Năm 2022, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) triển khai thực hiện mô hình nuôi tôm càng xanh thương phẩm trong ao đất trên quy mô 1 ha, với 3 hộ dân tham gia tại xã Bình Dương. Sau thời gian nuôi gần 6 tháng, tôm đạt trọng lượng bình quân gần 30 g/con, tổng thu mô hình đạt 522 triệu đồng.
Theo các hộ tham gia mô hình, tôm càng xanh có đặc tính ăn thịt lẫn nhau, nhất là khi tôm lột xác, những con tôm khỏe sẽ ăn thịt những con tôm mới lột xác. Để nâng cao tỷ lệ sống của tôm phải thả lá dừa nước xuống ao nuôi nhằm tạo giá thể cho tôm ẩn nấp khi lột xác, giá thể được cắm thành từng cụm trong ao nuôi. Các yếu tố môi trường nước như nhiệt độ, pH nước được các hộ nuôi thường xuyên theo dõi và kiểm tra để có biện pháp xử lý kịp thời. Để duy trì ổn định pH nước thì định kỳ 7 – 10 ngày dùng vôi với liều lượng 2 – 3 kg/100 m2 ao, vôi được hòa tan trong nước rồi mới tạt đều xuống ao nuôi, vì vậy pH nước ao nuôi tôm càng xanh luôn được duy trì trong khoảng 7,5 – 8,5. Ngoài tác dụng duy trì ổn định môi trường nước, vôi còn có tác dụng phòng bệnh cho tôm.
Tôm càng xanh đối tượng triển vọng của ngư dân Quảng Ngãi. Ảnh: ST
Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, sau gần 6 tháng nuôi, tôm càng xanh của các hộ tham gia mô hình đều sinh trưởng và phát triển tốt, trọng lượng bình quân đạt gần 30 g/con, tỷ lệ sống đạt 60%, với giá bán hiện tại 150.000 đồng/kg, tổng thu từ tôm càng xanh đạt 522 triệu đồng. Trừ các khoản chi phí, mô hình cho lãi 170 triệu đồng. Vì tôm càng xanh có kích cỡ càng lớn thì giá bán càng cao, nên các hộ nuôi vừa thu tỉa tôm đạt kích cỡ thương phẩm vừa tiếp tục nuôi để thu được lợi nhuận cao hơn.
Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Bình Sơn nhận định, qua mô hình nuôi tôm càng xanh thương phẩm trong ao ở xã Bình Dương, huyện Bình Sơn cho thấy, tôm càng xanh thích ứng rất tốt với điều kiện thời tiết, khí hậu và thổ nhưỡng ở địa phương, mô hình đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nông dân. Tuy nhiên, để nuôi tôm càng xanh cho năng suất, sản lượng cao thì người nuôi cần phải nắm rõ các đặc điểm tập tính sinh sống của giống tôm này, phải chọn con giống có nguồn gốc rõ ràng, không bị nhiễm bệnh, kích cỡ đồng đều, bơi lội linh hoạt, màu sắc tươi sáng, không nên thả nuôi với mật độ quá dày, sử dụng loại thức ăn và quản lý việc cho ăn phải phù hợp, không quá nhiều, cũng không quá ít. Đặc biệt cần chú trọng đến khâu cải tạo ao nuôi, xử lý nguồn nước… Thành công của mô hình góp phần đa dạng hóa đối tượng nuôi thủy sản nước ngọt của địa phương, mở ra triển vọng phát triển và nhân rộng các mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao, từ đó nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Ý kiến bạn đọc