 con cái và 80 con đực cho tham gia sinh sản. Hàu bố mẹ sau khi được tuyển chọn và cho kích thích sinh sản thì được chuyển vào 8 bể đẻ.
- Sau 25 giờ ấu trùng Hàu chuyển sang ấu trùng chữ D, tỷ lệ nở khoảng 75 %. Qua theo dõi và chăm sóc thấy những ấu trung Hàu chuyển được giai đoạn phát triển tương đối tốt nên tiến hành san thưa ra 16 bể để ương nuôi. Thức ăn là tảo Nanochloropsis occullata, lượng cho ăn khoảng 30000 - 40000 tế bào/ml.
- Sau 8 ngày chăm sóc ấu trùng Hàu đã bắt đầu chuyển sang giai đoạn đỉnh vỏ lồ. Thức ăn là hỗn hợp 2 loài tảo 2/3 Nanochloropsis oculata, 1/3 Chaetoceros calcitrans; lượng cho ăn khoảng 80000 – 100000 tế bào/ml.
- Sau 18 ngày ấu trùng chuyển sang giai đoạn hậu kỳ đỉnh vỏ, lúc này ấu trùng đã xuất hiện điểm mắt, qua theo dõi thấy kích thước ấu trùng tăng nhanh nên bổ sung lượng thức ăn nhiều hơn. Thức ăn là hỗn hợp 2 loại tảo trên nhưng với lượng tăng lên khoảng 100000 – 160000 tế bào/ml.
- Sau 23 ngày ương nuôi ấu trung đã xuất hiện có chân bò, lúc này ấu trùng bắt đầu chuyển sang giai đoạn sống bám. Kích thước bắt đầu tăng mạnh hơn nên lượng thức ăn bổ sung cũng nhiều hơn. Thức ăn là hỗn hợp 2 loại tảo 1/3 Nanochloropsis oculata, 2/3 Chaetoceros calcitrans; lượng cho ăn khoảng 160000 – 200000 tế bào/ml.
- Số lần cho ăn: 2 lần/ngày vào lúc 8h sáng và 16h chiều.
- Kết quả: sản xuất được 65 vạn con Hàu giống cỡ 3 – 5 mm.
Bảng 3: Loại thức ăn và lượng cho ăn theo từng giai đoạn phát triển của ấu trùng
Hàu Cửa Sông ở kết quả cho đẻ đợt 3.
Giai Đoạn Ngày Tuổi  Mật Độ Ương (ÂT/ML) Thức Ăn
(Tế bào/ml)
Loại và Lượng thức ăn
u trùng chữ D 24 giờ 10 30000 100% (Na) 2 lần/ngày
ÂT đỉnh vỏ lồi 8 ngày 5 - 10 80000 2/3Na+1/3Cha 2 lần/ngày
ÂT có điểm mắt 18 ngày 5 - 10 100000 1/3Na+2/3Cha 2 lần/ngày
ÂT có chân bò 23 ngày 5 160000 1/3Na+2/3Cha 2 lần/ngày
ÂT bám 25 ngày 5 200000 1/3Na+2/3Cha 2 lần/ngày
(Ghi chú: Na: Nanochloropsis occullata; Cha: Chaetoceros calcitrans).
3.5.2.4. Kết quả cho đẻ đợt 4:
Ngày 25 / 08 / 2021 nhập 140 kg Hàu bố mẹ từ Vũng Tàu về cho sinh sản:
- Sau khi vệ sinh sạch sẽ kiểm tra chất lượng trứng và tinh của Hàu bố mẹ chỉ tuyển chọn được 360 con cái và 120 con đực cho tham gia sinh sản. Hàu bố mẹ sau khi được tuyển chọn và cho kích thích sinh sản thì được chuyển vào 3 bể đẻ, mỗi bể 6m3.
- Sau khi chuyển vào bể đẻ 23 giờ sau ấu trùng Hàu chuyển sang ấu trùng chữ D, tỷ lệ nở khoảng 80 %. Qua theo dõi và chăm sóc thấy ấu trung Hàu phát triển tương đối tốt nên tiến hành san thưa ra 24 bể để ương nuôi.
- Thức ăn ở giai đoạn này là tảo Nanochloropsis occullata, lượng cho ăn khoảng 30000 – 40000 tế bào/ml.
- Sau 9 ngày chăm sóc ấu trùng Hàu đã bắt đầu chuyển sang giai đoạn đỉnh vỏ lồi. Thức ăn cho giai đoạn này là hỗn hợp 3 loài tảo 1/3 Nanochloropsis oculata, 1/3 Isochrysis galbana, 1/3 Chaetoceros calcitrans; lượng cho ăn khoảng 80000 – 100000 tế bào/ml.
- Sau 19 ngày ấu trùng chuyển sang giai đoạn hậu kỳ đỉnh vỏ, lúc này ấu trùng đã xuất hiện điểm mắt, qua theo dõi thấy kích thước ấu trùng tăng nhanh nên bổ sung lượng thức ăn nhiều hơn. Thức ăn vẫn là hỗn hợp 3 loại tảo trên nhưng với lượng tăng lên khoảng 100000 – 160000 tế bào/ml.
- Sau 22 ngày ương nuôi ấu trung đã xuất hiện có chân bò, lúc này ấu trùng bắt đầu chuyển sang giai đoạn sống bám. Kích thước bắt đầu tăng mạnh hơn nên lượng thức ăn bổ sung cũng nhiều hơn. Thức ăn là hỗn hợp 2 loại tảo 1/3 Isochrysis galbana, 2/3 Chaetoceros calcitrans; lượng cho ăn khoảng 160000 – 200000 tế bào/ml.
- Số lần cho ăn: 2 lần/ngày vào lúc 8h sáng và 16h chiều.
- Kết quả: sản xuất được 70 vạn con Hàu giống cỡ 3 – 5 mm.
Bảng 4: Loại thức ăn và lượng cho ăn theo từng giai đoạn phát triển của ấu trùng
Hàu Cửa Sông ở kết quả cho đẻ đợt 4.
Giai Đoạn Ngày Tuổi  Mật Độ Ương (ÂT/ML) Thức Ăn
(Tế bào/ml)
Loại và Lượng thức ăn
u trùng chữ D 23 giờ 10 30000 100% (Na) 2 lần/ngày
ÂT đỉnh vỏ lồi 9 ngày 5 - 10 80000 1/3Na+1/3 Iso+1/3Cha 2 lần/ngày
ÂT có điểm mắt 19 ngày 5 - 10 100000 1/3Na+1/3 Iso+1/3Cha 2 lần/ngày
ÂT có chân bò 22 ngày 5 160000 1/3Na+1/3 Iso+1/3Cha 2 lần/ngày
ÂT bám 24 ngày 5 200000 1/3Iso+2/3Cha 2 lần/ngày
(Ghi chú: Na: Nanochloropsis occullata; Iso: Isochrysis galbana; Cha: Chaetoceros calcitrans)
3.5.2.5. Kết quả cho đẻ đợt 5:
Ngày 08 / 10 / 2021 nhập 140 kg Hàu bố mẹ từ Thanh Hóa về cho sinh sản:
- Sau khi kiểm tra chất lượng trứng và tinh của Hàu bố mẹ chỉ tuyển chọn được 120 con cái và 60 con đực cho tham gia sinh sản. Hàu bố mẹ sau khi được tuyển chọn và cho kích thích sinh sản thì được chuyển vào 6 bể đẻ.
- Sau 28 giờ ấu trùng Hàu chuyển sang ấu trùng chữ D, tỷ lệ nở khoảng 50 %. Qua theo dõi và chăm sóc thấy ấu trùng Hàu chuyển được giai đoạn phát triển tương đối tốt nên tiến hành san thưa ra 6 bể để ương nuôi. Thức ăn là tảo Nanochloropsis occullata, lượng cho ăn khoảng 30000 - 40000 tế bào/ml.
- Sau 10 ngày chăm sóc ấu trùng Hàu đã bắt đầu chuyển sang giai đoạn đỉnh vỏ lồ. Thức ăn là hỗn hợp 2 loài tảo 2/3 Nanochloropsis oculata, 1/3 Chaetoceros calcitrans; lượng cho ăn khoảng 80000 – 100000 tế bào/ml.
- Sau 22 ngày ấu trùng chuyển sang giai đoạn hậu kỳ đỉnh vỏ, lúc này ấu trùng đã xuất hiện điểm mắt, qua theo dõi thấy kích thước ấu trùng tăng nhanh nên bổ sung lượng thức ăn nhiều hơn. Thức ăn là hỗn hợp 2 loại tảo trên nhưng với lượng tăng lên khoảng 100000 – 160000 tế bào/ml.
- Sau 26 ngày ương nuôi ấu trung đã xuất hiện có chân bò, lúc này ấu trùng bắt đầu chuyển sang giai đoạn sống bám. Kích thước bắt đầu tăng mạnh hơn nên lượng thức ăn bổ sung cũng nhiều hơn, thức ăn chủ yếu là tảo Chaetoceros calcitrans; lượng cho ăn khoảng 160000 – 200000 tế bào/ml.
- Số lần cho ăn: 2 lần/ngày vào lúc 8h sáng và 16h chiều.
- Kết quả: sản xuất được 45 vạn con Hàu giống cỡ 3 – 5 mm.
Bảng 5: Loại thức ăn và lượng cho ăn theo từng giai đoạn phát triển của ấu trùng
Hàu Cửa Sông ở kết quả cho đẻ đợt 5.
Giai Đoạn Ngày Tuổi  Mật Độ Ương (ÂT/ML) Thức Ăn
(Tế bào/ml)
Loại và Lượng thức ăn
u trùng chữ D 28 giờ 10 30000 100% (Na) 2 lần/ngày
ÂT đỉnh vỏ lồi 10 ngày 5 - 10 80000 2/3Na+1/3Cha 2 lần/ngày
ÂT có điểm mắt 22 ngày 5 - 10 100000 1/3Na+2/3Cha 2 lần/ngày
ÂT có chân bò 26 ngày 5 160000 100%Cha 2 lần/ngày
ÂT bám 31 ngày 5 200000 100% Cha 2 lần/ngày
(Ghi chú: Na: Nanochloropsis occullata; Cha: Chaetoceros calcitrans).
3.6. Thu con giống:
- Khi ấu trùng chuyển đến giai đoạn có chân bò (metamorphosis) và sẵn sàng chuyển sang giai đoạn con giống nhỏ đây là dấu hiệu kết thúc giai đoạn sống trôi nổi chuyển sang giai đoạn sống bám, nên trong quá trình chăm sóc quản lý đã theo dõi thường xuyên để lọc phân cỡ sau đó thả vật bám vào bể để thu con giống Hàu bám.
- Vật bám được sử dụng là vỏ lồi của hầu thương phẩm, vỏ được vệ sinh sạch sẽ, xâu lại thành chuỗi với số lượng từ 70 vỏ/dây và 280 vỏ/chùm.

 h7 
Hình 7: Vệ sinh vật bám (vỏ hàu) trước khi đưa vào bể cho ấu trùng Hàu bám.
- Thông thường mỗi bể 5 m3 – 6 m3 được thả 25 - 30 chùm vào cho bám, các chùm được treo sát thành bể với khoảng cách nhất định. Sau khi thả vật bám vào bể thường xuyên kiểm tra khi thấy mật độ ấu trùng bám vào vật bám khoảng 20 – 30 ấu trùng/vật bám thì tiến hành chuyển các chùm đã có ấu trùng bám đưa ra bể ương có diện tích lớn hơn khoảng 200 m3 để ương nuôi lên cỡ 3 – 5 mm.
h8
Hình 8: Thả vật bám (vỏ hàu) vào bể ương nuôi để thu con giống Hàu bám.
- Do ấu trùng không đồng đều về kích thước nên mỗi đợt cho bám chỉ cho bám được 1 – 2 đợt bám. Số ấu trùng còn lại chưa bám thường có chất lượng thấp hoặc đã đạt về kích thước nhưng chưa biến thái đầy đủ để chuyển giai đoạn thì được đưa lại bể ương và theo dõi tiếp.
3.7. ương con giống lên cỡ 3 – 5 mm:
- Sau khi đã kiểm tra đủ số lượng con giống bám trên vật bám thì tiến hành chuyển giống ra ngoài bể ương có kích thước lớn hơn để ương nuôi lên c 3 – 5 mm.
- Bể dùng để ương nuôi con giống lên cỡ 3 – 5 mm có kích thước 200 m3, thức ăn chủ yếu là các loại tảo và thực vật phù du được bơm từ bể nuôi tôm sang. Vì con giống lúc này còn quá nhỏ, không đảm bảo chất lượng để đưa ra nuôi thương phẩm, do đó việc ương con giống lên cỡ 3 - 5mm sẽ đảm bảo tỉ lệ sống cho con giống khi đem ra nuôi thương phẩm.
 h9
Hình 9: Ương nuôi ấu trùng Hàu lên cỡ 3 – 5 mm.
Thương xuyên kiểm tra ấu trùng cũng như mật độ thức ăn trong bể để bổ sung kịp thời, thức ăn chủ yếu là các loài tảo và thực vật phù du có sẵn trong bể nuôi tôm đã chuẩn bị trước đó để cấp sang bể ương ấu trùng Hàu. Sau 7 – 10 ngày ương khi kích cỡ con giống đạt 3 - 5mm thì tiến hành thu hoạch và đưa ra để nuôi thương phẩm.
3.8. Vận chuyển con giống:
Do việc vận chuyển con giống bám khá cồng kềnh nên khi vận chuyển thường dùng phương tiên là xe máy hoặc là ô tô, quá trình vận chuyển phải có bạt che để chống nóng. Thường xuyên tưới nước giữ ẩm cho Hàu giống, thời gian vận chuyển tùy thuộc vào quãng đường xa hay gần tuy nhiên không quá 24 giờ.


h10
Hình 10: Thu hoạch và vận chuyển Hàu giống.
PHẦN IV – KẾT LUẬN VÀ ĐỀ XUẤT Ý KIẾN
1. Kết luận:
- Chuyên đề đã được Trại sản xuất giống thủy sản Quỳnh Liên phối hợp với phòng Kế hoạch - Kỹ thuật triển khai thực hiện một cách nghiêm túc đúng tiến độ, mục tiêu và nội dung nghiên cứu mà chuyên đề đặt ra. Qua 5 đợt nghiên cứu sản xuất thử nghiệm đã sản xuất được 2,25 triệu con Hàu giống kích cỡ 3 – 5 mm đạt mục tiêu, kế hoạch đề ra.
- Trong các đợt nghiên cứu sản xuất thử nghiệm kết quả sản xuất có sự khác nhau, đặc biệt là kết quả sản xuất ở đợt 1 và đợt 2 có sản lượng thấp nhất. Nguyên nhân do bước đầu mới tìm hiểu và tiếp cận nên chưa nắm vững quy trình kỹ thuật, quá trình sản xuất gặp khó khăn trong nhân tảo làm thức ăn để cung cấp cho ấu trùng nên sản lượng không cao, tuy nhiên sau đó nhóm thực hiện đã tìm tòi, rút kinh nghiệm từ thực tế nên các đợt sau cho kết quả sản lượng cao, đạt yêu cầu đề ra.
- Trong quá trình nghiên cứu thực hiện chuyên đề cũng cho thấy một số khó khăn nhất định trong quá trình sản xuất giống Hàu Cửa Sông tại Nghệ An đặc biệt là do ảnh hưởng của thời tiết, nhiệt độ không ổn định làm cho ấu trùng bị hao hụt. Ngoài ra những tháng cuối năm trời chuyển lạnh, nhiệt độ xuống thấp làm cho quá trình chuyển giai đoạn của ấu bị kéo dài, ấu trùng bám chậm và tỷ lệ ấu trùng ít nên gây ảnh hưởng đến quá trình sản xuất.
- Từ những kết quả đạt được qua các đợt nghiên cứu sản xuất cho thấy đối tượng Hàu Cửa Sông hoàn toàn phù hợp với điều kiện khí hậu tại Nghệ An, việc đưa vào sản xuất sẽ đem lại hiệu quả cao cũng như đa dạng hóa được đối tượng sản xuất. Tuy nhiên để đạt được năng suất và hiệu quả cao nhất cần có sự điều chỉnh, lựa chọn mùa vụ thích hợp để không ảnh hưởng đến quá trình sản xuất.
2. Kiến nghị:
- Cần nâng cấp cơ sở vật chất đặc biệt là hệ thống bể ương nuôi cho phù hợp với đối tượng Hàu Cửa Sông nhằm nâng cao sản lượng cũng như hiệu quả trong sản xuất.
- Cần có hệ thống nhà làm tảo để gây thức ăn tươi sống nhằm chủ động nguồn thức ăn cho ấu trùng Hàu trong quá trình sản xuất.



MỘT SỐ HÌNH ẢNH TRONG QUÁ TRÌNH NGHIÊN CỨU THỰC HIỆN CHUYÊN ĐỀ









 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Bạn muốn biết thông tin về sản phẩm tôm giống của trung tâm?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập22
  • Hôm nay4,612
  • Tháng hiện tại71,009
  • Tổng lượt truy cập10,550,967
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây