Tác giả: Nguyễn Thị Thu Thuỷ
Cá chạch lấu (Mastacembelus favus) là loài thủy đặc sản có hình dạng giống chạch đồng nhưng to dài hơn rất nhiều và đặc biệt có hàng sống lưng gai góc tựa cá rô. Là loài cá phân bố rất rộng, từ vùng thượng lưu đến hạ lưu, vùng đầm lầy, cửa sông hay sống dưới những lòng sông có đáy cát mịn hay thô và những nơi có thảm cỏ thực vật dày. Đây là loài sống ẩn nấp, chui rúc. Chúng thường tập trung chủ yếu ở các kênh, hồ vào những tháng mùa hè hoặc những vùng ngập lũ vào các tháng mùa mưa. Hiện chạch Lấu gần như đã ở trong tình trạng báo động đỏ trong tự nhiên do nạn đánh bắt tận diệt và ô nhiễm môi trường.
Tại Nghệ An cũng có một số loài cùng họ với loài cá này mọi người thường gọi là chạch sông hoặc chạch gai… Tuy nhiên các loài cá này phát triển chậm, việc sinh sản cũng chưa được quan tâm phát triển. Cá chạch lấu có kích thước tương đối lớn, thịt cá ngon, có mùi vị thơm đặc trưng, có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon, bổ dưỡng, có giá trị thương phẩm cao và được xem là một đối tượng đặc sản, có giá trị kinh tế cao nên hiện nay nhu cầu tiêu thụ trên thị trường khá lớn, với giá bán 350.000 - 400.000 đ/kg với kích cỡ thương phẩm 300 - 400 g/con. Việc đưa được cá chạch lấu vào nuôi thương phẩm có ý nghĩa lớn, cung cấp một mặt hàng mới có giá trị kinh tế cao cho thị trường. Do thấy được lợi ích của việc nuôi loài cá này ở Nghệ An nói riêng và khu vực phía Bắc nói chung, là một yếu tố thuận lợi cho nuôi thương phẩm loài cá chạch lấu với việc sử dụng con giống được sản xuất ngay tại địa phương sẽ chủ động được con giống, giảm giá thành con giống. Từ nhu cầu thực tiễn đó, Trung tâm giống thuỷ sản Nghệ An đã triển khai thực hiện mô hình “Ứng dụng tiến bộ KHCN thử nghiệm cho sinh sản nhân tạo, sản xuất giống cá Chạch lấu (Mastacembelus favus) tại Nghệ An” nhằm mục đích chủ động nguồn giống đảm bảo chất lượng, số lượng, mùa vụ với giá thành hợp lý cho người nuôi, từ đó thúc đẩy phong trào nuôi thương phẩm phát triển trên địa bàn tỉnh Nghệ An và các tỉnh phía Bắc.
Mùa vụ sinh sản của cá chạch thường vào mùa mưa lũ nước đục, từ tháng 6 đến tháng 9 hàng năm. Ngoài tự nhiên, tăng trưởng của cá chạch lấu sau 1 năm tuổi có thể đạt 150 - 250g, dài 18 - 25cm; sau 2 năm đạt 450 - 500g, dài 35 - 40cm. Chúng thành thục và sinh sản sau 2 - 3 năm; con đực thường lớn hơn con cái, dẫu cùng tuổi. Con cái có sức sinh sản 4.500 - 7.500 trứng/lần; trứng có kích thước nhỏ, màu vàng; nơi sinh sản là hang hốc, khe đá ngầm ven sông suối.
Quy trình sinh sản nhân tạo giống cá chạch lấu đã được Trường Đại học Cần Thơ, Đại học An Giang nghiên cứu, hoàn thiện quy trình công nghệ và đã được ứng dụng vào thực tiễn sản giống ở một số tỉnh thành phía Nam là cơ sở để Trung tâm giống thuỷ sản Nghệ An tiếp cận, nghiên cứu, ứng dụng vào sản xuất thử nghiệm trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Qua nghiên cứu, ứng dụng Trung tâm giống thuỷ sản Nghệ An đã bước đầu thành công trong việc sản xuất nhân tạo giống cá chạch lấu, sản xuất được 25.000 con cá Chạch lấu giống, kích cỡ 8 - 10 cm/con đảm bảo chất lượng thả nuôi thương phẩm cung cấp cho người nuôi trên địa bàn tỉnh Nghệ An và các tỉnh lân cận.
Như vậy việc sinh sản cá chạch lấu trong điều kiện khí hậu Nghệ An đã bước đầu thành công. Qua đó cho phép tiếp tục nghiên cứu các giải pháp nâng cao hiệu quả nuôi vỗ và sinh sản, làm tiền đề cho việc nghiên cứu phát triển nuôi loài cá này trong điều kiện sinh thái tại Nghệ An.