Kỹ thuật nuôi cá ngạnh thương phẩm trên sông

Thứ ba - 28/03/2023 22:01 479 0
Kỹ thuật nuôi cá ngạnh thương phẩm trên sông

Cá ngạnh được đánh giá là một trong những loài cá nước ngọt ngon, có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ ổn định. Trong đó, nuôi cá ngạnh trên sông là một trong những hình thức khai thác có hiệu quả tiềm năng mặt nước và điều kiện sinh thái của nhiều địa phương ở nước ta.

Yêu cầu kỹ thuật đối với lồng nuôi

Vật liệu: Toàn bộ khung lồng làm bằng ống tiếp thép Φ34, mỗi cây dài 6 m và ống nối thép Φ34. Thùng phi nhựa 200 lít, dây thép để liên kết phuy sắt với khung lồng. Ngoài ra còn có dây neo cố định khung lồng.

Thiết kế khung lồng: Khung lồng có kích thước 6x9x3 m (162 m3). Phao làm bằng thùng phi 200 lít và được cố định với khung lồng. Các tiếp sắt Φ34, mỗi cây có chiều dài 6 m được nối thẳng với nhau bằng tiếp nối Φ34. Toàn bộ các tiếp sắt dọc và ngang được hàn gắn chặt với nhau tạo thành khung lồng, các phi nhựa làm phao được liên kết với khung lồng bằng dây thép. Lồng làm bằng lưới dệt có kích thước mắt lưới (2a) 1,5 cm, đáy lưới lồng được cố định dây giềng nối với đá chẻ.

Chỉ tiêu môi trường nước: Trước khi thả cá, một số chỉ tiêu phải đảm bảo cá chỉ tiêu như nhiệt độ nước từ 25 – 300C, pH 7 – 8, hàm lượng ôxy hòa tan lớn hơn 4 mg/l.

Cá ngạnh (Cranoglanis henrici Vaillant, 1893)

Chọn cá giống

Chọn cá khỏe mạnh, bơi lội nhanh nhẹn, không bị dị hình, không bệnh tật. Có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, tại các địa chỉ uy tín. Mật độ nuôi lồng 10 con/m3 với kích cỡ cá khi bắt đầu thả 40 – 50 g/con (kích thước 16 – 18 cm). Thả giống tốt nhất vào tháng 3 – 4 hàng năm, khi nhiệt độ nước tăng dần theo chu kỳ năm. Thời gian nuôi cá thương phẩm thường kéo dài từ 12 tháng trở lên.

Vận chuyển cá ngạnh đến lồng nuôi cần lưu ý một số điểm sau đây: Cá trước khi vận chuyển phải được luyện ép bằng cách nhốt cá trong bể xây đã được đánh bóng. Không luyện ép cá trong lưới hoặc giai vì cá dễ bị xây xát. Khi vận chuyển cần đánh bắt nhẹ nhàng, đựng trong các xô chậu, hạn chế bắt cá bằng vợt. Không đánh bắt, vận chuyển cá giống vào những ngày trời nắng to, mới mưa xong hoặc những ngày thời tiết quá rét.

 

Cho ăn

Thức ăn nuôi cá ngạnh thương phẩm trong lồng có dạng viên nổi, thành phần dinh dưỡng 40% protein, 7% lipid. Thức ăn được bảo quản trong kho thoáng mát, được kê cao khỏi mặt sàn 20 – 30 cm, cách tường 40 – 50 cm và sử dụng đúng thời hạn. Không cho cá ăn thức ăn đã hết hạn sử dụng hoặc bị mốc. Cá có khối lượng <100 g cho ăn 4 – 5% khối lượng cá, cá 100 – 300 g cho ăn 3 – 4% khối lượng cá và cỡ cá >300 g: cho ăn 3% khối lượng cá.

Thời gian cho cá ăn 2 lần/ngày: Buổi sáng vào 6 – 8h, buổi chiều 16 – 18h. Vào những ngày thời tiết thay đổi cần giảm lượng thức ăn; đặc biệt khi cá có hiện tượng nổi đầu không nên cho ăn.

Thường xuyên kiểm tra lồng nuôi, khả năng sử dụng thức ăn của cá và tình trạng sức khỏe. Hàng tháng cân đo ít nhất 30 cá thể, tính khối lượng trung bình làm cơ sở tính toán lượng cá trong ao và lượng thức ăn.

 

Chăm sóc và quản lý

Thường xuyên kiểm tra lồng nuôi cá, tốt nhất là vào mỗi buổi sáng và buổi chiều để biết hoạt động bất thường của cá. Cần theo dõi chất lượng nước chặt chẽ và thường xuyên kiểm tra sức khỏe của cá. Các quá trình đánh bắt, kéo lưới, vệ sinh lồng cần được thực hiện một cách nhẹ nhàng, thao tác nhanh gọn.

Hàng tuần kiểm tra chất lượng nước trong lồng nuôi để đảm bảo chất lượng nước. Định kỳ 2 tháng/lần cho cá ăn phòng thuốc thảo dược KN04-12 theo hướng dẫn của nhà sản xuất nhằm hạn chế bệnh nhiễm khuẩn. Thường xuyên treo túi vôi trong lồng nuôi. Khi cá mắc bệnh cần tham khảo ý kiến chuyên gia bệnh, không nên tự tiện sử dụng thuốc hóa chất để điều trị.

 

Một số bệnh thường gặp

Bệnh xuất huyết do vi khuẩn

– Tác nhân gây bệnh: Aeromonas hydrophila; Pseudomonas fluorescens; Streptococcus sp.

– Dấu hiệu bệnh lý: Cá kém ăn hoặc bỏ ăn. Có các đốm đỏ trên thân. Vây xuất huyết, rách nát. Cơ quan nội tạng có thể xuất huyết có các đốm trắng, ruột xuất huyết, nhiều chỗ hoại tử thối nát.

– Phân bố và mùa vụ xuất hiện bệnh: Bệnh thường xuất hiện vào mùa xuân, đầu hè và mùa thu.

– Phòng trị bệnh:

+ Áp dụng biện pháp phòng bệnh tổng hợp

+ Vệ sinh môi trường nuôi bằng vôi

+ Cung cấp thêm lượng Vitamin C

+ Dùng thuốc Tiên đắc 1 và thuốc kháng sinh trộn vào thức ăn cho cá ăn.

Bệnh nấm thủy mi

– Tác nhân gây bệnh: Saprolegnia, Achlya.

– Dấu hiệu bệnh lý: Trên da xuất hiện các vùng trắng xám. Nấm phát triển như đám bông.

– Phân bố và mùa vụ xuất hiện bệnh:  Bệnh xuất hiện vào mùa xuân, mùa thu và gặp nhiều nhất vào mùa đông.

– Phòng trị bệnh:

+ Áp dụng biện pháp phòng bệnh tổng hợp;

+ Làm sạch môi trường nuôi;

+ Tắm cá trước khi thả bằng dung dịch nước muối NaCl) 2 – 3% trong thời gian 10 – 15 phút;

+ Hạn chế dồn, kiểm tra cá trong những tháng mùa đông lạnh nhiệt độ nước thấp gây xây xát cá làm cá dễ bị nhiệm bệnh;

+ Dùng thuốc tím (KMnO4) tạt vào nước với nồng độ 2 – 5 ppm.

Viêm ruột xuất huyết

Do ăn phải thức ăn kém chất lượng sau nhiễm khuẩn gây viêm và xuất huyết ruột. Để hạn chế thiệt hại dừng ngay thức ăn nghi ngờ kém chất lượng, thường xuyên kiểm tra thức ăn, tránh cho ăn thừa thức ăn và tránh thức ăn nhiễm nấm mốc, thức ăn có chất lượng kém. Dùng kháng sinh Enrofloxacine trộn thức ăn cho cá ăn 5 ngày liên tục với liều 30 – 50 mg/kg cá/ngày, hoặc dùng thuốc Tiên Đắc trộn thức ăn cho cá ăn 5 ngày liên tục với liều 1 g/kg cá/ngày, kết hợp bổ sung Vitamin C với liều 5 – 10 g/kg thức ăn cho cá ăn 5 – 7 ngày 1 đợt.

 

Thu hoạch

Sau 12 tháng nuôi, khi cá đạt khối lượng trung bình từ 400 g/con trở lên thì có thể tiến hành thu hoạch. Lưu ý, tạm dừng cho cá ăn 2 ngày trước khi thu cá.

 

Hoàng Yến

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Bạn muốn biết thông tin về sản phẩm tôm giống của trung tâm?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập17
  • Hôm nay4,353
  • Tháng hiện tại70,750
  • Tổng lượt truy cập10,550,708
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây