Quy trình kỹ thuật nuôi tôm 4 giai đoạn trong ao nổi có mái che

Thứ tư - 30/11/2022 21:46 933 0

 Nuôi tôm 4 giai đoạn trong ao nổi có mái che là mô hình siêu thâm canh công nghệ cao, mang lại hiệu quả cao gấp nhiều lần do người nuôi thuận lợi tăng vụ, tôm sinh trưởng phát triển khỏe mạnh, ít mắc bệnh. Tuy nhiên, yêu cầu kỹ thuật đối với người nuôi cũng khắt khe hơn và cần đầu tư chi phí ban đầu khá lớn.

Cơ sở vật chất

Bể ương cần được đặt trên một vị trí đất cao sao cho đáy của bể ương nổi cao hơn nước của ao nuôi để có thể sang ra ao lớn bằng hệ thống ống nước đã lắp đặt trước bằng cách vặn van xả, điều này giúp cho tôm ương không bị hao hụt, việc sang tôm cũng trở nên nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Bể ương nổi hình tròn phải có độ dốc lớn về tâm khoảng 5% để thu gom chất thải dễ dàng. Hệ thống bể ương nổi cần có bể chứa nước có thể tích tương đương. Để có thể thay cấp nước 100% khi cần, bể chứa nước luôn phải được xử lý sạch khuẩn, đảm bảo tiêu chuẩn để cấp nước cho bể ương. Bể ương nổi dùng cho giai đoạn ương chuẩn bị nuôi thịt, người nuôi nên dùng lưới lan che nắng để giảm biên độ biến động nhiệt độ, giảm được một phần nước mưa trực tiếp khi mưa lớn. Giá thành thấp, lại có thể tháo dần ra để tôm quen với nhiệt độ không có mái che, như vậy tôm không bị sốc nhiệt, đảm bảo tỷ lệ sống.

Ở giai đoạn 1: Ao có hình tròn hoặc hình chữ nhật, diện tích khoảng 50 – 100 m². Ao được lót bạt HDPE toàn bộ, có mái che. Mỗi ao lắp 1 máy sục khí có công suất 3 kW.

Giai đoạn 2: Ao nuôi TTCT có thể là hình tròn hoặc hình chữ nhật, diện tích khoảng 200 – 250 m², có mái che. Bờ ao phải cao hơn mức nước cao nhất trong ao từ 0,3 – 0,5 m. Bờ ao đủ rộng (>2 m) để làm đường đi lại, lắp hệ thống điện, đặt động cơ của máy quạt nước. Bờ ao được gia cố bằng bê tông hoặc lót bạt HDPE (độ dày 0,76 – 1 mm).

Giai đoạn 3: Ao nổi được lót bạt HDPE toàn bộ. Rốn ao được thiết kế ở giữa ao và có hệ thống ống dẫn xiphong chất thải ở giữa ao và dẫn ra ao chứa bùn. Mỗi ao cần được bố trí 1 máy sục khí công suất 2,5 kW, 1 quạt nước có 8 – 12 cánh, công suất 2,5 kW.

Giai đoạn 4: Ao nổi được lót bạt HDPE toàn bộ, ao có diện tích 1.000 – 1.200 m2, mật độ 120 – 130 con/m2. Rốn ao được thiết kế ở giữa ao và có hệ thống ống dẫn xiphong chất thải ở giữa ao và dẫn ra ao chứa bùn. Mỗi ao cần được bố trí 1 máy sục khí công suất 2,5 kW, 1 quạt nước có 8 – 12 cánh, công suất 2,5 kW.

Ao chứa bùn: Dùng để chứa bùn thải từ các ao nuôi xiphong ra. Chất thải được để lắng 2 – 5 ngày, sau khi bùn chìm xuống, thì bơm nước cùng chất hữu cơ lơ lửng về ao lắng thô (ao thả cá rô phi) để cá rô phi xử lý chất hữu cơ lơ lửng.

Ao lắng thô: Nước được lấy từ kênh cấp vào ao lắng, lọc qua hệ thống lọc ngầm ở giữa ao. Tại đây, cá rô phi nuôi với mật độ 3 – 5 con/m2, cỡ cá ≤ 50 g/con để xử lý nước ao nuôi nhằm tái sử dụng nguồn nước. Ao lắng thô là ao đất được khử trùng, diệt tạp.

Ao xử lý: Được dùng để xử lý các chất hữu cơ, mầm bệnh. Ao được thiết kế cho nước chảy theo đường zíc zắc từ đầu đến cuối ao. Tại ao này, nước được xử lý bằng các loại hóa chất nhằm lắng tụ các chất hữu cơ và diệt mầm bệnh.

Ao sẵn sàng: Mục đích để chứa nước đã sạch mầm bệnh và đã được điều chỉnh chất lượng đạt các chỉ tiêu quy định trong QCVN 02-19:2014/BNNPTNT về nước dùng cho nuôi TTCT, trước khi cấp vào ao nuôi. Ao sẵn sàng nên đặt ở vị trí gần ao xử lý nước và các ao nuôi. Ao sẵn sàng được bố trí 1 hệ thống giàn quạt với 12 – 14 cánh, công suất 2,5 kW.

Xử lý nước

Nước được lấy từ kênh cấp chung qua bể lọc ngầm ở đáy ao vào ao lắng thô để lắng 1 đến 2 ngày. Sau đó được bơm sang ao xử lý. Tại đường zíc zắc đầu nguồn nước được xử lý bằng PAC (Poly Aluminum Chloride) với nồng độ 5 ppm và thuốc tím (KMnO4) với nồng độ 4 – 5 ppm.

Tiếp đó nước được xử lý bằng TCCA với nồng độ 5 ppm và Chlorine 15 ppm trước khi cho sang ao sẵn sàng. Tại đây, nước được bổ sung khoáng chất, kiềm và điều chỉnh pH. Khi đạt tiêu chuẩn thì cấp vào ao nuôi ở mức 1 – 1,2 m.

Thả giống

Tôm giống cỡ PL12 trở lên, chiều dài 9 – 11 mm. Tôm giống khỏe mạnh, đồng đều, nhanh nhẹn, không dị tật, dị hình. Tôm giống được mua từ trại giống có đủ điều kiện theo quy định của Bộ NN&PTNT và đạt yêu cầu chất lượng theo TCVN 10257:2014.

Tôm giống sau khi đưa về cơ sở nuôi được cân bằng nhiệt độ với ao ương, trong khoảng thời gian từ 15 – 20 phút, rồi mới thả tôm. Nên thả tôm giống vào buổi sáng từ 6 – 8h hoặc vào chiều mát từ 16 – 17h. Mật độ ương 2.000 – 4.000 con/m².

Chăm sóc

Giai đoạn 1: Tôm được ương nuôi trong ao vèo với mật độ hơn 4.000 con/m2, ương nuôi trong vòng 18 ngày.

Giai đoạn 2: Sau khi ương nuôi khoảng 18 ngày trong ao vèo, tiến hành san ra ao nuôi có diện tích 800 m2, mật độ khoảng 550 con/m2, nuôi trong vòng 20 ngày.

Giai đoạn 3: Tiếp tục san thưa ra ao có diện tích 800 m2 mật độ 220 – 250 con/m2, nuôi 15 ngày (giai đoạn này là tôm đã nuôi được 50 ngày, tôm về size 80 con).

Giai đoạn 4: San thưa ra ao có diện tích 1.000 – 1.200 m2, mật độ 120 – 130 con/m2.

Lưu ý, khi san tôm cần kiểm tra sức khỏe tôm kỹ càng, tôm khỏe mạnh, không đang chu kỳ lột xác, vỏ chắc khỏe, tôm không bị cong, đục thân khi nhấc sàng ăn lên… Nếu tôm yếu không nên san bằng thủ công như chài, kéo lưới… tốt nhất nên dưỡng tôm thêm vài ngày, bổ sung thêm khoáng, beta glucan, Vitamin C giúp tôm khỏe lên rồi mới tiến hành san tôm. Có hai hình thức sang tôm là bằng cách mở cống, ống thông và bằng lưới kéo hoặc chài. Người nuôi nên đảo nước trước 1 – 2 ngày, mở mái che để tôm quen với môi trường bên ngoài. San tôm vào lúc mát trời, sáng sớm hoặc chiều tối.

Thức ăn sử dụng là thức ăn công nghiệp dạng viên, đã có tên trong Danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam, đảm bảo hàm lượng đạm >40%. Lưu ý biểu hiện hoạt động của tôm, diễn biến thời tiết và chất lượng nước để điều chỉnh lượng thức ăn hợp lý. Định kỳ bổ sung men tiêu, khoáng chất (Ca, P…), vitamin và axit amin thiết yếu (Lysine, Methionine…) trong khẩu phần ăn cho tôm theo liều lượng hướng dẫn. Áp dụng quy trình nuôi ít thay nước. Định kỳ bổ sung các chế phẩm sinh học, để quản lý môi trường ao nuôi sạch bệnh.

Nên sử dụng bể nuôi có kích thước lớn, có mái che chắn cẩn thận, cùng với việc sục khí đều khắp thành ao. Đảm bảo sục khí, điện, thức ăn chất lượng tốt, testkit đo môi trường phải được chuẩn bị đầy đủ. Việc chăm sóc cũng cần người có kỹ thuật và chuyên môn tốt, túc trực 24/24 để đảm bảo không có sự cố và quá lâu.

Thu hoạch

Trong giai đoạn nuôi tôm về size lớn, nếu mật độ ao nuôi quá sức tải thì tiến hành thu tỉa 1 đợt hoặc 2 đợt tùy thuộc vào mật độ, nhu cầu giá cả thị trường, tình hình sức khỏe của tôm… để mật độ trong ao 90 – 100 con/m2 giúp những cá thể tôm chưa đạt kích cỡ sẽ lớn nhanh hơn, tôm nhanh về size lớn, rút ngắn thời gian nuôi. Đồng thời, việc thu tỉa giúp người nuôi giảm thiểu những rủi ro, những khó khăn về vốn, giúp người nuôi có vốn trang trải chi phí về tiền thức ăn, nhân công, điện, tiền vi sinh, khoáng chất…

Phương Đông

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Bạn muốn biết thông tin về sản phẩm tôm giống của trung tâm?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập82
  • Hôm nay12,967
  • Tháng hiện tại428,932
  • Tổng lượt truy cập7,795,247
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây