Phương pháp xử lý phèn hiệu quả

Thứ hai - 24/10/2022 04:43 2.713 0

Hỏi: Làm thế nào để phát hiện ao nuôi bị nhiễm phèn?

(Phan Thế Hoàng, Thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An)

Trả lời:

Vào mùa mưa, ao nuôi thủy sản có thể bị xì phèn hoặc mưa làm rửa trôi phèn trên bờ ao xuống. Người nuôi có thể quan sát được ao nuôi có bị phèn hay không qua một số hiện tượng sau:

Nước ao chuyển màu và trong hơn hoặc màu trà nhạt, có váng vàng nhạt nổi trên mặt nước, pH giảm.

Ở những ao mặt nước trong xanh, đất quanh bờ có màu xám ít cỏ mọc hoặc cỏ năng mọc lác đác từng chòm thì ruộng đó có thể bị phèn nhôm.

Ở những ao mặt nước có váng màu đỏ thì ao đó có thể bị phèn sắt. Nếu tầng sinh phèn sâu (dưới mặt đất 1 – 2 m hoặc sâu hơn) thì lượng phèn trong ao ít. Nếu tầng sinh phèn nông (cách lớp đất mặt dưới 1 m) thì lượng phèn trong ao sẽ nhiều, biện pháp cải tạo sẽ khó khăn hơn.

Đối với tôm nuôi trong ao: Mang tôm có màu vàng, thân tôm chuyển sang màu vàng, vỏ tôm có thể cứng hơn bình thường, tôm bỏ ăn sau mưa. Tôm bắt đầu bỏ ăn sau những trận mưa kéo dài. Nếu ao bị nhiễm phèn nặng tôm có thể tấp mé và chết rải rác do phèn bám vào mang tôm nhiều làm cản trở quá trình lấy ôxy của tôm trong ao. Nước ao chuyển màu và trở nên trong hơn hoặc màu trà nhạt nhưng khi kiểm tra không thấy tảo.

Đối với cá, khi độ phèn cao, da cá chuyển màu đen, cá gầy đi và chậm lớn, nếu pH xuống quá thấp có hiện tượng cá chết hàng loạt.

 

Hỏi: Xin tư vấn biện pháp xử lý khi ao nuôi bị nhiễm phèn?

(Trần Thanh Phong, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau)

Trả lời:

Đối với những ao nuôi có đất bị nhiễm phèn, khi cải tạo cần dùng giấy quỳ để kiểm tra độ pH của đáy ao, nếu nền đáy bị xì phèn cần tăng lượng vôi nông nghiệp CaO bón xuống ao, liều lượng 10 – 15 kg/100 m2. Cần dùng bạt phủ kín từ đáy ao lên mặt bờ xung quanh ngăn không cho nước mưa thấm qua bờ tràn xuống, hoặc đắp gờ đất ngăn không cho nước mưa chảy trực tiếp xuống ao. Đầm nén bờ chắc chắn và giữ mực nước ao cân bằng với mương nước hoặc ao xung quanh, tránh mực nước thấp, xì phèn sẽ rò rỉ, thẩm lậu theo nước vào ao. Trong quá trình nuôi, cần sử dụng vôi bột hoặc vôi tôi hòa loãng với nước té đều xuống ao, liều lượng 1 – 2 kg/100 m2, định kỳ 15 – 20 ngày/lần, trước khi trời mưa nên rải vôi quanh bờ ao với liều lượng 2 kg/100 m2. Thường xuyên dùng hộp giấy qùy đo pH của nước, mức thích hợp cho tôm cá sinh trưởng và phát triển 6,5 – 7,5, nếu thấp hơn ngưỡng cho phép thì phải té vôi ngay liều lượng 1 – 2 kg/100 m2. Với ao bị xì phèn thì nước có độ trong cao, ao nghèo dinh dưỡng, tảo không phát triển, do vậy, nên thay nước cũ thêm nước mới vào hoặc dùng vôi Dolomite liều lượng 20 – 30 kg/1.600 m2, bón 2 ngày/lần, trong vòng 20 ngày đầu để gây và giữ màu nước cho ao nuôi. Hoặc người nuôi có thể sử dụng vi sinh để xử lý hiện tượng này. Bằng cách sử dụng các loại vi khuẩn có khả năng phân hủy phèn rải đều vào ao nuôi, sau 3 – 5 ngày vi khuẩn sẽ phân hủy các chất gây phèn làm cho ao nuôi hết phèn. Ưu điểm của phương pháp này là rất tiết kiệm, vì không phải xử lý phèn lại nhiều lần, hiệu quả mang lại rất cao.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Bạn muốn biết thông tin về sản phẩm tôm giống của trung tâm?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập22
  • Hôm nay4,735
  • Tháng hiện tại71,132
  • Tổng lượt truy cập10,551,090
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây