NGHIÊN CỨU ẢNH HƯỞNG CỦA MẬT ĐỘ THẢ GIỐNG, LOẠI THỨC ĂN ĐẾN TỶ LỆ SỐNG CỦA CÁ CHIÊN BẮC (Bagarius rutilus Ng&Kottelat, 2000) NUÔI LỒNG TRÊN HỒ CHỨA TẠI NGHỆ AN

Thứ tư - 11/01/2023 21:09 384 0
NGHIÊN CỨU ẢNH HƯỞNG CỦA MẬT ĐỘ THẢ GIỐNG, LOẠI THỨC ĂN ĐẾN TỶ LỆ SỐNG CỦA CÁ CHIÊN BẮC (Bagarius rutilus Ng&Kottelat, 2000) NUÔI LỒNG TRÊN HỒ CHỨA TẠI NGHỆ AN
1. Đặt vấn đề.
Nghệ An có 1.250 hồ chứa thủy lợi vừa và nhỏ được phân bố đều trên các huyện đồng bằng, trung du và miền núi. Trong đó, có 944 hồ, dung tích 462,11 x 106 m3 nước, diện tích mặt thoáng 11.783,49 ha có khả năng phát triển nuôi trồng thủy sản. Qua đó cho thấy, Nghệ An việc khai thác, sử dụng hồ chứa để nuôi thuỷ sản còn rất hạn chế, chưa phát huy hết tiềm năng mặt nước của các hồ. Trước tình hình đó, phát triển nuôi trồng thuỷ sản hồ chứa thông qua việc xây dựng các mô hình nuôi có hiệu quả kinh tế, dễ áp dụng và nhân rộng là nhu cầu cấp thiết, góp phần chuyển dịch cơ cấu của ngành nông nghiệp, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh - quốc phòng cho người dân vùng quanh hồ chứa và miền núi là hết sức quan trọng.
Cá Chiên bắc (Bagarius rutilus Ng&Kottelat, 2000) là một trong những loài cá có giá trị kinh tế cao thuộc hệ thống sông Hồng, sông Mã, sông cả. Con lớn nhất có thể đạt đến 50 Kg, cỡ cá khai thác trung bình ngoài tự nhiên 5 - 7 kg hoặc nhỏ hơn. Đây là loài cá bản địa thuộc khu hệ cá nhiệt đới, là một trong những loài cá đặc sản nước ngọt của Việt Nam. Cá có thịt màu hơi vàng, nhiều nạc, dai giòn, có hương vị đặc trưng và có giá trị dinh dưỡng cao.


Hình 1: Cá Chiên bắc (Bagarius rutilus Ng&Kottelat, 2000)
Hiện nay, nhu cầu sử dụng cá Chiên bắc tăng cao tạo áp lực lên khai thác và đánh bắt cá tự nhiên dẫn đến nguy cơ suy giảm nguồn lợi trầm trọng và đang có nguy cơ bị tuyệt chủng. Để đáp ứng nhu cầu thị trường của người tiêu dùng, hiện nay đã có những hình thức nuôi thương phẩm khác nhau như: Nuôi trong lồng bè trên các sông, hồ chứa, nuôi trong ao đất. Thức ăn chủ yếu cho cá là sử dụng cá tạp, việc phát triển nuôi loài cá này trên các sông, hồ chứa chủ yếu là ở vùng miền núi nên nguồn thức ăn cho cá thường không chủ động, giá cao do nguồn cá tạp ở các sông suối, hồ chứa ngày càng cạn kiệt, xa vùng biển. Mặt khác, việc sử dụng cá tạp làm thức ăn khó bảo quản và nguy cơ ô nhiễm môi trường nuôi và lan truyền dịch bệnh cao. 
Việc tìm kiếm một đối tượng cá bản địa phù hợp, có giá trị kinh tế trong nuôi ngọt để phát triển nuôi trồng thủy sản ở Nghệ An nhằm góp phần đa dạng hóa đối tượng nuôi sử dụng hiệu quả mặt nước của các hồ chứa là rất cần thiết. Cá Chiên bắc là loài cá da trơn bản địa được xem là loài có triển vọng kinh tế trên cả 2 khía cạnh là nuôi thương phẩm và cá cảnh.
Những nghiên cứu về đối tượng cá Chiên bắc đã được triển khai trong những năm gần đây nhưng chủ yếu chỉ mới dừng lại ở những nghiên cứu về đặc điểm sinh học, sinh sản; Nghiên cứu về nuôi vỗ thành thục và sản xuất giống nhân tạo hay những nghiên cứu về mật độ và các loại thức ăn đến tỷ lệ sống và tăng trưởng của cá Chiên bắc giai đoạn ương. Đến nay, ở Nghệ An chưa có những nghiên cứu để xác định mật độ thả giống và loại thức ăn phù hợp với giai đoạn nuôi thương phẩm cá Chiên bắc để giúp người nuôi bớt phụ thuộc vào nguồn thức ăn cá tạp và xác định được mật độ nuôi phù hợp. Do đó, việc nghiên cứu xác định mật độ thả giống, loại thức ăn phù hợp thay thế cá tạp để phát triển nuôi cá Chiên bắc trong lồng bè trên hồ chứa là hết sức cần thiết.
Xuất phát từ thực tiễn trên, tôi đã tiến hành thực hiện đề tài: “Ảnh hưởng của mật độ thả giống, loại thức ăn đến tỷ lệ sống và tăng trưởng của cá Chiên bắc (Bagarius rutilus Ng&Kottelat, 2000) nuôi lồng trên hồ chứa tại Nghĩa Đàn, Nghệ An". Với mục tiêu:
- Xác định được mật độ thả giống cho giai đoạn nuôi thương phẩm cá Chiên bắc trong lồng trên hồ chứa.
- Xác định được loại thức ăn phù hợp thay thế cá tạp cho giai đoạn nuôi thương phẩm cá Chiên bắc trong lồng trên hồ chứa.
- Đánh giá hiệu quả kinh tế thông qua bố trí thí nghiệm các mật độ nuôi, các loại thức ăn sử dụng cho giai đoạn nuôi thương phẩm cá Chiên bắc trong lồng trên hồ chứa.
2. Nội dung nghiên cứu
- Đánh giá ảnh hưởng của mật độ thả giống đến tỷ lệ sống và tăng trưởng của cá Chiên bắc nuôi lồng trên hồ chứa.
- Đánh giá ảnh hưởng của các loại thức ăn đến tỷ lệ sống và tăng trưởng của cá Chiên bắc nuôi lồng trên hồ chứa.
- Đánh giá hiệu quả kinh tế thông qua việc bố trí các mật độ thả giống và các loại thức ăn sử dụng trong nuôi thương phẩm cá Chiên bắc, trong lồng bè trên hồ chứa.
3. Phương pháp nghiên cứu
3.1. Bố trí thí nghiệm
3.1.1. Thí nghiệm 1: Ảnh hưởng của mật độ thả giống đến tỷ lệ sống và tăng trưởng của cá Chiên bắc nuôi lồng trên hồ chứa
Thí nghiệm được tiến hành với 3 công thức thí nghiệm tương ứng với 3 mật độ nuôi (M1: 20 con/m3; M2: 30 con/m3 và M3: 40 con/m3 lồng, thể tích lồng nuôi 5 m3/lồng).
Mỗi công thức thí nghiệm được lặp lại 3 lần, sử dụng 1 loại thức ăn cá tạp để cho cá ăn. Chế độ cho cá thí nghiệm ăn là 3 - 5% khối lượng thân/ngày, cho ăn 2 lần/ngày 7 - 8 giờ sáng và 16 - 17 giờ chiều.
3.1.2. Thí nghiệm 2: Ảnh hưởng của các loại thức ăn đến tỷ lệ sống và tăng trưởng của cá Chiên bắc nuôi lồng trên hồ chứa
Thí nghiệm được tiến hành với ba công thức thí nghiệm tương ứng với 3 loại thức ăn trong đó: D1: Thức ăn cá tạp tươi; D2: Thức ăn công nghiệp New hope có hàm lượng Proteintein 25%; D3: Thức ăn công nghiệp Cargill có hàm lượng Protein 30%.
Mỗi công thức thí nghiệm được lặp lại 3 lần, bố trí một mật độ nuôi 20 con m3/lồng, mỗi lồng 100 con. Chế độ cho cá thí nghiệm ăn là 3 - 5% khối lượng thân/ngày, cho cá ăn 2 lần/ngày vào 7 - 8 giờ sáng và 16 - 17 giờ chiều. Thức ăn công nghiệp có thành phần dinh dưỡng khác nhau được thể hiện ở Bảng 2.1.
          - Các công thức thí nghiệm có chế độ chăm sóc, quản lý cá như nhau, các yếu tố phi thí nghiệm như nhiệt độ, pH, Oxy, NH3 và độ trong của nước là tương đồng nhau. Các thí nghiệm được tiến hành trong 150 ngày nuôi.
Bảng 1: Công thức và thành phần dinh dưỡng của thức ăn thí nghiệm
Tỷ lệ nguyên liệu (%) Thức ăn thí nghiệm
D2 (New hope) D3 (Cargill)
độ ẩm tối đa (%) 11 11
Độ đạm tối thiểu (%) 25 30
Xơ thô tối thiểu (%) 7 6
Lipid tối thiểu (%) 4 5
Can xi tối đa (%) 2  
Phốt pho tối thiểu (%) 1 1
Muối tối đa (%) 2,5 2,5
Năng lượng trao đổi tối thiểu (kcal/Kg) 2.700 2.800
Hooc mon Không có Không có
 
3.2. Phương pháp thu thập số liệu
3.2.1. Phương pháp xác định tăng trưởng về chiều dài và khối lượng cá
Cân và đo cá khi bắt đầu thí nghiệm và định kì thu mẫu 1 tháng/lần, số lượng mẫu thu là 30 con/lồng.
- Sử dụng cân tiểu li có độ chính xác đến 1g để cân cá.
- Sử dụng thước nhựa có chia vạch, độ chính xác đến 1mm để xác định chiều dài toàn thân từng cá thể.
* Tốc độ tăng trưởng tuyệt đối về khối lượng AGRW (Absoluted growth rate)
                      AGRW =    (g/ngày)
* Tốc độ tăng trưởng tương đối về khối lượng SGRW ( Specific growth rate)
                  SGRW = x 100    (%/ngày)
* Tốc độ tăng trưởng tuyệt đối về chiều dài AGRL (Absoluted growth rate)
                      AGRL =     (cm/ngày)
* Tốc độ tăng trưởng tương đối về chiều dài SGRL (Specific growth rate)
                    SGRL = x 100    (%/ngày)
Trong đó:    W1, W2: Khối lượng trước và sau ở các lần đo cá.
                                      L1, L2: Chiều dài trước và sau ở các lần đo cá.               
                                      T là thời gian thí nghiệm.
3.2.2. Phương pháp xác định hệ số thức ăn (FCR)
Tiến hành ghi chép số lượng thức ăn cho cá ăn (kg) và cân toàn bộ khối lượng cá khi thu hoạch (kg).
          FCR = Khối lượng thức ăn (kg)/Khối lượng cá tăng thêm (kg)
3.2.3. Phương pháp xác định tỷ lệ sống
Xác định số lượng cá thả lúc ban đầu, số cá khi kết thúc thí nghiệm và xác định tỷ lệ sống bằng công thức:
TLS(%) = Số cá thu hoạch (con)*100/Số lượng cá thả (con)
3.3. Phương pháp xử lý số liệu
Số liệu trong nghiên cứu này được thể hiện là giá trị trung bình ± độ lệch chuẩn (SD). Kết quả nghiên cứu được so sánh bằng cách phân tích phương sai một nhân tố (one-way ANOVA) và sử dụng phép kiểm định Duncan để xác định sự khác biệt giữa các nghiệm thức thức ăn, giữa các mật độ nuôi với độ tin cậy 95%. Số liệu được xử lý bằng phần mềm thống kê SPSS 16.0.
4. Kết quả nghiên cứu.
4.1. Ảnh hưởng của mật độ thả giống đến tỷ lệ sống và tăng trưởng của cá Chiên bắc
4.1.1. Ảnh hưởng của mật độ thả giống đến tỷ lệ sống của cá Chiên bắc
Tỷ lệ sống của cá Chiên bắc ở cả ba mật độ thí nghiệm đạt khá cao, dao động từ  83,83 ± 0,4%  đến 86,67 ± 0,8%. Kết thúc thí nghiệm, tỷ lệ sống của cá ở các mật độ M1 là 86,67 ± 0,8%, mật độ M2 là 86,44 ± 0,5%, mật độ M3 là 83,83 ± 0,4%, chứng tỏ các mật độ nuôi khác nhau có ảnh hưởng đến tỷ lệ sống của cá Chiên bắc nuôi lồng trên hồ chứa. Như vậy, mật độ nuôi có ảnh hưởng đến tỷ lệ sống của cá Chiên bắc thí nghiệm. Kết quả cũng cho thấy, cá Chiên bắc có khả năng sống rất cao khi nuôi trong lồng trên hồ chứa. Chứng tỏ điều kiện môi trường nước ở hồ chứa thích hợp cho việc nuôi đối tượng này.
4.1.2. Ảnh hưởng của mật độ đến tăng trưởng của cá Chiên bắc
4.1.2.1. Tăng trưởng về khối lượng trung bình
- Tăng trưởng về khối lượng trung bình giữa các mật độ thả nuôi
Khối lượng trung bình của cá luôn có sự sai khác giữa các mật độ nuôi trong quá trình thí nghiệm. Trong đó, cá nuôi ở mật độ M1 đạt khối lượng trung bình 360,99 ± 0,09 g/con, có sự khác biệt với cá nuôi ở mật độ M2 đạt 356,80 ± 0,08 g/con và có sự khác biệt với cá nuôi ở mật độ M3 đạt 354,33 ± 0,11 g/con.
Kết quả ở trên cho thấy, mật độ nuôi đã ảnh hưởng đến tăng trưởng về khối lượng trung bình của cá. Cá Chiên bắc khi nuôi ở mật độ M1 (20 con/m3) có sự tăng trưởng về khối lượng thân trung bình nhanh nhất và chậm nhất là mật độ M3 (40 con/m3).
          - Tốc độ tăng trưởng tuyệt đối về khối lượng thân trung bình của cá giữa các mật độ thả nuôi
Tốc độ tăng trưởng tuyệt đối về khối lượng trung bình của cá ở 3 mật độ dao động từ 1,51 ± 0,002 đến 2,47 ± 0,003g/ngày. Vào tháng nuôi thứ 5, tốc độ tăng trưởng tuyệt đối về khối lượng trung bình đạt cao nhất ở mật độ M1 là 2,47 ± 0,003 g/ngày, ở mật độ M2 đạt 2,41 ± 0,004 g/ngày và thấp nhất ở mật độ M3 là 2,39 ± 0,002 g/ngày, giữa các mật độ nuôi M1, M2, M3 có sự sai khác nhau. Chứng tỏ, mật độ nuôi đã ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng tuyệt đối về khối lượng trung bình của cá Chiên bắc nuôi trong lồng trên hồ chứa. Qua kết quả trên cho thấy, mật độ nuôi M1 trong suốt quá trình nuôi tốc độ tăng trưởng tuyệt đối về khối lượng trung bình có sự vượt trội so với các mật độ khác đặc biệt là mật độ M3.
          - Tốc độ tăng trưởng tương đối về khối lượng trung bình của cá giữa các mật độ thả nuôi
Tốc độ tăng trưởng tương đối về khối lượng trung bình của cá ở các giai đoạn nuôi khác nhau có sự khác nhau. Vào thời gian đầu của quá trình nuôi (ngày nuôi 1 ÷ 30) tốc độ tăng trưởng của cá nhanh hơn và sau đó giảm dần về cuối chu kỳ thí nghiệm (ngày nuôi 120 - 150). Tốc độ tăng trưởng tương đối về khối lượng trung bình của cá ở 3 mật độ trong quá trình thí nghiệm dao động từ 0,75 ± 0,001 đến  2,94 ± 0,008%/ngày. Tốc độ tăng trưởng tương đối về khối lượng trung bình của mật độ nuôi M1 có sự vượt trội hơn và sai khác so với mật độ M2 và M3. Kết thúc thí nghiệm, tốc độ tăng trưởng tương đối về khối lượng trung bình của cá ở mật độ nuôi M1 là cao nhất 0,78 ± 0,001 %/ngày, ở mật độ M2 và mật độ M3 là tương đương nhau lần lượt là 0,75 ± 0,001 và 0,76 ± 0,001 %/ngày. Kết quả trên cho thấy mật độ nuôi có ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng tương đối về khối lượng trung bình của cá. Trong đó, mật độ M1 có tốc độ tăng trưởng vượt trội nhất và thấp nhất là mật độ M3 trong quá trình nuôi.
4.1.2.2. Tăng trưởng về chiều dài toàn thân trung bình của cá
          - Chiều dài toàn thân trung bình của cá giữa các mật độ thả nuôi
          Tăng trưởng chiều dài toàn thân trung bình của cá nuôi ở 3 mật độ thí nghiệm tăng dần theo thời gian. Chiều dài trung bình của cá từ lúc thả đến khi kết thúc thí nghiệm đạt từ 25,46 ± 0,046 đến 26,97 ± 0,015 cm/con. Tăng trưởng về chiều dài toàn thân trung bình lớn nhất từ ngày nuôi thứ 1 đến ngày nuôi 60, giai đoạn 60 - 90 ngày nuôi sự tăng trưởng có dấu hiệu chững lại sau đó lại tiếp tục tăng cho đến kết thúc thí nghiệm nhưng mức tăng chậm hơn so với giai đoạn đầu, điều này phù hợp với quy luật phát triển của cá. Ở mật độ nuôi M1 cá có mức tăng trưởng về chiều dài toàn thân trung bình lớn nhất trong suốt quá trình nuôi và thấp nhất là mật độ M3, tăng trưởng về chiều dài toàn thân trung bình ở 3 mật độ M1, M2, M3 trong suốt quá trình thí nghiệm có sự sai khác nhau. Kết thúc thí nghiệm cá ở mật độ M1 có chiều dài toàn thân trung bình lớn nhất là 26,97 ± 0,015 cm và thấp nhất ở mật độ M3 là 25,46 ± 0,046 cm. Qua đó cho thấy, mật độ nuôi có ảnh hưởng đến tăng trưởng về chiều dài toàn thân trung bình của cá Chiên bắc khi nuôi trong lồng trên hồ chứa.
          - Tốc độ tăng trưởng tuyệt đối về chiều dài toàn thân trung bình của cá giữa các mật độ thả nuôi
Tốc độ tăng trưởng tuyệt đối về chiều dài toàn thân trung bình của cá Chiên bắc lúc đầu tăng trưởng nhanh sau đó có xu hướng giảm dần về cuối chu kỳ nuôi. Từ lúc thả cá đến lúc kết thúc thí nghiệm AGR của cá dao động trong khoảng 0,02 ± 0,002 cm/ngày đến  0,13 ± 0,001cm/ngày. Sự sai khác tốc độ tăng trưởng tuyệt đối về chiều dài toàn thân trung bình ở các ngày nuôi giữa các mật độ là khác nhau. Từ ngày nuôi 30 ÷ 60, cá tốc độ tăng trưởng tuyệt đối về chiều dài toàn thân lớn nhất và đã có sự khác nhau rõ rệt giữa 3 mật độ nuôi, cao nhất ở mật độ M1 là 0,13 ± 0,001 cm/ngày và thấp nhất ở mật độ M3 là 0,09 ± 0,002 cm/ngày. Như vậy, mật độ nuôi ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng tuyệt đối về chiều dài toàn thân trung bình của cá thí nghiệm. Tốc độ tăng trưởng tuyệt đối về chiều dài toàn thân trung bình ở mật độ M1 có tốc độ tăng trưởng vượt trội hơn khi nuôi trong lồng trên hồ chứa so với mật độ M2 và M3.
          - Tốc độ tăng trưởng tương đối về chiều dài toàn thân trung bình của cá giữa các mật độ thả nuôi
Tốc độ tăng trưởng tương đối về chiều dài toàn thân trung bình của cá ở các mật độ nuôi sau khi kết thúc thí nghiệm dao động từ 0,10 ± 0,009  đến 0,67 ± 0,007 %/ngày. Ở các ngày nuôi 1 ÷ 90 thì tăng trưởng tương đối về chiều dài toàn thân trung bình cũng khác nhau. Xét cả quá trình nuôi thì tốc độ tăng trưởng tương đối đạt cao nhất ở mật độ M1 và thấp nhất ở mật độ M3. Như vậy, mật độ nuôi đã ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng tương đối về chiều dài toàn thân trung bình của cá thí nghiệm. Từ các kết quả thu được cho thấy, khi nuôi cá Chiên bắc trong lồng trên hồ chứa với mật độ cao (40 con/m3) sẽ ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng về chiều dài toàn thân trung bình của cá Chiên bắc. Ở mật độ nuôi 20 con/m3 cho tốc độ tăng trưởng tốt nhất về chiều dài toàn thân trung bình của cá.
4.1.3. Ảnh hưởng của mật độ thả nuôi đến hệ số chuyển đổi thức ăn của cá Chiên bắc
Qua kiểm soát lượng thức ăn cá đã sử dụng, chúng tôi đã tính toán được hệ số chuyển đổi thức ăn của cá ở các mật độ nuôi như trên Bảng 2.
Các số liệu thu được trên bảng 1 cho thấy, hệ số FCR của cá ở cả 3 mật độ nuôi nhìn chung không quá cao. FCR trong toàn đợt thí nghiệm ở mật độ M1 đạt 6,18 ± 0,06; ở mật độ M2 là 6,42 ± 0,04 và ở mật độ M3 là 7,11 ± 0,07. FCR  giữa 3 mật độ nuôi có chênh lệch khá nhiều.         
Bảng 2: Hệ số chuyển đổi thức ăn của cá Chiên bắc giữa
các mật độ thả nuôi.
Thông số Mật độ thả nuôi
M1 M2 M3
FCR 6,18 ± 0,06c 6,42 ± 0,04b 7,11 ± 0,07a
Số liệu là giá trị TB ± SD. Số liệu cùng hàng với kí hiệu mũ khác nhau là khác nhau có ý nghĩa thống kê (p<0,05).
Từ kết quả trên cho thấy do mật độ nuôi M3 cao hơn hẳn 2 mật độ M1 và M2 nên trong quá trình chăm sóc và quản lý thức ăn vẫn khó khăn hơn và ít nhiều đã ảnh hưởng đến hệ số chuyển đổi thức ăn của cá nuôi ở mật độ M3.
4.1.4. So sánh hiệu quả kinh tế giữa các mật độ thả nuôi của cá Chiên bắc nuôi trong lồng trên hồ chứa.
Hiệu quả kinh tế của các mật độ nuôi cá Chiên bắc trong lồng trên hồ chứa được tính toán những chi phí trực tiếp chăm sóc cá và tổng thu. Kết quả được thể hiện ở bảng 3.
Bảng 3: So sánh hiệu quả kinh tế giữa các mật độ thả nuôi.
TT Nội dung Mật độ nuôi
M1 M2 M3
1 Tổng thu (đ) 20.680.000 30.778.000 39.204.000
2 Tổng chi phí trực tiếp (đ) 17.456.000 24.420.000 32.583.600
3 Lợi nhuận (đ) 3.224.000 6.358.000 6.620.400
4 Lợi nhuận/m3 lồng 214.933 423.867 441.360

Cá nuôi ở mật độ M3 (40 con/m3) có tổng doanh thu, lợi nhuận và lợi nhuận/m3 lồng đạt cao nhất, kế tiếp là mật độ M2 (30 con/m3) và thấp nhất là mật độ M1 (20 con/m3). Trong khi đó, khi phân tích về các yếu tố tăng trưởng, tỷ lệ sống và hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR) của cá ở các mật độ nuôi thì mật độ nuôi M1 luôn cho các chỉ số tốt nhất đặc biệt so với mật độ M3. Điều đó chứng tỏ, mật độ nuôi có ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của vụ nuôi, mật độ M3 (40 con/m3) cho năng suất cao hơn mật độ M1(20 con/m3) trên một đơn vị thể tích lồng nên cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhất trong 3 mật độ nuôi trên. Tuy nhiên, để phong trào nuôi cá Chiên bắc trong lồng trên hồ chứa phát triển một cách bền vững nên khuyến cáo người dân nuôi ở mật độ M1 (00 con/m3), để phù hợp với trình độ quản lý của người dân và đảm bảo cá tăng trưởng và cho tỷ lệ sống cao nhất.

4.2. Ảnh hưởng của các loại thức ăn khác nhau đến tỷ lệ sống và tăng trưởng của cá Chiên bắc
4.2.1. Ảnh hưởng của các loại thức ăn khác nhau đến tỷ lệ sống của cá Chiên bắc
          Tỷ lệ sống của cá Chiên bắc khi nuôi ở các loại thức ăn khác nhau trong lồng trên hồ chứa biểu thị ở Bảng 4.
Bảng 4: So sánh tỷ lệ sống của cá Chiên bắc khi sử dụng các loại
 thức ăn khác nhau
Công thức D1 (%) D2 (%) D3 (%)
Tỷ lệ sống (%) 86,67 ± 0,3a 80,00 ± 0,5c 82,67 ± 0,8b
          Số liệu là giá trị TB ± SD. Số liệu cùng hàng với kí hiệu mũ khác nhau là khác nhau có ý nghĩa thống kê (P<0,05).
Tỷ lệ sống của cá Chiên bắc ở cả ba loại thức ăn thí nghiệm đạt khá cao, dao động từ  80,00 ± 0,5%  đến 86,67 ± 0,3%. Kết thúc thí nghiệm, tỷ lệ sống của cá ở thức ăn D1 cao nhất đạt 86,67 ± 0,3%, tiếp đến là thức ăn D3 là 82,67 ± 0,8% và thấp nhất là thức ăn D2 đạt 80,00 ± 0,5%. Sự sai khác giữa 3 nghiệm thức thức ăn này có ý nghĩa thống kê p<0,05. Điều này chứng tỏ các loại thức ăn khác nhau ảnh hưởng đến tỷ lệ sống của cá Chiên bắc. Mặt khác cho thấy, cá Chiên bắc có khả năng sống rất cao trong các lồng bè trên hồ chứa khi sử dụng các loại thức ăn trên, thể hiện tính khả thi của việc xây dựng mô hình nuôi này.
4.2.2. Ảnh hưởng của các loại thức ăn khác nhau đến tăng trưởng của cá Chiên bắc
4.2.2.1. Tăng trưởng về khối lượng trung bình của cá.
- Khối lượng trung bình của cá khi sử dụng các loại thức ăn khác nhau
Khối lượng trung bình của cá sử dụng thức ăn D1 có xu hướng tăng trưởng lớn nhất, tiếp đến là thức ăn D3 và thấp nhất là thức ăn D2 từ tháng thứ nhất trở đi đến kết thúc thí nghiệm. Chứng tỏ tăng trưởng về khối lượng trung bình của cá luôn có sự sai khác ở các nghiệm thức trong suốt quá trình thí nghiệm, sự sai khác này có ý nghĩa thống kê p<0,05. Tại thời điểm kết thúc thí nghiệm, khối lượng trung bình của cá sử dụng thức ăn D1 là lớn nhất (360,95 ± 0,211 g/con), khối lượng trung bình của cá sử dụng thức ăn D3 (356,12 ± 0,119 g/con) và thấp nhất là thức ăn D2 (351,61 ± 0,274 g/con). Nhìn chung, khối lượng trung bình của cá Chiên bắc tăng dần theo thời gian nuôi và theo độ tuổi của cá.
Như vậy, các loại thức ăn khác nhau đã làm ảnh hưởng đến tăng trưởng về khối lượng trung bình của cá. Thức ăn D1 (cá tạp) cho kết quả tăng trưởng cao nhất, tiếp đến là thức ăn D3 (Cargill 30% protein) và thấp nhất là thức ăn D2 (New hope 25% protein).
- Tốc độ tăng trưởng tuyệt đối về khối lượng trung bình của cá khi cá sử dụng các loại thức ăn khác nhau
Tốc độ tăng trưởng tuyệt đối về khối lượng trung bình của cá cho thấy, tương tự như tăng trưởng về khối lượng trung bình, ở nghiệm thức cá sử dụng thức ăn D1, D3 có sự vượt trội so với nghiệm thức cá sử dụng thức ăn D2, sự sai khác giữa các nghiệm thức trong suốt quá trình thí nghiệm 150 ngày nuôi.
Tốc độ tăng trưởng tuyệt đối về khối lượng trung bình của cá trong suốt thời gian thí nghiệm dao động từ 1,43  0,002 g/ngày đến 2,53  0,005 g/ngày. Sự khác biệt thể hiện trong suốt quá trình thí nghiệm. Ở nghiệm thức cá sử dụng thức ăn D1 và D3 đạt tốc độ tăng trưởng tuyệt đối cao hơn so với nghiệm thức cá sử dụng thức ăn D2. Như vậy, các loại thức ăn thí nghiệm đã ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng tuyệt đối về khối lượng trung bình của cá với sự vượt trội của cá khi sử dụng thức ăn D1 và D3, trong đó thức ăn D1 có sự vượt trội tốt nhất.
- Tốc độ tăng trưởng tương đối về khối lượng trung bình của cá khi sử dụng các loại thức ăn khác nhau
Tốc độ tăng trưởng tương đối về khối lượng trung bình của cá ở các giai đoạn đầu của quá trình nuôi tốc độ tăng trưởng của cá nhanh hơn và sau đó giảm dần về cuối chu kỳ thí nghiệm. Tốc độ tăng trưởng tương đối về khối lượng trung bình của cá ở 3 loại thức ăn trong quá trình thí nghiệm dao động từ 0,76 ± 0,002 đến 2,97 ± 0,003%/ngày. Trong suốt quá trình thí nghiệm tốc độ tăng trưởng tương đối về khối lượng trung bình của cá ở 3 loại thức ăn luôn có sự sai khác. Tuy nhiên, sự sai khác này thể hiện không đồng nhất giữa các nghiệm thức thức ăn ở các giai đoạn nuôi. Qua đó cho thấy, các loại thức ăn khác nhau có ảnh hưởng đến tốc độ tăng tưởng tương đối về khối lượng trung bình của cá Chiên bắc nuôi lồng trên hồ chứa.
Các kết quả phân tích về tốc độ tăng trưởng tuyệt đối, tương đối về khối lượng của cá Chiên bắc ở 3 nghiệm thức thức ăn thí nghiệm đã cho thấy, cá sử dụng loại thức ăn D1 và D3 cho tốc độ tăng trưởng tốt hơn, trong đó cá sử dụng thức ăn D1 có sự tăng trưởng tốt nhất, ngược lại với loại thức ăn D2 cho tốc độ tăng trưởng kém nhất.
4.2.2.2. Tăng trưởng về chiều dài toàn thân
- Tăng trưởng về chiều dài toàn thân trung bình của cá khi sử dụng các loại thức ăn  khác nhau
Tương tự như khối lượng, chiều dài toàn thân trung bình của cá sử dụng thức ăn D1 có xu hướng lớn hơn cá sử dụng các loại thức ăn còn lại từ tháng thứ nhất trở đi. Sự khác biệt về chiều dài toàn thân trung bình của cá ở 3 nghiệm thức thức ăn thể hiện trong suốt quá trình thí nghiệm. Tại thời điểm kết thúc thí nghiệm, sau 150 ngày nuôi, chiều dài toàn thân trung bình của cá sử dụng thức ăn D1 là lớn nhất (26,95 ± 0,037 cm/con), lớn hơn cá sử dụng thức ăn D3 (25,49 ± 0,061 cm/con) và thấp nhất là cá sử dụng thức ăn D2 (25,04 ± 0,081 cm/con).
Như vậy, các loại thức ăn khác nhau đã làm cho tăng trưởng về chiều dài toàn thân trung bình của cá theo thời gian ở các nghiệm thức là khác nhau và thức ăn D1 cho kết quả tăng trưởng tốt nhất và thấp nhất là thức ăn D2.
- Tốc độ tăng trưởng tuyệt đối về chiều dài toàn thân trung bình của cá khi sử dụng các loại thức ăn khác nhau
Tốc độ tăng trưởng tuyệt đối về chiều dài toàn thân trung bình của cá Chiên bắc trong suốt thời gian thí nghiệm dao động từ 0,02  0,002 cm/ngày đến 0,13  0,001 cm/ngày. Tốc độ tăng trưởng tuyệt đối về chiều dài toàn thân trung bình của cá Chiên bắc có sự khác biệt giữa các loại thức ăn trong suốt quá trình thí nghiệm. Kết thúc thí nghiệm, cá sử dụng thức ăn D2 có tốc độ tăng trưởng tuyệt đối về chiều dài cao hơn đạt 0,11  0,001 cm/ngày, thức ăn D1 đạt 0,06  0,001 cm/ngày, thức ăn D3 đạt 0,05  0,003 cm/ngày. Tuy nhiên, xét cả quá trình thí nghiệm, thức ăn D1 có tốc độ tăng trưởng tuyệt đối về chiều dài đạt tốt nhất, tiếp đến là thức ăn D3 và thấp nhất là thức ăn D2. Như vậy, các loại thức ăn đã ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng tuyệt đối về chiều dài toàn thân trung bình của cá.
- Tốc độ tăng trưởng tương đối về chiều dài toàn thân trung bình của cá khi sử dụng các loại thức ăn khác nhau
Tốc độ tăng trưởng tương đối về chiều dài của cá Chiên bắc giao động trong khoảng từ 0,11  0,001 %/ngày đến 0,66  0,007 %/ngày. Tốc độ tăng trưởng tương đối về chiều dài có sự sai khác ở các giai đoạn nuôi, từ 1 - 60 ngày nuôi cá có tốc độ tăng trưởng cao nhất, đến giai đoạn 61 - 90 ngày nuôi giảm đột ngột và tăng dần ở giai đoạn 90 - 150 ngày nuôi. Trong suốt quá trình thí nghiệm, tốc độ tăng trưởng tương đối về chiều dài của cá luôn sai khác nhau. Xét cả quá trình thí nghiệm, thức ăn D1 có tốc độ tăng trưởng lớn nhất, tiếp đến là nghiệm thức D3 và thấp nhất là nghiệm thức D2.
Kết quả phân tích về tăng trưởng chiều dài toàn thân trung bình trên cho thấy các loại thức ăn khác nhau đã ảnh hưởng đến tăng trưởng về chiều dài của cá thí nghiệm, trong đó thức ăn D1 (cá tạp) cho kết quả tăng trưởng về chiều dài cao nhất và thấp nhất là thức ăn D2 (New hope 25% protein).
4.2.3. Ảnh hưởng của các loại thức ăn khác nhau đến hệ số chuyển đổi thức ăn của cá Chiên bắc
          Hệ số chuyển đổi thức ăn trong suốt thời gian thí nghiệm được thể hiện ở bảng 5. 
Bảng 5:  Hệ số chuyển đổi thức ăn của cá khi sử dụng các loại thức ăn khác nhau
Loại thức ăn D1 D2 D3
FCR 6,15 ± 0,08a 4,20 ± 0,07b 3,71 ± 0,06c

Số liệu là giá trị TB ± SD. Số liệu cùng hàng với kí hiệu mũ khác nhau là khác nhau có ý nghĩa thống kê (p<0,05).
          Hệ số chuyển đổi thức ăn giữa các nghiệm thức có sự chênh lệch rõ rệt giữa thức ăn cá tạp và thức ăn công nghiệp. Sở dĩ, thức ăn D1 (D1) có hệ số chuyển đổi thức ăn cao là do thức ăn cá tạp chứa một thể tích nước lớn hơn so với thức ăn công nghiệp. Nghiệm thức D3 có FCR thấp nhất 3,71 tiếp đến là nghiệm thức D2 có FCR là 4,20 và lớn nhất là nghiệm thức D1 có FCR là 6,15. Hệ số chuyển đổi thức ăn của các nghiệm thức thí nghiệm là sai khác nhau có ý nghĩa về mặt thống kê p<0,05. Điều này chứng tỏ các loại thức ăn khác nhau đã ảnh hưởng đến hệ số chuyển đổi thức ăn của cá.
4.3. So sánh hiệu quả kinh tế giữa các loại thức ăn của cá Chiên bắc nuôi trong lồng trên hồ chứa
Hiệu quả kinh tế của các các loại thức ăn khi nuôi cá Chiên bắc trong lồng trên hồ chứa được tính toán những chi phí trực tiếp chăm sóc cá và tổng thu.
Cá nuôi sử dụng thức ăn D1 (Cá tạp) có tổng doanh thu đạt cao nhất, tiếp đến là thức ăn D3 (Cargill) và thấp nhất là thức ăn D2 (New hope). Tuy nhiên, xét về tổng lợi nhuận và lợi nhuận/m3 lồng nuôi thì thức ăn D3 (Cargill) đạt cao nhất trong 3 loại thức ăn thí nghiệm, tiếp đến là thức ăn D2 (New hope) và thấp nhất là thức ăn D1 (Cá tạp). Trong khi đó, phân tích về các yếu tố tăng trưởng, tỷ lệ sống của cá ở 3 loại thức ăn thì thức ăn D1 luôn cho các chỉ số tốt nhất.  Điều đó chứng tỏ, các loại thức ăn khác nhau cho hệ số chuyển đổi thức ăn khác nhau và có ảnh hường đến hiệu quả kinh tế của cá Chiên nuôi lồng trên hồ chứa. Qua đó cho thấy, thức ăn công nghiệp hoàn toàn có thể dùng để nuôi thương phẩm cá Chiên bắc trong lồng trên hồ chứa và cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với thức ăn cá tạp khi nuôi ở mật độ 20 con/m3. Để chủ động nguồn thức ăn, hạn chế việc gây ô nhiễm, bùng phát dịch bệnh khi sử dụng cá tạp làm thức ăn nuôi cá Chiên bắc trong lồng trên hồ chứa chúng ta có thể sử dụng thức ăn công nghiệp dạng viên nổi để thay thế  cho thức ăn cá tạp trong nuôi thương phẩm cá Chiên bắc trong lồng trên hồ chứa ở Nghệ An.
5. Kết luận.
- Trong khoảng mật độ nuôi 20 - 40 con/m3, có ảnh hưởng đến tỷ lệ sống, tốc độ tăng trưởng, hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR) của cá và hiệu quả sản xuất. Trong đó, mật độ 20 con/m3, cho tăng trưởng tốt nhất và hệ số chuyển đổi thức ăn thấp nhất nhưng mật độ 40 con/m3 cho hiệu quả sản xuất cao nhất.
- Việc sử dụng các loại thức ăn khác nhau (Cá tạp; New hope 25% protein và Cargill 30% protein), có ảnh hưởng đến tỷ lệ sống, tốc độ tăng trưởng, hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR) của cá và hiệu quả sản xuất. Trong đó, loại thức ăn cá tạp cho tăng trưởng tốt nhất nhưng loại thức ăn Cargill 30% protein cho hiệu quả sản xuất cao nhất.
- Việc sử dụng thức ăn công nghiệp để thay thế thức ăn cá tạp trong nuôi cá Chiên thương phẩm có thể ứng dụng được nhưng phần nào ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng và tỷ lệ sống của cá./.
 

Tác giả bài viết: Trương Văn Toản

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Bạn muốn biết thông tin về sản phẩm tôm giống của trung tâm?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập24
  • Hôm nay10,015
  • Tháng hiện tại416,841
  • Tổng lượt truy cập7,783,156
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây