BÁO CÁO KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHUYÊN ĐỀ “Ứng dụng tiến bộ KHCN thử nghiệm nuôi thương phẩm cá Chạch lấu (Mastacembelus favus) trong ao đất quy mô công nghiệp tại Nghệ An”

Thứ ba - 28/12/2021 21:04 1.497 0
BÁO CÁO KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHUYÊN ĐỀ “Ứng dụng tiến bộ KHCN thử nghiệm nuôi thương phẩm cá Chạch lấu (Mastacembelus favus) trong ao đất quy mô công nghiệp tại Nghệ An”
1. Sơ lược về đối tượng cá Chạch lấu:
Hình 1: Cá Chạch lấu
Cá Chạch lấu (Mastacembelus favus) là loài cá nước ngọt có khả năng sinh sống và phát triển tốt trong môi trường nước ngọt, lợ. Cá Chạch lấu có chất lượng thịt thơm ngon, giàu giá trị dinh dưỡng nên được xem là một đối tượng đặc sản nước ngọt có giá trị kinh tế  cao.
Sản lượng cá Chạch lấu ngoài tự nhiên ngày càng cạn kiệt, không đủ nguồn cung cho thị trường tiêu thụ. Do đó, hiện nay phong trào nuôi thương phẩm đã và đang phát triển mạnh ở nhiều địa phương trên cả nước đặc biệt là ở các tỉnh phía Nam như Hậu Giang, Cần Thơ… Cá Chạch lấu được đưa vào nuôi thương phẩm với nhiều hình thức nuôi như nuôi trong ao đất, ao lót bạt, trong bể và trong lồng bè trên các thuỷ vực lớn cá sinh trưởng và phát triển tốt, các mô hình nuôi rất thành công, cho hiệu quả kinh tế cao.
Cá Chạch lấu đã được nghiên cứu, cho sinh sản nhân tạo thành công góp phần chủ động nguồn giống, đảm bảo chất lượng để cung cấp cho phong trào nuôi thương phẩm. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có một số cơ sở ở miền Nam cho sinh sản, cung cấp con giống ra thị trường nên nguồn cung chưa đáp ứng đủ cho phong trào nuôi, giá bán ra còn cao 7.000 - 8.000 đồng/con, cỡ cá 8 - 10cm, đặc biệt là các tỉnh phía Bắc đội giá cao do chi phí vận chuyển khá cao.
Là đối tượng khá dễ nuôi, ít bị dịch bệnh, công tác chăm sóc, quản lý khá đơn giản, không tốn nhiều công, cá thích nghi tốt với điều kiện khí hậu tại Nghệ An, sinh trưởng, phát triển khá nhanh sau 10 - 12 tháng nuôi cá kích cỡ thương phẩm, khối lượng đạt 300 - 350 g/con.
Thị trường tiêu thụ sản phẩm cá Chạch lấu thương phẩm ở các tỉnh phía Nam và phía Bắc khá tốt, cá có kích cỡ 250 - 300 g/con hiện có giá bán giao động từ 250.000 - 300.000 đ/kg, thương lái đến trực tiếp bắt tại ao nuôi. Tuy nhiên, đối với Nghệ An do phong trào nuôi chưa phát triển, sản lượng còn ít, chưa tạo thành hàng hoá nên thị trường tiêu thụ còn gặp khó khăn, chưa có thương lái tiêu thụ sản phẩm cá Chạch lấu thương phẩm.
Nhận thấy, đây là một đối tượng nuôi tiềm năng, dễ nuôi, có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện sinh thái Nghệ An, nuôi được dưới nhiều hình thức và phù hợp với trình độ kỹ thuật, điều kiện đầu tư của người dân tỉnh nhà. Do đó, trong năm 2021, đơn vị đã thực hiện chuyên đề: “Ứng dụng tiến bộ KHCN thử nghiệm nuôi thương phẩm cá Chạch lấu (Mastacembelus favus) trong ao đất quy mô công nghiệp tại Nghệ An” bước đầu đã thu được kết quả khả quan sau 9 tháng nuôi.
2. Một số kết quả đạt được của chuyên đề:
2.1 Chuẩn bị ao nuôi:
- Ao sử dụng thực hiện chuyên đề có diện tích 1.500 m2, được gia cố hệ thống bờ, cống cấp, thoát đảm bảo cho việc thực hiện và không để thất thoát cá.
- Ao nuôi được cải tạo, cấp nước, gây màu nước đúng quy trình kỹ thuật, kiểm tra chất lượng nước trước khi thả giống.
- Bố trí vật trú ẩn bằng cách cắt ống nhựa với độ dài 30 - 35cm và sử dụng lưới thưa tạo thành từng bó, cố định trong thùng xốp tạo thành khu trú ẩn và là khung cho Chạch ăn.
- Lắp đặt hệ thống quạt nước để đảo nước, cung cấp thêm oxy hoà tan trong nước đảm bảo cho chạch sinh trưởng và phát triển tốt nhất.
2.2. Thả giống:
Sau khi hệ thống ao nuôi và các hạng mục phụ trợ hoàn thiện, nước cấp vào ao đã lên màu xanh nhạt đảm bảo cho việc thả giống đơn vị đã tiến hành nhập giống cá Chạch lấu về thả nuôi, thực hiện chuyên đề cụ thể như sau:
- Số lượng cá thả: 9.000 con;  Kích cỡ cá giống thả: 8 - 10 cm/con
- Mật độ cá thả: 6 con/ m2
- Chất lượng cá giống: Cá khỏe mạnh, khá đồng đều kích cỡ, không bị mất nhớt, không bị dị hình, dị tật, bơi lội nhanh nhẹn.
- Nguồn cá Chạch lấu giống: Cá giống được mua từ miền Nam (Hậu Giang) do hiện nay, tại Nghệ An cũng như các tỉnh ở phía Bắc chưa có cơ sở sinh sản nhân tạo, cung cấp giống cá Chạch lấu.
- Vận chuyển cá giống: Cá giống được áp dụng phương pháp vận chuyển kín trong túi bóng, bơm oxy cho vào thùng xốp, vận chuyển bằng máy bay về Nghệ An. Mật độ vận chuyển 500 con/thùng. Kết quả vận chuyển: Cá khỏe mạnh, hao hụt không đáng kể, tỷ lệ sống sau vận chuyển đạt 99,8%.
2.3. Chăm sóc và quản lý:
a) Thức ăn và quản lý thức ăn:
- Sử dụng thức ăn công nghiệp dạng viên nổi, hàm lượng đạm 43 - 44%, kích cỡ viên từ 1 - 3 mm đảm bảo theo kích cỡ miệng cá để cho cá ăn.
- Trong 2 tháng đầu thả nuôi, trộn bổ sung giun quế để bổ sung thêm dinh dưỡng và tăng tính bắt mồi cho Chạch lấu. Lượng giun quế phối trộn cùng thức ăn công nghiệp tỷ lệ giảm dần từ 40% - 10%.
- Khẩu phần ăn cho cá tùy thuộc vào giai đoạn phát triển của cá để điều chỉnh sao cho phù hợp, vừa tránh lãng phí thức ăn, vừa không làm ô nhiễm môi trường ao nuôi. Khẩu phần cho ăn từ 1,5 - 7% khối lượng thân cá.
- Cách cho cá ăn: Hàng ngày cho cá ăn 2 lần vào sáng sớm và chiều mát. Thức ăn được cho vào khung cho ăn có bố trí giá thể trú ẩn.
- Để tăng cường sức đề kháng cho chạch bổ sung thêm vitamin C và men tiêu hóa vào thức ăn theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
Định kỳ tiến hành kiểm tra, theo dõi tăng trưởng của cá. Tùy theo khối lượng thân cá, mức độ phát triển của cá từng giai đoạn, mức độ ăn, diễn biến thời tiết để điều tiết lượng thức ăn hợp lý.
b) Quản lý ao nuôi:
- Trong quá trình nuôi sử dụng quạt nước vào các thời điểm nắng nóng trong ngày (10 - 15 giờ hàng ngày) tránh phân tầng nước cho ao nuôi vào buổi sáng sớm (4 - 7 giờ sáng), đặc biệt là những ngày trời oi bức, chuyển mùa để tránh cá bị thiếu oxy, nổi đầu.
- Định kỳ 1 tuần/ lần tạt vi sinh EM cho ao và sàng cho ăn để phân hủy mùn bã hữu cơ ở đáy ao, sàng ăn và ổn định môi trường nước. Liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
- Thường xuyên cho nước luân chuyển trong ao, định kỳ 7 - 10 ngày thay 30 - 50% lượng nước trong ao nhằm đảm bảo môi trường ao nuôi luôn trong sạch.
- Thường xuyên kiểm tra hệ thống bờ ao, cống cấp, cống thoát đảm bảo ao không rò rỉ, gây thất thoát cá.
c) Phòng và trị bệnh cho cá:
Cá Chạch lấu có sức sống cao nhưng khá dễ mẫn cảm với thay đổi môi trường, thời tiết dẫn đến cảm nhiễm bệnh. Do đó, trong quá trình nuôi cần làm tốt công tác phòng bệnh chung cho cá nhằm hạn chế cá bị bệnh. Trong quá trình thực hiện mô hình, nhóm thực hiện đã áp dụng các biện pháp phòng bệnh chung như:
- Cho cá ăn đầy đủ thức ăn, đúng giờ, sử dụng thức ăn có hàm lượng Protein đảm bảo, không ẩm mốc. Thực hiện tốt công tác quản lý thức ăn nhằm tránh thừa, thiếu thức ăn gây ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cá.
- Thực hiện tốt chế độ phòng bệnh cho cá, thường xuyên sử dụng vitamin C và men tiêu hóa trộn hàng ngày vào thức ăn cho cá với liều lượng sử dụng 10g Vitamin C và 5g men tiêu hóa cho 1 kg thức ăn để tăng sức đề kháng và giúp cá tăng trưởng tốt.
- Quản lý ao nuôi chặt chẽ, duy trì nguồn nước trong ao sạch luôn trong sạch, định kỳ 1 tuần/ lần tạt vi sinh cho ao để phân hủy mùn bã hữu cơ ở đáy ao và ổn định môi trường nước cho cá sinh trưởng phát triển.
- Sử dụng hệ thống quạt nước nhằm tăng hàm lượng ô xy vào những thời điểm hàm lượng oxy trong ao thấp và những lúc nắng nóng nhằm đảo nước, tránh phân tầng nước trong ao nuôi.
Nhờ thực hiện tốt công tác phòng bệnh chung nên trong quá trình thực hiện chuyên đề không thấy hiện tượng cá bị bệnh. Tuy nhiên, trong thơi gian đầu nuôi, do chưa có kinh nghiệm nuôi và ở Nghệ An, vào mùa hè thời tiết nắng nóng gay gắt, nhiệt độ nước tăng cao nên xảy ra sự cố cá chết sau khi kiểm tra và vệ sinh sàng ăn do sốc nhiệt và mất nhớt. Nhóm thực hiện đã sử dụng thuốc tím với liều lượng 3ppm (3 ngày/lần) kết hợp với tạt men vi sinh EM (liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất) tạt đều khắp ao. Sau 2 tuần cá ổn định, khỏe mạnh, tỷ lệ hao hụt ít, bắt mồi tốt.
Trong quá trình thực hiện, định kỳ 30 ngày/lần, tiến hành kiểm tra tốc độ tăng trưởng, đánh giá mức độ phát triển của cá, kết quả thu được như sau:
Bảng 1: Kết quả theo dõi tốc độ tăng trưởng cá Chạch lấu
TT Thời gian nuôi (ngày) Khối lượng TB (g/con)
1 0 3,6
2 30 6,25
3 60 23,3
4 90 45,5
5 120 83,3
6 150 142
7 180 165
8 210 200
9 240 210
10 270 220
Qua kết quả kiểm tra định kỳ cho thấy:
Cá Chạch lấu có tốc độ tăng trưởng nhanh, ổn định. Về mùa hè tốc độ tăng trưởng của cá nhanh, vào mùa đông cá giảm ăn tốc độ tăng trưởng chậm. Sau hơn 9 tháng nuôi, tỷ lệ sống của cá đạt 61%, kích cỡ trung bình 220g/con. Từ kết quả trên cho thấy, cá Chạch lấu nuôi tại Nghệ An tăng trưởng và phát triển khá nhanh, ít bị bệnh điều đó chứng tỏ cá thích nghi tốt với điều kiện sinh thái tại Nghệ An. Tuy nhiên, để phù hợp với điều kiện thời tiết ở Nghệ An và sự phát triển của cá Chạch lấu nên thả nuôi kích cỡ cá lớn hơn hoặc thả sớm hơn bắt đầu thả giống từ tháng 3 vì vào thời tiết lạnh ở Nghệ An cá sinh trưởng phát triển chậm.

Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Thu Thủy

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Bạn muốn biết thông tin về sản phẩm tôm giống của trung tâm?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập19
  • Hôm nay5,750
  • Tháng hiện tại99,561
  • Tổng lượt truy cập10,579,519
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây